Cần nhiều năm để Hoa Kỳ, Châu Âu thoát khỏi sự thống trị của Trung Quốc đối với các khoáng sản trọng yếu
Hoa Kỳ và các quốc gia thuộc Liên minh Âu Châu phải thành lập các liên minh, cải tổ các quy định, đơn giản hóa việc cấp phép, tái chế vật liệu, xem xét các mỏ hiện có để tìm các phụ phẩm bị loại bỏ, và thuyết phục “sự chấp nhận của xã hội” đối với hoạt động khai thác nếu họ muốn tồn tại sau cuộc “Chiến Tranh Lạnh” về việc giành quyền tiếp cận các khoáng sản trọng yếu mà nhiều người nói rằng Trung Quốc đã tiến hành trong nhiều thập niên.
Trong một cuộc hội thảo hôm 15/02 do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn tổ chức, Giáo sư Par Weihed, phó hiệu trưởng chuyên ngành địa chất quặng tại Đại học Công nghệ Lulea ở Thụy Điển, cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta đã ở trong một cuộc chiến tranh lạnh trong một thời gian dài.”
Nhắc lại việc Trung Quốc làm tràn ngập thị trường toàn cầu bằng vonfram hồi những năm 1980, khiến giá của loại khoáng sản này giảm xuống mức thấp đến mức buộc ba mỏ ở Châu Âu phải đóng cửa, ông Weihed cho biết Trung Quốc hiện đang ở một vị thế “lũng đoạn thị trường” đối với nhiều khoáng sản trọng yếu, trong đó có các khoáng sản đất hiếm kể từ năm 2008.
“Đây là những gì Trung Quốc đã và đang làm trong một thời gian dài,” ông nói. “Những gì chúng ta đang nói đến [về khoáng sản đất hiếm] đã xảy ra cách đây 15, 20 năm rồi.”
Cuộc thảo luận kể trên đã xác định rằng cần có sự rõ ràng về chính trị, đặc biệt là ở Châu Âu, nơi việc khai khoáng khó có thể được chấp thuận và không được cử tri đánh giá tích cực. Hội thảo có sự tham gia của tác giả Cullen Hendrix, một nhà nghiên cứu cao cấp của PIIE và là giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế Korbel thuộc Đại học Denver, cùng người điều hành Cecilia Malmstrom, cũng là một nhà nghiên cứu cao cấp của PIIE.
Hoa Kỳ cũng cần có sự rõ ràng [về chính trị] trong bối cảnh có sự chia rẽ ngày càng tăng giữa việc chính phủ Tổng thống Biden chú trọng đến “phi cacbon hóa lưới điện” và Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện kêu gọi cắt giảm quy định để “giải khai” ngành sản xuất năng lượng của quốc gia trong khi xây dựng một chuỗi cung ứng nội địa an toàn cho các vật liệu trọng yếu.
Ông Cullen cho biết, “Các chính sách về tìm nguồn cung ứng nội địa” trong Luật Cơ sở hạ tầng Lưỡng đảng và Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) “báo hiệu [Hoa Kỳ] thực sự muốn đưa hoạt động tinh chế và gia công về nước như một phần của nền kinh tế nội địa” trong bối cảnh có một “sự đồng thuận rộng rãi” về khái niệm, nhưng khi đề cập đến việc cấp phép cũng như phân bổ các nhà máy luyện kim và tinh chế, thì việc chấp thuận “sẽ khó khăn hơn.”
“Hoa Kỳ đang ở điểm bắt đầu trong việc xây dựng các ưu tiên chiến lược chặt chẽ,” ông nói. “Điều đó nghe có vẻ không phải là một thành tựu to lớn” nhưng trong bối cảnh “sự bế tắc và phân cực giữa các đảng phái” thì đó là một “chiến thắng thực sự quan trọng về mặt xây dựng một tầm nhìn nhất quán về tương lai cần phải trông như thế nào.”
Giải quyết các vấn đề về quy định
Theo ông Cullen, các khuyến khích về thuế và các ưu đãi khác mà các luật của Hoa Kỳ đề ra để phát triển ngành khoáng sản trọng yếu “nghiêng nhiều về phía người dùng cuối và hoạt động lắp ráp có giá trị gia tăng cao,” và như vậy “sẽ không tạo ra những thay đổi đáng kể nếu không cùng lúc giải quyết các vấn đề quy định” và gây ra tình trạng tê liệt.
