3 bộ phim dành cho Ngày Độc Lập Hoa Kỳ 4/7: Các bộ phim kinh điển tôn vinh Mỹ quốc
Các bộ phim kinh điển từ Kỷ nguyên Vàng của điện ảnh Hollywood nổi tiếng bởi vẻ đẹp quyến rũ lộng lẫy, kỹ thuật quay phim đen trắng, và mang tính lành mạnh. Các bộ phim được sản xuất từ những năm 1930 đến những năm 1950 có chung một đặc điểm nổi bật nữa, đó là: chủ nghĩa ái quốc. Lòng ái quốc này không chỉ gói gọn ở các bộ phim tuyên truyền được sản xuất trong Đệ nhị Thế chiến. Từ giữa những năm 1930 trở đi, phim ảnh đã tận dụng mọi cơ hội để quảng bá những đức hạnh của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Phần lớn niềm tự hào này của Mỹ quốc đến từ chính những người có địa vị xã hội và các nhà sản xuất. Nhiều người trong số họ không sinh ra ở Hoa Kỳ nhưng tự hào tuyên bố mảnh đất này là quê hương của họ. Họ bày tỏ tình yêu đối với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thông qua các bộ phim kể về những người nhập cư tìm kiếm giấc mơ Mỹ. Ba bộ phim như vậy là “Let Freedom Ring” (Hãy Để Tự Do Reo Vang) năm 1939, “Yankee Doodle Dandy” năm 1942, và “A Tree Grows in Brooklyn” (Cái Cây Mọc ở Brooklyn) năm 1945.
Các bộ phim này cho thấy dù người Mỹ còn nhiều vấn đề, nhưng [đất nước này] vẫn có tiềm năng [mang đến] một cuộc sống tốt đẹp hơn so với bất kỳ nơi nào khác.
Những câu chuyện
‘Let Freedom Ring’ (Hãy Để Tự Do Reo Vang)
“Let Freedom Ring” (Hãy Để Tự Do Reo Vang) còn được biết tới với tên gọi “Song of the Plains” (Bài Hát Nơi Bình Địa), kể câu chuyện về việc mở rộng tuyến đường sắt tới một thị trấn nhỏ ở miền Tây Mỹ quốc vào năm 1868. Cùng với đó là kẻ làm ăn bất lương Jim Knox (tài tử Edward Arnold thủ vai), người nhanh chóng nắm quyền kiểm soát tòa án, cảnh sát trưởng, và báo chí địa phương khi các công nhân đường sắt của hắn tràn vào Thành phố Clover. Hắn nghĩ rằng mình cũng có thể chiếm được trái tim của cô chủ nhà hàng trẻ tuổi đáng yêu Maggie Adams (minh tinh Virginia Bruce thủ vai), nhưng cô lại cảm thấy ghê tởm trước hành vi độc tài thâu tóm thị trấn của hắn.
Cô Maggie tin rằng người cô trao gửi trái tim, anh Steve Logan (tài tử Nelson Eddy thủ vai), sẽ trở về từ Harvard và giúp sức cho cuộc nổi dậy nhỏ mà cha anh (tài tử Lionel Barrymore thủ vai) dẫn đầu. Tuy nhiên, trái tim cô tan vỡ khi anh trở về và dường như đứng về phía Knox. Cô hoàn toàn không biết rằng, Steve và người bạn thời thơ ấu The Mackerel (tài tử Charles Butterworth thủ vai) đang bí mật trù tính đánh bại Knox bằng sức mạnh của báo chí.
‘Yankee Doodle Dandy’
“Yankee Doodle Dandy” là một bộ phim tiểu sử bán hư cấu về nhà soạn nhạc kịch George M. Cohan. Bộ phim mở đầu khi ông Cohan lớn tuổi (tài tử James Cagney thủ vai) khai mạc vở diễn “Tôi thà làm đúng còn hơn là làm tổng thống” (I’d Rather Be Right Than Be President). Sau đó, ông nhận được lời mời đặc biệt đến gặp Tổng thống Franklin D. Roosevelt.
