Chỗ ở tốt không bằng lòng dạ tốt, phong thủy tốt không bằng tâm địa tốt
Từ xưa đến nay, “phong thủy” luôn được rất nhiều người coi trọng, xem như là chìa khóa tụ phúc của nhân sinh. Có rất nhiều gia tộc chú trọng phong thủy mộ táng, còn nhờ thầy phong thủy tìm kiếm chỗ đất tốt làm mộ huyệt. Học giả Nghê Tư Phụ (Tề Trai tiên sinh) thời Nam Tống có một câu nói: “Chỗ ở tốt không bằng lòng dạ tốt, phần mộ tốt không bằng tâm địa tốt”. Điều này liệu có thực sự ứng nghiệm hay không?
Vào thời nhà Thanh, ở huyện Lục Hợp có người đi mời vị thầy phong thủy tên là Ngưỡng Tư Trung tìm một mảnh đất có phong thủy tốt để làm huyệt mộ cho cha mình. Cha của người này lúc còn sống là Huyện lệnh của huyện Lục Hợp.
Ngưỡng Tư Trung đã bôn ba thăm dò khắp nơi rất lâu, rốt cục tìm được một mảnh đất tốt lành. Nói ra cũng kỳ lạ, khi ông định đào đất làm huyệt mộ, bỗng nhiên mưa rào tầm tã rơi xuống không ngừng. Ông đành phải vội vàng xuống núi, nghĩ chờ ngày khác đẹp trời lại đến đây. Tối hôm đó, Ngưỡng Tư Trung gặp một giấc mộng.
Trong mộng, một ông lão đi đến trước mặt rồi hỏi Ngưỡng Tư Trung rằng: “Mảnh đất hôm nay ngươi tìm thấy có tốt không?”
Ngưỡng Tư Trung trả lời: “Quả là một mảnh đất tốt hiếm thấy”.
Ông lão nghe xong bèn nói: “Mảnh đất ấy tuyệt không thể giao cho người kia. Bởi vì cha của anh ta lúc còn sống làm quan giám khảo, từng nhận hối lộ và bán ba danh ngạch cử nhân, cho nên phải chịu báo ứng ở âm gian. Nếu như để cho cha anh ta chôn cất ở nơi huyệt mộ tốt đẹp này, làm cho con cháu ông ta được vinh hiển, điều này không hợp với ý Trời!”
Ngưỡng Tư Trung tỉnh dậy, chỉ cảm thấy cảnh trong mộng rất chân thực, nhưng không hiểu được ẩn ý trong mộng.
Ông suy đi nghĩ lại, ngày hôm sau ông bèn đi gặp một người.
Ông đến phủ huyện để gặp huyện lệnh đương nhiệm của huyện Lục Hợp là Lâm Khắc Chính. Ngưỡng Tư Trung hỏi thăm huyện lệnh rằng: “Tôi nay mạo muội đến gặp ngài, muốn hỏi vị Huyện lệnh tiền nhiệm khi còn sống làm quan như thế nào?”
Lâm huyện lệnh nói rằng: “Nghe nói trước khi ông ấy làm huyện lệnh thì từng làm quan giám khảo, sau đó làm huyện lệnh không được bao lâu đã qua đời. Người trong vùng này đa số thường nói lời không tốt về ông ấy, nghe đồn rằng khi ông ấy làm quan giám khảo đã liên kết thông đồng với nhau, thu nhận hối lộ rất lớn”.
Ngưỡng Tư Trung nghe xong, thấp thỏm lo sợ, không dám đối đãi qua loa với lời cảnh báo của ông lão ở trong mộng. Bởi vậy, ông bèn tìm một cái cớ để từ chối với người kia về việc tìm giúp huyệt mộ tốt đẹp cho cha anh ta. Sau đó, ông cũng rời khỏi huyện Lục Hợp.
