Cảm ngộ Tây Du Ký (P.17): Bảo tháp trong tâm
Thầy trò Đường Tăng sau khi mượn được chiếc quạt báu thuần âm, đã quạt tắt được lửa dữ ở Hỏa Diệm Sơn dài tám trăm dặm. Đoàn thỉnh kinh đã vượt qua được một quan ải lớn. Tác giả Ngô Thừa Ân đã tâm đắc dùng một bài Từ “Lâm giang tiên” để tán thưởng, trong đó có câu:
“Thủy hỏa điều đình vô tổn xử, ngũ hành liên lạc như câu.
Âm dương hòa hợp thượng vân lâu, thừa loan đăng tử phủ, khóa hạc phó doanh châu.”
Tạm dịch:
“Thủy Hỏa dung hòa mà không hư, ngũ hành thông nhau tựa móc câu,
Âm dương hòa hợp thượng vân lầu, cưỡi hạc đến Doanh châu, cưỡi loan lên Phủ tía.”
Thầy trò Đường Tăng đã dập tắt được lửa dữ, thể hiện bản tính thiện lương, không chỉ thăng hoa cảnh giới, xông qua cửa ải khó mà còn được đẩy nhanh tiến trình đi thỉnh Kinh. Quý vị có thể thấy rằng họ đang hối hả trên đường giống như cưỡi Loan cưỡi Hạc vậy, không đầy một ngày đã vượt qua tám trăm dặm mà không thấy mệt mỏi, thuận lợi rong ruổi trên đường tiến về hướng Tây và đến địa giới của Vương quốc Tế Trại.
Đường tu hành kiên định, vạn dặm bang kiên cố
Người ta thường nói “Tướng do tâm sinh”, khi cảnh giới trong nội tâm được thăng hoa, sẽ đối ứng với thế giới bên ngoài, “thôn thôn thu thóc lúa, chốn chốn canh thơm nồng”. Tu hành thiện quả khiến cho làng nào cũng được mùa bội thu, người dân được ăn canh cơm mỹ vị. Tác giả cho rằng “ngũ hành liên thông như móc câu”, tại không gian của con người, mắt thường không nhìn thấy Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ liên kết với nhau như móc câu, tương hỗ lẫn nhau, âm dương hòa hợp, sinh cơ dục hóa, vạn sự vạn vật không ngừng sản sinh.
Tiết trời đã vào cuối thu, thầy trò Đường Tăng ung dung thảnh thơi hướng về phía Tây tiến bước.
Bốn thầy trò đi được một hồi lâu, chợt thấy một tòa thành trì gần trước mặt, Lầu các nguy nga tráng lệ, “hình thế dáng rồng cuộn, thành vàng thế hổ ngồi, bốn mặt lọng báu rủ phẳng phiu, cầu cuốn đá hoa hình thú lạ, Điện dát vàng ròng ánh sáng soi”, thật là một khung cảnh hùng vĩ.
Thế nhân đều nói: “Tướng tùy tâm sinh, cảnh tùy tâm tạo”. Khung cảnh ở trước mặt thầy trò Đường Tăng chẳng phải là biểu hiện của cảnh giới bên trong của họ hay sao? Thuận theo không ngừng tu hành, đề cao cảnh giới, cảnh giới nội tâm của Đường Tăng lúc này không chỉ uy nghiêm và còn có cảnh tượng nguy nga triển hiện.
Từ Đông thổ Trường An đến nước Tế Trại, suốt chặng đường, trèo non lội suối, vượt núi băng đèo, vượt bao khó khăn gian khổ, một hành trình dài đã chứng kiến Đường Tăng cùng các đệ tử vẫn giữ vững niềm tin đối với việc thỉnh Kinh và tiến về phía trước. Việc đổi Văn điệp thông quan cần con dấu của Quốc vương của các quốc gia mà họ đi qua, họ đều đã thực hiện một cách tốt đẹp dù có trắc trở. Trên con đường hành Đạo này, càng đi càng kiên định, nghiễm nhiên là “vạn dặm bang kiên cố, ngàn năm đế nghiệp long”. Họ đi đến đâu cũng kết thiện duyên, nỗ lực hàng yêu trừ ma, tạo phúc cho chúng sinh, khung cảnh thực sự giống như miêu tả của tác giả: “Man di thần phục ơn Vua khắp, sông núi chầu về thánh hội vui.”
