Các bức tranh kính màu và những câu chuyện chúng kể
Để tạo ra kính màu, trước tiên ta lấy cát và tro gỗ trộn lẫn với nhau, rồi nấu chảy thành chất lỏng, sau khi nguội, chất này sẽ trở thành thủy tinh. Để tạo ra thủy tinh có màu sắc, ta thêm các kim loại dạng bột cụ thể vào hỗn hợp trên khi nó đang ở trạng thái nóng chảy.
Từ thời La Mã cổ đại, cửa sổ kính màu đã được đánh giá cao nhờ vẻ đẹp của mình. Cùng với việc tạo ra các ô cửa sổ thiêng liêng trong nhiều nhà thờ, loại hình nghệ thuật này đã đạt đến đỉnh cao vào thời kỳ Trung cổ, giúp truyền cảm hứng cho các tín đồ bằng những câu chuyện soi sáng. Qua nhiều thế kỷ, kính màu trở thành nội thất cố định trong những ngôi nhà tư nhân, sau đó được hồi sinh, và cuối cùng được đưa vào các bộ sưu tập của các bảo tàng trên khắp thế giới.
Để tạo ra kính màu, trước tiên ta lấy cát và tro gỗ trộn lẫn với nhau, rồi nấu chảy thành chất lỏng, sau khi nguội, chất này sẽ trở thành thủy tinh. Để tạo ra thủy tinh có màu, ta thêm các kim loại dạng bột cụ thể vào hỗn hợp trên khi nó đang ở trạng thái nóng chảy. Để chế tác ra một tấm kính màu, các mảnh kính màu sẽ được đặt lên một bản thiết kế vẽ trên một tấm bảng. Việc lắp ráp tiếp theo yêu cầu các cạnh của tấm kính phải vừa khít vào các dải chì trong khung và sau đó được hàn lại với nhau để gia cố cửa sổ.
Hồi ký của Thánh Germain
Bức tranh kính màu thời Trung cổ “Vision of Saint Germain of Paris” (Khải tượng của Thánh Germain ở Paris) có nguồn gốc từ Tu viện Saint-Germain-des-Prés. Tu viện Dòng Biển Đức mang phong cách Paris (Parisian Benedictine) quyền lực này được thành lập vào thế kỷ thứ sáu và sau này được đặt tên để vinh danh Thánh Germain. Thánh Germain sinh ra ở Burgundy và tiếp tục trở thành giám mục của Paris. Một trong những thành tựu vĩ đại của ông là khuyên nhủ Vua Childebert I của triều đại Merovingian — người vướng đầy trần tục, hướng đến một đời sống Cơ Đốc hơn. Nhờ đó, Thánh Germain đã [góp phần] giúp vua Childebert tài trợ xây dựng tu viện hùng vĩ này.
Các vị thánh bảo trợ của các tu viện thường được mô tả trên tranh kính màu. Bức tranh này thuộc chuỗi các khung cảnh về cuộc đời và những phép lạ của Thánh Germain. Tác phẩm được tạo ra từ năm 1245 đến năm 1247 và trưng bày trong Nhà nguyện Lady của tu viện. Mặc dù nhà nguyện này giờ không còn nữa, nhưng nhà thờ của tu viện vẫn tọa lạc trên Đại lộ Saint Germain nổi tiếng.
Bức tranh kính màu “Khải tượng của Thánh Germain ở Paris” miêu tả phép lạ sau khi Thánh Germain tạ thế. Trong đó, Thánh Germain là nhân vật có vầng hào quang màu đỏ, xuất hiện như khải tượng trong giấc mơ của một tu sĩ để cảnh báo về cuộc xâm lược của người Norman sắp nhằm vào tu viện, cùng sự trấn an rằng các thánh tích của ngài sẽ vẫn nguyên vẹn. Vị tu sĩ với khuôn mặt tái nhợt, quay mặt khỏi Thánh Germain. Bố cục của tấm kính màu có hai nhân vật chiếm vị trí nổi bật cùng nền màu xanh giàu độ bão hòa, tương phản với các đường nét và hình khối màu đỏ. Phần còn lại của khung cảnh có chi tiết tối giản, tạo nên sắc thái của một thế giới khác.
Cuộc xâm lược mà Thánh Germain cảnh báo đã thực sự xảy ra, nhưng Tu viện Saint Germain-des-Prés vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong suốt thời kỳ Trung cổ, trở thành một trong những tu viện hưng thịnh và quyền lực nhất trên toàn nước Pháp cho đến thời kỳ Cách mạng Pháp.
