Các nguồn tin: Kinh tế suy thoái, quân đội Trung Quốc đối mặt với nguy cơ cắt giảm lương
Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, nhưng nền kinh tế Trung Quốc vẫn không khởi sắc lên được. Điều này dẫn đến một quyết định, đó là cắt giảm lương công chức trên quy mô toàn quốc kể từ nửa cuối năm 2021. Giờ đây, quân đội nước này cũng phải đối mặt với việc cắt giảm lương, theo nhiều nguồn tin nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Hầu hết những người được phỏng vấn đều sử dụng bí danh vì sợ có thể bị chính quyền trả đũa.
Cắt giảm lương trong quân đội
Ông Hoa, một doanh nhân đã về hưu từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc, cho biết, “Bây giờ đất nước không có tiền mà trả lương cho công chức, kể cả tiền lương cho người đã về hưu; số tiền đó hoặc là không được trả đúng hạn, hoặc là bị chậm trễ.”
Hồi tháng 01/2022, như một phần của sáng kiến cắt giảm chi phí, Bắc Kinh đã ra lệnh cho các chính quyền địa phương cắt giảm bớt chế độ đãi ngộ và các loại tiền thưởng khác, dẫn đến việc một số công chức đã chứng kiến mức lương hàng tháng của họ giảm tới một phần ba. Ví dụ, vào tháng Bảy cùng năm, một số công chức ở Thượng Hải đã không nhận được tiền thưởng hàng quý.
Ông Hoa cho biết, “Nhiều đồng đội của tôi vẫn còn trong quân đội đang phải đối mặt với việc bị cắt giảm nhiều khoản trợ cấp khác nhau. Lần cuối cùng họ nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào như vậy tính đến nay cũng đã khoảng nửa năm rồi.”
Hồi năm 2015, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã ban hành một chỉ thị trong chiến dịch thanh trừng tham nhũng trong quân đội rằng thu nhập của các binh sĩ chủ yếu sẽ chỉ phụ thuộc vào “tiền lương” và sẽ “không có cái gọi là nguồn thu nhập mờ ám nào khác.”
Mức lương hàng tháng của một thiếu úy đảm nhận chức trung đội trưởng trong quân đội được cho là 3,000 nhân dân tệ (khoảng 421 USD) vào năm 2014.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin vào năm 2022, chính quyền đã thực hiện một đợt điều chỉnh lương vào năm 2018, trong đó mức lương hàng tháng của cấp bậc trung úy dao động từ 4,500 nhân dân tệ đến 4,800 nhân dân tệ (khoảng 632 USD đến 674 USD).
Theo nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc, trong 5 năm vừa qua, trong quân đội không có đợt điều chỉnh lương nào.
Ông Hoa nói rằng tiền lương phân bổ cho quân đội được lấy trực tiếp từ ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, các khoản trợ cấp là do chính quyền địa phương cung cấp và đã bị ngừng lại.
Ông nói, “Tài chính ở địa phương đang dần cạn kiệt, điều này đã dẫn đến việc nhiều công chức ở nhiều khu vực khác nhau bị chậm lương. Ví dụ, giáo viên đang gặp phải tình trạng chậm trễ trong việc trả lương, một số người không được nhận lương trong hơn một tháng hoặc thậm chí vài tháng.”
Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc từng tham gia cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ do sinh viên lãnh đạo năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn, giải thích rằng một số khoản trợ cấp quân sự về cơ bản là phúc lợi xã hội và được chi trả từ nguồn ngân sách của chính quyền địa phương.
Ông nói, “Tuy nhiên, việc cung cấp một số khoản trợ cấp nhất định, như quỹ bồi thường ô nhiễm cho những người làm việc trong ngành công nghiệp hạt nhân, có thể khác nhau giữa các khu vực.”
Ông Thái, một cựu chiến binh đã phục vụ trong quân đội hơn 10 năm, cho biết mức lương của ông tương đối thấp trong năm 2015-2016, dao động quanh mức 6,000 nhân dân tệ [khoảng 846 USD] mỗi tháng. Ông nói thêm: “Các khoản trợ cấp chỉ chiếm chưa đến một phần ba tổng tiền lương.”
Ông cho biết các khoản trợ cấp có sự khác biệt tùy theo địa điểm đóng quân của người lính đó. “Những người lính đóng quân ở Tây Tạng có thể nhận được mức bồi thường cao hơn, còn những người lính ở tỉnh Phúc Kiến nhận được các khoản phụ cấp bổ sung, có tính đến các yếu tố như nhiệt độ cao vào mùa hè.”
Bà Bạch, một quân nhân đã về hưu sống ở hải ngoại, nói rằng lực lượng cảnh sát cũng đang bị cắt giảm lương. Bà kể lại, “Một phó giám đốc đồn công an của một thành phố ven biển có đề cập đến việc ông bị giảm lương — mọi người đều phải đối mặt với việc bị cắt giảm lương.”
Bà Bạch lưu ý: “Trả lương theo thành tích có liên quan đến nhiệm vụ cụ thể của người đó, như trấn áp nạn cờ bạc bất hợp pháp hoặc giải quyết các vấn đề liên quan đến mại dâm. Yếu tố thành tích về cơ bản là một phần trong tổng tiền lương của họ, còn mức lương cơ bản của họ khá thấp.”
Bà nhấn mạnh rằng “tất cả các ngành kinh doanh đang trải qua thời kỳ suy thoái nặng nề và việc cắt giảm lương đang trở thành chuyện thường tình ở Trung Quốc. Lực lượng công an là một phần không thể thiếu trong nỗ lực duy trì sự ổn định của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bất cứ khi nào có quyết định cắt giảm lương trong lực lượng công an, thì chắc chắn sẽ dẫn đến việc cắt giảm lương trong quân đội.”
Quân đội đang ‘thảng bình’
Theo ông Vương, việc cắt giảm lương trong quân đội và công an cho thấy chính quyền đang lâm vào khủng hoảng tài chính, từ đó mất đi các cơ chế khuyến khích đóng vai trò là công cụ tạo động lực [cho công chức], điều này có thể khiến lực lượng an ninh áp dụng lập trường “thảng bình” (nằm thẳng, hay nằm ì một chỗ không hoạt động), giống như bộ máy quan liêu của địa phương.
Ông chia sẻ mặc dù có người cho rằng ông Tập đã củng cố hơn nữa quyền lực của mình kể từ khi giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có trong Đại hội Đảng lần thứ 20, nhưng ông ấy “không còn đáng gờm như một số người nghĩ.”
Ông Vương nói thêm, “Toàn bộ giới quan chức đang áp dụng lập trường ‘thảng bình,’ và đội ngũ quan liêu của ông Tập Cận Bình đang thiếu những thành viên mới có năng lực. Hiện tại, ông Tập đang ở trạng thái yếu nhược nhất.”
“Thảng bình” — “tang ping” trong tiếng Quan thoại hoặc “lying flat,” có thể dịch là “nằm thẳng” — là một xu hướng xã hội gần đây ở Trung Quốc, chủ yếu hình thành trong giới trẻ, trong đó mọi người tạm gác lại công việc nặng nhọc, và lựa chọn lối sống vô dục vô cầu vừa đủ sống. Chẳng hạn như, họ phản đối văn hóa làm việc “996,” có nghĩa là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần.
Theo ông Anders Corr, nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị và là cộng tác viên của The Epoch Times, “Thảng bình dường như là một mối đe dọa nội tại lớn nhất đối với ĐCSTQ những ngày này.”
Bản tin có sự đóng góp của Tống Đường và Dịch Như
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times