Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ hai trong chuỗi cung ứng pin toàn cầu
Theo bảng xếp hạng toàn cầu được công bố hôm thứ Hai (05/02), Canada đã chiếm vị trí hàng đầu của Trung Quốc về sản xuất pin lithium-ion vào năm ngoái (2023). Một chuyên gia tin rằng việc này cho thấy phương Tây đã đi đến một sự đồng thuận chung về mối đe dọa đối với an ninh quốc gia mà pin do Trung Quốc sản xuất gây ra.
BloombergNEF (BNEF) đã công bố Bảng xếp hạng Chuỗi Cung ứng pin Lithium-Ion Toàn cầu thường niên lần thứ tư. Bảng xếp hạng này đánh giá tiềm năng của 30 quốc gia trong việc xây dựng chuỗi cung ứng pin lithium-ion an toàn, đáng tin cậy, và bền vững.
Bảng xếp hạng đánh giá tiềm năng chuỗi cung ứng của mỗi quốc gia dựa trên 46 số liệu thuộc năm hạng mục: nguyên liệu thô, sản xuất pin, nhu cầu hạ nguồn, ESG (môi trường, xã hội, và quản trị), và “công nghiệp, cơ sở hạ tầng, và đổi mới.”
Theo phân tích, nguồn nguyên liệu thô của Canada, sự hội nhập mạnh mẽ với lĩnh vực xe hơi của Hoa Kỳ, và các cam kết chính sách rõ ràng đã giúp Canada có lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh.
An ninh quốc gia
Ông Đới Chí Ngôn (Chih-Yen Tai), nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa có trụ sở tại Đài Loan, giải thích với The Epoch Times phiên bản Hoa ngữ rằng Trung Quốc vẫn là nước sản xuất pin lithium-ion lớn nhất thế giới.
Ông Đới cho biết: “Một số công ty pin Trung Quốc được liệt kê trong số 10 công ty hàng đầu trong lĩnh vực xe hơi, nhưng bảng xếp hạng của BNEF kết hợp việc xem xét bảo vệ môi trường và nhân quyền trong quy trình sản xuất và khai thác pin lithium theo xu hướng quốc tế.”
Theo bảng xếp hạng này, “Chuỗi cung ứng của Bắc Mỹ đã tiến triển rất tốt nhờ cam kết và thực thi chính sách mạnh mẽ, trong đó Canada và Hoa Kỳ chiếm hai trong ba vị trí hàng đầu.”
Ông Đới đã cho rằng sự tăng trưởng đáng kể về thứ hạng của pin từ Canada hoặc các quốc gia khác là do ảnh hưởng từ các luật như Đạo luật Cạnh tranh Sạch nhằm làm giảm ô nhiễm khí hậu công nghiệp, và Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng. Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng đã được ký thành luật vào tháng Mười Hai năm ngoái và đã liệt kê sáu công ty pin Trung Quốc không đủ điều kiện mua sắm cho Bộ Quốc phòng, bao gồm CATL (Contemporary Amperex Technology Co. Ltd.), BYD Co., Envision Energy Ltd., EVE Energy Co., Gotion High Tech Co., và Công ty Công nghệ Lưu trữ Năng lượng Hithium.
Ông nói: “Hiện nay, các quốc gia phương Tây đang nhận ra tầm quan trọng chiến lược của pin và đang dần tiến tới đạt được khả năng tự cung tự cấp và kiểm soát nguồn tài nguyên quan trọng này.”
Trong khi nhiều quốc gia đang cố gắng giành lại quyền kiểm soát các địa điểm khai thác và sản xuất nguyên liệu thô pin, ông Đới cho biết khía cạnh quan trọng nằm ở việc tinh chế, hình thành, và chuyển giao công nghệ trong quá trình sản xuất. Ông nêu rằng, “Trong khi các công ty của châu Âu và Hoa Kỳ vượt trội về công nghệ tinh chế, Trung Quốc vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh trong sản xuất quy mô lớn. Việc giải quyết vấn đề này đặt ra những thách thức ngắn hạn đáng kể.”
Hôm 18/01, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã công bố 131 triệu USD để thúc đẩy chuỗi cung ứng pin cũng như nghiên cứu và phát triển (R&D) xe điện siêu nạp của Hoa Kỳ nhằm bảo đảm “sự độc lập về năng lượng của quốc gia.”
Ông Đới tin rằng Hoa Kỳ đặt mục tiêu phá vỡ thế dẫn đầu về công nghệ pin của Trung Quốc, và Liên minh Âu Châu cũng đang thúc đẩy các sáng kiến tương tự. Ông nói thêm, “Tuy nhiên, việc thay thế hoàn toàn sự thống trị và quy mô của Trung Quốc sẽ cần thời gian.”
Bắc Kinh hạn chế xuất cảng than chì
Trung Quốc thống trị mọi giai đoạn của chuỗi cung ứng cực dương pin, từ nguyên liệu thô đến sản xuất vật liệu cực dương hoạt động.
Theo dữ liệu từ Benchmark Mineral Intelligence, sản xuất của Trung Quốc chiếm 74% tổng chuỗi cung ứng cực dương than chì.
Tháng Mười năm ngoái (2023), Bắc Kinh đã áp đặt các hạn chế xuất cảng than chì với lý do “lo ngại về an ninh quốc gia.”
Mặc dù các hạn chế xuất cảng than chì có thể đặt ra những thách thức đáng kể, nhưng ông Đới tin rằng các hạn chế này cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ thay thế nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Ông nói: “Những giải pháp thay thế này bao gồm tái chế và tái sử dụng tài nguyên, cũng như các công nghệ có thể loại bỏ hoàn toàn nhu cầu về những vật liệu đó.”
Ông cũng cho biết tính hiệu quả của sự hạn chế của Trung Quốc phụ thuộc vào việc liệu các quy định hạn chế theo mục đích này có mở rộng để bao gồm tất cả các sản phẩm liên quan đến than chì và công suất các nguồn tài nguyên thay thế để đáp ứng nhu cầu quốc tế về sản xuất pin hay không.
Ông nói, “Đã vài tháng kể từ khi Trung Quốc áp đặt lệnh hạn chế. Chúng tôi chưa thấy nhà sản xuất nào ngừng sản xuất vì thiếu hụt hoặc giá nguyên liệu thô chính tăng cao.”
Vì vậy, hạn chế này dường như chỉ là “một thủ đoạn chính trị của chế độ đó nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ,” ông Đới cho biết.
Ông dự đoán những trở ngại mà các nhà sản xuất pin Trung Quốc sẽ gặp phải trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Ông Đới nói: “Để ứng phó với cuộc chiến thương mại, Tesla hoặc các nhà sản xuất xe điện phương Tây khác có thể xem xét chuyển đổi nhà cung cấp, loại bỏ dần các nhà cung cấp pin Trung Quốc khỏi danh sách mua sắm của họ và thay vào đó ưu tiên các nhà sản xuất địa phương.”
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times