Chuyên gia: Các hành động chính trị của ông Tập đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ cộng sản Trung Quốc
Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền hồi năm 2012, các chiến dịch chống tham nhũng của ông đã thanh trừng một cách có hệ thống các đối thủ chính trị. Mặc dù không có đối thủ nào đủ mạnh để thách thức địa vị của ông Tập, nhưng các chuyên gia tin rằng nền kinh tế là thách thức lớn nhất đối với quyền lực của ông Tập; tuy nhiên, sự kém cỏi trong việc giải quyết khủng hoảng [kinh tế], kết hợp với sự chuyên quyền độc đoán của ông Tập, là [những nhân tố] thúc đẩy hơn nữa tiến trình sụp đổ chế độ độc tài của ông ta.
Trong những tháng gần đây, ông Tập Cận Bình đã cách chức hai quan chức hàng đầu là Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, cả hai đều là những trợ lý thân cận và đáng tin cậy của ông, cùng một số lượng đáng kể các tướng lĩnh quân sự cao cấp và lãnh đạo các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng. Đồng thời, có những đồn đoán cho thấy những người cộng sản thuộc thế hệ Hồng nhị đại đang tạo ra một thách thức đối với ông Tập Cận Bình.
Ông Tôn Quốc Tường (Sun Kuo-hsiang), một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Hoa ở Đài Loan, nói rằng, “Một cơn bão chính trị mới có thể đang trong giai đoạn hình thành, và đến một ngày cơn bão này có thể trở thành hiện tượng khí hậu, đó chính là lúc chế độ này gặp nguy hiểm.”
Tại phiên họp toàn quốc lần thứ 20 của cơ quan lập pháp bù nhìn hồi năm 2022, ông Tập đã sắp xếp để những người trung thành đảm nhận các vị trí quyền lực, củng cố chế độ chuyên quyền cá nhân của ông. Tuy nhiên, Bắc Kinh tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì “sự lãnh đạo tập trung và thống nhất” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với ông Tập là nòng cốt của Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời trừng phạt những quan chức có thái độ thờ ơ và thiếu hiệu quả.
Theo cơ quan ngôn luận của đảng, tờ Nhân dân Nhật báo, “sự trì trệ hoặc hiệu quả thấp” của các quan chức đã là một hiện tượng phổ biến ngay từ đầu năm 2016, khi phần lớn các quan chức thiếu đạo đức nghề nghiệp, bằng chứng là thường xuyên đi làm muộn hoặc về sớm.
Ông Tôn cho biết: “Xu hướng quan chức có thái độ bê trễ thực sự đã bắt đầu kể từ nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập hồi năm 2015.”
Ông Tôn nói rằng, bởi vì ông Tập tin rằng bản thân mình rất lợi hại, ông ta muốn kiểm soát mọi thứ, do đó rất nhiều người nói là “thế thì để ông ta quản lý hết đi,” điều này tạo thành văn hóa bình thản (không màng thế sự, ở Trung Quốc gọi là văn hóa thảng bình, hay nằm phẳng) trong giới quan chức. Ông Tôn tiếp tục, “Điều này cuối cùng sẽ dẫn đến sự suy giảm tính hiệu quả trong khả năng quản lý của chính quyền, tạo thêm thách thức đối với tính hợp pháp về cách lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.”
Ông Tôn nói rằng khi ông Tập giành được nhiệm kỳ thứ ba, ông ta không chỉ phá vỡ hệ thống kế nhiệm quyền lãnh đạo của đảng, mà còn tạo ra nguy cơ xảy ra tranh đấu chính trị trong nội bộ đảng để giành quyền lãnh đạo tiếp theo, “Cộng đồng quốc tế nên chuẩn bị cho sự sụp đổ của ĐCSTQ và những thay đổi lớn ở Trung Quốc.”
Ông Tôn cho rằng đặc biệt là vì không có cách nào để thực hiện những cải tổ trong thể chế, nên ông Tập đã gây ra những vấn đề quá lớn không thể giải quyết được trong nền kinh tế Trung Quốc.
