Cảm ngộ Tây Du Ký (P.20): Nhớ lại sự huy hoàng của Cấp Cô Độc Viên
Cấp Cô Độc Viên (còn gọi là Kỳ Viên) là lâm viên rực rỡ, từng tỏa chiếu ánh sáng thời Ấn Độ cổ đại. Khi Đường Tăng đi lấy Kinh đã tận mắt chứng kiến nền móng của lâm viên này. Thời gian trôi qua, khi nét huy hoàng của quá khứ không còn nữa, truyền thuyết về Kỳ Viên cảm động lòng người cuối cùng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, lưu dấu ngàn thu.
Trong “Tây Du Ký”, Đường Tăng vì nhất thời buông thả ham vui, bị yêu quái dùi vào sơ hở. Trong lúc mải xem ngắm hội đèn lồng tại phủ Kim Bình, đã bị ba con tê giác tinh ở núi Thanh Long bắt đi. Ngộ Không, Bát Giới và Sa Tăng dốc lòng hợp lực, dưới sự trợ giúp của Tứ Mộc Cầm Tinh từ Thiên thượng (Giác Mộc Giao, Đấu Mộc Giải, Khuê Mộc Lang và Tỉnh Mộc Hãn), cuối cùng đã diệt trừ được yêu quái, giải cứu Đường Tăng.
Thầy trò Đường Tăng rời khỏi phủ Kim Bình, tiếp tục đi về hướng Tây. Đi được hơn nửa tháng thì mấy thầy trò gặp một ngôi chùa lớn, trên biển ghi rõ mấy chữ to: “Bố Kim Thiền Tự”. Đường Tăng vừa nhìn thấy hai chữ “Bố Kim”, trong lòng liền nghĩ, lẽ nào đã đến địa giới nước Xá Vệ ư? Một đường đi tới đây, các đồ đệ chưa từng nhìn thấy Sư phụ quen thuộc đường sá bao giờ. Thế là, Bát Giới tò mò hỏi sao hôm nay Sư phụ lại biết rõ về đường sá như vậy?
Thì ra, trước đây khi Đường Tăng tụng đọc kinh điển, đã từng nhìn thấy ghi chép liên quan, vì vậy ông liền giảng nói cho các đệ tử về lai lịch của Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên.
Khu vườn này trong sử sách xác thực có ghi chép. Trong lịch sử, tăng nhân người Đại Đường là Tam Tạng một mình đi đến Ấn Độ. Trên đường đi, ông đã tận mắt chứng kiến di tích lịch sử nổi tiếng này, đó là Cấp Cô Độc Viên.
Nếu lấy niên hiệu Trinh Quán của Đại Đường làm mốc và quay ngược thời gian về trước hơn 1,600 năm, khi Phật Thích Ca còn tại thế, tại Xá Vệ quốc do Nặc Vương Ba Tư trị vì, có một vị đại thần đứng đầu tên là Tu Đạt, người đời thường gọi là “Tu Đạt Đa”. Ông vốn có thiên tính khoáng đạt, nhân hậu, thiện lương. Ông rất giàu có và thích làm điều thiện, thường bố thí cho người khác, là một trưởng lão thông thái, giàu có và đức hạnh. Phàm là cứu tế người bần cùng, vỗ về người góa bụa cô đơn, ông đều tận lực cố gắng. Mọi người xưng tụng đức độ của ông, từ đó gọi ông là “Cấp Cô Độc Trưởng giả.”
Có một năm nọ, vì để tìm một giai nhân xinh đẹp đoan chính cho người con trai thứ bảy của mình, đó là con gái của Hộ Di, đại thần đứng đầu vương quốc Ma Kiệt Đề, Tu Đạt đã đích thân chở châu báu đến thành Vương Xá. Dọc đường đi, ông vẫn không quên cứu tế người cùng khổ. Lúc đến nơi, Hộ Di nghênh đón Tu Đạt, bày tiệc khoản đãi rất nhiệt tình.
