Các chính sách của Trung Cộng tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng ‘nhân tạo’
Trung Quốc đang trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng khi cư dân ở một vài khu vực phải vật lộn để bảo đảm đủ khí đốt tự nhiên để sưởi ấm trong mùa đông do các hạn chế của chính phủ và thiếu vốn làm giảm nguồn cung.
Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post) đưa tin cho biết tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên tập trung ở các vùng nông thôn và thành phố cấp thấp ở miền bắc Trung Quốc, nơi người dân bị bỏ mặc trong điều kiện lạnh cóng mà không được tiếp cận với khí đốt để sưởi ấm nhà của họ.
Chính quyền địa phương được cho là chưa nhận được tiền từ chính quyền trung ương. Do đó, khí đốt đang được chia theo định lượng, với những ngôi nhà chỉ nhận được mức tối thiểu cần thiết cho mục đích nấu ăn và chút ít để sưởi ấm. Chính quyền địa phương đã không đặt đủ đơn đặt hàng với các nhà cung cấp để đáp ứng nhu cầu.
“Những gì đang xảy ra hiện nay không hẳn là một sự thiếu hụt nguồn cung theo đúng nghĩa của từ này. Thay vào đó, đây là sự thiếu hụt giả tạo,” ông Alfredo Montufar-Helu, người đứng đầu Trung tâm Kinh tế và Kinh doanh Trung Quốc tại tổ chức The Conference Board, nói với tờ Post.
Ông Montufar-Helu giải thích rằng sự khác biệt giữa giá bán lẻ và giá bán sỉ và việc một số chính quyền địa phương “không có khả năng” cung cấp các khoản trợ cấp bù đắp cho sự khác biệt này là hai yếu tố chính tạo ra tình trạng thiếu khí đốt ở một số khu vực của Trung Quốc.
Yếu tố trợ cấp
Trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times, bà Tần Viêm (Yan Qin), một chuyên gia về năng lượng Trung Quốc tại công ty dữ liệu Refinitiv có trụ sở tại London, cho biết Trung Quốc thực sự có các nguồn cung cấp khí đốt cần thiết để giúp họ vượt qua mùa đông.
Tuy nhiên, vấn đề là quy định về giá của chính phủ, cũng như việc cắt giảm trợ cấp, có nghĩa là khí đốt đang không đến được các khu vực phía bắc hiện đang có nhiệt độ thấp.
Gia bán sỉ khí đốt hiện được cho là cao gấp ba lần so với giá mà các nhà phân phối được phép tính chi phí cho các gia đình. Vì các nhà phân phối có thể chuyển toàn bộ chi phí cho người dùng doanh nghiệp, nên họ có động cơ tập trung vào việc bán cho nhóm đối tượng khách hàng này và giảm thiểu việc bán cho các gia đình khi giá khí đốt tăng cao.
Cùng với căng thẳng tài chính, nhiều chính quyền địa phương được cho là không thể trợ cấp khí đốt cho người dân.
Bà Tần nói: “Nếu họ có thể trợ cấp, thì chúng ta sẽ không gặp phải tình trạng thiếu hụt này.”
Tờ Post đưa tin cho biết, tại tỉnh Hà Bắc, người dân đã đệ trình một số khiếu nại lên chính quyền địa phương về các giới hạn đặt ra đối với việc mua khí đốt.
Vấn đề năng lượng Hoa Kỳ
Trong một phân tích về tình hình năng lượng hôm 27/01, Viện Nghiên cứu Năng lượng (IER) đổ lỗi cho các chính sách của chính quyền Trung Quốc đã gây ra “nỗi lo lắng” cho công dân của họ trong mùa đông này.
IER cho biết kể từ khi Bắc Kinh buộc phải chuyển đổi năng lượng từ than đá sang khí đốt, thì “cư dân có rất ít lựa chọn ngoài việc sẽ lạnh cóng vì thời tiết lạnh giá”, đặc biệt là khi chính quyền không sẵn sàng trợ cấp chi phí. Viện nghiên cứu này cũng đưa ra một so sánh với tình hình năng lượng ở Hoa Kỳ, chỉ ra rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng đang mắc sai lầm tương tự.
“Tổng thống Biden muốn điện khí hóa nền kinh tế Hoa Kỳ trong khi lấy đi khí đốt tự nhiên để sưởi ấm và nấu nướng, và lấy đi xăng và dầu diesel để cung cấp nhiên liệu cho xe hơi và xe tải. Ngoài ra, ông ấy muốn tất cả điện được sản xuất bởi các nguồn không carbon, chủ yếu là quang năng và phong năng,” IER cho biết.
“Việc thiếu đa dạng nguồn cung sẽ đặt hệ thống năng lượng của Hoa Kỳ vào một tình thế tai hại vượt xa tình trạng trên ở Trung Quốc. Loại bỏ các lựa chọn là có hại cho an ninh quốc gia, cho sinh kế, và cho nền kinh tế Mỹ.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times