Trong khi trò chuyện cùng tổng thống, ông Cohan kể lại chi tiết toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của mình, bắt đầu từ việc ông sinh ra vào ngày 04/07 cho tới việc cha mẹ ông là những người biểu diễn tạp kỹ. Ông hồi tưởng cảnh gia đình mình đã biểu diễn trên khắp đất Mỹ như thế nào dưới cái tên The Four Cohans (Bốn thành viên nhà Cohans). Trải nghiệm thời thơ ấu của ông với vai trò là ca sỹ kiêm vũ công cuối cùng đã dẫn dắt ông trở thành một nhạc sỹ nổi tiếng. Ngay cả khi ôn lại sự nghiệp âm nhạc lâu dài của mình, ông cũng không nhận ra tầm ảnh hưởng sâu sắc mà các tác phẩm của ông đã mang lại cho quốc gia này.
‘A Tree Grows in Brooklyn’ (Cái Cây Mọc ở Brooklyn)
“A Tree Grows in Brooklyn” (Cái Cây Mọc ở Brooklyn), lấy bối cảnh đầu những năm 1910, xoay quanh cuộc sống của một đôi vợ chồng nhập cư thế hệ thứ hai và hai đứa con của họ. Người mẹ Katie Nolan (minh tinh Dorothy McGuire thủ vai) làm nghề dọn vệ sinh. Bà phải làm lụng cật lực vì chồng bà, ông Johnny (diễn viên James Dunn thủ vai), là một kẻ nghiện rượu, hiếm khi đi làm, và [chỉ là] một bồi bàn kiêm người hát phục vụ khách.
Trong khi cậu con trai Neeley (diễn viên Ted Donaldson thủ vai) vui vẻ đóng góp thu nhập cho gia đình thông qua việc kiếm từng đồng từng cắc, thì cô chị gái Francie của cậu (diễn viên Peggy Ann Garner thủ vai) lại là người mơ mộng giống cha. Cô thích đọc sách và tưởng tượng về những điều đẹp đẽ. Khi cô nói với người cha yêu quý của mình rằng cô muốn vào học trường công trong một khu phố giàu có, thì cha cô đã làm giả địa chỉ để cô có được cơ hội học tập tốt hơn. Trong khi Francie mơ mộng trở thành nhà văn, thì mẹ cô lại phải đối mặt với viễn cảnh tài chính còn ảm đạm hơn, vì bà chuẩn bị chào đón đứa con thứ ba.
Các giá trị ái quốc
Cả ba bộ phim này đều nói về những người nhập cư Hoa Kỳ thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai. Gia đình Cohans trong bộ phim “Yankee Doodle Dandy” là người Ireland. Ông Johnny Nolan trong bộ phim “A Tree Grows in Brooklyn” (Cái Cây Mọc ở Brooklyn) cũng là người Ireland, còn cha mẹ bà Katie là người Áo. Trong “Let Freedom Ring” (Hãy Để Tự Do Reo Vang), các công nhân đường sắt là những người nhập cư Âu Châu thuộc nhiều quốc tịch khác nhau.
Cả ba bộ phim đều minh họa cách mà những người nhập cư trân trọng cơ hội bình đẳng để vươn lên ở Mỹ quốc. Mẹ của bà Katie, Bà Ngoại Rommely (minh tinh Ferike Boros thủ vai), kể với các cháu mình rằng, ở Mỹ quốc mọi người đều có cơ hội để có được cuộc sống tốt hơn cha mẹ mình. Tương tự, anh Steve Logan biết rằng những người nhập cư mà Knox thuê có thể trở thành những người Mỹ trung thành, kiêu hãnh bằng cách học hỏi các giá trị cũng như lời hứa về một cơ hội bình đẳng ở quốc gia này.
Ông George Cohan là một minh chứng sống cho lời hứa này. Bởi lẽ, sự thăng tiến của ông từ vô danh trở nên nổi tiếng đã cho thấy bất kỳ ai cũng có thể thành công ở Mỹ quốc nhờ làm việc chăm chỉ và có quyết tâm. Khi trò chuyện với Tổng thống Roosevelt, ông Cohan bày tỏ: “Nếu tôi là ông, tôi sẽ không lo lắng về quốc gia này. Chúng ta có thể giải quyết vấn đề này. Còn nơi nào khác trên thế giới mà một người bình thường như tôi có thể đến và bàn chuyện với người đứng đầu đất nước chứ?” Tất cả những bộ phim này đều nhấn mạnh quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc của người Mỹ.
