BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Lý do Trung Quốc đề nghị cung cấp 10 tỷ USD cho Taliban để tiếp cận lithium
Một công ty Trung Quốc đã đề nghị cung cấp cho Taliban khoản tiền 10 tỷ USD và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược quan trọng kết nối miền bắc và miền nam của Afghanistan để đổi lấy quyền tiếp cận trữ lượng lithium của nước này. Một số chuyên gia đã bày tỏ lo ngại rằng lời đề nghị này sẽ cho phép chính quyền Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Hôm 13/04, một đại diện của [công ty Trung Quốc] Gochin và Bộ trưởng Mỏ và Dầu mỏ lâm thời của Taliban, ông Sheikh Hadith Shahabuddin Delawar, đã thảo luận về lời đề nghị này tại văn phòng của ông. Những cuộc đàm phán này đã diễn ra chỉ vài tháng sau khi Taliban bắt giữ hai công dân Trung Quốc đang cố gắng buôn lậu 1,000 tấn đá chứa lithium ra khỏi đất nước này.
Các chuyên gia cho biết cần phải xem xét liệu thỏa thuận này có khả thi hay không, nhưng một khi được ký kết, thỏa thuận này sẽ có thể mang đến các kết quả về ngoại giao và chính trị, và việc phát triển cơ sở hạ tầng được đề nghị có thể sẽ có một tác động chiến lược lâu dài.
Bà Maher Saadat, một nhà hoạt động lưu vong và là nhà phân tích các vấn đề thời sự của Afghanistan, nói với The Epoch Times trong một thư điện tử, “Về mặt địa chính trị, thỏa thuận này có thể mang lại cho Trung Quốc một lợi thế và ảnh hưởng đáng kể trong khu vực này, vì nước này có được một nguồn cung cấp tài nguyên quan trọng và tăng cường sự hiện diện của họ ở Afghanistan.”
Trữ lượng lithium của Afghanistan có khả năng sánh với với trữ lượng của Bolivia, nơi có lượng tài nguyên lithium dồi dào nhất thế giới. Bộ Mỏ và Dầu mỏ của Taliban cho biết trong một thông cáo báo chí rằng thỏa thuận này, một khi được thực hiện, sẽ cung cấp việc làm trực tiếp cho 120,000 người và gián tiếp cho 1 triệu người.
Ông Abhishek Darbey, một cộng tác viên nghiên cứu của Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích và Chiến lược Trung Quốc (CCAS) có trụ sở tại New Delhi, Ấn Độ, đã chỉ ra với The Epoch Times trong một thư điện tử rằng Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên trợ giúp Taliban thành lập một chính phủ ở Kabul sau khi Hoa Kỳ rút khỏi nước này. Ông tin rằng chính quyền Trung Quốc muốn kiểm soát khu vực này.
Ông nói: “Trong trường hợp của Afghanistan, quốc gia này rất quan trọng đối với Trung Quốc vì lãnh thổ trên đất liền của Sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ đi qua khu vực này, và một Afghanistan hòa bình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho BRI mở rộng và tiến triển.”
Ông nói thêm, “Ngoài ra, Trung Quốc tự xem mình là một cường quốc lớn trong khu vực này và do đó, họ muốn tham gia vào [việc] ra quyết định của khu vực hoặc muốn trở thành một cường quốc có khả năng ảnh hưởng đến chính trị của khu vực.”
Lợi ích mà lithium mang lại cho Taliban
Theo các chuyên gia, dự trữ lithium của Afghanistan là một nguồn lợi giúp Taliban kiếm tiền nhanh chóng, nhưng họ không có mục tiêu chiến lược dài hạn cho loại khoáng sản này.
Bà Saadat cho biết: “Họ có thể xem đó là một cơ hội tạo ra doanh thu ngay lập tức để tài trợ cho các hoạt động và củng cố quyền lực của mình, do họ đã quen dựa vào nhiều nguồn tài chính bất hợp pháp khác nhau, chẳng hạn như buôn bán ma túy và tống tiền.”
Bà cho biết, việc Taliban tập trung vào lợi ích tài chính trước mắt — mà không xem xét các tác động lâu dài và sự phát triển bền vững của các mỏ lithium — có khả năng hạn chế lợi ích tiềm năng của trữ lượng đó cho Afghanistan và người dân nước này.
Bà nói: “[Điều đó] chắc chắn sẽ không góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội toàn diện và sự ổn định của đất nước.”