Bảo tháp bị ô nhiễm, chúng tăng chịu nhục
Thầy trò Đường tăng đi vào cửa thành, trông thấy nơi đây phồn hoa giàu có và đông đúc, người dân quần áo sang trọng, có vẻ phong nhã hào hoa. Cả đoàn vừa đi vừa ngắm và xem thế tục dân phong, thế nhưng quái lạ, trước bối cảnh phồn hoa này lại xuất hiện một cảnh tượng khác hẳn, giống như “một bức tranh vẽ” hoàn toàn khác. Bốn thầy trò bỗng nhiên trông thấy khoảng mười mấy nhà sư, người nào người nấy mang xiềng đeo gông, quần áo rách rưới đi xin ăn từng nhà, tác giả dùng từ xin ăn chứ không phải “hóa duyên”.
Đường Tăng nhìn thấy cảnh này thì cảm thấy vô cùng thương tâm, liền gọi Ngộ Không đi hỏi xem tại sao các vị Tăng này lại chịu khổ như vậy? Chúng tăng nói rằng, họ là những hòa thượng bị hàm oan tại chùa Kim Quang và tại nơi phố xá này, không dám kể chi tiết nội tình, chỉ mời thầy trò Đường Tăng đến chùa Kim Quang sẽ bày tỏ hết nỗi khổ.
Cả đoàn cùng đến chùa Kim Quang, thấy ngoài cổng treo bức hoành đề bảy chữ vàng: “Sắc kiến hộ quốc Kim Quang tự”, nghĩa là chùa Kim Quang bảo hộ đất nước dựng theo sắc chỉ của nhà vua. Xem ra Hoàng đế quốc gia này cũng là một vị Quân chủ tôn sùng Phật giáo, nhưng cảnh các nhà sư đeo gông cùm khiến người ta càng cảm thấy khó hiểu.
Khi mọi người vào đến chùa, chúng tăng đều đến dập đầu, lại hỏi thầy trò Đường Tăng có phải từ Đông Thổ Đại Đường đến không? Bởi vì tối hôm trước chúng tăng đều nằm mộng biết rằng có một vị Thánh tăng từ Đông Thổ Đại Đường đến và có thể cứu được tính mạng của họ, đến lúc đó oan khuất có thể được giải.
Nỗi khổ này phải bắt đầu từ sự việc bảo tháp bị vấy bẩn. Thì ra nước Tế Trại có một tòa Hoàng kim bảo tháp, quanh năm mây lành bao phủ, ban ngày khí lành tỏa rực rỡ, ban đêm phát hào quang, người ngoài ngàn dặm đều có thể trông thấy. Vì điềm lành này mà tất cả các quốc gia bốn phương xung quanh đều đến triều cống, và Tế Trại quốc được liệt vào bậc Thượng bang của Tây vực, tức là được tôn là nước Thượng bang. Khoảng ba năm trước đây, vào một ngày đầu tháng Bảy, một trận mưa máu trút xuống, từ đó Bảo tháp không còn phát hào quang, các nước láng giềng cũng không tới triều cống. Đám Đại thần trong triều liền vu cho các nhà sư lấy trộm Bảo bối trên tháp, mang đến điềm xấu cho quốc gia. Hôn quân cũng không xem xét kỹ tình tiết vụ án, nghi cho tăng nhân lấy trộm. Thế là đám quan tham trong triều đã giam giữ, tra tấn, thậm chí giết hại hai đời nhà sư đầu tiên trong chùa, hôm nay là đến đời thứ ba .
Quét tháp cũng là quét tâm, tái hiện tòa tháp uy nghiêm tráng lệ
Để giải thoát tai họa cho các chúng tăng, Đường Tăng quyết định đi quét tháp để xem sự tình ra sao. Sau khi tắm rửa chay giới, Đường Tăng cùng Ngộ Không mỗi người cầm một cái chổi leo lên Bảo Tháp quét dọn. Mỗi một bước, trước mái hiên nhà đều có cột bạch ngọc, mỗi tầng trên cửa đều có đèn lưu ly, ngọn tháp ấy thực là: “Cao vút lưng trời thẳm, sừng sững giữa tầng không, tháp lưu ly ngũ sắc”, nhưng giờ đây, “Lửa tắt bụi bay nồng, rác rưởi phủ điệp trùng, hương khói vắng lạnh lùng, tơ nhện chăng mịt mùng”, cảnh vật thật là điêu tàn.
