Các quan chức Trung Quốc từng tham gia bức hại Pháp Luân Công bị điều tra vì cáo buộc tham nhũng
Cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn kể từ tháng 07/1999.
Trong những năm gần đây, các cuộc điều tra quan chức tham nhũng và rất nhiều giám đốc Cục Quản lý nhà tù các tỉnh của Trung Quốc đã phát hiện ra “những hành vi vi phạm nguyên tắc và pháp luật nghiêm trọng,” theo thông báo của nhiều tổ chức chống tham nhũng cấp tỉnh trực thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Cục Quản lý nhà tù cấp tỉnh là cơ quan cao cấp hơn giám sát các trại giam trên địa bàn tỉnh. Luật pháp Trung Quốc quy định các cơ quan tư pháp phải chịu trách nhiệm quản lý các nhà tù trong quyền hạn của mình thông qua các bộ phận quản lý nhà tù của họ.
Những cá nhân này cũng nằm trong danh sách điều tra của Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) [khi tổ chức này] nỗ lực thu thập bằng chứng về các bên chịu trách nhiệm và bắt đầu truy tố hình sự vì vai trò tích cực của họ trong cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công.
WOIPFG là một tổ chức bất vụ lợi quốc tế với sứ mệnh khôi phục công lý bằng cách nghiên cứu và tổng hợp thông tin một cách có hệ thống về tất cả các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Pháp Luân Công, còn được biết đến với tên gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tâm và thân dựa trên các nguyên lý phổ quát chân, thiện, và nhẫn. Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, sau khi được giới thiệu [ra công chúng] vào năm 1992, đã có 70-100 triệu học viên tại Trung Quốc thực hành môn tu luyện này trước tháng Bảy năm 1999.
Ông Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, đã phát động cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công vào 07/1999. Mặc dù ông ta đã qua đời hồi tháng 11/2022, nhưng cuộc bức hại hiện vẫn đang tiếp diễn, và rất nhiều nạn nhân đã thiệt mạng trong khi bị giam giữ.
Một trong những nạn nhân bị bức hại gần đây là anh Bàng Huân (Pang Xun), một người dẫn chương trình phát thanh tại Tứ Xuyên [bị bắt vì] phát truyền đơn về Pháp Luân Công. Sau khi bị cảnh sát tùy tiện bắt giữ trên đường đi làm, anh Bàng bị giam tại Nhà tù Lạc Sơn và bị những cai ngục đánh đập cho đến khi thiệt mạng chỉ trong vòng khoảng bốn tháng. Trường hợp của anh Bàng đã được công bố hồi tháng 02/2023.
Đây lại là một trường hợp vô cùng thương tâm nữa của các học viên Pháp Luân Công bị bức hại trong hệ thống nhà tù tại Trung Quốc. WOIPFG xem đây là một vụ án mạng nghiêm trọng và có ý định bắt đầu một cuộc điều tra kỹ lưỡng.
Theo công bố của WOIPFG, các tổ chức và cá nhân chủ chốt có liên quan đến vụ việc này bao gồm: ông Lưu Chí Thành (Liu Zhicheng), Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tứ Xuyên; ông Trần Chí Lâm (Chen Zhilin), bí thư đảng ủy kiêm Giám đốc Cục quản lý nhà tù tỉnh Tứ Xuyên; ông Tần Khắc Bình (Qin Keqing), Quản giáo Nhà tù Gia Châu tỉnh Tứ Xuyên; và ông Lưu Thủ Thành (Liu Shoucheng), cựu bí thư đảng ủy của Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Thành Đô, cùng với những người khác. “Các cuộc điều tra kỹ lưỡng hơn đang được tiến hành để xác định thêm những cá nhân phải chịu trách nhiệm về vụ việc này.”
Ông Lý Cảnh Ngôn, tỉnh Quảng Đông
Ông Lý Cảnh Ngôn (Li Jingyan), Giám đốc Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Quảng Đông, đã bị bãi nhiệm hôm 25/08.
Ông Lý đã đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau trong Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Quảng Đông từ cuối năm 2000.
Theo tài liệu của Minh Huệ Net, một trang web chuyên đưa tin về cộng đồng Pháp Luân Công trên toàn thế giới, khi còn đương chức, ông Lý Cảnh Ngôn đã tích cực ủng hộ cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ, và trong một số trường hợp, các học viên Pháp Luân Công vẫn tiếp tục bị bức hại sau khi họ ra tù.
Ví dụ, ông Giang Hán Toàn (Jiang Hanquan) đã bị công an bắt cóc hồi tháng 12/2014, mượn cớ là vì ông treo các biểu ngữ câu đối văn chương ngay trước cửa nhà ông trong dịp Tết Nguyên Đán Trung Quốc trong đó có ba chữ chân, thiện, và nhẫn — những nguyên lý phổ quát được các học viên Pháp Luân Công tôn vinh — để khuyến khích hành xử có đạo đức.
Ông Giang, là một nông dân và cũng là một học viên Pháp Luân Công tại Thành phố Phổ Ninh, tỉnh Quảng Đông, đã bị kết án oan ba năm sáu tháng tù vào ngày 09/04/2015.
Sức khỏe của ông Giang bị suy giảm nghiêm trọng do phải chịu đựng sự ngược đãi trong suốt ba năm bị giam giữ. Theo WOIPFG, Ủy ban Chính trị và Pháp luật địa phương tiếp tục theo dõi và sách nhiễu ông Giang sau khi ông được trả tự do hồi cuối năm 2017, dẫn đến việc ông Giang tử vong hồi tháng 01/2019.
