Bộ phim ‘Từ khi anh đi xa’: Giữ gìn sự nữ tính trong nghịch cảnh
Bạn có luyến tiếc ngày tháng khi mà các bộ phim Hollywood thường nói về những đức tính vui vẻ, hữu ích, yêu đời và tốt bụng của phụ nữ và họ được đánh giá cao nhờ những phẩm chất này?
Khi Bộ luật Sản xuất Điện ảnh được thi hành mạnh mẽ để bảo đảm mọi bộ phim phải phù hợp lễ nghi đối với tất cả mọi người, các tác phẩm của Hollywood trong suốt giai đoạn 1934–1954 đã tuân thủ đúng như thế. Những hình mẫu và giá trị truyền thống là đặc trưng trong những bộ phim kinh điển này, đồng thời cũng bảo vệ và tôn vinh hôn nhân và gia đình. Ngày nay, xem những nhân vật nữ tính trong các bộ phim thời kỳ ấy, người ta như được hít thở khí trong lành vậy.
Các nhân vật này đã thực hiện vai trò của mình trong gia đình như thế nào? Trong khi có nhiều bộ phim thời Bộ luật thường khắc họa các nhân vật nữ tốt đẹp là người mẹ, người chị, hoặc người con gái, thì có những bộ phim cùng lúc khắc họa cả ba đối tượng này! “Từ khi anh đi xa” (Since You Went Away) (1944) là một bộ phim như thế. Lấy bối cảnh trong Thế chiến thứ II ở mặt trận hậu phương của Hoa Kỳ, bộ phim tập trung vào những người phụ nữ trong một gia đình ở miền Trung Tây đất nước.
Khi Tim vắng mặt vì tham gia chiến tranh, vợ ông và hai cô con gái đang tuổi học sinh trung học phải chịu đựng những thử thách và khổ cực như những thường dân thời chiến. Họ bộc lộ đức hạnh tốt đẹp nhất của người phụ nữ khi giữ ngọn lửa gia đình luôn rực sáng.
Một phụ nữ đức hạnh
Những người phụ nữ đức hạnh lý tưởng là những người vợ, người mẹ chân chính, họ phục vụ chồng, con một cách vị tha, và tôn kính Chúa. Anne Hilton (Claudette Colbert thủ vai) trong “Từ khi anh đi xa” vừa khớp với mô tả này. Trong cảnh mở màn, khi chồng cô tham gia Thế chiến thứ II, cô chỉ còn lại một mình để vừa duy trì sự thoải mái hết mức có thể của gia đình vừa hỗ trợ cho cuộc chiến.
Tài chính của họ khó khăn, vì vậy cô phải cho người giúp việc trung thành Fidelia (Hattie McDaniel) của họ nghỉ và tự làm việc nhà. Anne sau đó đã nhường căn phòng của cô cho một người ở trọ, vị Đại tá William Smollett (Monty Woolley) cộc cằn. Cô phục vụ ông mà không hề ca thán. Sau nhiều tháng giảm khẩu phần ăn, thu nhặt phế liệu, giúp đỡ binh lính, làm các khu vườn chuẩn bị thực phẩm cho chiến tranh và viết những lá thư động viên chồng. Cô tuyên bố rằng mình làm việc như vậy chưa đủ nên đã trở thành một thợ hàn tại xưởng đóng tàu.
Anne có những điểm nữ tính tuyệt vời như hay giúp đỡ người khác, dịu dàng, cảm thông, yêu thương, và chung thuỷ. Bất chấp sự khó tính ban đầu của Đại tá Smollett về bữa sáng, cô cố gắng thuyết phục ông bằng cách dịu dàng làm bữa trưa. Cô nhẹ nhàng giúp hàn gắn những rạn nứt của ông với người cháu trai, Hạ sĩ Bill Smollett (Robert Walker thủ vai).
Cô luôn thông cảm với bạn bè, gia đình và thậm chí cả những người xa lạ. Cô thân thiện với mọi người, đặc biệt là các con gái. Cô trấn an những hoài nghi của các con, tôn trọng cảm xúc của chúng, chia sẻ niềm vui cùng chúng và giúp chúng vượt qua những bi kịch.
Annie kiên định chung thuỷ trong khi Tim xa nhà nhiều tháng trời, nhưng người bạn của gia đình Tony Willett (Joseph Cotten thủ vai) là người khách lui tới thường xuyên lại đề nghị giúp đỡ gia đình rất tận tình. Mặc dù Tony rõ ràng đã yêu cô nhiều năm, nhưng anh biết cô vĩnh viễn chung thủy với Tim, và là một tấm gương tuyệt vời về lòng trung thành cho các con gái.