Hồi năm 2013, mỏ lithium đầu tiên được phát hiện ở thành phố Ghazni. Những mỏ khoáng sản quý hiếm này nằm ở năm khu vực của Afghanistan: Herat, Thung lũng Shuryak, Quận Tagab thuộc tỉnh Kapisa, Quận Nawur thuộc tỉnh Ghazni, và Badakhshan.
Ông Darbey cho biết mối quan tâm của Trung Quốc đối với khu vực này không phải là điều mới mẻ. Hồi năm 2021, hai công ty Trung Quốc đã được cử đến Ghazni để tiến hành nghiên cứu kỹ thuật và kiểm tra các mỏ lithium và mỏ vàng.
Trong khi trữ lượng lithium của Trung Quốc đang cạn kiệt thì trữ lượng của Afghanistan vẫn chưa được khai thác. Theo ông Darbey, năm công ty Trung Quốc đã thành lập văn phòng đại diện của họ tại Afghanistan và khoảng 20 công ty Trung Quốc đã tìm hiểu thông tin về các dự án lithium.
Ông Delawar nói rằng hợp đồng khai thác những mỏ này ở Afghanistan sẽ được đưa ra theo luật của Taliban.
Ông Darbey cho thấy chính phủ Taliban đã ủng hộ khoản đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực khai khoáng rộng lớn hơn của họ, bên cạnh đó, hai công ty khai thác lithium lớn nhất của Trung Quốc — Thiên Tề (Tianqi) và Cám Phong (Ganfeng) — đã khảo sát những mỏ lithium này ở Afghanistan.
Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng
Bộ Mỏ và Dầu mỏ của Taliban cho biết trong thông cáo báo chí rằng Trung Quốc đã đề nghị phát triển ba dự án cơ sở hạ tầng: Đường hầm Salang nối miền bắc Afghanistan với Kabul, đường cao tốc Nuristan nối Kunar với Laghman, và một dự án đập thủy điện.
Ông Darbey nói: “Phía Trung Quốc đã nói rằng họ sẽ tu sửa đèo Salang để quá trình vận chuyển giữa Trung Quốc và Afghanistan được thông suốt, phục vụ cho mục đích khai thác mỏ và các hoạt động khác.”
Công ty Gochin đã đề nghị tu sửa Đèo Salang — một con đường huyết mạch của Afghanistan — trong bảy tháng và đào một đường hầm khác trên con đèo này.
Cuộc chiến giành đèo Salang là một phần quan trọng trong lịch sử chiến tranh của Afghanistan vì vị trí chiến lược của con đèo này trên bản đồ — Liên Xô và Hoa Kỳ đã sử dụng con đèo này để hành quân. Ngày nay, con đèo này rất quan trọng đối với phong trào quân sự của Taliban.
Việc xây dựng đường cao tốc Salang hai làn xe đầu tiên xuyên qua dãy núi Hindukush, gồm việc xây dựng một đường hầm dài 1.7 dặm (2.7 km) tại đèo Salang ở độ cao 3,400 mét so với mực nước biển, đã được Liên Xô thực hiện vào những năm 1960.
Theo bà Saadat, người từng nói rằng quân đội Hoa Kỳ phụ thuộc rất nhiều vào những nguồn cung cấp bằng đường hàng không vì rất khó di chuyển thiết bị hạng nặng qua Đèo Salang, sự chật hẹp của đèo này là một trong những yếu tố dẫn đến việc Hoa Kỳ rút quân hỗn loạn khỏi đất nước này.
Bà nói: “Việc không vận này không chỉ thách thức về mặt tiếp vận mà còn tốn kém về mặt kinh tế, điều này làm tăng thêm chi phí chung cho sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Afghanistan.” Bà cho biết thêm rằng chi phí cao cho cuộc chiến ở Afghanistan là một trong những lý do chính khiến Hoa Kỳ rời khỏi đất nước này.
Theo bà Saadat, ngày nay, Taliban đang kiểm soát tuyến đường vận chuyển quan trọng này để di chuyển các chiến đấu cơ và nguồn cung cấp trên khắp đất nước vì họ có toàn quyền kiểm soát Đường hầm Salang, khiến tuyến đường này không thể thiếu đối với các hoạt động quân sự của Taliban.
Bà cho biết: “Ngoài ra, Đường cao tốc Nuristan và Đập Thủy điện cung cấp cho Taliban một cơ hội kiểm soát cơ sở hạ tầng của khu vực này, vốn có thể được sử dụng để phát huy quyền lực và sự ảnh hưởng đối với người dân địa phương.”
