Trung Quốc: Nghiên cứu dữ liệu vệ tinh phơi bày thêm hệ thống giam giữ người Tây Tạng ‘ít được biết đến’
Theo một báo cáo mới của viện nghiên cứu Rand Europe, việc gia tăng hoạt động tại các cơ sở có an ninh cao của Tây Tạng cho thấy trong những năm gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã giam giữ nhiều nhà bất đồng chính kiến hơn nữa.
Như đã nêu trong báo cáo, qua phân tích dữ liệu ánh sáng ban đêm và hình ảnh vệ tinh trên cao, nghiên cứu này bổ sung thêm thông tin mới về tình trạng bỏ tù và giam giữ người Tây Tạng “ít được biết đến” trong chính sách đàn áp của ĐCSTQ ở khu vực này.
Báo cáo này viết, “Hệ thống giam giữ ở Tây Tạng vẫn thực sự là một bí ẩn đối với cộng đồng quốc tế.”
“Nghiên cứu này tìm cách thêm một mảnh ghép khác vào bức tranh ghép hình này với hy vọng giúp đỡ và khuyến khích những người khác hoàn thành bức tranh.”
Trong số 79 nhà tù và trung tâm giam giữ được xem xét, báo cáo cho thấy 14 cơ sở có an ninh cao hơn đã tăng chiếu sáng vào ban đêm. Sự tăng cường chiếu sáng đáng kể đã được quan sát thấy ở bốn nhà tù trong hai năm 2019–2020 và 10 trung tâm giam giữ trong hai năm 2021–2022.
Báo cáo viết: “Xu hướng này có thể gợi ý rằng sự giam giữ và cầm tù đã chuyển sang lâu hơn, đồng thời cũng tương tự như những quan sát gần đây ở Tân Cương. Năm 2019 và năm 2020, phần lớn các cơ sở ở Tân Cương cho thấy việc chiếu sáng ban đêm thực sự tăng lên.”
Năm 1951, quân đội cộng sản Trung Quốc đã hành quân đến Tây Tạng — là quê hương có bề dày lịch sử của nhóm dân tộc Tây Tạng với truyền thống Phật giáo độc đáo — buộc các nhà lãnh đạo Tây Tạng phải chấp nhận một hiệp ước hứa hẹn duy trì hệ thống chính trị hiện có, quyền tự trị khu vực, và tự do tôn giáo của khu vực.
Kể từ đó, ĐCSTQ đã khởi xướng một chiến dịch nhằm xóa bỏ di sản văn hóa và tôn giáo độc đáo của khu vực này cũng như của các dân tộc trong khu vực — các nhà phê bình và các nhà hoạt động gọi đây là “cuộc diệt chủng văn hóa.”
Báo cáo nêu rõ, trong những năm gần đây, chiến lược của ĐCSTQ đã chuyển sang đàn áp mang tính ngăn ngừa, ví dụ như truyền bá tư tưởng từ khi người đó còn nhỏ, sau đó là đào tạo nghề cưỡng bức và bỏ tù.
Một báo cáo năm 2020 của Jamestown Foundation, một tổ chức tư vấn, cũng cho thấy các trại huấn luyện nghề nghiệp được quân sự hóa — tương tự như những trại giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương — đang xuất hiện tại Tây Tạng.
Tuy nhiên, mặc dù việc ĐCSTQ giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ — cùng một loạt các hành động đàn áp trong một chiến dịch đã bị một tòa án nhân dân độc lập có trụ sở tại London tuyên bố là diệt chủng — đã được ghi chép đầy đủ, nhưng cuộc đàn áp ở Tây Tạng thì không.
Báo cáo này viết: “Thiếu bằng chứng về tình hình ở Tây Tạng không có nghĩa rằng điều đó cho thấy rõ ràng không có đàn áp, mà nhấn mạnh rằng cần phải nghiên cứu sâu rộng hơn.”
Nghiên cứu của Rand xem xét 79 cơ sở, nhưng tổ chức này lưu ý rằng có thể còn nhiều cơ sở nữa, vì xuất phát điểm của nghiên cứu này chỉ là những cơ sở được Dự án Nghiên cứu Tây Tạng xác định.
Những nhà nghiên cứu này đã đo mức tiêu thụ năng lượng trong các cơ sở đó thông qua dữ liệu chiếu sáng vào ban đêm bằng các cảm biến dựa trên vệ tinh; dữ liệu này được phân tích theo xu hướng hàng tháng. Họ đã kiểm tra chéo những phát hiện của mình với hình ảnh vệ tinh trên cao, vốn cho phép họ phát hiện những thay đổi trong việc xây dựng hoặc mở rộng các cơ sở hiện có.
Phương pháp này đã được khai triển và sử dụng để nghiên cứu “sự phát triển và suy giảm” của các cơ sở giam giữ ở Tân Cương.
Theo báo cáo của Rand, mặc dù một tỷ lệ lớn những người bị giam giữ hiện nay là dân thường, nhưng mục tiêu chính của ĐCSTQ vẫn là các tăng ni.
Tra tấn và lạm dụng tình dục
Theo Rand, đã có những hồ sơ về các vi phạm nhân quyền — chẳng hạn như tra tấn, cưỡng gian, và lạm dụng tình dục — trong thời gian giam giữ tại một số cơ sở được kiểm tra, nhưng không rõ là những hành vi này có phổ biến hay được nhà nước chấp thuận hay không.
Một báo cáo trước đây có tên “Tấn công Bản sắc: Các chiến lược cưỡng chế mới của Trung Quốc ở Tây Tạng” được Tibet Advocacy Coalition công bố, mô tả chiến lược đàn áp cưỡng chế của ĐCSTQ ở Tây Tạng đã tiến đến một giai đoạn mới.
Báo cáo này viết: “Ở Tây Tạng, tuy rằng các biện pháp không diễn ra ở quy mô lớn như áp dụng cho người Duy Ngô Nhĩ hoặc những học viên Pháp Luân Công bị theo dõi, nhưng những báo cáo mới và đáng lo ngại gầy đây đã phơi bày nạn tra tấn và bỏ tù trong các cơ sở cụ thể.”
Báo cáo trích dẫn lời khai của một nhà sư bị giam giữ tại một cơ sở ở tỉnh Na Khúc (Nagchu), Tây Tạng. Nhà sư này được cho là đã phải chịu đựng các khóa cải tạo tư tưởng với mục đích đàn áp đức tin của ông với Ngài Đạt Lai Lạt Ma.
Ông nói rằng các viên chức trại giam thường xuyên đánh đập ông và các tăng ni lớn tuổi khác, khiến thể chất của họ suy kiệt.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times