Cao thủ siêu cường trong ‘Tây Du Ký’ hóa ra là một phàm nhân!
Cao thủ trong “Tây Du Ký” nhiều như mây, khi mọi người thảo luận, thường là xoay quanh trong những nhân vật Thần Tiên và yêu quái, xem pháp lực của ai cao cường, bảo bối của ai lợi hại hơn. Thế nhưng trong dân gian có câu nói rằng: “Cao thủ xưa nay không rút đao!” Trong “Tây Du Ký” có một cao thủ ẩn mình, thân là người phàm, không dựa vào tài năng phân thắng thua, trái lại nhờ đức hạnh sâu dày khiến Quỷ Thần đều kính sợ. Ông chính là Hoàng đế Đường Thái Tông!
Vì sao Long Vương tìm Đường Thái Tông để cầu cứu?
Trong hồi thứ 9 của “Tây Du Ký”, Kính Hà Long Vương bởi vì làm trái ý chỉ của Ngọc Đế, sửa lại giờ giấc làm mưa, ăn bớt lượng mưa, cho nên bị Trời khiển trách. Vì để bảo toàn tính mệnh, dưới sự chỉ điểm của thần cơ diệu toán Viên Thủ Thành, trong đêm Long Vương báo mộng cho Thái Tông, quỳ xuống thỉnh cầu Thái Tông cứu mệnh. Long Vương nói: “Bệ hạ là Chân long, thần là nghiệp long. Thần bởi vì phạm vào luật trời, nên bị bề tôi hiền của bệ hạ là Tào quan Ngụy Trưng xử trảm. Nay thần đến đây bái lạy cầu xin, mong bệ hạ cứu thần một chuyến!”
Long Vương phạm tội làm trái với Ý Chỉ của Ngọc Hoàng Thượng Đế, lẽ ra phải do Ngọc Đế xử tội. Thế nhưng vì sao Long Vương lại tìm tới cầu cứu Đường Thái Tông? Đường Thái Tông có bản lĩnh gì để có thể bảo vệ được Long Vương?
Người xưa vốn cho rằng Long mạch Thần Châu trải dài rộng khắp. Xu thế vận hành của thế gian đều dựa vào long mạch, mà người có thể chi phối long mạch, chính là người ở nhân gian thực thi sự vận tác của giang sơn, cũng chính là bậc Đế Vương nơi con người. Vậy nên, thời Trung Quốc cổ đại thường gọi Hoàng Đế là “Chân Long Thiên Tử” hoặc “Chân mệnh Thiên Tử” .
Sông ngòi núi non của mỗi từng triều đại đều là dưới sự thống lĩnh của bậc Đế Vương của triều đại đó. Kính Hà nằm trong lãnh thổ của Đại Đường, đương nhiên Kính Hà Long Vương phải tới xưng thần cầu cứu “Chân Long Thiên Tử” Đường Thái Tông.
Đường Thái Tông có ý định thả cho ông ta một con đường sống, cho nên cố ý triệu kiến Ngụy Trưng vào trong cung đánh cờ, để tránh Ngụy Trưng làm tổn thương Long Vương. Nhưng điều xui xẻo chính là, Long Vương chỉ lo cầu xin Thái Tông, lại quên thông báo chính xác thời gian bị tra hỏi và bị trảm với Thái Tông. Đến giờ đã định, ngay trước mặt Đường Thái Tông, Ngụy Trưng mê man chìm vào giấc ngủ, và ở trong mơ đã thực sự xử trảm Long Vương .
Hồn phách Long Vương không chịu buông tha, còn làm kinh sợ Đường Thái Tông, nhất định phải lôi kéo Đường Thái Tông tới địa phủ tranh luận. Sau khi Đường Thái Tông tới địa phủ, Thập Điện Diêm Vương ở Âm Tào cùng khom lưng tập trung ra tiếp kiến, lúc nói chuyện cũng đều nhất mực cung kính, không dám vượt qua lễ tiết. Có thể thấy được địa vị của Đường Thái Tông rất cao, các vị Thần thông thường đều không dám thất lễ.
Đường Thái Tông làm được việc mà Thập Điện Diêm Quân đều không thể làm được!
