Chuyên gia: Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát tài chính để chuẩn bị chiến tranh ở Eo biển Đài Loan
Gần đây, Bắc Kinh đã đưa ra định hướng cho các chính sách tài chính của nước này, và một số nhà quan sát Trung Quốc tin rằng đây là dấu hiệu cho thấy ý định của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể xảy ra ở Eo biển Đài Loan.
Hội nghị Công tác Tài chính Quốc gia (NFWC) được tổ chức 5 năm một lần tại Bắc Kinh từ ngày 30 đến ngày 31/10. Ông Tập cho biết việc phát triển tài chính của Trung Quốc sẽ “tuân theo sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc,” phương tiện truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin.
Các chuyên gia lưu ý rằng ông Tập đang củng cố quyền lực của mình, đưa chế độ này vào tư thế sẵn sàng sử dụng vũ lực để nắm quyền kiểm soát Đài Loan và “hợp nhất” hòn đảo này với Hoa lục.
Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc kiêm cựu giáo sư luật tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Đó là lý do duy nhất khiến ông Tập Cận Bình theo đuổi một cách tiếp cận toàn diện nhằm tập trung quyền kiểm soát vào hai lĩnh vực là kinh tế và chính trị.”
‘Mối đe dọa đối với Đài Loan vẫn sẽ tồn tại’
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khẳng định rằng Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc và phải được hợp nhất với Hoa lục bằng mọi giá. Tuy nhiên, ĐCSTQ chưa bao giờ cai trị Đài Loan, và hòn đảo này trên thực tế vẫn duy trì nền độc lập kể từ khi Nội chiến Trung Quốc kết thúc vào năm 1949.
Tuy nhiên, ông Tập đã gắn sự thống nhất của cả hai quốc gia này với khát vọng đưa Trung Quốc trở thành siêu cường hàng đầu thế giới vào năm 2049, trùng với dịp kỷ niệm 100 năm ngày ĐCSTQ lên cai trị đất nước.
Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường cưỡng bách quân sự đối với Đài Loan, hành động này thể hiện qua việc điều động số lượng chiến đấu cơ kỷ lục đến gần hòn đảo.
Theo dữ liệu của Bộ Quốc phòng Đài Loan (MND), chỉ riêng năm 2022, Trung Quốc đã điều động tổng cộng 1,737 phi cơ bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Con số này tăng 79% so với 972 phi vụ xâm nhập vào năm 2021.
Ông Tập đã ra lệnh cho quân đội của mình chuẩn bị cho một cuộc xâm lược Đài Loan có thể xảy ra vào năm 2027, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ William Burns cảnh báo, “mặc dù ông ấy có thể đã được cảnh tỉnh bởi những kinh nghiệm mà quân đội Nga trải qua ở Ukraine,” Reuters đưa tin hồi tháng Hai.
Ông Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, gần đây tuyên bố rằng quân đội Trung Quốc “sẽ không nhẹ tay” với bất kỳ ai cố gắng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Ông La Chính Vũ (Luo Zhengyu), một sĩ quan tình báo tại Trung tâm Nghiên cứu Tình báo của Bộ Quốc phòng Đài Loan, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng nhận xét của ông Trương nhấn mạnh thực tế rằng chừng nào chính sách quốc phòng của ĐCSTQ không thay đổi thì “mối đe dọa đối với Đài Loan sẽ vĩnh viễn tồn tại.”
Ông Viên Hồng Băng tin rằng nếu ông Tập duy trì quyền kiểm soát đối với lĩnh vực tài chính của Trung Quốc, điều đó sẽ mang lại cho ông ta tài lực để chống lại các biện pháp trừng phạt kinh tế tiềm tàng từ cộng đồng quốc tế trong trường hợp xảy ra xung đột ở Eo biển Đài Loan.
Ông Viên cho biết, “Ngoài ra, bằng cách vận hành một cơ cấu kinh tế và tài chính được quản lý chặt chẽ, ông Tập có thể dễ dàng thực hiện hệ thống phân chia khẩu phần trong thời chiến. Tất cả những nỗ lực hiện tại của ông ấy đều hướng tới sự chuẩn bị cụ thể này.”
