Chuyên gia: Cuộc bức hại Pháp Luân Công có thể dẫn ĐCSTQ đến bờ diệt vong
Theo ông James Gorrie, tác giả của cuốn sách có nhan đề “The China Crisis” (Cuộc Khủng Hoảng Trung Quốc) và là cộng tác viên của The Epoch Times, cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công có thể dẫn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đến bờ diệt vong.
Gần đây, ông Gorrie đã nói với chương trình “China in Focus” (Trung Quốc Tiêu Điểm) trên NTD, hãng thông tấn cùng hệ thống với The Epoch Times, rằng “Mọi cái ác, mọi chế độ, dù xấu hay tốt, đều trải qua quá trình hình thành-diệt vong trong lịch sử. Vì vậy, nói về mặt lịch sử, chế độ ĐCSTQ một ngày nào đó sẽ tận diệt trên đống tro tàn của lịch sử. Và tôi nghĩ rằng Pháp Luân Công sẽ đóng một vai trò quan trọng trong đó.”
Pháp Luân Công, hay còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập thiền định và các bài giảng đạo đức dựa trên ba nguyên lý cốt lõi: chân, thiện, và nhẫn. Mức độ phổ biến của môn tập này lên đến đỉnh điểm vào cuối những năm 1990 ở Trung Quốc, với số lượng học viên ước tính vào khoảng từ 70 triệu đến 100 triệu người.
Vì chính quyền cộng sản lo sợ số lượng học viên này đe dọa đến quyền kiểm soát độc đoán của họ, nên họ đã khởi xướng một chiến dịch sâu rộng nhằm xóa bỏ môn tu luyện này bắt đầu ngày 20/07/1999, một chiến dịch vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Kể từ đó, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn trong khi bị giam giữ, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.
Theo chuyên gia này, chính quyền Trung Quốc tin rằng môn tu luyện Pháp Luân Công, hay “bất cứ điều gì cho thấy một quyền lực lớn hơn nhà nước trong việc điều khiển hành vi của một cá nhân,” thì đối với họ đều là mối đe dọa.
“Và đừng nhầm lẫn về điều đó. Quốc giáo của Trung Quốc là chủ nghĩa Marx mang ‘bản sắc Trung Quốc’, mà thực chất là có nghĩa là số lượng người cao hơn,” ông nói thêm.
Cuộc thỉnh nguyện với mục đích cao cả và mang tính lịch sử
Ông Gorrie đã kể về một cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của khoảng 10,000 học viên ở Trung Quốc cộng sản vào ngày 25/04/1999.
Vào ngày hôm đó, ước tính có khoảng 10,000 học viên Pháp Luân Công đã tập trung tại Văn phòng Khiếu nại của Quốc Vụ viện ở Bắc Kinh để thỉnh nguyện theo pháp luật. Họ kêu gọi thả 45 học viên đã bị bắt giữ ở thành phố Thiên Tân vào ngày 23/04 và 24/04 năm đó.
Cảnh sát chống bạo động đã đánh đập và bắt giữ tùy tiện các học viên sau một bài viết bôi nhọ Pháp Luân Công được đăng trên một tạp chí quốc gia. Các vụ sách nhiễu học viên khác đã xảy ra kể từ tháng 06/1996, khi Bộ Tuyên truyền chỉ thị các cấp chính quyền chỉ trích môn tu luyện này.
Vào ngày 25/04, Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Chu Dung Cơ (Zhu Rongji), quan chức đứng đầu của Quốc Vụ viện, đã đích thân ra khỏi khu nhà chính phủ để gặp gỡ các học viên này. Hàng ngàn người đã kháng nghị ôn hòa đã lặng lẽ ra về sau khi ông Chu Dung Cơ đưa ra một giải pháp.
Tuy nhiên, chưa đầy ba tháng sau, vào ngày 20/07/1999, lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân đã chính thức khởi xướng một chiến dịch đàn áp tàn bạo trên toàn quốc nhắm vào các học viên Pháp Luân Công và chiến dịch đó vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay.
Ông Gorrie cho biết, mặc dù cuộc thỉnh nguyện tháng Tư đã diễn ra trong ôn hòa, nhưng chế độ này vẫn quyết định tiến hành một cuộc đàn áp đối với phong trào này vì lo sợ rằng “phong trào này sẽ thu hút sự chú ý của quốc tế, phong trào này sẽ thu hút được nhiều người ủng hộ, phong trào này sẽ giành được quyền lực, giành được sức mạnh.
