Tín tâm kiên định chiến thắng sự tra tấn
Bốn mươi tù nhân đã bị bắt quay mặt vào tường trong buồng giam nhỏ và dơ bẩn khi cô Crystal Trần (Trần Hoa) bị tra tấn. Công an muốn đoan chắc rằng các tù nhân nghe được âm thanh tra tấn nhưng không thấy cảnh tra tấn. Nạn nhân trước đó đã bất tỉnh, vì vậy cô Trần là một thử thách mới đối với họ.
Họ đã vật cô xuống sàn nhà và bốn người đàn ông vạm vỡ từ Phòng 610 khét tiếng của Trung Quốc đã ghì chặt tay chân cô.
Một chai nước đã được cắt đôi để làm một cái phễu. Một bọc muối nặng 1 pound (454 gram) đã được đổ vào bên trong chai, thêm một chút nước. Họ đã bịt mắt cô Trần bằng một chiếc khăn bẩn. Cai ngục đã nhét miệng chai vào giữa hàm răng của cô Trần và cố gắng cậy miệng của cô bằng một bàn chải đánh răng đã qua sử dụng. Cô đã kiên quyết không mở miệng, vì cô biết nước muối có thể khiến cô mất mạng.
Nữ cai ngục đã sai những người đàn ông dùng một que nhọn để rạch chân cô, [biện pháp tra tấn này] đã khiến cô thở gấp.
“Nước muối chảy đầy miệng của tôi và trào lên mũi của tôi,” cô Crystal chia sẻ trong một buổi phỏng vấn ở New York, sau khi cô tới Hoa Kỳ vào ngày 13/05/2009.
“[Tôi cảm thấy] nóng, bỏng rát ở cổ họng và mũi của mình. Tôi không thể thở được; tôi nghĩ chắc mình sắp không qua khỏi.”
Cô Trần kể lại, khi cô đang chật vật vùng vẫy trong đau đớn, cô quyết định trấn tĩnh [bản thân] và cầu [Thần Phật] gia trì để vượt qua [khó nạn này]. Gần như ngay tức khắc, trưởng cai ngục đã ra lệnh ngừng tra tấn, còn một trong những cai ngục đang giữ cô thì té ngã xuống đất.
“Trong những ngày tiếp theo, tôi đã nôn ra muối và máu, tôi cũng không thể ăn gì,” Cô Trần cho biết. “Nướu răng của tôi dính đầy máu, gần như tôi không thể nói chuyện được. Họ vẫn còng tay tôi.”
Phòng 212 ở Trại tạm giam Quận Thiên Hà, Thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, là nơi cô Trần bị tra tấn lần đầu tiên. Khi đó, cô mới 27 tuổi và đã tu luyện Pháp Luân Công được ba năm. Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần cổ xưa. Cô Trần bị bắt giữ chỉ vài ngày trước Lễ Giáng Sinh năm 1999, sau khi cô nộp một tờ đơn thỉnh nguyện tại Văn phòng Kháng cáo Trung ương, bày tỏ mong muốn của cô về việc chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Sáu ngày sau khi cô được thả ra khỏi trại tạm giam, một nam học viên tên là Cao Hiến Minh (Gao Xianmin), đã qua đời sau khi phải chịu cùng một biện pháp tra tấn bằng nước muối với nồng độ cao.
Không lâu sau, cô Trần bị sa thải vì lý do “vi phạm nội quy lao động.” Cô là một trong hàng trăm ngàn học viên Pháp Luân Công từng bị sách nhiễu tại nơi làm việc và mất việc làm trong khi cuộc bức hại diễn ra ở Trung Quốc.
Vào năm 2000, cô Trần lại bị bắt giữ vào một trại tạm giam thuộc tỉnh Hà Bắc.
“Họ đã còng tay tôi vào một ống tản nhiệt trong vòng ba ngày và ép tôi nói ra tên của mình,” cô kể lại. “Tôi đã chứng kiến nhiều học viên đến từ khắp nơi ở Trung Quốc bị tra tấn bằng những que nhọn, treo lên, và sốc điện bằng dùi cui; da của họ đầy vết bầm tím và vết bỏng.”