Là một bộ phim nhạc kịch, “Yankee Doodle Dandy” chứa đựng nhiều bài hát ái quốc. Ông George M. Cohan đã sáng tác nhiều giai điệu truyền thống nổi tiếng của Mỹ quốc, đáng chú ý nhất là bài hát về Đệ nhị Thế chiến “Over There” và “You’re a Grand Old Flag,” tất nhiên, còn có bài hát tiêu đề của vở diễn. Những bài hát này được trình bày trong các buổi thao diễn âm nhạc tràn đầy hình ảnh về những bộ quân phục, ngôi sao, quân hàm, hình ảnh lịch sử, và nhiều lá cờ đỏ, trắng và xanh rực rỡ — sống động đến nỗi có thể nhận thấy qua nền phim đen trắng!
Bộ phim “Let Freedom Ring” (Hãy Để Tự Do Reo Vang) cũng có một số bản nhạc truyền cảm hứng ái quốc, gồm cả bài hát vượt thời gian “My Country’Tis of Thee,” cùng với bản nhạc gốc về nền tự do độc đáo của Mỹ quốc, “Where Else but Here,” do giọng ca opera Nelson Eddy trình bày.
Hai trong số những bộ phim này đào sâu hơn vào việc người Mỹ đã vun bồi và giữ gìn nền tự do như thế nào. Trong bộ phim “A Tree Grows in Brooklyn” (Cái Cây Mọc ở Brooklyn), Bà Ngoại Rommely nói với các cháu về tầm quan trọng của việc đọc các tác phẩm văn học cổ điển. Mặc dù không được đi học, nhưng bà lại có trí huệ tuyệt vời về lý do tại sao Hoa Kỳ lại đặc biệt đến vậy: “Ở đất nước cũ [nước Áo], một đứa trẻ không thể vươn cao hơn địa vị của cha mình. Nhưng ở đây, ở quốc gia này, mỗi người đều tự do vươn xa đến mức đạt được thành công nhờ nỗ lực của chính mình. Bằng cách này, đứa trẻ có thể giỏi hơn cha mẹ, đây là cách đúng đắn để mọi thứ phát triển tốt đẹp hơn. Và điều này có liên quan đến việc học tập, ở đây miễn phí cho tất cả mọi người.
Tầm quan trọng của việc đọc được nhấn mạnh hơn trong bộ phim “Let Freedom Ring” (Hãy Để Tự Do Reo Vang), nơi một chiếc máy in trở thành vũ khí chính trong cuộc chiến giành tự do của Thành phố Clover. Anh Steve ví von thông điệp báo chí là “khẩu pháo của tự do” và nói rằng anh đã cố gắng “gõ lên đầu [những người bị lừa dối] bằng một tờ báo.”
The Clover City Bugle không phải là một ấn phẩm khách quan, trung thực, vì nhà xuất bản (Raymond Walburn) đã nhận tiền từ Jim Knox để đăng tải thông tin theo ý hắn. May mắn thay, anh Steve đã giành được quyền kiểm soát tờ báo Bugle và bắt đầu in ấn sự thật. Anh giải thích sức mạnh của báo chí: “Các nhà tài phiệt có thể cướp đi công lý của người nghèo, nhưng chừng nào còn một tờ báo chân chính, một người đàn ông để in nó, và một con ngựa chở báo đi rao, thì Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vẫn sẽ tốt đẹp!”
Chúa phù hộ nước Mỹ
Mặc dù trình diễn bắn pháo hoa, dã ngoại, và diễn hành là những cách truyền thống để ăn mừng Ngày Độc Lập Hoa Kỳ, nhưng thật dễ để quên những gì chúng ta đang thực sự tôn vinh. Ba bộ phim này là những lời nhắc nhở hoàn hảo nhân dịp này, dù theo những cách khác nhau. Bộ phim “Let Freedom Ring” (Hãy Để Tự Do Reo Vang) cho thấy những người ái quốc luôn phải chiến đấu để bảo vệ nền tự do của Hoa Kỳ khỏi những kẻ bạo quyền muốn bóc lột công dân cũng như người nhập cư. Bộ phim “Yankee Doodle Dandy” nhắc nhở chúng ta rằng “giải trí ái quốc” đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc duy trì các giá trị Mỹ. Và thông qua gia đình Nolan, “A Tree Grows in Brooklyn” (Cái Cây Mọc ở Brooklyn) nhấn mạnh những khó khăn và niềm hân hoan của biết bao người Mỹ — những người cố gắng gìn giữ sự tử tế, lòng tốt, và sự hào phóng trong khi mang đến cho con họ một tương lai tươi sáng hơn.