“Chính phủ không sợ người dân … nhưng ĐCSTQ đã tiến hành chiến tranh chống lại người dân Trung Quốc trong một thời gian dài … Vì vậy, họ sợ người dân của họ hơn là sợ bất kỳ ai khác,” ông lưu ý.
Để chứng minh quan điểm của mình, ông đã trích dẫn một bài báo của Financial Times, nói rằng một thập niên trước, ngân sách của Trung Quốc cho các bộ máy an ninh nhà nước đã vượt qua ngân sách quốc phòng của nước này.
Ngân sách an ninh công cộng đã tăng cao hơn gần 20% so với ngân sách quốc phòng. “Chi tiêu an ninh nội địa lần đầu tiên vượt qua chi tiêu quốc phòng bên ngoài vào năm 2010, một năm sau khi các cuộc bạo loạn chí mạng do căng thẳng sắc tộc bùng phát ở thủ phủ Ô Lỗ Mộc Tề của Tân Cương,” bài báo này nêu rõ.
Để biện minh cho việc bắt đầu cuộc đàn áp này, ông Gorrie nói: “Họ đã làm [điều mà] các chế độ độc tài, toàn trị, và bất hợp pháp điển hình đã làm. Họ tạo ra một tên bù nhìn rơm, hoặc họ hư cấu một vụ việc, rồi đổi tên vụ việc đó thành một cuộc bao vây hoặc một cuộc nổi loạn hoặc một cuộc nổi dậy.”
Theo ông Gorrie, sự kiện thỉnh nguyện này có một mục đích cao cả vì nó là “một trong những chồi xanh đâm xuyên qua một tấm bê tông dày cộp của sự áp bức và đàn áp.”
“Và về lâu dài, tôi xem đó là một điều tích cực và là một nhân tố lãnh đạo vĩ đại, là một phong trào tiên phong cho tự do và quyền bày tỏ của con người,” ông cho biết.
Một trận chiến tinh thần
Theo chuyên gia này, sự phổ biến của môn tu luyện này ở hơn 100 quốc gia so với cuộc đàn áp chống lại môn tu luyện này ở Trung Quốc thể hiện một trận chiến tinh thần chống lại cái ác và các thế lực tà ác.
Ông Gorrie nói: “Hầu hết nhân loại đều muốn có một xã hội dựa trên công lý, tự chủ, khiêm tốn, hòa bình, và những điều tương tự.”
Trong khi đó, ông cho biết, ĐCSTQ đã gây ra vô số điều tồi tệ ở Trung Quốc. Vì vậy, khi mọi người tìm thấy sức mạnh trong một thứ không thể bị dập tắt bởi một viên đạn hay một bản án tù, thì nỗi sợ hãi của ĐCSTQ sẽ tăng lên.
“Đó là lý do tại sao họ sợ môn tu luyện này, thành thật mà nói, các chế độ bất hợp pháp sợ mọi thứ. Chính phủ hợp pháp không sợ người dân.”
Ông Gorrie đã gọi những nỗ lực tập thể chống lại sự tuyên truyền và bức hại của ĐCSTQ là một mục đích cao cả và mang tính lịch sử để đứng lên chống lại cái ác và sự chuyên chế.
“Tôi nghĩ rằng trong tương lai, họ sẽ tiếp tục đóng một vai trò to lớn bởi vì Trung Quốc càng bức hại họ thì Trung Quốc sẽ càng trông xấu tệ hơn” trong mắt cộng đồng quốc tế, ông Gorrie nói.
Ông nói, “Các học viên Pháp Luân Công, họ đang phát triển dựa trên nền tảng Nho giáo có tuổi đời hàng thế kỷ cũng như những đặc tính văn hóa hồng đại của nền văn hóa Trung Hoa vốn phần lớn đã bị xóa sổ, có lẽ nhiều người đã lãng quên nền văn hóa ấy, nhưng nó không hoàn toàn bị chìm vào quên lãng. Có điều tôi nghĩ rằng chúng ta đang thấy một lời nhắc nhở bên trong Trung Quốc rằng những giá trị quan và giá trị truyền thống đó, cũng như cách hành động của một chiến binh ôn hòa, có thể nói như vậy, sự tự chủ, kỷ luật tự giác, và sự khiêm tốn, dám đứng lên vì lợi ích của chính họ, là một điều tuyệt vời.”
Bản tin có sự đóng góp của Danella Pérez Schmieloz và Rita Li
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times