Người vợ, người mẹ, người bạn và người công dân Anne Hilton là người mà mọi phụ nữ nên noi theo. Cô chỉ muốn chăm sóc cho các con gái mình, làm chồng cô tự hào, và phục vụ đất nước. Cô dũng cảm, siêng năng và chăm chỉ, nhưng không bao giờ cho phép những phẩm chất mạnh mẽ này làm mất đi sự nữ tính của mình. Cô vẫn xinh đẹp, tế nhị và nữ tính ở bề ngoài cũng như trong tinh thần. Anne thường khóc một mình nhưng lại luôn là chỗ dựa vững chắc cho con gái.
Có một thời điểm, cô kết bạn với một thợ hàn đồng nghiệp, một phụ nữ nhập cư tên là Zofia Koslowska (Alla Nazimova thủ vai). Anne chào đón Zofia về nhà mình vào dịp Giáng Sinh, coi Zofia như người trong nhà và xoa dịu nỗi cô đơn của Zofia bằng sự yêu thương của người chị. Zofia nói với cô, “Chị chính là điều mà em nghĩ về đất nước Hoa Kỳ”, và người xem đồng ý hoàn toàn với nhận xét đó.
Những người phụ nữ khác
Còn ba người phụ nữ khác trong gia đình Hilton. Jane (Jennifer Jones thủ vai), cô con gái 17 tuổi, đã thay đổi rất nhiều trong bộ phim này khi trưởng thành từ một cô gái có phần ngây ngô thành một thiếu nữ dũng cảm. Jane ban đầu tốt với Bill Smollett chỉ vì anh là một người lính, nhưng rồi cô dần dần nảy sinh tình yêu sâu sắc, không vị kỷ với anh, cô thề sẽ đợi dù anh phải ra nước ngoài và kết hôn với anh ngay cả nếu anh bị thương. Jane cũng rất tốt bụng với những người lính khác khi khích lệ được chàng Bill hay ghen tuông giúp cô kết bạn với một thủy thủ cô đơn (Guy Madison thủ vai).
Háo hức làm được nhiều hơn nữa cho cuộc chiến, Jane xin mẹ làm trợ lý y tá trong suốt mùa hè. Khi bà Hawkins (Agnes Moorehead thủ vai) – người hàng xóm hợm hĩnh – chỉ trích cô làm công việc này, Jane đã mạnh mẽ tuyên bố: “Xin bà đừng lo nếu như đôi bàn tay quý giá, khỏe mạnh của chúng tôi phải tiếp xúc với những cái thân thể biến dạng đó. Chúng tôi sẽ vẫn ổn! Ngay cả khi họ thì không!” Cô chịu đựng bi kịch riêng của mình một cách cao thượng, trong khi vẫn kiên nhẫn giúp đỡ một người lính bị suy sụp (Craig Stevens thủ vai) tìm thấy ý nghĩa mới của cuộc sống.
Bridget, được gọi là Brig (Shirley Temple thủ vai), là cô con gái nhỏ. Giống mẹ và chị gái, Brig phải chịu đựng nỗi buồn, sự cô đơn, và thiếu thốn trong chiến tranh. Tuy nhiên, sở hữu một tính cách lạc quan, em cũng rất thân thiện, hay giúp đỡ người khác và rất vui vẻ.
Khi Đại tá Smollett chuyển đến nhà của gia đình Hilton, Anne và Jane muốn để ông thoải mái, nhưng Brig quyết định kết bạn với ông. Em đọc cho ông những bức thư của bố, nói chuyện với ông, hỏi han, và phụ giúp mẹ nấu bữa ăn cho ông. Mặc dù ông không thích giao thiệp, nhưng em đã giúp phá vỡ được cái vỏ cộc cằn của ông. Em cũng tận tâm giúp đỡ người bạn Gladys (Jane Devlin thủ vai) vốn quá nhút nhát để nói chuyện hoặc giao tiếp xã hội, và cuối cùng động viên được cô bé nói “Giáng Sinh vui vẻ” với mọi người!