Đường Thái Tông sau khi đi vào địa phủ, Diêm Quân sai người mang sổ sinh tử đến, xem xét hạn tuổi thọ của Đường Thái Tông. Thôi phán quan Thôi Khuê của Âm ty phát hiện Nam Thiệm Bộ Châu Đại Đường Thái Tông đã được chú định là năm Trinh Quán thứ 13, thế là nhanh tay vung bút, tại chữ “Nhất” viết thêm hai nét bút, rồi trình báo Diêm Quân. Diêm Quân nhìn thấy tuổi thọ của Đường Vương trên trần thế còn hai mươi năm, bèn an ủi Thái Tông rằng một lát nữa sẽ có thể hoàn dương.
Một phán quan làm sao lại có thể to gan lớn mật, tự tiện sửa đổi sổ sinh tử như vậy? Phải biết rằng, năm đó Tôn Ngộ Không đại náo Âm tào địa phủ, tự mình xóa bỏ sổ sinh tử của mình, Diêm Vương tức giận, lập tức lên Thiên Đình bẩm báo Ngọc Đế. Thế nhưng vì sao Thôi Phán Quan tự mình tăng cho Đường Thái Tông 20 năm tuổi thọ, thì Diêm Quân lại có thể coi nhẹ không tính toán?
Đường Thái Tông nguyên là Chân Long Thiên Tử Đại Đường, là chúa tể vùng trung thổ, chân thân hình rồng của ông liên kết với sơn thủy và lê dân bách tính của Đại Đường, có ông ở đó, sẽ có thể giải quyết cho vô số oan hồn vô chủ ở địa phủ.
Trước khi quay về dương thế, Đường Thái Tông đi khắp mười tám tầng địa ngục dưới địa phủ, khi đi ngang qua thành chết oan, ông nhìn thấy vô số oan hồn vô chủ. Về sau, Đường Thái Tông đã lấy hẳn một kho vàng bạc, bố thí cho những cô hồn dã quỷ không ăn không uống này, và làm lễ siêu độ cho bọn họ.
Cũng chính là nói, Đường Thái Tông đem nợ của những oan hồn vô chủ này đều buộc vào thân mình, gánh chịu cho bọn họ, giúp cho họ có thể siêu thoát. Đường Thái Tông làm được việc mà Thập Điện Diêm Quân không làm được, cho nên Thập Điện Diêm Quân đều kính trọng ông, Quan Âm Bồ Tát cũng bảo vệ ông.
Ước hẹn “Bí đỏ” giữa Đường Thái Tông và Địa Phủ
Chuyến du ngoạn địa phủ của Đường Thái Tông lần này đã giải quyết được vấn đề khó khăn mà địa phủ vốn phải bó tay. Trước khi rời khỏi Địa Phủ, Thập Đại Diêm Vương vui vẻ nói: “Chỗ ta có rất nhiều bí đao và dưa hấu, chỉ có ít bí đỏ.” Đường Thái Tông lúc này bày tỏ, sau khi hoàn dương sẽ lập tức đưa tới.
Bí đỏ chính là “nam qua”. Mà “nam” (trong từ “nam qua” 南瓜) trong Ngũ hành là thuộc Hỏa, Hỏa đối ứng với Tâm (tim). Bởi vậy, ý tứ của Diêm Vương là, điều họ cần chính là lòng người Nam Thiệm Bộ Châu thuận hòa, “Bí đỏ” là chỉ lòng người nơi đây kết ra thiện quả. Và Đường Thái Tông chính là người có thể khiến cho nhân tâm của bách tính kết thiện quả, là Thánh giả thánh quân làm lợi nước lợi dân. Cho nên Diêm Quân chỉ có thể nhờ vả ông, và cũng chỉ có ông mới có thể làm được!
Ngụ ý của “Văn điệp thông quan”
Bởi vì Đường Thái Tông là bậc tôn Thánh bất phàm, cho nên sau khi ông phái Huyền Trang đến Tây Thiên thỉnh Kinh, các chúng Thần chư Thiên, cũng như Thần Tiên của hai gia Phật – Đạo đều chung sức phối hợp để trợ giúp Đường Tăng trên suốt cuộc hành trình.
Trước khi Đường Tăng xuất phát, Đường Thái Tông tự mình viết văn điệp thỉnh Kinh, đóng dấu bảo ấn thông hành, cũng chính là Văn điệp thông quan. Văn điệp thông quan có ý tứ là, Đường Tăng nhận sự phân công của Hoàng Đế Đại Đường, những nước ông đi qua phải bảo vệ Đường Tăng thuận tiện xuất quan. Trước khi xuất hành, Đường Thái Tông cho vào ly rượu một nhúm đất, liên tục căn dặn Đường Tăng: “Thà nhớ về nhúm đất của quê hương mình, chớ yêu vạn lượng vàng của quê người.”
