TT Biden: Trung Quốc sẽ phải chịu hình phạt kinh tế vì ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine
Ông Biden cho biết Trung Quốc ‘sẽ không được hưởng lợi về mặt kinh tế’ do hậu quả của việc ủng hộ Nga xâm lược Ukraine.
Hôm 11/07, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã cảnh báo chính quyền cộng sản Trung Quốc rằng việc ủng hộ Nga trong cuộc chiến với Ukraine sẽ không mang lại lợi ích kinh tế và có thể dẫn đến các hình phạt như tăng thuế và mất các khoản đầu tư từ ngoại quốc.
“Chúng ta phải bảo đảm rằng ông Tập hiểu rằng có một cái giá phải trả,” Tổng thống Biden nói trong một cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Hoa Thịnh Đốn, đề cập đến lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình.
Tổng thống nói rằng ĐCSTQ phải hiểu là “nếu họ cung cấp cho Nga các thông tin tình báo và các năng lực, cũng như hợp tác với Bắc Hàn và các nước khác để tiếp giúp Nga về phương diện vũ khí, thì họ sẽ không được hưởng lợi về mặt kinh tế do hậu quả của việc đó, không nhận được loại hình đầu tư mà họ đang tìm kiếm.”
Tổng thống Biden nêu lên cách chính phủ của ông đã tăng thuế quan đối với xe điện Trung Quốc vì Trung Quốc không “tuân thủ các quy tắc quốc tế.”
“Hãy đoán thử xem? Họ sẽ không thể xuất cảng xe điện của mình sang cho Hoa Kỳ mà không phải chịu mức thuế quan đáng kể,” tổng thống nói.
Bình luận của ông được đưa ra một ngày sau khi các đồng minh NATO đưa ra lời chỉ trích nghiêm khắc đối với Trung Quốc, gọi nhà cầm quyền cộng sản này là “nhân tố chủ đạo” trong cuộc chiến của Nga với Ukraine trong một thông cáo chung. Liên minh xuyên Đại Tây Dương này kêu gọi Trung Quốc “ngừng mọi sự trợ giúp về vật chất và chính trị cho nỗ lực chiến tranh của Nga,” đặc biệt là việc chuyển giao các vật liệu lưỡng dụng (dùng được trong cả quân sự lẫn dân sự) như linh kiện vũ khí, thiết bị, và nguyên liệu thô.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư (10/07), Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết nguồn vật tư của Trung Quốc “đang cho phép Nga chế tạo phi đạn, bom, phi cơ, và vũ khí” mà nước này sử dụng để tấn công Ukraine.
Trong cuộc họp báo thường nhật hôm thứ Năm (11/07), ông Lâm Kiếm (Lin Jian), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bác bỏ những lời chỉ trích của NATO là “có động cơ xấu” và “phi lý.” Ông còn cáo buộc NATO đã “bôi nhọ Trung Quốc một cách trắng trợn nhằm làm suy yếu mối bang giao của Trung Quốc và châu Âu.”
Tổng thống Biden cũng nói về cách Trung Quốc sử dụng sức mạnh thị trường của mình để gây ảnh hưởng đến các nước khác.
Ông nói thêm, “Ông Tập tin rằng Trung Quốc là một thị trường đủ lớn để họ có thể lôi kéo bất kỳ quốc gia nào, kể cả các nước châu Âu, đầu tư vào đó để đổi lấy việc châu Âu thực hiện cam kết A, B, C, hoặc D, hoặc không làm một số điều nhất định.”
Tổng thống Biden đã gặp người đứng đầu ĐCSTQ lần gần đây nhất tại San Francisco vào tháng Mười Một năm ngoái, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á–Thái Bình Dương. Cuộc gặp mặt trực tiếp đã giải quyết một số vấn đề gây tranh cãi, bao gồm liên lạc quân sự, fentanyl, và Đài Loan.
Khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng đàm phán với lãnh đạo ĐCSTQ trong vài năm tới hay không, Tổng thống Biden nói: “Ngay bây giờ tôi đang đàm phán với ông Tập” và nói thêm rằng ông đã “liên lạc trực tiếp” với ông ấy.
Chính phủ Tổng thống Biden đã trừng phạt nhiều tổ chức Trung Quốc kể từ khi chiến sự bắt đầu nổ ra giữa Nga và Ukraine. Ví dụ, Bộ Thương mại đã trừng phạt 42 tổ chức Trung Quốc vì bị cáo buộc cung cấp mạch tích hợp có nguồn gốc từ Hoa Kỳ cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.
Năm ngoái, Nga đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Trung Quốc. Theo dữ liệu quan thuế chính thức của Trung Quốc, Bắc Kinh đã nhập cảng khoảng 107 triệu tấn dầu thô từ Nga vào năm 2023, tăng 24% so với năm 2022.
Khi được hỏi tại Diễn đàn Chung NATO hôm 10/07 về những biện pháp mà NATO có thể áp đặt đối với Trung Quốc, ông Stoltenberg nói rằng “vẫn còn phải xem các đồng minh sẵn sàng đi bao xa.”
“Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng nếu Trung Quốc tiếp tục, họ không thể có được cả hai điều. Họ không thể tin vào điều đó một lần nữa, có mối quan hệ bình thường với các đồng minh NATO ở Bắc Mỹ và châu Âu, rồi tiếp tục thúc đẩy cuộc chiến ở châu Âu, tạo thành thách thức an ninh lớn nhất đối với an ninh của chúng ta kể từ Đệ nhị Thế chiến,” ông Stoltenberg nói.
Gia Bảo lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times