Brig cũng làm công tác hậu cần trong chiến tranh. Em và Gladys trồng một khu vườn chuẩn bị lương thực và thực hiện một đợt vận động gom cao su phế liệu. Brig cũng khích lệ mẹ em cho thuê một trong những căn phòng của họ như là bổn phận của một công dân yêu nước. Cô cho rằng các em muốn những người xa lạ thể hiện sự quan tâm như vậy với cha của họ. Dù vẫn còn là một cô bé nhưng Brig đã bộc lộ những phẩm chất nữ tính tuyệt vời, hứa hẹn sẽ trở thành một người vợ và người mẹ tuyệt vời một ngày nào đó.
Người phụ nữ thứ tư trong câu chuyện là người giúp việc Fidelia của nhà Hilton. Bà thực sự là một phần của gia đình này dù không mang cùng huyết thống. Khi Tim ra mặt trận, Anne rất buồn khi phải cho Fidelia nghỉ việc vì bà không có khả năng trả tiền công nữa, vậy nên bà Fidelia đành miễn cưỡng làm việc nơi khác.
Tuy nhiên, bà không chịu để nhà Hiltons vật lộn mà thiếu bà. Bà bảo Anne rằng bà không thể chịu được việc sống với những người hầu khác của người chủ giàu có của mình, vì vậy bà đồng ý làm việc cho nhà Hiltons vào những ngày nghỉ để đổi lấy việc thuê căn phòng cũ của mình. Fidelia có vai trò lớn lao hơn nhiều so với một người giúp việc; bà chính là sự trung thành, đúng như ý nghĩa cái tên của bà. Bà là người mẹ thứ hai của Jane và Brig và là một người bạn tâm giao của Anne trong những lúc khó khăn nhất. Anne buộc phải mạnh mẽ trước Jane và Brig nhưng lại có thể tâm sự với Fidelia.
Giống như những phụ nữ khác, Fidelia rất khiêm nhường khi thừa nhận những cách để bà có thể tiến bộ. Khi chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh, Fidelia rất dè dặt trước niềm tin của nhà Hiltons về sự trở về của Tim. Bà thú nhận: “Bà Hilton, tôi đoán tôi chỉ chưa phải là người được ban ân huệ của Chúa thôi. Tôi chỉ là chưa có đức tin thực sự thôi. Nhưng tôi sẽ có. Từ bây giờ, tôi sẽ là một tín đồ thực sự.”
Một tấm gương cho chúng ta
Ngày nay, nhiều người liên hệ nữ tính với sự yếu đuối, vô dụng và sự kìm nén, trong khi sự mạnh mẽ của phụ nữ lại được liên hệ với nữ quyền. Tuy nhiên, những người phụ nữ trong bộ phim này đã phủ nhận những quan điểm ấy. Bởi “có một cuộc chiến tranh”, nên Anne, Jane, Brig và Fidelia phải chịu đựng những khó khăn, thử thách và khổ ải mà họ đã không bao giờ tưởng tượng được. Để tồn tại, họ phải sử dụng đến sức mạnh tình cảm, tinh thần, và đôi khi cả sức mạnh thể chất của chính họ. Tuy nhiên, điều này không bao giờ khiến họ bớt nữ tính hơn. Họ luôn luôn rất nữ tính trong phong thái, cốt cách, lối ứng xử, và hơn hết là luôn đức hạnh.
“Từ khi anh đi xa” là một kiệt tác luôn luôn truyền cảm hứng cho mọi người. Tuy nhiên, thông điệp về lòng dũng cảm trong thời gian thử thách của nó lại rất thích hợp cho năm 2020, khi nghịch cảnh hiện nay vẫn còn kéo dài bất định giống như trong Thế chiến thứ II.
Ngay bây giờ, đất nước Hoa Kỳ cần những công dân yêu nước và tận tâm như những nhân vật này. Bộ phim khích lệ người Hoa Kỳ hãy để niềm tin giúp họ trụ vững trong những thời điểm khó khăn, như trong phân cảnh xúc động về một vị bộ trưởng (Lionel Barrymore thủ vai) trích từ khổ cuối của “Quốc ca Hoa Kỳ”:
“Ồ! Có bao giờ, khi những người tự do sẽ đứng.
Giữa ngôi nhà thân yêu của họ và sự hoang tàn của chiến tranh!
Nguyện cho chiến thắng và hòa bình, và cầu ơn Thiên đường cứu lấy mảnh đất này.
Ngợi ca Thần đã tạo ra và bảo hộ cho chúng ta một quốc gia.
Rồi chúng ta phải chinh chiến, khi đó chính là chính nghĩa của chúng ta,
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times