Chuyên gia bàn về các luận điểm trong bài diễn văn của ông Tập Cận Bình về hai bờ eo biển
Hôm 16/10, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành hai giờ đồng hồ để đọc bài diễn văn khai mạc đại hội toàn quốc lần thứ 20 của cơ quan lập pháp bù nhìn. Trong quá trình đánh giá nội dung bài diễn văn của ông Tập, các chuyên gia ở Đài Loan cho biết, ngoài việc lặp đi lặp lại và tự ca ngợi bản thân, thì ông Tập là “Bàn Đạp Chính” trong việc đẩy nhanh sự giải thể của Đảng.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức đại hội toàn quốc 5 năm một lần, với sự tham gia của đại diện Đảng bộ các cấp, để tổng kết công việc trong 5 năm qua, đưa ra đường hướng chính sách cho quốc gia trong 5 năm tới, và quan trọng nhất là quyết định Bí thư Đảng và người lãnh đạo cao nhất của đất nước — cũng là điều mà cộng đồng quốc tế chú tâm.
Để phân tích cuộc tranh đấu quyền lực có thể xảy ra tại kỳ đại hội hiện tại ở Bắc Kinh, và ý nghĩa của hoạt động này đối với an ninh thế giới, Viện nghiên cứu Chính sách Quốc gia có trụ sở tại Đài Bắc hôm 17/10 đã tổ chức một hội nghị chuyên đề có tên là “Tập trung, Quan sát, và Phân tích Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ”.
Những người tham gia bao gồm các quan sát viên, học giả, nhà nghiên cứu, và các chuyên gia về mối bang giao xuyên eo biển.
Nội dung vô nghĩa
Ông Yaita Akio, một ký giả từng sống tại Bắc Kinh năm 2007, là giám đốc chi nhánh Đài Bắc của tờ nhật báo Nhật Bản Sankei Shimbun.
Đánh giá từ góc độ kinh nghiệm làm báo trước đây của mình ở Bắc Kinh, ông Akio cho biết ĐCSTQ đã áp dụng các biện pháp phong tỏa thông tin chặt chẽ nhất trong kỳ đại hội lần này, đây là điều ông chưa từng thấy trước đây.
Ông nói, “Đặc biệt là việc sắp đặt có thể có về nhân sự trong ban lãnh đạo cao cấp nhất giờ vẫn được giữ kín như bưng. Điều đó cho thấy xã hội Trung Quốc đã quay trở về thời Cách mạng Văn hóa.”
Ông Akio nhận xét rằng ông Tập đã né tránh các vấn đề quan trọng bằng cách phủ lấp báo cáo chính trị của mình với toàn nội dung vô nghĩa.
Ông hỏi, “Làm thế nào mà lễ kỷ niệm 100 năm của ĐCSTQ có thể được tính là một thành tựu chính trị cơ chứ?”
Mặc dù phần lớn tầng lớp trung lưu đã quay trở lại tình trạng nghèo đói, nhưng ông Tập vẫn rao giảng rằng Trung Quốc đã thoát nghèo, ông Akio nói. “Việc trị quốc của ông Tập đang gặp phải vấn đề lớn.”
Ông Akio tin rằng ông Tập chắc chẵn vẫn sẽ là Bí thư Đảng trong nhiệm kỳ thứ ba, mặc dù ông đã né tránh ba vấn đề chính mà mọi người đều quan tâm. Báo cáo của ông Tập không đưa ra định hướng nào về cách ĐCSTQ sẽ phản ứng với xung đột Mỹ-Trung đang gia tăng, cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội bên trong Trung Quốc do chính sách zero COVID gây ra, và sự ủng hộ ngày càng tăng đối với nền dân chủ và chủ quyền của Đài Loan trên trường quốc tế, theo phân tích của ông Akio.
Ông nói: “Các mối bang giao, phòng chống dịch bệnh, và vấn đề Đài Loan là ba quả bom hẹn giờ sẽ ảnh hưởng mạnh đến ĐCSTQ.”
Bắc Kinh đang lo lắng
Ông Trương Hiển Siêu (Hsien-Chao Chang), Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc và khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, Đại học Quốc lập Tôn Trung Sơn, chỉ ra rằng báo cáo của ông Tập rất hay sử dụng từ “an ninh”, cho thấy nhà cầm quyền nước này đang vô cùng lo lắng.
Ông tin rằng ông Tập sẽ chính thức bước vào nhiệm kỳ trọn đời của mình, và cuộc đấu tranh phe phái trong Đảng rồi cũng sẽ lắng xuống khi ông Tập vẫn nắm quyền.
Ông nói: “Đại hội toàn quốc lần thứ 20 là kỳ họp ‘Năm nhất của ông Tập Cận Bình.’”
Ông tin rằng Đài Loan sẽ phải đối mặt với một vấn đề quốc gia cấp bách vì ông Tập đã nói trong bài diễn văn của mình rằng ông nhất định sẽ giải quyết vấn đề Đài Loan bằng cách thống nhất.