Thế nhưng, hôm đó Tu Đạt trông thấy Hộ Di còn đích thân đốc thúc một chuyện khác. Người thân trong gia đình đều rất bận rộn, giống như chuẩn bị cho một đại tiệc quan trọng. Tu Đạt cảm thấy kỳ lạ, bèn hỏi nguyên do. Hộ Di trả lời: “Là chuẩn bị để cúng dường cho Phật và các chư tăng.” Vì Tu Đạt không biết thế nào là Phật và Tăng, Hộ Di liền giảng rõ về uy đức của Phật Đà.
Tu Đạt nghe xong, trong lòng vô cùng vui mừng. Đợi đến tảng sáng ngày hôm sau, ông cũng đi lễ bái Phật Đà. Khi tiến vào Tinh xá, chính mắt ông trông thấy Kim thân Phật Đà, thần uy lồng lộng, so với những gì Hộ Di nói còn thù thắng hơn gấp trăm lần. Sau khi nghe được giáo lý của Đức Phật, ông lập tức ngộ Đạo.
Tu Đạt nghĩ về hiện trạng của Xá Vệ quốc, tà kiến và tà ngôn đầy rẫy, ngoại Đạo tung hoành truyền bá, thế nhân không nghe thấy danh tiếng của Phật và Tăng, đất nước giống như rơi vào đêm dài tăm tối. Vì vậy, ông bèn thỉnh cầu Đức Phật Thích Ca hạ giá đến Xá Vệ quốc, khai hóa cho hết thảy chúng sinh trong nước.
Ở Xá Vệ quốc còn chưa có Tinh xá, không thuận tiện cho người xuất gia khởi cư hành Đạo. Để nghênh đón Đức Phật đến, Tu Đạt quyết định trở về Xá Vệ quốc xây dựng một ngôi Tinh xá. Phật Đà phái Xá Lợi Phất trợ giúp ông sắp xếp lo liệu việc này.
Sau khi trở về Xá Vệ quốc, mỗi ngày Tu Đạt đều cùng Xá Lợi Phất đi khắp mọi nơi. Hai người nhìn tới nhìn lui, phát hiện chỉ có hoa viên của Thái tử Kỳ Đà là thích hợp nhất. Đất đai ở đây bằng phẳng, rộng thoáng, có rừng cây và suối nước bao quanh, hoàn cảnh đặc biệt yên tĩnh và thanh nhã. Tu Đạt liền bàn bạc với Thái tử để mua lại hoa viên.
Thái tử nghe xong, cười lớn nói: “Ta không thiếu tiền, tại sao phải bán khu vườn này? Huống hồ, hoa viên này là nơi ta thường ngày vui chơi tiêu dao, sao lại bán cho ông?” Tu Đạt thỉnh cầu hết lần này đến lần khác, cũng nguyện bỏ ra số tiền lớn để mua.
Thái tử nói đùa: “Nếu ông có thể trả giá bằng việc dùng vàng phủ kín khu vườn, ta mới bằng lòng nhượng lại khu vườn.” Tu Đạt kính ngưỡng Phật Đà, mong cho quốc gia sớm được khai hóa, nguyện mang hết tài sản ra để hoàn thành việc này, cho nên lập tức đồng ý. Không ngờ, Thái tử lại đổi ý, không chịu bán hoa viên mà mình yêu quý. Tu Đạt thân là đại thần đứng đầu trong nước, nghiêm túc nói: “Thái tử không được nói lời đùa giỡn.” Thái tử thấy đuối lý, đành phải chấp nhận.
Tu Đạt về đến nhà, liền mở kho vàng, lấy hết vàng mà mình có được, đem ra phủ khắp vườn của Thái tử, nhưng vẫn còn một góc nhỏ chưa phủ kín. Thái tử thấy Tu Đạt có tấm lòng chân thành và khoáng đạt như vậy, nghĩ thầm: “Phật Đà chắc chắn là người có uy đức lớn, nếu không, sao có thể khiến cho Tu Đạt không tiếc mang tất cả những gì mình có để cung dưỡng Phật Đà?”
Thế rồi Thái tử nói với Tu Đạt: “Ông không cần bổ sung vàng vào nữa. Đất vườn này xem như của ông tiến cúng, còn cây cối là lễ vật của ta cúng dường.” Vậy là, Thái tử và Tu Đạt cùng nhau xây dựng Tinh xá.