Đoạn mô tả này có ngụ ý rằng: Có thể trong tâm của mỗi người đều có một tòa Bảo tháp, nhưng trong hồng trần cuồn cuộn bị danh lợi tình mê hoặc, dần dần Bảo tháp ấy tích đầy bụi bẩn, ngọn đèn trong tâm không còn sáng tỏ, khí chất trong lòng không còn cao cả uy nghiêm. Và tu hành chính là bước trên con đường phản bổn quy chân, giống như quét sạch Bảo tháp, từng tầng, từng tầng mà thanh lý, mới có thể thấy được bản tính ban đầu của chính mình. Quét dọn Bảo tháp, đồng thời cũng giúp người khác giải trừ nguy nan, hóa giải oan khuất.
Đường Tăng với tâm kiền tịnh đã quét từng tầng từng tầng bảo tháp. Đến tầng thứ mười, Tam Tạng thấy lưng đau chân mỏi bèn ngồi bệt xuống đất, đành phải nhờ Ngộ Không quét giúp ba tầng còn lại. Ngộ Không phấn chấn tinh thần, nhanh chóng quét đến tầng thứ 12, chợt nghe thấy tiếng nói chuyện. Nửa đêm, có ai rảnh rỗi mà vui thú ngồi trên đỉnh tháp cao “hóng gió” nhỉ?
Ngộ Không bèn nhảy lên mây xem xét, thấy có hai yêu quái đang ngồi ở tầng tháp thứ 13 vừa đùa nhau vừa uống rượu. Ngộ Không chẳng cần tốn sức đã tóm được chúng và lôi đến trước mặt Đường Tăng. Hai yêu quái sợ hãi liền khai hết sự thực.
Chuyện là ba năm trước, Cửu Đầu phò mã cùng Vạn thánh Long Vương sử dụng pháp thuật, giáng xuống một trận mưa máu làm ô uế bảo tháp, trộm đi báu vật nhà Phật là Xá lợi đặt trong tháp. Vạn Thánh công chúa lại lên tầng trời Đại La, đến Điện Linh Tiêu lấy trộm chín lá cỏ Linh chi của Vương Mẫu Nương Nương, lại dùng tiên khí của cỏ tiên mà chăm sóc Phật bảo, nhờ thế hôm nay ánh sáng hào quang mới chiếu sáng khắp Long cung.
Gần đây nghe nói có tên Tôn Ngộ Không, thần thông quảng đại, trên đường chuyên trừng trị những kẻ bất nghĩa (chỉ yêu quái), cho nên Long Vương sai hai yêu quái chờ tại đây tìm hiểu tin tức để chuẩn bị đối phó.
Lai nói, chúng tăng nghe nói bắt được yêu quái, trong lòng rất vui mừng, có hy vọng được giải oan.
Từ bi hóa giải hung ác, một quốc gia quân thần cải biến
Sáng sớm hôm sau, Đường Tăng cùng Ngộ Không đến yết kiến nhà Vua xin đổi Văn điệp thông quan. Quốc vương nước Tế Trại khi nhìn thấy Văn điệp thông quan, trong nội tâm rất mừng. Phải biết rằng, ông Vua này chính là người bị chúng tăng gọi là hôn quân, bởi vì trong lòng nghi hoặc chúng tăng trộm bảo vật, mà đã đánh chết hai đời tăng nhân. Nhưng khi Quốc vương xem tờ Văn điệp của Đường Thái Tông ngự đề, vì sao trong lòng lại mừng rỡ?
Đường Tăng khởi hành từ Trường An, đi qua nước Bảo Tượng, nước Ô Kê, nước Xa trì, Tây Lương nữ quốc, khi đến nước Tế Trại, con đường tu hành đã đi được hơn một nửa, trải qua những thăng trầm mưa gió, có thể nói đã có được những trải nghiệm rèn đúc nên một Đường Tăng không còn là một hòa thượng của buổi ban đầu nữa. Giờ đây, tuy vẫn còn thiếu sót nhưng là một Đường Tăng hoàn toàn khác, thần thánh trang nghiêm.
