Chủ nghĩa nữ quyền chưa bao giờ là về bình đẳng
Chúng ta từng được bảo rằng chủ nghĩa nữ quyền là về bình đẳng, tạo ra một sân chơi bình đẳng nơi phụ nữ có thể có vị trí xứng đáng trên thế giới.
Tôi vui sướng được gọi bản thân là một “nhà nữ quyền” sau khi đọc cuốn sách “The Female Eunuch” (Nữ Thái Giám) của nữ văn sĩ Germaine Greer, trớ trêu thay là việc này xảy ra trong lúc tôi đang làm công việc là một cô gái cho thuê xe hơi của Hertz trong kỳ nghỉ ở trường đại học, diện chiếc váy ngắn màu vàng tươi và tán tỉnh những du khách Mỹ.
Nhưng sau đó, thứ văn hóa đả kích nam giới ngày nay đã hình thành, với việc nam giới trở thành nơi trút giận và phụ nữ được quảng bá, ấu trĩ hóa, và lý tưởng hóa một cách đáng xấu hổ.
Tôi kết luận rằng chủ nghĩa nữ quyền đã đi chệch hướng.
Hóa ra điều đó là sai, [chủ nghĩa nữ quyền chưa bao giờ đi chệch hướng]. Sự thật về lịch sử nữ quyền hiện đang được bà Janice Fiamengo đáng gờm tiết lộ, khi bà sử dụng các video dựa trên cơ sở học thuật mạnh mẽ cho thấy chủ nghĩa nữ quyền chưa bao giờ là về bình đẳng.
Việc bà Fiamengo đào sâu vào lịch sử nữ quyền khiến vị học giả bình thường vốn điềm tĩnh, chừng mực này xáo động vì phẫn nộ.
Với lòng nhiệt huyết, bà Fiamengo nói trong một cuộc phỏng vấn video gần đây rằng: “Chủ nghĩa nữ quyền chưa bao giờ là ôn hòa. Chủ nghĩa nữ quyền chưa bao giờ không kèm theo sự hận thù sâu sắc và nỗi cay đắng đối với nam giới, chưa bao giờ thoát khỏi tuyên bố rằng phụ nữ hoàn toàn là nạn nhân bị nam giới đối xử tàn nhẫn, chưa bao giờ không quan tâm đến việc phá huỷ gia đình, chưa bao giờ chính xác trong những tuyên bố của họ về hoàn cảnh xã hội của phụ nữ … Chủ nghĩa nữ quyền luôn luôn là một loại phong trào căm ghét nam giới, thù hận nam giới, đổ lỗi cho nam giới một cách sâu sắc.”
Những từ ngữ mạnh mẽ này là từ vị cựu giáo sư Anh ngữ khá dè dặt đến từ Đại học Ottawa, một học giả đáng tin cậy với một lượng lớn sách và các bài báo trên các tập san học thuật mang tên bà.
Quá trình giáo dục về nữ quyền của bà Fiamengo bắt đầu khi bà thấy mình tham gia vào ủy ban thăng chức của trường đại học, chứng kiến sự phân biệt đối xử ngày càng tăng đối với các học giả nam. Bà đã bắt đầu dũng cảm công khai về vấn đề thành kiến với nam giới, thu hút sự phẫn nộ từ những khán giả là sinh viên.
Tiết lộ nguồn gốc thực sự của chủ nghĩa nữ quyền
Năm ngoái, bà đã bắt đầu một loạt video mới, “Hồ sơ Fiamengo 2.0,” vốn lần theo lịch sử của chủ nghĩa nữ quyền từ khởi điểm của chủ nghĩa này hồi cuối thế kỷ 18 cho đến hiện nay — cho thấy các nhà hoạt động nữ quyền đã thanh minh cho lịch sử ban đầu của họ một cách hiệu quả như thế nào để thổi phồng các thành tích của họ và ma quỷ hóa nam giới.
Thông tin thú vị là ông Jordan Peterson đã đề nghị bà Fiamengo dạy một khóa học về lịch sử thực thụ của chủ nghĩa nữ quyền tại Học viện Peterson, nền tảng giáo dục trực tuyến mới của ông với mục đích dạy sinh viên suy nghĩ như thế nào chứ không phải suy nghĩ về điều gì.
Sáng kiến của ông Peterson sẽ giúp cho các giáo viên nổi tiếng từ khắp nơi trên thế giới giảng dạy về các chủ đề quan trọng. Giống như sự thật về chủ nghĩa nữ quyền.
Điều quan trọng là xã hội của chúng ta đã được truyền bá để tin vào một phiên bản lịch sử xã hội hoàn toàn sai.
Chẳng hạn như, quan điểm cho rằng phong trào phụ nữ đã giải cứu phụ nữ khỏi sự chuyên chế của một xã hội gia trưởng nơi nam giới không cho phụ nữ đi bầu cử, được tự do cưỡng hiếp vợ của họ, chiếm hữu tài sản và thu nhập, đồng thời khẳng định đặc quyền kiểm soát chặt chẽ của họ đối với phụ nữ.
Thực tế đã rất khác, như bà Fiamengo đã giải thích trong bức thư gần đây với tôi: “Trong những thế kỷ trước, nam giới và phụ nữ sống cuộc sống phụ thuộc lẫn nhau, trong đó sinh mạng mong manh và sự hiện diện của bệnh tật, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao, thiếu mạng lưới an sinh xã hội, và sự phức tạp của công việc nội trợ và nuôi dạy con cái có nghĩa là hầu hết phụ nữ và nam giới phải phân chia lượng công việc rất nhiều của họ thành các lĩnh vực riêng biệt là nội trợ và cộng đồng.”