Tinh xá sau khi được kiến tạo xong, Phật Thích Ca đến Xá Vệ quốc và nói với A Nan: “Đất vườn này do Tu Đạt mua, cây rừng là do Kỳ Đà hiến (Chú thích: cũng có bản dịch là Thệ Đa). Cả hai người đồng tâm hiệp lực hoàn thành công nghiệp này. Kể từ hôm nay, nên gọi nơi đây là ‘Thệ Đa Lâm Cấp Cô Độc Viên’”. Khu vườn này gọi tắt là Cô Độc Viên hoặc Kỳ Viên. (Chú thích: Thệ Đa là một tên gọi khác của Kỳ Đà, Cấp Cô Độc là tên gọi khác của Tu Đạt; Khu vườn này còn có tên là “Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên”, Kỳ Thụ là gọi tắt rừng cây của Thái tử Kỳ Đà – theo Dịch giả)
Theo góc nhìn văn hóa, “Cấp Cô Độc Viên” ở Trung Quốc còn có phương thức diễn giải đặc sắc khác. Vào thời Đại Đường, tăng nhân Huyền Trang một mình đi đến Ấn Độ, khi du hành đến Thất La Phạt Tất Để quốc (xưa gọi là Thành Xá Vệ, tiếng Phạn là Shravasti), ông đã tận mắt nhìn thấy di chỉ “Cấp Cô Độc Viên”. Tuy nhiên, Tinh xá huy hoàng xưa kia nay đã hoang phế, nhưng phong tục tập quán của người dân nơi đây vẫn còn thanh thuần cổ phác, bách tính cũng chuyên tâm hiếu học.
“Cấp Cô Độc Viên” từng huy hoàng rực rỡ không gì sánh kịp, sáng chiếu muôn nơi, nhưng theo dòng thời gian trôi qua, nó đã dần chìm trong sử sách. Đến thời nhà Minh, nơi đây đã trở thành tư liệu nghệ thuật cho các văn nhân sáng tác, và dần tan vào các câu chuyện trong Tây Du Ký.
Khi Bát Giới hỏi Đường Tăng từ lúc nào lại thông thuộc đường sá như vậy, Đường Tăng đã kể cho chúng đệ tử về nguồn gốc của khu vườn. Bát Giới nghe xong cười nói “Thực là tạo hóa an bài. Nếu câu chuyện này đúng như thế thì chúng ta lật gạch lên mà tặng cho mọi người.” Lời nói đùa của Bát Giới khiến mọi người cười vang.
Các tăng nhân chùa Bố Kim dẫn Đường Tăng tham quan di tích cổ. Theo lời vị tăng nhân: “Mấy năm gần đây, gặp ngày mưa to dữ dội, một vài thỏi vàng bạc ngọc ngà vẫn lộ ra. Những người có duyên gặp may thường nhặt được chúng.”
Tam Tạng tham quan di tích “Cấp Cô Độc Viên,” chắp tay trước ngực cảm thán:
“Ức tích đàn na Tu Đạt Đa,
Tằng tương kim bảo tế bần a.
Kỳ Viên thiên cổ lưu danh tại,
Trưởng giả hà phương bạn Giác La?”
Tạm dịch:
Nhớ xưa đàn na Tu Đạt Đa,
Từng đem vàng bạc cứu tế a.
Kỳ Viên ngàn thu còn lưu mãi,
Trưởng giả phương nào bạn Giác La?”
Kỳ Viên huy hoàng, theo thời gian đã bước xuống vũ đài lịch sử. Và câu chuyện đằng sau những di chỉ này như: đức hạnh tốt đẹp của ngài Tu Đạt cứu người bần cùng, chăm sóc người neo đơn già cả; sự kính ngưỡng của Thái tử đối với Phật Đà; sự kiên trì, nhẫn nại của Đường Tăng không ngại đường xa vạn dặm, tâm cầu Pháp không lay chuyển… Mỹ đức của họ tựa như đóa sen vàng lấp lánh trong dòng sông dài lịch sử, quang huy xán lạn.
(Hết)