Chính quyền Trung Quốc đóng băng tài khoản ngân hàng ở một số thành phố
Chuyên gia cho biết chính phủ đang ngăn dòng vốn chảy ra ngoài đất nước
Đầu tháng này (08/2022), nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng ở thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc đã lên mạng xã hội, tuyên bố rằng họ không thể rút tiền mặt hoặc chuyển tiền vì tài khoản của họ bị đóng băng. Thông tấn Trung Quốc đưa tin, các ngân hàng đã phối hợp với chính phủ để đóng băng tài khoản ngân hàng.
Hơn nữa, một chuyên gia tài chính cho rằng ý định thực sự của Bắc Kinh là ngăn không cho dòng vốn chảy ra ngoài.
Theo một bài báo hôm 12/08 của tờ First Financial News Trung Quốc, một số cư dân ở Thâm Quyến cho biết thẻ ghi nợ do Ngân hàng Trung Quốc chi nhánh Thâm Quyến phát hành đã đột ngột bị đóng băng. Họ nhận thấy vấn đề khi phát hiện ra rằng họ có thể nạp tiền vào tài khoản của mình nhưng lại không thể rút được. Họ không thể chuyển tiền bằng Alipay, một nền tảng thanh toán trực tuyến của Trung Quốc giống như Paypal. Hơn nữa, họ cũng không thể đăng nhập vào các ứng dụng ngân hàng di động của mình nữa.
Một người làm trong ngành ngân hàng tiết lộ với First Financial News rằng Ngân hàng Trung Quốc gần đây đã hợp tác với Cục Công an để thực hiện các biện pháp đóng băng tài khoản ngân hàng. Các ngân hàng khác — bao gồm Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp — đã thực hiện các biện pháp tương tự.
Nhân viên ngân hàng này cho biết nhiều khách hàng đang kéo đến các ngân hàng nói trên để mở khóa tài khoản của họ, đặc biệt là vào cuối tuần. Đôi khi có những hàng người dài đến mức phải đợi cả giờ đồng hồ mới tới lượt.
Tờ Nhật báo Chứng khoán (Securities Daily) của Trung Quốc đưa tin hôm 18/07, tài khoản ngân hàng cũng đang bị đóng băng ở Bắc Kinh cũng như các tỉnh Sơn Đông và Hải Nam. Theo một giám đốc ngân hàng địa phương, các ngân hàng đang tuân theo cái gọi là chỉ thị “đóng băng thẻ” của chính quyền trung ương.
Chỉ thị của Tối cao Nhân dân Pháp viện
Chiến dịch “đóng băng thẻ” này được Quốc vụ viện của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xây dựng lần đầu tiên vào ngày 10/10/2020, nhắm đến các thẻ điện thoại di động của ba nhà mạng lớn (China Mobile, China Unicom và China Telecom), thẻ điện thoại của nhà mạng trực tuyến, thẻ Internet Vạn Vật (hay Mạng lưới vạn vật kết nối Internet, viết tắt là IoT), thẻ ngân hàng cá nhân, tài khoản công cộng, thẻ tín dụng công ty, và tài khoản của các tổ chức thanh toán phi ngân hàng như WeChat, Alipay, cũng như các phương thức thanh toán của bên thứ ba khác.
Sau đó, vào tháng 12/2020, Tối cao Nhân dân Pháp viện Trung Quốc — kết hợp với Văn phòng Công tố Tối cao, Bộ Công an, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, và Ngân hàng Trung ương — đã ban hành chỉ thị thực thi chiến dịch “đóng băng thẻ” để trấn áp hoạt động giao dịch bất hợp pháp, bằng cách đóng băng tài khoản ngân hàng của tội phạm hoặc nghi phạm.
Một nhân viên tại chi nhánh Thâm Quyến của Ngân hàng Xây dựng nói với hãng truyền thông Trung Quốc Red Star Information hồi cuối tháng Bảy năm nay rằng, một đợt kiểm tra thẻ ngân hàng đã được tiến hành theo yêu cầu của bộ công an, và rằng có nhiều trường hợp “bất thường” có thể dẫn đến việc đóng băng thẻ ngân hàng.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp được đưa ra ánh sáng cho thấy một số lượng lớn thương nhân nhỏ lẻ và người gửi tiền không có giao dịch “bất thường” cũng bị đóng băng tài khoản và thủ tục mở khóa tài khoản rất phức tạp.
Ngăn chặn dòng vốn chảy ra ngoài
Hôm 22/08, nhà phân tích tài chính Tưởng Thiên Minh (Katherine Jiang) sống tại Hồng Kông nói với The Epoch Times rằng ý định thực sự của chính quyền Trung Quốc trong việc đóng băng ngày càng nhiều tài khoản ngân hàng là để ngăn không cho dòng vốn chảy ra ngoài.
Kể từ đầu năm nay, Hoa Kỳ đã nhiều lần nâng lãi suất để chống lạm phát. Ngược lại, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế. Cô Tưởng cho rằng tình hình này đã làm tăng nguy cơ dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc, khiến hiện tượng “đóng băng tài khoản ngân hàng” tiếp tục leo thang.
Cô tin rằng sự tiệm cận của Thâm Quyến với Hồng Kông khiến người dân có thể dễ dàng chuyển tiền từ Thâm Quyến đến Hồng Kông, sau đó từ Hồng Kông chuyển ra hải ngoại.
Cô nói: “Để ngăn chặn dòng vốn chảy ra, việc ‘đóng băng tài khoản ngân hàng’ ở Thâm Quyến có thể khắt khe hơn các thành phố khác.”
Hơn nữa, cô nói thêm rằng sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khiến ĐCSTQ chịu áp lực lớn hơn liên quan đến dòng vốn chảy ra.
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã tăng lãi suất liên tiếp kể từ tháng Sáu, trong khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã ban hành nhiều đợt cắt giảm lãi suất kể từ đầu năm nay.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố dữ liệu hôm 15/08, cho thấy dữ liệu đầu tư, tiêu dùng, và ngành công nghiệp trong tháng Bảy năm 2022 đều thấp hơn kỳ vọng của thị trường.
Cô Tưởng nói rằng một đồng tiền yếu thường đi kèm với một nền kinh tế sa sút. Các chính sách tiền tệ đối lập nhau của Trung Quốc và Hoa Kỳ đã làm tăng thêm rủi ro mất giá của đồng nhân dân tệ, thúc đẩy giới nhà giàu Trung Quốc chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc — do đó làm trầm trọng thêm những vấn nạn tài chính của đất nước.