Năm 1791, các ngôi mộ thuộc triều đại Merovingian của tu viện, gồm cả Vua Childebert, bị chính quyền cách mạng phá hoại. Những kiến trúc tôn giáo còn sót lại sau cuộc nổi loạn được trưng dụng làm văn phòng chính quyền, nhà tù, doanh trại, hoặc cho các doanh nghiệp thuê. Tu viện Saint-Germain-des-Prés bị đóng cửa và chuyển đổi thành nhà máy tinh chế để sản xuất diêm tiêu, một thành phần hóa học gây nổ của thuốc súng.
Điều đáng kinh ngạc là, kho chứa vật liệu này đã phát nổ vào năm 1794, khiến một số cửa sổ trong Nhà nguyện Lady bị hư hại. Không rõ liệu tấm kính màu này được tháo dỡ trước hay sau vụ nổ, nhưng trong cả hai trường hợp, nó vẫn tồn tại và được chuyển đến một kho chứa đặc biệt dành cho các tác phẩm nghệ thuật di dời từ các tòa nhà tôn giáo. Sau đó, một số tấm kính màu của Tu viện Germain-des-Prés được đưa trở lại các địa điểm thuộc giáo hội hoặc nằm trong các bảo tàng và bộ sưu tập tư nhân. Còn bức tranh kính màu này hiện là một phần trong bộ sưu tập của bảo tàng The Met Cloisters và được trưng bày cố định trong một khung cửa sổ theo phong cách Gothic, gợi nhớ về cách thể hiện tương tự như nguyên bản của nó.
Thiết kế nội thất thời Phục hưng
Các cửa sổ kính màu của Giáo hội tiếp tục phát triển hưng thịnh trong thời kỳ Phục hưng ở châu Âu. Khi kính có giá thành phải chăng hơn vào cuối những năm 1400, thì cửa kính trở nên phổ biến hơn trong các kiến trúc dân dụng — với kính màu là phụ kiện trang trí thông dụng. Các mẫu kính như vậy được chú ý vì chúng sử dụng màu sắc, ánh sáng và thậm chí là cả sự hóm hỉnh. Các chủ đề tiêu chuẩn bao gồm những biểu tượng của cung hoàng đạo, khung cảnh thiêng liêng, chân dung, và huy hiệu.
Tác phẩm “Heraldic Panel Showing the Eberler Family Arms” (Bảng phù hiệu thể hiện gia huy của gia đình Eberler) của Thụy Sĩ cuối thế kỷ 15 này, hiện nằm trong Bộ sưu tập của Bảo tàng J. Paul Getty, rất có thể được làm cho một ngôi nhà tư nhân. Tác phẩm có độ tinh xảo cao nhờ sử dụng nhiều kỹ năng kỹ thuật phức tạp trong quá trình chế tác kính, cũng như áp dụng thẩm mỹ nghệ thuật xuất sắc trong việc nhuộm bạc và sơn thủy tinh. Loại sơn chuyên dụng này có chứa các hạt thủy tinh trong chất kết dính lỏng nóng chảy và được sơn lên tấm kính trong quá trình nung.
Bức tranh kính của bảo tàng Getty thể hiện gia huy cùng một thiếu nữ xinh đẹp được trang bị vũ khí là một con dao găm có vỏ bọc. Cô mặc chiếc váy xanh có hoa văn, găng tay dài, chiếc đai vàng, dây chuyền, nhẫn, và một tấm mạng che mặt trắng dài đính vào chiếc mũ xa hoa lộng lẫy. Tương tự như tấm kính “Vision of Saint Germain of Paris” (Khải tượng của Thánh Germain ở Paris), bố cục của bức tranh cho thấy một nhân vật quay lưng lại với một nhân vật khác. Tuy nhiên, trong tác phẩm này, hai nhân vật gồm có một thiếu nữ và một chú lợn rừng màu đỏ đầy đe dọa, con vật này là họa tiết trên huy hiệu của gia tộc Eberler ở vùng Basel, Thụy Sĩ. Các nhân vật được đặt xếp lớp trên nền họa tiết gấm hoa, phông nền này chi tiết hơn nhiều so với phong cách tối giản thời Trung cổ trong bức tranh Thánh Germain.
Gia huy được thể hiện ở dưới cùng của bức tranh bao gồm tấm khiên cùng biểu tượng chú lợn rừng trên nền vàng điểm hoa văn, nón giáp, và trang trí dày đặc những chiếc lá cuộn tròn màu đỏ và vàng. Phần đường diềm phía trên tấm kính thể hiện bối cảnh một nhóm nam nữ thanh niên tham gia vào việc săn bắt bằng chim ưng: môn thể thao săn bắt sử dụng chim săn mồi này vốn là một hoạt động gắn liền với những lời tán tỉnh nhã nhặn. Những chú chim trang trí tô điểm cho các cạnh của tấm kính, kết nối tất cả các phần bối cảnh với nhau.