Cuộc đấu tranh kế nhiệm
Ông Uông Hạo (Wang Hao), một nhà phân tích về chính trị và bang giao quốc tế, cho rằng việc ông Tập giành được nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba sẽ hiện thực hóa tham vọng cầm quyền suốt đời của ông Tập và củng cố quyền lực của ông ở trong Đảng.
Tuy nhiên, ông vẫn phải đối mặt với vấn đề người kế vị, vì việc liệu ông có tiến cử con gái mình vào giới chính trị hay không vẫn còn phải chờ xem.
Vì vậy, khi đến lúc chỉ định người kế nhiệm, cuộc đấu tranh giữa nhà độc tài và người kế vị thường là khởi đầu của cơn ác mộng. Ông Hạo nói: “Ông Tập sẽ không thể thoát khỏi số phận của mình trong cuộc đấu tranh giành quyền kế vị này.”
Ông Tập cho thấy sự kém cỏi
Ông Phạm Thế Bình (Shih-Ping Fan), một giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Đông Á, Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan, tin rằng những lời tuyên truyền và rao giảng trong báo cáo của ông Tập cho thấy ông ấy “hiển nhiên đang tỏ ra mạnh mẽ bên ngoài” [tức là phô diễn sức mạnh mà ông ấy thực sự không sở hữu].
Ông tin rằng ông Tập vừa bất lực, vừa gặp khó khăn trong vấn đề Đài Loan.
Ông Phạm nói: “‘Một quốc gia, hai chế độ’ của ông Tập không phải là thứ bán được ở Đài Loan.”
Ông Tập nói rằng “các thế lực bên ngoài” không nên can thiệp vào vấn đề Đài Loan; nhưng “ông Tập chính xác là người đã đẩy vấn đề Đài Loan trở thành một vấn đề quốc tế,” ông Phạm giải thích.
Sự tẩy chay ngày càng tăng của quốc tế
Ông Lâm Chính Nghĩa (Cheng-Yi Lin), một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Âu Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan, nói rằng ông Tập đã thực hiện một hành động chưa từng có khi nhấn mạnh “an ninh quốc gia” trong bài diễn văn của mình.
Ông Tập đã dành cả một phần trong bài diễn văn của mình để trình bày chi tiết về “Hiện đại hóa Năng lực và Hệ thống An ninh Quốc gia của Trung Quốc, Kiên quyết Duy hộ An ninh Quốc gia và Ổn định Xã hội.”
Ông Lâm tin rằng ông Tập đang rất lo ngại sẽ phải đối mặt với sự tẩy chay ngày càng gia tăng của công đồng quốc tế, đặc biệt khi chính phủ ông Biden đang cải thiện mối bang giao với các nước Âu Châu.
ĐCSTQ cài nhiều đặc vụ ở Đài Loan
Ông Quách Dục Nhân (Yujen Kuo) là Giám đốc Điều hành của Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia.
Đề cập đến các thế lực bên ngoài, ông Quách cho là ông Tập đang đưa ra ba mối quan tâm chính: Thứ nhất, phiên bản cuối cùng của Đạo luật Chính sách Đài Loan 2022 vẫn chưa được ban hành; Thứ hai, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn thăm Hoa Kỳ trước khi bà kết thúc nhiệm kỳ, hành động này sẽ thiết lập nền tảng cho bang giao Hoa Kỳ-Đài Loan; Thứ ba, việc hỗ trợ quân sự cho Đài Loan được quy định trong Đạo luật Chính sách Đài Loan 2022 của Hoa Kỳ.
Ông Quách cho biết ĐCSTQ sẽ tiếp tục công bố danh sách các biện pháp trừng phạt của mình đối với những phần tử cứng đầu ủng hộ “Đài Loan độc lập”, trong đó ông Tập đề cập rằng ông “phản đối các hoạt động ly khai nhằm giành độc lập cho Đài Loan” trong bài diễn văn của mình.
Mục đích chính là buộc nhiều doanh nhân và nghệ sĩ Đài Loan trong ngành giải trí phải hát về “hòa bình thống nhất,” ông nói.
Ông cảnh báo rằng khi ông Tập tuyên bố “ủng hộ vững chắc những người ái quốc ở Đài Loan” trong bài diễn văn của mình, điều đó có nghĩa là ĐCSTQ sẽ bồi dưỡng thêm nhiều đặc vụ của ĐCSTQ ở Đài Loan.
Cuối cùng, ông Quách khuyên chính phủ Đài Loan nên nhận thức được thách thức khi ông Tập tuyên bố duy trì “sáng kiến và khả năng dẫn dắt trong mối bang giao hai bờ eo biển,” ý tứ thực sự của ông ta là ĐCSTQ sẽ tăng cường các biện pháp đơn phương chống lại Đài Loan.
Bản tin có sự đóng góp của Ngô Mân Châu
Hồng Ân bên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times