Các nước NATO gần Nga nhất tăng chi tiêu quốc phòng
Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Andris Spruds nói về nước Nga của ông Putin: “Chúng ta đang đối phó với một quốc gia hung hãn.”
HOA THỊNH ĐỐN—Các quốc gia nằm tại sườn cực đông của NATO đang đầu tư số tiền kỷ lục vào quốc phòng nhằm ngăn chặn sự xâm lược tiếp theo của Nga vào khu vực này.
Hôm 09/07, các bộ trưởng quốc phòng từ Estonia, Latvia, và Lithuania đã tập trung tại Hoa Thịnh Đốn để bày tỏ sự cống hiến của họ dành cho liên minh NATO và khuyến khích các đồng minh khác cũng hoàn thành phần trách nhiệm của họ khi nói đến việc đóng góp cho quốc phòng.
Họ cảnh báo, bất cứ điều gì ít hơn đều có thể khuyến khích thêm bạo lực ở Đông Âu và, có thể, dẫn đến sự kết thúc hoàn toàn của một số quốc gia.
Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Andris Spruds nói rằng việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục nhắm mục tiêu vào thường dân ở Ukraine cho thấy một thái độ sẵn sàng chấp nhận “thiệt hại nhân mạng.” Ông nói rằng, “thái độ hoàn toàn xem thường sinh mạng và nhân phẩm” của ông Putin phải được xem xét khi đối phó với Nga.
Ông nói trong một cuộc trò chuyện do Politico tổ chức bên lề hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 75 của NATO: “Chúng ta đang đối phó với một quốc gia hung hãn.”
“Nga là một mối đe dọa hiện hữu, và chúng ta nên sẵn sàng cho mối đe dọa hiện hữu này trong nhiều năm.”
Để đạt được mục đích đó, ông nói thêm, cộng đồng quốc tế nên chuẩn bị để chống lại sự xâm lược của Nga trong những năm tới.
Ông nói, điều quan trọng là NATO “không tham gia với vị thế yếu nhược và nhân nhượng.”
Estonia, Latvia, và Lithuania đều nằm dưới quyền cai quản của Liên Xô cho đến khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ vào năm 1991.
Giờ đây, ông Putin đã thực hiện một chính sách đối ngoại dựa trên việc thống nhất cái gọi là Thế giới Nga, bao gồm đông đảo các cộng đồng nói tiếng Nga ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, điều mà các nhà lãnh đạo Đông Âu lo ngại sẽ dẫn đến các cuộc chinh phục bên ngoài Ukraine.
Do đó, Estonia, Latvia, và Lithuania đều đã vượt trên mức hướng dẫn của NATO là chi 2% GDP cho quốc phòng để bảo đảm khả năng răn đe tập thể trước sự xâm lược của ngoại bang.
Bộ trưởng Quốc phòng Lithuanian Laurynas Kasciunas cho biết các khoản đầu tư này dành cho mục đích “chuyển nỗi sợ hãi thành sự chuẩn bị sẵn sàng.”
Ông Kasciunas đã trích dẫn học thuyết “hòa bình thông qua sức mạnh” của thời Tổng thống Reagan và nói rằng NATO nên “sẵn sàng hợp tác với Mỹ” để bảo đảm chính sách như vậy cho dù kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng Mười Một tới có như thế nào đi nữa.
Ông nói, “Người Nga sẽ không tấn công khi quý vị mạnh mẽ. Đó là một điều rất đơn giản. Nếu quý vị yếu nhược, họ có thể làm điều này.”
Sáu quốc gia thành viên NATO có chung đường biên giới trên đất liền với lãnh thổ Nga, một thực tế mà Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cho biết cần phải được tính đến khi xác định lộ trình của NATO hướng đến việc bảo đảm tiếp tục ngăn chặn sự xâm lược của Nga.
Ông Pevkur nói: “Khi chúng ta đối mặt với mối đe dọa từ Nga, điều đầu tiên chúng ta phải hiểu là chúng ta không thể thay đổi địa lý.”
Để đạt được mục đích đó, ông nói thêm rằng toàn bộ NATO phải sẵn sàng để tham chiến với Nga nếu Moscow tấn công bất kỳ quốc gia thành viên nào.
Minh Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times