Mang trong mình trường năng lượng từ bi của người tu luyện, Đường Tăng đã hóa giải sự nghi ngờ và thù địch của Quốc vương nước Tế Trại, đồng thời khơi dậy niềm vui sướng trong lòng ông, khiến Quốc vương nhen nhóm lòng chính tín đối với người tu luyện.
Ngộ Không và Bát Giới túm hai tên tiểu yêu cưỡi mây bay đi, Quốc vương cùng Công khanh lớn nhỏ trong triều, ngửa mặt lên trời vái lạy. Sa Tăng còn kể cho Quốc Vương nghe về năng lực phi phàm của Tôn Ngộ Không và Bát Giới: mười vạn Thiên binh Thiên tướng không phải đối thủ của Hầu ca Ngộ Không, Bát Giới từng là Thiên Bồng nguyên soái, chỉ huy hơn tám vạn thủy binh trên Thiên Đình. Còn về phần mình, Sa Tăng khiêm tốn nói bản thân không có năng lực gì, chỉ là Quyền Liêm Đại tướng, biết một hai điều như bắt trói hàng yêu, phục hổ hàng Long, lật biển nghiêng sông, cũng lược thông đôi chút, cho nên việc cưỡi mây gọi gió, rời vật đổi sao, gánh núi đuổi nguyệt đối với họ cũng không phải việc khó.
Sa Tăng chỉ nói mấy lời, thời gian không quá mấy phút, nhưng những lời này đã thay đổi triệt để ấn tượng của vị quốc vương đối với người tu luyện: Hóa ra người tu thực sự có năng lực, là có thể xuất thần thông, có thể thông thiên, có thể thành Thần, chứ không phải chỉ tụng Kinh cầu phúc, ăn chay khất thực; cũng triệt để thay đổi bầu oán khí của văn võ bá quan. Từ đó làm cho cả triều văn võ đều vui vẻ, bá tánh thuần hậu kính trọng lẫn nhau.
Yêu quái cắt đứt cảnh yên tĩnh, Bảo tháp hồi quang đại địa minh
Bên này, thái độ của Quốc vương đối với người tu luyện đã cải biến, cả triều văn võ cải biến, quốc gia bá tánh cũng đều cải thiện; bên kia, Ngộ Không, Bát Giới trừ yêu rất nhanh có kết quả, trên đường vô tình gặp được Nhị Lang Thần dẫn sáu anh em Mai Sơn đi tới, các chúng Thần đã cùng nhau hiệp sức diệt trừ yêu quái.
Sau khi lấy lại được Phật bảo Xá lợi, Ngộ Không đem chiếc bình đựng hạt xá lợi đặt trên tầng tháp thứ 13, Đại Thánh lại lấy cỏ Linh Chi quét hết 13 tầng tháp, rồi đặt cỏ vào trong bình để sưởi ấm hạt xá lợi, thế mới gọi là sửa cũ như mới, muôn đạo hào quang, nghìn tia khí đẹp lại chiếu khắp tám phương, các nước ở bốn phía xung quanh lại đều nhìn thấy như trước. Ngộ Không đề nghị Quốc Vương đổi tên “Kim Quang tự” thành “Phục Long tự”, bởi hai chữ Kim Quang không phải vật trụ lâu được, “Kim” là vật lưu động, còn “Quang” là khí lấp lánh. Quốc Vương lập tức cho đổi tên chùa, treo cao biển mới với tên gọi “Sắc kiến hộ quốc Phục Long tự.”
Thế nhưng, Phật bảo vì sao cần tiên khí của cỏ diệp Linh chi chín lá?
Theo cuốn “Bản Thảo” giới thiệu, Linh chi có thể làm an định linh hồn, khiến con người trung tín và vui vẻ, tăng trưởng trí huệ. Phải chăng ngụ ý của đoạn văn này nhắc nhở mọi người cần cúng dường xá lợi với một tâm thanh tịnh, không chỉ có an thần tăng trí huệ, còn có thể bảo vệ Xá lợi nghìn năm không hỏng, vạn năm phát quang; Kiên trinh tín niệm, không chỉ có thể khuyến khích đồng môn đồng tu, còn có thể hướng Đạo một quốc gia, Quân thần bá tánh bốn phương láng giềng không phai mờ thiện niệm, đảm bảo truyền thống tín Phật qua các thời đại vĩnh viễn trường tồn.
(Còn tiếp)