Năm ngoái (2022), Taliban đã thông báo rằng thuế quan đối với vận tải hàng hóa sẽ tạo ra 341 triệu USD trong kho bạc của họ. Bà Saadat nói rằng các dự án do Trung Quốc đề nghị cũng có thể tạo ra doanh thu thông qua đánh thuế và tống tiền, vốn có thể được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động của Taliban và củng cố quyền lực của họ.
Ông Darbey nói rằng với nhiều dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, có khả năng Trung Quốc sẽ huấn luyện quân đội Taliban để cải thiện bộ máy an ninh của họ trong một thời gian ngắn.
Ông nói: “Cũng không thể loại trừ khả năng Trung Quốc gửi quân đội an ninh trong khu vực này.”
Theo bà Saadat, tình hình chung này cũng có thể tạo ra những căng thẳng với các quốc gia khác có lợi ích trong khu vực, đồng thời có khả năng dẫn đến các cuộc xung đột hoặc căng thẳng trong các mối quan hệ quốc tế.
Bà cho biết, “Hơn nữa, tình hình này có thể dẫn đến việc Trung Quốc tạo ra một cái bẫy nợ cho Taliban, tăng đòn bẩy kinh tế ở Afghanistan và có khả năng ảnh hưởng đến các động lực địa chính trị trong khu vực này.”
Kết nối với Trung Á
Các chuyên gia cho biết việc phát triển cơ sở hạ tầng được đề xướng này sẽ giúp cải thiện khả năng kết nối của Afghanistan với Trung Á, mang lại lợi ích cho Trung Quốc.
Bà Saadat cho hay bằng cách đề nghị sửa chữa Đèo Salang trong vòng 7 tháng, Trung Quốc đang cung cấp cho Taliban một tuyến đường vận chuyển quan trọng nối Kabul với thị trường Trung Á thông qua Hairatan.
Hairatan là một thị trấn ở phía bắc tỉnh Balkh của Afghanistan và giáp với Uzbekistan. Hairatan có đường biên giới chung với Uzbekistan, nơi đã tiếp nhận các lực lượng liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo vào năm 2001 vốn đã lật đổ Taliban sau sự kiện 11/09.
Sau khi Taliban tiếp quản vào năm 2021, Uzbekistan đã tiếp tục kinh doanh với Afghanistan qua cùng một biên giới này khi các công ty của họ tìm một con đường đi qua Afghanistan để đến các cảng ở Pakistan và Iran.
Taliban cũng là một phần của “dự án Hành lang Đường sắt Đông-Tây” trải dài từ Trung Quốc đến châu Âu qua Iran và Afghanistan, và một kết nối bắc-nam qua Salang rất quan trọng đối với bản đồ điều hướng tổng thể của Trung Á mà Trung Quốc đang phát triển.
Bà nói: “Tầm quan trọng của Đèo Salang đối với Taliban là họ không thể tự làm điều đó, và nơi đây sẽ cho phép họ tiếp cận và xuất cảng các trữ lượng lithium, thứ mà họ xem như là một nguồn kiếm tiền nhanh chóng.”
Các thử thách
Theo các chuyên gia, mặc dù Trung Quốc có một số nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào trữ lượng lithium của Afghanistan, nhưng họ sẽ phải đối mặt với những thách thức và rủi ro, bao gồm địa hình hiểm trở và các cuộc tấn công khủng bố ngày càng gia tăng.
Ông Darbey cho biết: “Đầu tiên, trong suốt cả năm này, điều kiện khí hậu khắc nghiệt diễn ra trên toàn khu vực địa lý của Hành lang Wakhan nối hai quốc gia này, và khu vực này vẫn có tuyết phủ trong ít nhất 9 tháng.”
Chính quyền Trung Quốc sẽ phải cải thiện công tác tiếp vận của mình trên khắp khu vực này để bảo đảm việc vận chuyển lithium thô từ các mỏ ở Afghanistan đến Trung Quốc được suôn sẻ. Ông nói rằng việc cải thiện các cơ sở giao thông có thể không phải là thách thức đối với người Trung Quốc vì họ đã có kinh nghiệm xây dựng các hệ thống tiếp vận ở địa hình tương tự ở Tây Tạng và Tân Cương.
Thách thức khác là ISIS. Theo ông Darbey, kể từ tháng 11/2021, IS đã tiến hành 248 cuộc tấn công, và để trả đũa, chính quyền Taliban đã tiến hành 132 hoạt động quân sự chống lại tổ chức này. Ông nói rằng bất chấp tất cả các hoạt động truy quét, công dân Trung Quốc ở Afghanistan đang không an toàn.
Thanh Nguyên và Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times