“Về mặt lý thuyết, Hoa Kỳ có một số ý tưởng về cách thực hiện điều này nhưng tôi nghĩ rằng đó sẽ là một thành tích lớn với Hoa Kỳ nếu nước này khiến quá trình cấp phép của họ phù hợp” với những gì mà Canada và Úc đang làm, ông nói, đồng thời lưu ý rằng ở Canada mất ba đến bốn năm để lấy được giấy phép khai thác, còn ở Hoa Kỳ phải mất từ 7 đến 10 năm, và thậm chí ở hầu hết các quốc gia EU thì còn lâu hơn.
Dự kiến sớm nhất là vào cuối tháng Ba, Hạ viện Hoa Kỳ sẽ xem xét đề nghị Đạo luật Bảo đảm Cung cấp Khoáng sản Trọng yếu của Mỹ, nhằm bảo đảm một chuỗi cung ứng khoáng sản trọng yếu nội địa “trên suốt chặn đường về đến mỏ.”
Đạo luật này nằm trong số các đề nghị nhằm giải quyết vấn đề các khoáng sản trọng yếu do Đảng Cộng Hòa đưa ra hồi tháng Một. Đạo luật cũng nằm trong một gói gồm 17 dự luật được thảo luận trong các phiên điều trần trước Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện hôm 07/02, Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên hôm 08/02, Tiểu ban Giám sát và Điều tra thuộc Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên hôm 09/02, và trong ba phiên điều trần tại Texas từ ngày 13 đến ngày 16/02.
Ông cho biết Trung Quốc đã áp dụng một “bộ các chính sách công nghiệp” bao gồm “xây dựng năng lực năng lượng cho việc tinh chế. [Trung Quốc đã thực hiện] rất nhiều khoản đầu tư sớm vào cơ sở hạ tầng nhằm thống trị các chuỗi cung ứng này” và đó là nơi họ hiện chiếm những lợi thế nhiều nhất.
Ông Cullen cho biết tầm nhìn xa đó đã được chứng minh là rất thuận tiện cho Bắc Kinh vì “bản thân Trung Quốc cũng phụ thuộc vào việc nhập cảng” nhiều nguyên liệu thô, như lithium từ Úc, đồng từ Chile, và cobalt từ Congo.
Ông nói: “Trung Quốc đã có một khởi đầu thuận lợi khi có một chiến lược quốc gia trong việc xây dựng các mối quan hệ thương mại, các mối quan hệ đầu tư với những mỏ đó, cũng như năng lực tinh chế,” điều mà Hoa Kỳ và các quốc gia EU sẽ mất nhiều năm để thách thức.
Ông Weihed cho biết, không giống như Chiến Tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô khi cả hai địch thủ này đều có nguồn năng lượng an toàn của chính mình, một “cuộc chiến tranh lạnh” về các nguồn năng lượng sẽ không cân xứng vì với tư cách là các đối tác, “Trung Quốc và Hoa Kỳ phải lùng sục khắp thế giới để tìm ra các bên hợp tác với họ.”
Biến động thị trường nhỏ
Hình thành các liên minh sẽ là một trong những cách để tác động đến thị trường các khoáng sản trọng yếu, đặc biệt nếu các đối tác chỉ muốn giao dịch với các quốc gia và tổ chức cũng “tin tưởng vào thương mại tự do, có chung một niềm tin vào dân chủ.”
Với nguồn tài nguyên dồi dào, Châu Phi mang đến một cơ hội cho “một tình huống đôi bên cùng có lợi trong các cuộc đàm phán này.” Tuy vậy, ông Weihed cho biết, bất kể các thỏa thuận diễn ra suôn sẻ như thế nào, thì “10-15 năm tới, sẽ có rất nhiều biến động trên những thị trường các nguyên liệu thô trọng yếu” do nhu cầu ngày càng tăng mà sản lượng thì tương đối nhỏ.
“Thị trường toàn cầu là không lớn” đối với nhiều loại khoáng sản trọng yếu, ông nói. “Một mỏ được đưa vào hoạt động thì có thể ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường.”
Ông Cullen cho biết, mỗi ngày có trung bình 1 triệu hợp đồng tương lai lãi suất về dầu thô West Texas Intermediate (WTI) được đấu thầu, trong khi trên Sở Giao dịch Kim loại London (LME) chỉ có 13 hợp đồng tương lai lãi suất mở được chào bán đối với cobalt.
Ông nói: “Những thị trường nhỏ hơn nhiều, kém phát triển hơn nhiều của từng loại vật liệu này” “dễ bị lũng đoạn thị trường hơn nhiều,” đồng thời dẫn chứng các hành động ngừng giao dịch nickel mới đây của LME “vì một nhà giao dịch duy nhất đã có thể thu được một vị thế thao túng thị trường trong một vài giờ.”