Theo báo cáo của trang Minh Huệ Net, từ tháng Một đến tháng Bảy năm 2014, có ít nhất 57 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Quảng Đông đã bị chính quyền địa phương bắt cóc, xét xử và kết án phi pháp, bị đột nhập vào nhà, bị giám sát và đột kích mà không có giấy phép.
Ông Vu Ái Vinh, Tỉnh Giang Tô
Truyền thông Trung Quốc The Paper đưa tin ông Vu Ái Vinh (Yu Airong), cựu Giám đốc Cục Quản lý nhà tù tỉnh Giang Tô, hôm 22/08 đã nhận bản án 12 năm và sáu tháng tù giam vào vì tội tham nhũng, nhận hối lộ, và lạm dụng quyền hạn để cấp ân xá trái phép.
Ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc hồi tháng 08/1997, và được bổ nhiệm làm giám đốc Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Giang Tô hồi tháng 01/2001.
Trong nhiệm kỳ của ông Vu, có ít nhất 16 học viên Pháp Luân Công ở nhiều nhà tù khác nhau trên khắp tỉnh Giang Tô đã tử vong vì bị tra tấn trong tù. Theo trang Minh Huệ Net, tính đến năm 2013, có tổng cộng 515 học viên Pháp Luân Công được ghi nhận là bị giam giữ phi pháp tại các trại giam và bệnh viện tâm thần khác nhau trên khắp tỉnh Giang Tô.
Hồi tháng 07/2024, học viên Trần Quang Huy (Chen Guanghui) bị bức hại tại nhà tù Tô Châu, khiến anh rơi vào trạng thái sống thực vật. Trong hơn hai năm, sự sống của anh chủ yếu phụ thuộc vào việc truyền máu và thở oxy.
Anh Trần, 40 tuổi, quản lý kiêm phó khoa Khoa học Điện toán tại Chi nhánh Liên Vân Cảng của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, đã qua đời hôm 12/12/2006.
Ông Thạch Anh, tỉnh Hà Nam
Ông Thạch Anh (Shi Ying), Ủy viên Đảng ủy Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam, cũng là là Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Hà Nam, đã phải đối mặt với cuộc điều tra về các vi phạm kỷ luật và pháp lý nghiêm trọng vào ngày 24/06/2022.
Theo tài liệu của Minh Huệ Net, ông Thạch đóng vai trò chủ chốt trong cuộc bức hại Pháp Luân Công tại hệ thống nhà tù tỉnh Hà Nam.
Tính đến tháng 12/2013, có ít nhất 12 học viên Pháp Luân Công đã tử vong trong các nhà tù tỉnh Hà Nam. Theo Minh Huệ Net, từ năm 2015 đến năm 2021, có 344 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án và giam giữ phi pháp trong các nhà tù tỉnh Hà Nam, trong đó nhiều người đã tử vong trong thời gian bị giam giữ.
Đơn cử, bà Chu Dĩnh (Zhu Ying), một học viên Pháp Luân Công 53 tuổi tại thành phố Tân Hương, đã tử vong trong vòng chưa đầy sáu tháng sau khi bị giam giữ phi pháp vào ngày 30/11/2010.
Trước đây bà Chu được vinh danh là hình mẫu lao động quốc gia và từng là một đại biểu cho cơ quan lập pháp bù nhìn Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc của Trung Quốc.
Cảnh sát đã bắt cóc bà ở gần trung tâm thể thao thành phố vào ngày 02/04/2010. Bà bị kết án oan với tám năm tù giam hồi tháng Mười cùng năm.
Những cá nhân khác đang bị WOIPFG điều tra và bị khai trừ khỏi chính quyền gồm có ông Mã Lâm (Ma Lin), đã về hưu với tư cách là bí thư đảng ủy và giám đốc Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Vân Nam hồi năm 2016.
Theo tài liệu của Minh Huệ Net, trong suốt hơn một thập niên ông Mã đương nhiệm, Nhà tù Số Một và Nhà tù Số Hai tỉnh Vân Nam đã sát hại ít nhất 23 học viên Pháp Luân Công, và khiến vô số người bị chấn thương vĩnh viễn.
Ông Triệu Kim Thành (Zhao Jincheng), bí thư đảng ủy kiêm giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hắc Long Giang, Bí thư Đảng ủy Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Hắc Long Giang, đồng thời cũng là Chính ủy Thứ nhất, đã bị điều tra vì cáo buộc vi phạm pháp luật vào ngày 06/11/2021.
Theo tài liệu của Minh Huệ Net, ông Triệu chịu trách nhiệm về nhiều vụ bắt cóc các học viên Pháp Luân Công trên quy mô lớn.
Hồi năm 2006, với tư cách là bí thư đảng ủy kiêm giám đốc Sở Công an Thành phố Mẫu đơn Giang, ông đã được đề bạt tại Sở Công an tỉnh Hắc Long Giang để giám sát về việc bắt giữ hàng chục học viên Pháp Luân Công, theo trang Minh Huệ Net.
Ông Từ Hoành Quang (Xu Hongguang), cựu phó bí thư đảng ủy kiêm giám đốc Cục Quản lý Nhà tù Nội Mông, đã trở thành mục tiêu của một cuộc điều tra hồi tháng 06/2020, và đã chính thức bị bắt giữ do cáo buộc nhận hối lộ hồi tháng 01/2021, theo báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nội Mông.