Các nhóm nhân quyền ở Anh thúc giục bà Liz Truss trừng phạt các quan chức và công khai chống lại ĐCSTQ
Trước thềm lễ kỷ niệm 73 năm Ngày Quốc Khánh ở Trung Quốc Cộng sản, có tổng cộng chín tổ chức nhân quyền ở Anh, trong đó có tổ chức Người Hồng Kông ở Anh, Liên Minh Toàn Cầu vì Tây Tạng và Các Dân Tộc Thiểu Số Bị Bức Hại, và Chấm Dứt Diệt Chủng Người Duy Ngô Nhĩ, đã viết thư cho tân Thủ tướng Anh Liz Truss. Các tổ chức này đã kêu gọi chính phủ Anh chú ý đến các mối đe dọa nhắm vào người Hồng Kông, người Tây Tạng, và người Duy Ngô Nhĩ. Họ cũng yêu cầu tân thủ tướng đáp ứng năm yêu cầu của họ bằng hành động, bao gồm cả việc trừng phạt các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Cựu Trợ lý Giáo sư Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Baptist Hồng Kông, ông Hoàng Vĩ Quốc (Wong Wai-kwok), khẳng định rằng bức thư chung là một bước cần thiết để kiểm nghiệm xem liệu chính phủ Anh có thể loại bỏ cách làm trước đây của họ là không động chạm đến ĐCSTQ hay không.
Bức thư đó là một hành động chung của chín tổ chức, bao gồm Người Hồng Kông ở Anh, Viện Trợ Hồng Kông (Hong Kong Aid), Quyền Lực Cho Người Dân Hồng Kông (Power to Hongkongers), Tây Tạng Tự Do (Free Tibet), Liên Minh Toàn Cầu vì Tây Tạng và Các Dân Tộc Thiểu Số Bị Bức Hại (Global Alliance for Tibet and Persecuted Minorities), Chấm Dứt Diệt Chủng Người Duy Ngô Nhĩ (Stop Uyghur Genocide), Cộng Đồng Người Tây Tạng ở Anh (Tibetan Community in Britain), và Đại Hội Duy Ngô Nhĩ Thế Giới (World Uyghur Congress).
Trong thư ngỏ, đầu tiên các tổ chức này đề cập rằng sẽ không có người Hồng Kông, người Tây Tạng, hoặc người Duy Ngô Nhĩ nào ở Anh tổ chức lễ kỷ niệm 73 năm Ngày Quốc Khánh của Trung Quốc Cộng sản vào ngày 01/10.
“Trong 73 năm qua, chủ nghĩa độc tài của ĐCSTQ đã phát triển, củng cố, và thích nghi.” Bức thư này nêu rõ tân thủ tướng trước đây đã từng chỉ trích những lời đe dọa nghiêm trọng của ĐCSTQ, chống lại quyền của người dân Anh dưới chủ quyền của họ, tại một trong những chiến dịch vận động đảng bảo thủ ban đầu của bà.
ĐCSTQ đàn áp người Hồng Kông, người Tây Tạng, và người Duy Ngô Nhĩ
Người Tây Tạng
Các tổ chức này đã mô tả cách ĐCSTQ đàn áp người Hồng Kông, người Tây Tạng, và người Duy Ngô Nhĩ. Trong khi đó, ĐCSTQ buộc người Tây Tạng phải sống dưới sự giám sát gắt gao. Người dân Tây Tạng sẽ bị bắt, giam giữ, và tra tấn bất cứ khi nào công dân chỉ trích chế độ này hoặc thể hiện bản sắc Tây Tạng của họ.
Người Duy Ngô Nhĩ
Tương tự như người Tây Tạng, các tổ chức này đã đề cập đến tình trạng giam cầm của những người dân địa phương sống ở Tân Cương và những người sống trong các nhà tù lộ thiên áp bức bằng công nghệ tiên tiến. ĐCSTQ đã đàn áp người Duy Ngô Nhĩ trong nhiều thập niên. Kể từ năm 2017, chính quyền Bắc Kinh đã thực hiện hành vi diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ với các biện pháp cưỡng ép triệt sản, phá thai không tự nguyện, giám sát trực tuyến và ngoại tuyến, và cưỡng bức lao động.
Hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các trại tập trung của ĐCSTQ, nơi xảy ra tra tấn, tấn công tình dục, và bạo lực, cũng như thu hoạch nội tạng.
Hồng Kông
Đối với Hồng Kông, các nhóm đã minh họa quyền và sự tự do của người Hồng Kông đã bị xói mòn như thế nào trong vài thập niên qua. Kể từ năm 2014, nhà cầm quyền cộng sản đã tỏ ra ngày càng táo bạo hơn khi thể hiện sự đàn áp của mình để bịt miệng người dân Hồng Kông.
Năm 2019, hàng triệu người Hồng Kông đã xuống đường biểu tình một cách ôn hòa. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã đặt tên cho những người biểu tình ôn hòa này là “những kẻ bạo loạn” và tấn công họ bằng vũ khí và sự tàn bạo của cảnh sát.
Tuy nhiên, nhóm này đã phản ánh một thực tế đáng buồn rằng các cộng đồng Quốc tế không thể chủ động hành động để bảo vệ nền dân chủ của Hồng Kông hoặc chống lại việc thực thi Luật An ninh Quốc gia hà khắc.
Kể từ khi áp dụng luật này, chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh đã sử dụng Luật An ninh Quốc gia để trấn áp phe đối lập, tự do báo chí, tự do ngôn luận, độc lập tư pháp, và các đối thủ chính trị ở Hồng Kông theo bất kỳ cách nào họ có thể.
Năm yêu cầu
Chín nhóm nhân quyền của Vương quốc Anh đã soạn thảo ra năm yêu cầu trong lá thư gửi cho tân chính phủ của Vương quốc Anh.
Các nhóm đã thúc giục chính phủ Anh trừng phạt bất kỳ quan chức nào của ĐCSTQ từng đàn áp người Hồng Kông, người Tây Tạng, và người Duy Ngô Nhĩ, bao gồm ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), cựu bí thư Đảng ủy Khu tự trị Tây Tạng và Tân Cương.
Thứ hai, họ yêu cầu cấm tất cả các công ty đang hoạt động ở Anh, hỗ trợ ĐCSTQ trong việc giám sát và lạm dụng nhân quyền ở Tây Tạng, Tân Cương, và Hồng Kông, bao gồm cả Hikvision và Dahua.
Bức thư còn nêu rõ rằng luật pháp của Anh nên được thiết lập để giải quyết lao động cưỡng bức ở Tây Tạng và Tân Cương bằng các chuỗi cung ứng của Vương quốc Anh. Bức thư cũng viết rằng chính phủ Anh nên thúc giục ĐCSTQ ngừng các chính sách đe dọa tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa, và lối sống ở nước này, bao gồm việc đóng cửa tất cả các trường nội trú bắt buộc ở Tây Tạng.
Các nhóm cũng yêu cầu Vương quốc Anh chính thức thừa nhận rằng chính quyền Bắc Kinh đang thực hiện hành vi diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Quan điểm của Vương quốc Anh về ĐCSTQ
Giáo sư Hoàng đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng chính phủ Vương quốc Anh chỉ đang trả lời qua loa những lời lên án các hành động của ĐCSTQ. Cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ biện pháp hoặc chính sách hữu hình nào từ Anh để chống lại ĐCSTQ.
Do đó, ông Hoàng tin rằng các yêu cầu của chín tổ chức là một phép thử xem liệu chính phủ Anh có chống lại Trung Quốc và từ bỏ nguyên tắc không động chạm đến ĐCSTQ trước đây hay không.
Ông Hoàng cũng đề cập, “Thành thật mà nói, tôi có sự dè dặt về việc liệu chính phủ Anh có đáp ứng năm yêu cầu này hay không. Vẫn có các quan chức chính phủ Vương quốc Anh, chẳng hạn như cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, người từng quan tâm đến việc duy trì mở rộng thương mại với Trung Quốc.”
Ông Hoàng nói thêm rằng ông Sunak muốn tìm cách thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục phát triển ở Anh, chẳng hạn như các nhà máy điện hạt nhân. Vì vậy, học giả này đã đặt câu hỏi, “Liệu chính phủ Vương quốc Anh có một bộ chính sách nào tách rời khỏi ĐCSTQ không? Hay họ sẽ tiếp tục dùng phản ứng mơ hồ?”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times