Tuy nhiên, chúng ta lại tìm thấy, trong tài liệu nổi tiếng và tiết lộ nhiều nhất về phong trào phụ nữ Mỹ đầu thế kỷ 19 (pdf), “Tuyên ngôn về Tình cảm”, tuyên bố rằng “lịch sử nhân loại là một lịch sử của những tổn thương và chiếm đoạt lặp đi lặp lại của nam giới đối với phụ nữ, có mục đích trực tiếp là thiết lập một chế độ chuyên chế tuyệt đối với phụ nữ.”
Tuyên ngôn này, chủ yếu do nhà lãnh đạo nữ quyền Elizabeth Cady Stanton viết, chứa đầy những cáo buộc gay gắt về sự tàn bạo trong cách nam giới đối xử với phụ nữ và sự xuyên tạc trắng trợn về hoàn cảnh của phụ nữ.
Về những điều sai sự thật như nam giới từ chối cho phụ nữ có quyền bầu cử, bà Fiamengo giải thích rằng, “Điều này đơn giản là không đúng sự thật.”
Bác bỏ những điều giả dối trong câu chuyện của phong trào nữ quyền
Thực tế là vào thời điểm đó, hầu hết nam giới cũng không được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử quốc gia — chỉ những nam giới giàu có sở hữu tài sản mới được đi bầu.
Thuế bầu cử, các yêu cầu biết đọc biết viết, và các tiêu chuẩn về tài sản đã hạn chế quyền bầu cử của nam giới, và những người nam được trao cho quyền bỏ phiếu để được đi bầu thì phải đổi lại bằng nghĩa vụ mạo hiểm tính mạng của họ để bảo vệ đất nước khi có chiến tranh.
Tuyên ngôn này cũng nêu lên một cách sai lầm rằng nam giới có thể chiếm đoạt tài sản và tiền lương của một người vợ, nhưng thực tế rằng một Đạo luật về Tài sản của Phụ nữ đã Kết hôn đã được thông qua đã bị các nhà nữ quyền thuận tiện phớt lờ.
Nhưng còn những phụ nữ dũng cảm đòi quyền bầu cử cho phụ nữ ở Anh thì sao? Bà Fiamengo tiết lộ rằng bà Emmeline Pankhurst và phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ của bà ấy có một lịch sử rất đen tối, vì đã sử dụng các chiến thuật quân sự trong đó có cả đánh bom vào tư gia của các nghị viên.
Về những thành tựu rất đáng khen ngợi của họ, bà Fiamengo chỉ ra rằng trong suốt thế kỷ 19, những chủ đề mà phụ nữ đòi hỏi cải tổ — như giáo dục đại học cho phụ nữ, những thay đổi đối với luật ly hôn và quyền nuôi con, quyền sở hữu tài sản của phụ nữ, tuổi kết hôn — đã chứng kiến một Nghị viện toàn nam giới nhanh chóng có hành động.
Đại đa số nam giới Anh Quốc đã không có quyền bầu cử. Trên thực tế, chính Đệ nhất Thế chiến đã quyết định vấn đề về quyền bầu cử, với việc phụ nữ phục vụ tại hậu phương — công việc của họ trong các nhà máy sản xuất vũ khí và trang trại — đã thay đổi thái độ của công chúng đối với phụ nữ.
Sau đó, vào năm 1917, Nghị viện Anh đã tiến hành một cuộc bỏ phiếu để mở rộng quyền bầu cử cho những quân nhân trước đây không có quyền bầu cử và phụ nữ từ 30 tuổi trở lên.
Bà Fiamengo kết luận: “Các nhà hoạt động nữ quyền như bà Emmeline Pankhurst và các con gái của bà ấy, hiện được xem là những nữ anh hùng vĩ đại của cuộc đấu tranh vì quyền bầu cử cao quý, đã đóng góp rất ít hoặc chẳng đóng góp gì cho chiến thắng này.”
Nam giới ở thế kỷ 19 có thể cưỡng hiếp vợ của họ ư? Chà, một người đàn ông không thể bị truy tố hình sự vì hành vi này, tuy nhiên ý tưởng cho rằng cưỡng hiếp trong hôn nhân là hành vi được chấp nhận hoặc những tác hại của việc này bị phớt lờ là không đúng sự thật, bà Fiamengo nói.
Bà giải thích chi tiết về lịch sử pháp lý, theo đó một người vợ ở thời đó được hiểu là ưng thuận việc quan hệ tình dục cũng giống như nam giới có các nghĩa vụ hợp đồng, trong đó có việc người chồng phải chịu trách nhiệm về tất cả các món nợ của người vợ, ngay cả khi điều đó khiến anh ta phải ngồi tù. Trên thực tế, tác hại về mặt đạo đức của việc cưỡng hiếp trong hôn nhân đã được thừa nhận rộng rãi.
Đây là một bước tiến thực sự mà vị học giả đầy ấn tượng này sẽ có cơ hội khai sáng cho nhiều độc giả hơn về những gì bà khám phá ra. Qua các video và blog trên substack của mình, bà Janice Fiamengo đang cố gắng hết sức để chấm dứt việc tẩy bạch cho lịch sử nữ quyền.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times