“Những vật liệu đất hiếm này chưa sẵn sàng cho thị trường rộng lớn hơn. Việc những mặt hàng này có số lượng ít … tạo ra rất nhiều nút thắt trong chuỗi cung ứng vốn cần phải được củng cố.”
Không có sự chấp nhận của xã hội cho việc khai khoáng
Ông Cullen hoài nghi liệu chỉ riêng các liên minh sẽ giải quyết được các vấn đề về chuỗi cung ứng hay không khi có “những thách thức thực tế liên quan đến việc phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng, đến việc xúc tiến đầu tư vào các khu vực có mức độ rủi ro chính trị cao, và đến thời kỳ suy thoái” trong việc xem xét lợi tức đầu tư (ROI).
Ông Weihed cho biết, lợi tức lâu dài và không chắc chắn đó là lý do tại sao “có rất ít đầu tư toàn cầu” vào hoạt động khai thác ở Châu Âu và Hoa Kỳ.
“Không có sự tin tưởng nào khi đầu tư tiền vào một dự án mà quý vị sẽ không nhận được giấy phép, hoặc không được cấp phép trong vòng 10 đến 50 năm, và cuối cùng, quý vị có thể không thành công” vì nhiều lý do không thể kiểm soát được.
Ông cho biết, ở Thụy Điển, hoạt động khai thác “đang giảm sút” do “quy trình cấp giấy phép và sự chấp nhận của xã hội không thể đoán trước.”
Ông nói, “Châu Âu phụ thuộc vào hàng nhập cảng nhiều hơn Hoa Kỳ. Chúng ta đang sống ở một khu vực trên thế giới, nơi chúng ta có khả năng tự cung tự cấp kém nhất” đối với các khoáng sản trọng yếu.
“Những gì chúng ta có là tiềm năng trong lòng đất” để giải quyết một số nhu cầu đó nhưng sẽ cần một chiến dịch quan hệ công chúng về khai thác mỏ.
“Tôi nghĩ rằng sự chấp nhận của xã hội đối với việc khai thác là một vấn đề quan trọng ở nhiều nơi ở Châu Âu. Đơn giản là việc khai thác mỏ không được xã hội chấp thuận,” ông Weihed nói, đồng thời cho biết thêm rằng người Âu Châu cần thảo luận về những tác động của loại tâm thái đó, “đặc biệt là ở những khu vực có tiềm năng khai thác.”
Lắng nghe các nhà khoa học cứng
Ông cho biết mới đây một công ty khai khoáng đã phát hiện ra một mỏ quặng oxit đất hiếm ước tính khoảng 1 triệu tấn ở miền bắc Thụy Điển.
Trong khi các phân tích về chất lượng hoặc cấp độ của vật liệu này đang chờ đợi, điều đó dường như là một “khám phá quan trọng” mà “có thể còn tiềm năng lớn hơn, có lẽ đủ để duy trì cho Châu Âu trong nhiều thập niên.”
Thật không may, “khoáng sản này vẫn nằm trong lòng đất” và có khả năng sẽ ở đó “trong một thời gian dài” bởi vì ở Thụy Điển, cũng như các nơi khác ở Châu Âu, hoạt động khai thác là không được ưa chuộng và bị kiểm soát chặt chẽ.
Ông Cullen lưu ý rằng các công ty khai khoáng đang tìm cách tiếp cận để tìm ra khoáng sản đất hiếm ở Maine cũng gặp phải những trở ngại tương tự.
Ông Weihed nói: “Đó là cả một quá trình” để có được những giấy phép cần thiết. Ít nhất, “phải mất vài năm để khai thác khoáng sản đó,” một mốc thời gian mà các quốc gia phương Tây phải rút ngắn và đơn giản hóa.
Ông nói, “Chúng ta cần một loại khuôn khổ nào đó để khuyến khích thăm dò, khuyến khích khai thác” và xây dựng cơ sở hạ tầng để tinh chế và gia công trong nước.
Ông Weihed nói rằng các nhà lãnh đạo phương Tây phải lắng nghe các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học cứng (các ngành khoa học khám phá hoạt động của thế giới tự nhiên, hay khoa học tự nhiên, trái với các ngành nghiên cứu về hành vi, giao tiếp, suy nghĩ, v.v. của người và động vật, gọi là khoa học mềm) về đất nhiều hơn và bớt nghe theo các nhà khoa học chính trị.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times