Khủng hoảng kinh tế
Gần đây, Bắc Kinh tuyên bố rằng GDP của Trung Quốc trong năm 2023 đã vượt các mục tiêu tăng trưởng 5.2% hàng năm của chính quyền, theo ước tính từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Ông Tôn cho rằng ĐCSTQ hiện đang phải chật vật với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lĩnh vực kinh tế, “độ chính xác của dữ liệu đó là rất đáng ngờ,” ông nói.
Ông nói rằng có thể dự đoán khả năng cao là GDP của Trung Quốc sẽ tiếp tục sụt giảm vào năm 2024 và 2025.
Ông Tôn giải thích rằng ĐCSTQ đã lừa người dân Trung Quốc để họ tin rằng chính sự cai trị thành công của ĐCSTQ đã dẫn đến tăng trưởng kinh tế, khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động kinh tế và bỏ qua những thiếu sót chính trị, chẳng hạn như không có các quyền bầu cử và tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, với tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay, ưu tiên hàng đầu của ông Tập là bảo vệ chế độ độc tài bằng cách thực thi các biện pháp như luật chống gián điệp, vốn cho phép Trung Quốc có nhiều thời gian để điều tra và truy tố các công ty ngoại quốc, chỉ gây thêm tổn hại cho thị trường Trung Quốc và nền kinh tế tổng thể ở Trung Quốc. Ông Tôn cho biết: “Điều này đã dẫn đến nghi ngờ về tính hợp pháp đối với việc cai trị Trung Quốc mà ĐCSTQ đã khẳng định.”
Ông Tô Tử Vân (Su Ziyun), Giám đốc Tài nguyên Quốc phòng và Nghiên cứu Công nghiệp tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Đài Bắc, nói thêm rằng các vấn đề xã hội của Trung Quốc như dân số lão hóa và khủng hoảng thị trường địa ốc đã góp phần vào sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, như được thể hiện qua sự sụt giảm của chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông.
Ông Tô cho biết: “Chứng khoán Hồng Kông đã giảm mạnh nhiều ngày liên tiếp và vốn tiếp tục chảy ra ngoài, đây là những chỉ báo về chính trị thị trường, khẳng định rằng đối với chế độ này, năm nay có thể là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang bắt đầu tiến gần đến bờ vực sụp đổ.”
Ông lấy diễn biến của thị trường chứng khoán vào ngày 19 làm ví dụ: “Khi thị trường chứng khoán Hồng Kông đối mặt với sự suy giảm liên tục, thì thị trường chứng khoán Đài Bắc đã tăng vọt hơn 453 điểm. Điều này cho thấy vốn ngoại quốc đang chuyển từ Trung Quốc sang Đài Loan.”
Ông nói thêm rằng: “Hiện tại, sau cuộc bầu cử ở Đài Loan, điều đó hàm ý rằng vốn ngoại quốc rất tin tưởng vào Đài Loan và mất niềm tin nghiêm trọng đối với ĐCSTQ. Ngoài cuộc chiến thương mại, lý do chính là ĐCSTQ đang ngăn cản việc bảo vệ thị trường tự do, do đó xua đuổi các nguồn vốn ngoại quốc này.”
Ông Tô cho biết cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc có mối liên hệ phức tạp với bối cảnh quốc tế. Hiện tại, mặc dù cộng đồng quốc tế không lựa chọn tách rời một cách rõ ràng, nhưng họ đang tiến hành quá trình giảm thiểu rủi ro.
Ông Tô nói: “Khi Hoa Kỳ và châu Âu — cùng với các quốc gia khác, trong đó có Đài Loan — đặt mục tiêu giảm rủi ro cho chuỗi cung ứng của mình, thì điều đó cho thấy họ đang muốn giảm bớt phụ thuộc vào thị trường và chuỗi cung ứng Trung Quốc.”
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times