Sau đó khoảng hai, ba năm đã trôi qua, một hôm Ngưỡng Tư Trung vô tình gặp một người đến từ huyện Lục Hợp, liền tò mò hỏi thăm chuyện vị huyện lệnh đã chết kia được an táng ở nơi nào?
Người dân kia nói: “Người nhà của vị huyện lệnh đó bởi vì tranh giành đất mồ mả với một vị thổ hào trong vùng, không may dẫn đến chết người, kiện tụng kéo dài không dứt, cuối cùng gia nghiệp suy tàn, vị huyện lệnh ấy cho đến giờ vẫn chưa được chôn cất yên ổn”.
Giả làm thầy phong thủy lừa người, cuối cùng chịu báo ứng
Tiếp theo lại nói về chuyện một “thầy phong thủy vô lương tâm chiếm mộ tiền bối”, báo ứng đã xảy ra như thế nào?
Thời nhà Minh, trọng thần Viên Văn Vinh (Viên Vĩ) là Thám hoa vào năm Gia Tĩnh thứ 17 (năm 1538), làm quan đến Quang lộc Đại phu, Trụ quốc, Thiếu phó kiêm Thái phó của Thái tử, Hộ bộ Thượng thư, Kiến cực điện Đại học sĩ, Tốt tặng Thiếu sư, thụy hiệu Văn Vinh.
Cha của Viên Văn Vinh là Thanh Nhai tiên sinh, là một vị hiền sĩ bần hàn. Tổ phụ và Tằng tổ phụ (ông nội và ông cố nội) của Thanh Nhai tiên sinh sau khi chết chưa được an táng, các anh em thúc bá không người nào nguyện ý gánh vác chuyện này, Thanh Nhai tiên sinh bèn dùng số tiền tích góp được của trường tư thục để mua đất an táng. Trong các anh em thúc bá lại có người mượn cớ mồ mả không tốt, ngày giờ không thích hợp, sẽ gây bất lợi cho con cháu đời sau của chi nào đó trong gia tộc, bèn cấu kết với nhau kiếm chuyện và gây khó dễ đối với Thanh Nhai tiên sinh.
Thanh Nhai tiên sinh rất tức giận, bèn triệu tập hơn trăm người trong gia tộc lại. Sau khi cúng tế xong từ đường, ông cầm nhang hướng lên trời khấn vái: “Nay mai táng tổ phụ, cao tổ, nếu có điều bất lợi cho con cháu đời sau, thì sẽ do một mình tôi gánh chịu, không liên quan gì với các chi tộc khác!”. Mọi người lúc này mới im miệng, nghe theo sắp xếp của Thanh Nhai tiên sinh.
Ba năm sau khi an táng, Thanh Nhai tiên sinh có thêm con trai là Viên Văn Vinh. Viên Văn Vinh da mặt đen tuyền, nhưng từ cổ trở xuống lại trắng thuần như tuyết, tương truyền ông là Ô Long (rồng đen) chuyển thế, sau này làm quan đến Đại học sĩ.
Về sau, sau khi Viên Văn Vinh chết, con trai của ông là Viên Bệ Thăng khi chuẩn bị mai táng cha, đã bị những lời nói của thầy phong thủy mê hoặc. Ở Thường Châu có một thầy phong thủy họ Hoàng rất nổi tiếng. Lúc ấy, các Công khanh Đại phu trong triều đều kính trọng ông ta như Thần. Thầy phong thủy họ Hoàng này vốn tính tình quái đản. Khi Viên Bệ Thăng đến mời, ông ta cố ý bày ra dáng vẻ cao ngạo ngông cuồng, nói rằng nếu không trả đủ ngàn lượng bạc thì sẽ không đi đến tướng phủ.
