Các nguyên lão ĐCSTQ chỉ trích ông Tập Cận Bình trong lúc nội bộ căng thẳng?
Sự vắng mặt của ông Tập Cận Bình tại G20 cho thấy tình trạng bất ổn chính trị ở Trung Quốc
Sự vắng mặt của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 đã thu hút sự chú ý của ngoại giới. Ông Katsuji Nakazawa, cựu trưởng văn phòng Trung Quốc của tờ Nikkei Asia, cho rằng sự vắng mặt của ông Tập tại G20 đồng nghĩa với cục diện chính trị hỗn loạn trong ĐCSTQ. Theo một nguồn tin mà ông Katsuji có được, trong cuộc họp Bắc Đới Hà được tổ chức hồi tháng trước, ông Tập Cận Bình đã chịu sự chỉ trích chưa từng có từ các nguyên lão trong đảng.
Hôm 04/09, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ thông báo Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Nhóm 20 (G20) lần thứ 18 tại Ấn Độ, xác nhận thông tin ông Tập Cận Bình sẽ vắng mặt tại hội nghị này.
Đây là lần đầu tiên ông Tập bỏ lỡ Hội nghị thượng đỉnh G20 mà ông luôn xem trọng. Trước đó, trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 năm 2020 và 2021, ông Tập đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 qua hình thức video.
Nguyên nhân ông Tập Cận Bình vắng mặt lần này đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi.
Hội nghị Bắc Đới Hà: Ông Tập Cận Bình bất ngờ bị thách thức
Ông Katsuji cho biết, hội nghị thường niên của các lãnh đạo ĐCSTQ đương nhiệm và đã về hưu tại khu nghỉ mát ven biển Bắc Đới Hà trong mùa hè này dường như là một sự kiện báo trước.
Mặc dù nội dung cuộc họp Bắc Đới Hà chưa từng được công bố chính thức, nhưng thông tin chi tiết về các cuộc hội đàm kín năm nay đã bắt đầu lộ diện. Ông Katsuji Nakazawa cho rằng cuộc họp bí mật năm nay khác biệt đáng kể so với 10 cuộc họp Bắc Đới Hà từng tổ chức trước đó, kể từ khi ông Tập Cận Bình nhậm chức Tổng bí thư ĐCSTQ vào năm 2012.
Những nhân sĩ thạo tin về vấn đề này nói với ông Katsuji rằng tại cuộc họp năm nay, một nhóm nguyên lão đã về hưu trong đảng chỉ trích ông Tập Cận Bình theo cách chưa từng có từ trước tới nay. Theo thông tin thu thập được, sau đó ông Tập đã bày tỏ sự thất vọng với trợ lý thân cận nhất của mình.
Cuộc họp Bắc Đới Hà năm nay được tổ chức mà không có sự hiện diện của các vị nguyên lão có tầm ảnh hưởng nhất trong đảng. Người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình, ông Hồ Cẩm Đào, 80 tuổi, hiếm khi xuất hiện trước công chúng kể từ khi ông bị hộ tống một cách thô lỗ ra khỏi Đại lễ đường Nhân dân tại Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 hồi tháng 10/2022.
Ông Katsuji Nakazawa cho rằng mặc dù sự vắng mặt của họ có thể giúp tạo ra một tình huống lý tưởng cho ông Tập, nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Hiện nay, Trung Quốc không phải đang ở trong tình trạng tốt nhất. Nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái theo cách chưa từng thấy kể từ khi “cải cách và mở cửa.” Ngành địa ốc đang trong tình trạng nguy khốn. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên ngày càng tệ đến mức chính phủ Trung Quốc ngừng công bố dữ liệu liên quan.
Sau khi hai tướng cao cấp của Lực lượng Hỏa tiễn bị thanh trừng, quân đội rơi vào tình trạng hỗn loạn. Cuối tháng Bảy vừa qua, thông tin về việc Thượng tướng Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao), cựu Tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn, và Thượng tướng Từ Trung Ba (Xu Zhongbo), Chính ủy Lực lượng Hỏa tiễn, bị miễn chức, đã được đưa ra ánh sáng. Cùng tháng đó, Ngoại trưởng ĐCSTQ Tần Cương (Qin Gang) bị cách chức nhưng không rõ nguyên nhân, khiến ngoại giới suy đoán.
Tình trạng hỗn loạn khiến nhiều nguyên lão ĐCSTQ lo lắng. Nguồn tin nói với ông Katsuji Nakazawa rằng trước cuộc họp Bắc Đới Hà, các nguyên lão trong đảng tổ chức một cuộc họp riêng để tập hợp ý kiến của họ trước khi truyền đạt cho các nhà lãnh đạo đương nhiệm. Có thể cuộc họp này đã được tổ chức ở ngoại ô Bắc Kinh.
Sau đó, chỉ một số trong số các nguyên lão này tham dự Hội nghị Bắc Đới Hà để truyền đạt nhận thức chung của họ với các nhà lãnh đạo đương nhiệm. Nguồn tin cho biết cuộc gặp mặt trực tiếp của các nguyên lão với các nhà lãnh đạo đương nhiệm, trong đó có ông Tập Cận Bình, đã được tổ chức trong một ngày.
