Các quốc gia phương Tây kêu gọi Hội đồng Nhân quyền bàn về sự tàn bạo của Trung Quốc ở Tân Cương
Một số quốc gia phương Tây đã hợp lực để kêu gọi một cuộc thảo luận tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về “tội ác phản nhân loại” của Trung Quốc ở khu vực Tân Cương.
Hôm thứ Hai (26/09), Hoa Kỳ, Anh, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, và Thụy Điển đã trình bày một đề nghị dự thảo kêu gọi một cuộc thảo luận về tình hình ở Tân Cương trong phiên họp tiếp theo của hội đồng này vào đầu năm 2023.
Dự thảo đề nghị này sẽ yêu cầu đa số phiếu trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để được thông qua. Nếu được thông qua, thì đây sẽ là lần đầu tiên các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc được chính thức đưa vào nghị trình của hội đồng này.
Hành động này diễn ra sau khi một báo cáo của Liên Hiệp Quốc được công bố hồi tháng trước nêu chi tiết các hành vi lạm dụng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác, mà họ cho là tội ác phản nhân loại.
Hội đồng này hiện có cả Trung Quốc và Hoa Kỳ là thành viên. Dự thảo được đưa ra hai ngày trước thời hạn nộp các tài liệu đó, cho phép các nhà ngoại giao thảo luận và thậm chí bỏ phiếu trước khi kết thúc phiên họp.
Ông John Fisher, phó giám đốc vận động toàn cầu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết việc các quốc gia phương Tây thúc đẩy một cuộc thảo luận của Liên Hiệp Quốc sẽ giúp mang lại “sự giám sát rất cần thiết” đối với các vi phạm nhân quyền đang lan rộng của ĐCSTQ ở Tân Cương.
Báo cáo ‘bị trì hoãn đã lâu’ của Liên Hiệp Quốc
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc do Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) công bố cho thấy quy mô và mức độ tàn bạo của các trại giam, được ĐCSTQ coi là “trung tâm giáo dục kỹ năng nghề,” có khả năng đạt đủ định nghĩa của một tội ác phản nhân loại.
Bạch thư của ĐCSTQ được trích dẫn trong báo cáo trên nói rằng chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ gần 13,000 người và “trừng phạt” hơn 30,000 người khác vì “chủ nghĩa cực đoan tôn giáo” từ năm 2014 đến năm 2019.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết số người bị bắt giữ thực sự có thể lên đến hơn một triệu người và cái gọi là “các trung tâm giáo dục” được tạo ra cho những người phạm tội bất bạo động này thường được sử dụng để giam giữ người dân dựa trên sắc tộc, tôn giáo, hoặc nền tảng văn hóa của họ.
Báo cáo cho biết, điều này có khả năng là một sự vi phạm trực tiếp Điều 9 của Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, quy định cấm giam giữ tùy tiện.
Bà Agnes Callamard, tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế, đã chỉ trích “sự chậm trễ không thể lý giải được” trong việc công bố báo cáo nhưng nhấn mạnh rằng điều đó không nên làm chệch hướng tầm quan trọng của tài liệu này.
“Giờ đây, OHCHR cuối cùng cũng đã công khai các phát hiện của mình, đã đến lúc Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thành lập một cơ chế quốc tế độc lập để điều tra những tội ác này theo luật pháp quốc tế và các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác ở Tân Cương,” bà nói trong một tuyên bố hôm 01/09.
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke và The Associated Press
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times