Dữ liệu mới: Kinh tế Trung Quốc sa sút hơn nữa, dấy lên lo ngại về làn sóng sa thải
Theo dữ liệu chính thức và độc lập, kinh tế Trung Quốc đã tiếp tục suy giảm trong quý 2 năm nay, với việc sản xuất chậm lại bất ngờ và lĩnh vực bất động sản ngày càng lao dốc. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về một làn sóng sa thải nhân viên trong nửa cuối năm, gia tăng vấn đề thất nghiệp vốn đã trầm trọng ở Trung Quốc.
Theo báo cáo của China Beige Book International (CBBI) vào đầu tháng Tám – tổ chức cung cấp dữ liệu kinh tế độc lập, nền kinh tế Trung Quốc đã xấu đi trong tháng Bảy. Theo khảo sát mới nhất của CBBI, sản lượng nhà máy và đơn đặt hàng sản xuất mới ở Trung Quốc đạt mức chậm nhất kể từ giữa năm 2020, và việc làm trong lĩnh vực bán lẻ ở mức tồi tệ nhất trong hơn hai năm. Báo cáo nêu rõ sự suy giảm trong tăng trưởng doanh thu của các nhà sản xuất và bán lẻ đã làm giảm lợi nhuận.
Hôm 01/08, dữ liệu chính thức cho thấy những con số thậm chí còn tồi tệ hơn trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Dữ liệu do cơ quan thống kê của chính quyền Trung Quốc công bố cho thấy chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng Bảy là 49.0 so với 50.2 của tháng trước, giảm 1.2%, thấp hơn mức quan trọng 50.
Trong tháng Bảy, với nhiều ca nhiễm COVID-19 nổi lên ở các vùng của Trung Quốc, ĐCSTQ tiếp tục các biện pháp nghiêm ngặt “zero-COVID”, khiến nhiều thành phố bị phong tỏa, trong đó có các trung tâm công nghiệp và trung tâm kinh tế.
Hoạt động sản xuất, vốn đã phục hồi vào tháng Sáu sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ ở các khu vực của Trung Quốc đại lục, hiện đã sụt giảm trở lại.
Viện Nghiên cứu Chỉ số Bất động sản Trung Quốc đã công bố rằng vào tháng Bảy, giá trung bình của các tòa nhà dân cư mới so với tháng trước tại 100 thành phố ở Trung Quốc đại lục giảm thay vì tăng, và giá nhà trung bình tiếp tục giảm mạnh. Giá nhà mới giảm nhiều hơn ở các thành phố, đặc biệt là ở các đồng bằng sông Dương Tử và sông Châu Giang, nơi giá nhà ở đã tăng trong những năm trước.
Doanh số bán bất động sản tại 17 thành phố do Viện Nghiên cứu Chỉ số theo dõi đã giảm 33.4% so với tháng trước trong tháng Bảy, so với mức tăng 88.9% trong tháng Sáu khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Tỷ lệ thất nghiệp cao
Theo một báo cáo của trang web tài chính lớn của Trung Quốc Caixin, việc làm trong lĩnh vực sản xuất trong nước tiếp tục giảm, với chỉ số việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong 27 tháng. Báo cáo cho rằng việc sa thải là do các biện pháp cắt giảm chi phí của các nhà máy, doanh số bán hàng yếu và “thái độ thận trọng trong việc tuyển dụng” giữa các ngành.
Gần 11 triệu sinh viên đại học ở Trung Quốc đại lục đã tốt nghiệp vào mùa hè — một con số cao kỷ lục. Theo dữ liệu chính thức do chính phủ Trung Quốc công bố, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị từ 16 đến 24 tuổi đã tăng lên 19.3% trong tháng Sáu — cũng là mức cao kỷ lục.
Do sự không chắc chắn về việc làm trên diện rộng, niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn mong manh. Trong số những người vẫn còn việc làm, nhiều người ngại tiêu tiền hơn.
Dữ liệu chính thức cho thấy tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc đại lục chậm lại 0.4% so với cùng kỳ năm trước trong quý II. Thế giới bên ngoài tin rằng nền kinh tế Trung Quốc thậm chí có thể đã suy thoái, vì chính phủ Trung Quốc nổi tiếng là thiếu sự minh bạch và thường báo cáo những con số sai lệch.
Các triển vọng mờ đi
Tại cuộc họp Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hôm 28/07, chính quyền tuyên bố rằng môi trường quốc tế năm nay là “phức tạp và khắc nghiệt” và các nhiệm vụ trong nước là “khó khăn và gian khổ”. Ban lãnh đạo ĐCSTQ vẫn giữ im lặng về mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5.5% mà họ đặt ra cho năm nay. Các nhà phân tích cho rằng điều này cho thấy rằng ĐCSTQ tin rằng cuối cùng sẽ không đạt được mục tiêu đó.
Nhà bình luận các vấn đề thời sự độc lập Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) nói với The Epoch Times rằng sự suy thoái của bất động sản Trung Quốc, một ngành trụ cột và là lĩnh vực đầu tư và doanh thu lớn nhất của chính phủ địa phương, ngày càng trầm trọng.
Ông Đường nói: “Việc làm trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục giảm và tỷ lệ thất nghiệp đạt mức cao mới, và sản xuất tương ứng với xuất cảng của nền kinh tế Trung Quốc. Nó cho thấy chính sách kích thích tiêu dùng của Trung Quốc đại lục không có tác dụng gì.”
“Những dữ liệu này phản ánh rằng ba trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc là đầu tư, xuất cảng và tiêu dùng nhìn chung đang giảm tốc hoặc thậm chí đình trệ. Trên cơ sở này, các nhà chức trách ĐCSTQ vẫn bám sát chính sách ‘zero-COVID’, điều này sẽ chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc.
“Vấn đề trở nên tồi tệ hơn, cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc không phải là vấn đề liệu nước này có thể đạt được tốc độ tăng trưởng mục tiêu hay không, mà là liệu nó có thể ổn định nền kinh tế trong 5 hoặc thậm chí 10 năm tới hay không”.
Anh Alex Wu là nhà văn của The Epoch Times có trụ sở tại Hoa Kỳ, tập trung vào xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền và quan hệ quốc tế.