Chiến lược bảo đảm quyền lực
Tại NFWC, ông Tập kêu gọi lĩnh vực tài chính “tăng cường đáng kể việc giám sát tài chính” để “giảm thiểu các rủi ro tài chính.” Điều này liên quan đến việc “ngăn ngừa và giải quyết hiệu quả các rủi ro tài chính” cũng như “thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để chống lại các hoạt động tài chính bất hợp pháp.”
Ông Christopher Balding, một chuyên gia về kinh tế, thị trường tài chính, và công nghệ Trung Quốc, lưu ý rằng việc tích lũy nợ của chính quyền địa phương trong nhiều năm qua đã làm dấy lên mối lo ngại về những rủi ro chính trị.
Trong một bài xã luận có tựa đề “Bắc Kinh bảo đảm cho các ngân hàng và tỉnh không bị nợ,” ông Balding cho biết quyền ra quyết định tập trung của Bắc Kinh đối với các vấn đề tài chính cho thấy “sự thiếu tin tưởng vào ban lãnh đạo và các chính sách.”
“Các chủ ngân hàng và chủ ngân hàng trung ương ở Trung Quốc thường không phải là cán bộ Đảng mà chỉ tập trung vào kinh doanh. Điều này gây ra sự lo sợ trong giới lãnh đạo Đảng, vì trên tất cả thì lòng trung thành và tôn trọng Đảng vẫn là những đức tính quan trọng nhất,” ông viết.
Kể từ khi ông Tập giành được nhiệm kỳ lãnh đạo ĐCSTQ lần thứ ba chưa từng có trong kỳ họp lần thứ 20 của cơ quan lập pháp bù nhìn vào mùa thu năm 2022 , ban lãnh đạo của ông đã chứng kiến một loạt các cuộc khủng hoảng.
Nền kinh tế, đầu tư, xuất cảng, và chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc đã suy giảm đáng kể sau khi chính quyền thi hành chính sách zero COVID nghiêm ngặt. Sự suy thoái này đã dẫn đến những vấn đề dai dẳng, bao gồm ngành bất động sản sụp đổ, thị trường chứng khoán trì trệ, thị trường ngoại hối gặp khó khăn, và dòng vốn ngoại quốc chảy ra đáng kể. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên (đối với những người từ 16 đến 24 tuổi) tăng đáng kể — đạt mức kỷ lục 21.3% trong tháng Sáu — đã trở thành mối lo ngại lớn mà Cục Thống kê Quốc gia cho biết vào ngày 15/08 rằng cơ quan này sẽ ngừng công bố dữ liệu đó.
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Vĩ mô Trung Quốc (CMF), cuộc khủng hoảng thất nghiệp ở thanh niên đang diễn ra có thể kéo dài trong 10 năm tới và “tồi tệ hơn trong ngắn hạn.” Báo cáo cảnh báo, “Nếu [tình trạng thất nghiệp ở thanh niên] không được quản lý hiệu quả, nó có thể làm nảy sinh các vấn đề xã hội ngoài lĩnh vực kinh tế và có khả năng kích khởi các vấn đề chính trị.”
Ông Gregory Copley, chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, trong một bài xã luận có tựa đề “Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Tập Cận Bình vượt qua được những thách thức hiện tại ở Trung Quốc?” cho biết, “Ngày càng có nhiều suy đoán rằng sự kết hợp của bất kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội, và an ninh lớn nào mà ông Tập phải đối mặt có thể buộc ông phải từ chức trong vòng vài tháng tới hoặc vài năm tới.”
Ông Viên tin rằng ông Tập muốn giải quyết những khó khăn về kinh tế và chính trị hiện tại bằng cách chấp nhận rủi ro quân sự.
“Tình hình này buộc ông Tập phải có lập trường quyết liệt hơn, bao gồm cả nguy cơ khơi mào một cuộc xung đột ở Eo biển Đài Loan như một bước quan trọng hướng tới việc mở rộng chủ nghĩa độc tài cộng sản trên toàn thế giới.”
“Ông ấy đang muốn bảo đảm sự cai trị độc tài của ĐCSTQ qua việc kiểm soát thời chiến. Đó là mục đích cuộc chiến của ông ấy,” ông nói. “Hành động của ông Tập chẳng qua chỉ là cơ hội vực dậy cuối cùng của ĐCSTQ.”
Ông Viên tin rằng ĐCSTQ sẽ sụp đổ nếu ông Tập phát động chiến tranh ở Eo biển Đài Loan.
Bản tin có sự đóng góp của Mục Thanh và Lạc Á
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times