Trại Cưỡng bức Lao động Tra Đầu sử dụng các biện pháp tra tấn hơi khác một chút. Năm 2000, cô Trần đã bị kết án hai năm ở đó mà không hề qua xét xử.
Vào một ngày nọ, khoảng 9 giờ sáng, ở trại lao động Tra Đầu, cô Trần bị đưa vào một căn phòng tối với tất cả cửa sổ đều bị che kín bằng những tờ báo.
“Các cai ngục gọi vài người phụ nữ nghiện ma túy đến và trói tay chân của tôi lại: họ bắt tôi ngồi thế hoa sen song bàn và trói chân của tôi trong tư thế đó; rồi họ trói tay của tôi ra sau lưng và đẩy tôi vào giữa căn phòng; họ liên tục đánh đập và nhục mạ tôi. Tôi đã bị trói như thế trong suốt 14 giờ, không được đi vệ sinh, không được phép ngủ. Sau lần đó, hai chân của tôi đã bị tê liệt trong một thời gian dài.”
Cô Trần cho biết hai học viên khác, là Tiêu Kiện và Đường Ất Văn, đã bị tàn tật vĩnh viễn sau màn tra tấn này.
“Ngay sau màn tra tấn này, bọn họ đã đưa tôi vào một tư thế khác gọi là ‘đứng hình chữ thập.’ Họ đã còng và kéo căng hai tay của tôi ra hai bên hết cỡ, bắt tôi phải đứng suốt ở tư thế đó trong vòng ba ngày.”
Năm 2004, cô Trần lại bị đưa vào Trại giam Quận Thiên Hà, lần này là trong vòng hai năm rưỡi. Ở đó, cô trở thành nạn nhân đầu tiên bị bức thực bằng một ống cao su nhét vào dạ dày thông qua đường mũi.
“Những bác sĩ ở trại giam không có kiến thức về truyền thức ăn qua đường mũi,” cô Trần nói. “Họ ép tôi ngồi xuống một chiếc ghế, hai tay của tôi bị trói lại và đầu bị đẩy về phía sau. Sau khi họ nhét ống cao su qua mũi để luồn xuống dạ dày của tôi, thậm chí những bác sĩ ở trại giam còn kéo ống tới lui nhiều lần để gây thêm đau đớn.”
Cô Trần nói, họ đã để ống cao su nhét vào người cô như thế trong vòng vài ngày, với phần cuối của ống được dán vào một bên đầu của cô và để phơi ra ngoài không khí. Cô sợ không dám rút ống ra vì cô hiểu được mức độ đau đớn khi nó được nhét vào lại.
“Tôi đã không từ bỏ tu luyện sau nhiều ngày bị tra tấn như vậy,” cô chia sẻ. “Công an cảm thấy bất lực nên họ đưa tôi tới Bệnh viện Bưu chính Quảng Châu để truyền dịch. Một viên công an đã nói chuyện với một cai ngục họ Trịnh rằng, “Chúng ta nên đưa cô ta tới Bệnh viện Khang Hoa để cưỡng gian.’”
Cô Trần đã thoát khỏi việc bị cưỡng gian, mặc dù cô có bị quấy rối tình dục.
Đối với cô Trần, hành trình đào thoát sang Thái Lan và cuối cùng được chấp nhận vào Hoa Kỳ với tư cách là một người tị nạn của Liên Hiệp Quốc là một chặng đường thật dài. Giờ đây, khi rảo bước trong sự tự do, cô cam kết sẽ chấm dứt cuộc bức hại ở Trung Quốc này.
Ngày 20/07 năm nay sẽ đánh dấu 24 năm kể từ khi chế độ cộng sản Trung Quốc phát động một chiến dịch bức hại đối với Pháp Luân Công.
Xem thêm video: Cuộc Đại Thảm Sát của thế kỷ 21
Nhóm biên dịch Văn hóa-Đời sống Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times