Từ năm Trinh Quán thứ 13 tiễn biệt Đường Tăng, đến năm Trinh Quán thứ 16, Đường Thái Tông lệnh cho công bộ quan viên xây dựng lầu Vọng Kinh tại cửa ngoài Tây An, chuẩn bị để sau này tiếp nhận Kinh. Thái Tông hàng năm đều leo lên lầu Vọng Kinh, trông ngóng mong đợi Đường Tăng trở về. Chi tiết này được miêu tả rất cảm động, tác giả của cuốn tiểu thuyết như muốn thông qua đó để nói với độc giả rằng, quê hương thực sự và những người thân ruột thịt của bạn đang tha thiết ngóng trông và chờ đợi bạn trở về.
Trong Tây Du Ký, Đường Tăng đi đến nước nào cũng cần phải xin đóng dấu vào văn điệp thông quan, và sau khi được Quốc vương đóng thêm quốc ấn thì mới có thể xuất quan tiếp tục lên đường. Sau khi Đường Tăng thỉnh kinh trở về, còn giao cho Đường Thái Tông xem lại văn điệp thông quan. Trên suốt chặng đường thỉnh kinh nay trở về, con dấu trên văn điệp nhiều đến mức xếp chồng lên nhau. Trên đường thỉnh kinh, cho dù là đi qua quốc gia giàu có hay bần cùng, cho dù gặp phải vị Quốc Vương thiện lương hay gian nịnh, đều phải bày tỏ lòng thành đối với chuyện thỉnh kinh. Và Quốc ấn trên quan văn đã trở thành vật chứng cho con đường lấy kinh ấy.
Trong tiểu thuyết, có thể thấy trên suốt cuộc hành trình, Đường Tăng không ngại phiền mà luôn lặp lại một câu: “Đệ tử Trần Huyền Trang, phụng Thánh chỉ của Hoàng đế Đông Thổ Đại Đường, đi đến Tây Thiên bái Phật cầu Kinh.” Câu nói này trên thực chất cũng là trả lời cho câu hỏi của đời người: “Rốt cuộc Ta là ai, từ đâu đến và sẽ đi về đâu?”.
Bộ tiểu thuyết này rõ ràng đã chỉ ra rằng: “Thân người khó được, Trung Thổ khó sinh, Chính Pháp khó gặp. Nếu có đủ cả ba điều này, thật không gì hạnh phúc hơn”. Hồi thứ 91 có viết, Đường Tăng vừa đến phủ Kim Bình, hòa thượng ở nơi đó vừa nghe nói Đường Tăng từ Đông Thổ Đại Đường tới, vội vàng luống cuống sụp xuống lạy, đồng thời nói: “Người chúng tôi ở đây đều làm việc thiện, tụng kinh niệm Phật, chỉ mong tu được thác sinh vào nước Trung Hoa của trưởng lão. Vừa gặp trưởng lão thấy phong thái thong dong, áo mũ chỉnh tề, chắc là kiếp trước tu đã trọn vẹn, nên kiếp này mới được như vậy.”
Trong thế giới mà Ngô Thừa Ân xây dựng, Trung Thổ là cái nôi của câu chuyện thỉnh Kinh, là tiêu điểm của đại chiến chính-tà, liên kết với hạnh phúc và lợi ích của vạn nước vạn dân. Cổ nhân đều tranh nhau tu Thiện để được thác sinh nơi Trung Thổ, di dân đến Đại Đường.
Có Đường Thái Tông, mới có câu chuyện thỉnh Kinh. Là Đường Thái Tông vì muốn độ vong thoát khổ, giải khai hàng trăm mối oan khiên, quyết định phái người đến Tây Thiên thỉnh Kinh. Lấy được chân Kinh, còn cần ở Trung thổ chuyển sinh, mới gặp được ba điều đại may mắn trong cuộc đời. Tiểu thuyết đã sử dụng nhiều phép ẩn dụ để chỉ ra rằng, có thể đồng tại một đời cùng với Đường Thái Tông, chính là chuyện may mắn lớn nhất của đời người.
Lý Tiểu Minh biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