Ý chính của thông điệp mà các nguyên lão truyền đạt là nếu tình trạng chính trị, kinh tế, xã hội Trung Quốc bất ổn kéo dài mà không có bất kỳ phản ứng hiệu quả nào, thì có thể đảng sẽ mất đi sự ủng hộ của công chúng, gây ra mối đe dọa cho sự thống trị của đảng.
“Chúng ta không thể có thêm bất ổn nào nữa,” các nguyên lão nói.
Đây là một mùa hè đầy gian nan đối với ông Tập Cận Bình. Sau khi bị các nguyên lão bất ngờ thách thức, ông Tập Cận Bình triệu tập các trợ lý thân cận vốn đã được ông đề bạt lên các vị trí cao nhất. Theo thông tin được tiết lộ, ông Tập đã trút nỗi thất vọng và nhắm vào ba người tiền nhiệm – ông Đặng Tiểu Bình, ông Giang Trạch Dân, và ông Hồ Cẩm Đào.
Ông Tập được cho là đã nói: “Tất cả những vấn đề do ba vị lãnh đạo tiền nhiệm này để lại đều đè lên vai tôi.”
“Tôi đã giải quyết những vấn đề này suốt 10 năm qua nhưng chúng vẫn chưa được giải quyết. Chẳng lẽ tôi là người đáng trách sao?”, ông Tập nói.
Ông Tập cũng được cho là đã nói với các trợ lý của mình rằng nhiệm vụ của họ bây giờ là giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.
Sự bộc phát đó khiến các trợ lý của ông Tập Cận Bình run sợ, đặc biệt là Thủ tướng Lý Cường, nhân vật số 2 của đảng. Nền kinh tế Trung Quốc do ông Lý Cường lãnh đạo đang phải đối mặt với những lực cản to lớn.
Một trong những yếu tố gây bất lợi cho sự phát triển kinh tế là mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc và thế giới, theo đó thương mại trì trệ, đầu tư từ ngoại quốc giảm mạnh.
Khả năng ông Tập Cận Bình vắng mặt tại G20 là để giữ thể diện
Ông Katsuji Nakazawa cho rằng lý do ông Tập Cận Bình quyết định không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ rất có thể là để giữ thể diện. G20 có thể sẽ thảo luận về nền kinh tế Trung Quốc và tác động của nó đối với nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, có thể nội bộ ĐCSTQ quyết định để ông Lý Cường tới Ấn Độ để giải quyết những vấn đề này.
Trước sự vắng mặt của ông Tập tại Hội nghị thượng đỉnh G20, việc ông Tập Cận Bình vắng mặt tại một sự kiện khác cũng thu hút sự chú ý từ ngoại giới. Cuối tháng Tám, ngay sau cuộc gặp Bắc Đới Hà, ông Tập bất ngờ vắng mặt tại một diễn đàn kinh doanh quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi. Bài diễn văn của ông Tập đã được Bộ trưởng Bộ Thương mại ĐCSTQ Vương văn Đào (Wang Wenta) đọc tại diễn đàn.
Việc này khiến các chuyên gia Trung Quốc cho rằng có điều gì đó không ổn, bởi khi đó ông Tập Cận Bình đã đến Nam Phi và tham dự bữa tiệc trưa do Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tổ chức ngay trước diễn đàn doanh nghiệp đó.
Một giả thuyết cho rằng ông Tập không tham dự diễn đàn vì lo ngại người ta có thể đặt câu hỏi về vấn đề kinh tế suy thoái của Trung Quốc với ông.
Ông Katsuji Nakazawa cho rằng một yếu tố chính khác khiến ông Tập Cận Bình vắng mặt tại G20 là mối bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ đang rơi vào cục diện bế tắc, chưa thể có sự đột phá. Trong khi Hoa Thịnh Đốn hy vọng chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo vào cuối tháng trước là một bước tiến cho các mối bang giao ổn định hơn, thì Trung Quốc lại không nhìn nhận như vậy.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, chuyến thăm của bà Raimondo không mang lại cho họ “lễ vật” nào.
Khi cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều không thể có những nhượng bộ lớn trong các vấn đề kinh tế quan trọng, thì ông Tập Cận Bình khó có một cuộc gặp hữu hảo với Tổng thống Joe Biden. Trong tình hình hiện tại, vẫn chưa rõ liệu ông Tập có thể tới Hoa Kỳ để tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương tại San Francisco vào tháng Mười Một hay không. Nếu ông Tập vắng mặt thì sẽ dẫn đến nhiều điều đáng lo ngại hơn
Hiệu ứng cánh bướm trong chính trị của ĐCSTQ luôn khiến mọi người phải ngạc nhiên. Hôm 31/08, chỉ vài ngày sau khi cuộc họp Bắc Đới Hà được cho là đã kết thúc, cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên kể từ khi ông bị buộc phải về hưu hồi tháng Ba năm nay.
Cựu nhân vật số 2 của ĐCSTQ xuất hiện tại hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, với vẻ mặt tươi cười thoải mái. Người dân có mặt tại hiện trường hô lớn “Chào ngài Thủ tướng.”
Một đoạn video về sự xuất hiện của ông Lý Khắc Cường được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc, nhưng sau đó đã bị chính quyền xóa bỏ.
Ông Katsuji Nakaze cho rằng sự việc này có ý nghĩa tượng trưng. Ông Lý Khắc Cường vẫn là một nhân vật chính trị nổi tiếng, và sự chào mừng dành cho ông tại hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng không phải là biểu diễn.
Trương Đình thực hiện
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