Tổng thống Biden khai mạc Hội nghị thượng đỉnh NATO với trọng tâm là Ukraine
Tổng thống công bố kế hoạch cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không mới.
HOA THỊNH ĐỐN—Hôm 09/07 tại Hoa Thịnh Đốn, Tổng thống Joe Biden đã khai mạc Hội nghị thượng đỉnh thường niên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trình bày trước các nhà lãnh đạo của “liên minh quân sự lớn nhất” thế giới này giữa lúc tình hình căng thẳng địa chính trị toàn cầu đang gia tăng.
“NATO mạnh hơn bao giờ hết trong lịch sử của mình,” Tổng thống Biden nói qua bài diễn văn của ông, trong đó tập trung vào cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Đứng đầu nghị trình năm nay là cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn của Nga ở Ukraine. Các thành viên NATO đã rót hàng tỷ dollar viện trợ nhân đạo và quân sự cho nỗ lực chiến tranh của nước này.
Trong bài diễn văn, Tổng thống Biden đã công bố khoản viện trợ bổ sung cho đất nước đang bị chiến tranh tàn phá này.
“Hôm nay, tôi thông báo khoản quyên tặng mang tính lịch sử với thiết bị phòng không cho Ukraine. Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Romania, và Ý sẽ cung cấp cho Ukraine thiết bị dành cho năm hệ thống phòng không chiến lược bổ sung,” tổng thống nói.
Tổng thống Biden cũng thông báo rằng Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ cung cấp cho Ukraine “hàng chục hệ thống phòng không chiến thuật bổ sung” để gia tăng khả năng phòng thủ của nước này trong cuộc chiến chống lại Nga vào những tháng tới.
Tổng thống nhắc lại cam kết của ông đối với hòa bình ở châu Âu, đồng thời cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Nga, chứ không phải Ukraine, sẽ thua trong cuộc chiến này.
Ông nói, “Chắc chắn, Nga đang thất bại trong cuộc chiến này. Hơn hai năm đi vào cuộc chiến tranh lựa chọn của ông Putin, những tổn thất của ông ấy thật đáng kinh ngạc.”
Địa điểm mà tổng thống nói chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới có ý nghĩa lịch sử đối với NATO vốn được thành lập đến nay đã 75 năm. Cũng tại địa điểm này, vào năm 1949, cựu Tổng thống Harry S. Truman đã ký Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, một hiệp ước đặt nền móng cho liên minh này. Tổng thống Bill Clinton cũng đã chọn địa điểm này để tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập.
Các quốc gia thành viên đồng ý tăng chi tiêu quốc phòng
Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã tạo động lực cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh hồi năm ngoái (2023). Ngoài ra, cuộc chiến tranh này còn thúc đẩy sự gia tăng chi tiêu quốc phòng trong 32 quốc gia thành viên của liên minh.
Tổng thống Biden cho biết hồi năm 2020 khi ông đắc cử vào Tòa Bạch Ốc, chỉ chín đồng minh NATO chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước họ cho quốc phòng.
Ông nói: “Năm nay, 23 quốc gia sẽ chi tiêu ít nhất 2% và một số quốc gia sẽ chi tiêu nhiều hơn thế, và những quốc gia còn lại chưa đạt được mức đó sẽ sớm đạt được.”
“NATO là một nguồn lực chưa bao giờ lớn hơn thế.”
Trong bài diễn văn trước đó tại Hoa Thịnh Đốn, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố ông đang cố gắng bảo đảm rằng toàn bộ 32 quốc gia thành viên đều đáp ứng mức chi tiêu quốc phòng hàng năm ở mức tối thiểu.
Trình bày trước một diễn đàn gồm các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng quốc tế, ông Stoltenberg nói rằng tham vọng chi 2% GDP cho quốc phòng của liên minh này sẽ được xem là một quy định hơn là một mong muốn.
“Đây là kết quả của một quyết định tập thể và trách nhiệm tập thể,” ông Stoltenberg nói.
Cựu Tổng thống Donald Trump từng chỉ trích nhiều quốc gia thành viên NATO vì đã không tăng chi tiêu quốc phòng.
Trong một cuộc điện đàm hồi tuần trước, một quan chức cao cấp của chính phủ Tổng thống Biden nói với các phóng viên rằng kể từ năm 2020, NATO đã cùng nhau tăng tổng chi tiêu thường niên lên 180 tỷ USD.
Tổng thống Biden kết thúc bài diễn văn bằng việc trao tặng ông Stoltenberg Huân chương Tự do của Tổng thống, nhấn mạnh những nỗ lực của vị cựu thủ tướng Na Uy này trong việc duy trì hòa bình thế giới thông qua khối liên minh NATO.
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times