Sự hồi sinh của phong cách Gothic thời Victoria
Ở nước Anh vào thời kỳ Victoria, mối quan tâm về kiến trúc và nghệ thuật thời Trung cổ được hồi sinh, và phong cách Gothic Revival tương ứng trong kiến trúc đã tiếp thêm sinh khí cho thị trường kính màu. Một trong những nhà thiết kế vĩ đại nhất thời đại về lĩnh vực này là ông Edward Burne-Jones, thành viên của phong trào Tiền – Raphaelite và là một họa sĩ nổi tiếng về các bối cảnh tôn giáo, thần thoại và văn học.
Các nghệ sĩ theo phong cách Tiền-Raphaelites đã lấy cảm hứng từ những nghệ sĩ hoạt động trước thời Raphael, đặc biệt là từ những người thợ thủ công thời Trung cổ và các bức vẽ của họ về thiên nhiên. Ông William Morris, người đi đầu trong phong trào Nghệ thuật và Thủ công Anh, đã vận dụng những ý tưởng này vào nghệ thuật trang trí, thành lập công ty cùng với người bạn Burne-Jones tại Đại học Oxford để sản xuất kính màu, thảm, giấy dán tường, và những đồ vật trang trí khác.
Ông Burne-Jones đã tạo ra khoảng 750 mẫu thiết kế kính màu trong suốt cuộc đời mình. Mẫu thiết kế Thánh Cecilia nổi tiếng của ông là đến từ sự hợp tác lừng lẫy giữa ông và ông Morris và dùng để tạo nên gần 30 cửa sổ trong suốt nhiều năm. Phiên bản này hiện nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Princeton (khoảng năm 1900). Ban đầu, bức tranh kính này có thể được lắp đặt trong một phòng ăn hoặc khu vực giải trí tư nhân.
Phần tiếp theo hiển nhiên sẽ có bối cảnh êm ái du dương vì Thánh Cecilia là vị thánh bảo trợ của âm nhạc và mang biểu tượng của một cây đàn ống. Bà là người tử vì đạo Cơ Đốc Giáo thời đầu ở La Mã, và ông Burne-Jones mô tả bà trên ô cửa sổ này là đang chơi phiên bản đàn ống cầm tay của thế kỷ 15. Bảo tàng ghi chú trong mục “Sổ tay” của mình rằng “phong cách phẳng, trừu tượng, tuyến tính và tư thế rũ xuống của người phụ nữ cao ráo và kiều diễm đến khó tin này có liên quan đến tác phẩm của danh họa Botticelli … trong khi đó, tấm bình phong giống như tấm thảm có hình cây lựu, trái cây và vải thổ cẩm với hoa văn phong phú lại gợi nhớ đến phong cách Gothic gần đây nhất của nghệ thuật Ý.” Màu sắc phong phú, vải dệt có hoa văn, và họa tiết hình chiếc lá được sử dụng để tạo hiệu ứng lung linh rực rỡ, như trong bức tranh kính “Bảng phù hiệu thể hiện gia huy của gia đình Eberler.” Ông Burne-Jones khéo léo gợi lên phong cách sáng tạo kính màu thời Trung cổ và đầu thời kỳ Phục hưng trong phong cách đổi mới của mình.
Ông Burne-Jones được giới phê bình đánh giá cao về khả năng hiếm có trong việc truyền tải cảm xúc và cá tính qua kính màu bất kể những hạn chế của phương tiện này. Thánh Cecilia chính là minh chứng cho câu nói của ông Morris rằng điều quan trọng đối với các nghệ sĩ là sử dụng màu sắc tươi sáng trong tất cả các thiết kế kính màu. Cửa sổ thể hiện niềm tin của ông rằng các nhân vật nên được thiết kế trong bố cục đơn giản để người xem có thể hiểu rõ chúng [dù] ở khoảng cách rất xa. Tác phẩm cũng phản ánh quan điểm của nghệ sĩ rằng các thanh chì cố định cửa sổ đã góp phần tạo nên vẻ đẹp tổng thể cho cửa sổ kính màu.
Cả ba tác phẩm kính màu này đều là đại diện cho thời đại sản xuất của chúng và cũng là những tác phẩm nghệ thuật kiểu mẫu. Đi sâu hơn vào vẻ ngoài của tranh kính màu, trên cả màu sắc và hình dạng xa hoa, đã cho thấy mối liên hệ của kính màu đối với việc thờ phượng tôn giáo, các kỹ thuật và đổi mới khoa học, cũng như những phong trào nghệ thuật. Đó là những ô cửa sổ soi sáng lịch sử và thời nay vẫn tiếp tục làm say mê người thưởng lãm bằng vẻ đẹp và câu chuyện của mình.
Diệu Linh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times