Sau khi được trả ngàn lượng bạc, cuối cùng họ Hoàng cũng đi tới tướng phủ. Vừa tới, ông ta vỗ bàn quẳng chén, lại đòi dỡ nhà tháo màn trướng, chê ăn không ngon, ở không vừa ý. Viên Bệ Thăng vì tin sùng thầy phong thủy này, cho nên không dám đắc tội, mọi việc đều thuận theo ý ông ta.
Lúc ấy, ở Từ Khê có một vị Thị lang được an táng tại sườn núi phía nam Tây Sơn, con cháu suy yếu không thịnh vượng. Thầy phong thủy họ Hoàng thuyết phục Viên Bệ Thăng mua lại phần đất nghĩa địa này, nói rằng nơi đó địa khí tụ hợp. Hai người họ đến nơi ấy thăm dò đo đạc, đồng thời viết chứng từ mua bán với người nhà của vị Thị lang kia, rồi từ Tây Sơn trở về nhà.
Khi họ vừa bước vào tướng phủ, đã thấy ở đại sảnh đèn đuốc sáng ngời. Chỉ thấy Viên Văn Vinh đầu đội mũ ô sa, mặc quan bào màu đỏ, ngồi trên ghế cao ở đại sảnh, hai bên có hai tiểu đồng hầu hạ, cảnh tượng giống như đúc khi ông đang còn sống vậy.
Nhóm người Viên Bệ Thăng thấy vậy thì thất kinh chấn động, vội vàng quỳ phục xuống đất.
Chỉ nghe thấy Viên Văn Vinh mắng rằng: “Vị Thị lang kia là tiền bối của ta ở Hàn Lâm. Ngươi tin theo lời xúi giục của tên nô tài họ Hoàng này, còn muốn cướp đoạt khu đất nghĩa địa của Thị lang. Năm đó khi Tổ phụ của ngươi chôn cất Tằng tổ, là mang tâm tình như thế nào? Hôm nay ngươi chôn cất ta, lại là có dụng ý gì?”.
Nghe xong, Viên Bệ Thăng chẳng dám trả lời.
Viên Văn Vinh tức giận chuyển mắt nhìn sang thầy phong thủy họ Hoàng, mắng rằng: “Còn ngươi, tên tiện nô này, dùng lời nói bịa đặt vinh hoa phú quý lừa đảo tiền tài, bảo người làm việc ác, so với những kỹ nữ, con hát kia quyến rũ người khác để lấy được tiền tài, thì ngươi còn hạ lưu hơn!”
Viên Văn Vinh bèn lệnh cho hai người hầu ở hai bên nhổ nước bọt vào mặt họ Hoàng. Cả Viên Bệ Thăng và họ Hoàng đều nín thở, không dám lên tiếng. Sau đó, Viên Văn Vinh đứng lên, đèn đuốc cả sảnh đường cũng bỗng nhiên vụt tắt, không còn nhìn thấy thứ gì.
Sang ngày hôm sau, Viên Bệ Thăng sợ hãi mặt vàng như đất, vội vàng thiêu hủy văn tự mua bán đất, trả lại miếng đất kia cho nhà Thị lang. Còn tên họ Hoàng giả làm thầy phong thủy lừa người, trên người hắn những nơi bị nhổ nước bọt đều phủ đầy con mối, mối chạy khắp toàn thân từ trên xuống dưới, trong ngoài đều có. Từ cổ xuống tận ngực ông ta đều bị mối cắn, cố đuổi đi cũng không hết được. Qua vài ngày sau, toàn bộ mối trên thân ông ta đều biến thànhrận. Cho đến khi chết, phàm là những nơi ông ta nằm hay ngồi qua, thì rận bò thành đống. Chuyện này quả đúng như lời Nghê Tư Phụ thời Nam Tống từng nói: “Chỗ ở tốt không bằng lòng dạ tốt, phần mộ tốt không bằng tâm địa tốt”.
Nguồn tư liệu: “Bắc đông viên bút lục”, “Tử bất ngữ”.
Cổ Dung biên tập 
Tiểu Minh biên dịch 
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