3 bộ phim Giáng Sinh kinh điển
Chúng tôi hân hạnh giới thiệu ba bộ phim Giáng sinh kinh điển: một vở nhạc kịch, một tình yêu lãng mạn, và một Giáng Sinh bất ngờ.
Đây là thời điểm dạt dào cảm xúc trong năm ngập tràn với những phong tục, những bài hát, và vô số trang trí phẩm. Và Giáng Sinh vì thế mà cũng là thời điểm hoàn hảo cho ta những giây phút bồi hồi lần giở những bộ phim xưa cũ.
Phim nhạc kịch: ‘White Christmas’
Một trong những vở nhạc kịch Giáng Sinh đặc sắc nhất là “White Christmas” được trình diễn vào năm 1954. Với sự tham gia của các diễn viên Bing Crosby, Danny Kaye, Vera-Ellen, và Rosemary Clooney, vở nhạc kịch thời lượng hai giờ ngập tràn âm nhạc và những điệu nhảy vui tươi là một trong những tác phẩm kinh điển của nhà sản xuất Irving Berlin.
Bộ phim Giáng Sinh này là phiên bản của tác phẩm trước đó có tên là “Holiday Inn” được công chiếu vào năm 1942. Đó là một bộ phim về ngày lễ âm nhạc tại Berlin với sự tham gia của diễn viên Bing Crosby và Fred Astaire, và bài hát đình đám “White Christmas”. Mặc dù diễn viên Astaire ban đầu được chọn đóng tiếp cùng diễn viên Crosby trong bộ phim năm 1954, nhưng rốt cuộc vai này đã được viết lại cho diễn viên hài Danny Kaye.
“White Christmas” là một bộ phim dành riêng cho chủ đề Giáng Sinh, bắt đầu vào Giáng Sinh và kết thúc nhiều năm sau cũng vào đêm Giáng Sinh, và ca khúc chính của phim cũng là về Giáng Sinh.
Bộ phim lấy bối cảnh Đệ nhị thế chiến. Cảnh phim đầu tiên là Đại úy Bob Wallace (diễn viên Crosby thủ vai) và Pvt. Phil Davis (Kaye) đang biểu diễn âm nhạc trong một chương trình Giáng Sinh tại sư đoàn của họ. Chương trình này được kết thúc bằng một bài hát chia tay sếp của họ là một vị tướng về hưu. Sau đó, Phil cứu Bob thoát khỏi một tai nạn chết người do một bức tường đổ sập đè lên. Bob, vốn là một ngôi sao Broadway, đã đồng ý biểu diễn một bản song ca mà Phil viết lời khi chiến tranh kết thúc. Thời hậu chiến, họ trở thành một bộ đôi trình diễn ăn ý và là những nhà sản xuất chương trình lừng danh.
Mười năm sau, Phil khuyên Bob kết hôn. Khi hai người gặp hai chị em gái xinh đẹp và tài năng (do hai nữ diễn viên Ellen và Clooney thủ vai), Phil quyết định gán ghép Bob với cô chị Betty (Clooney). Anh thuyết phục Bob đến nơi hai chị em đi nghỉ tại miền Vermont hẻo lánh. Hai nhà sản xuất rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng khu nhà nghỉ trượt tuyết là của sếp cũ của họ đang trong tình trạng kinh doanh bết bát. Họ quyết định tổ chức buổi biểu diễn của mình tại đây nhằm giúp đỡ vị tướng này. Thời gian này, hai anh chàng Phil và Bob yêu say đắm hai chị em.
Ca khúc “White Christmas” được diễn viên Bing Crosby giới thiệu đã lập tức trở thành một bản hit trong mùa lễ năm đó. Trong bối cảnh Đệ nhị Thế chiến, ca từ đem theo niềm mong ước đoàn tụ người thân của những người phải làm nhiệm vụ xa gia đình trong kỳ nghỉ. Ý tưởng này đã truyền cảm hứng cho bộ phim năm 1954, bắt đầu bằng cảnh anh lính Bing Crosby hát bài hát này cho những binh sĩ xa nhà.
Cho dù cuộc chiến đã lùi xa bao nhiêu năm qua nhưng nỗi hoài niệm này vẫn còn vương vấn và xuyên suốt bộ phim. Chính vì thế, mà White Christmas trở thành bộ phim Giáng Sinh đáng được xem lại hàng năm.
Khung cảnh Giáng Sinh vùng Vermont đẹp xinh tựa như một tấm bưu thiếp. Chương trình biểu diễn của hai anh chàng Bob và Phil gồm những bản nhạc ấm áp và giàu cảm xúc, còn trang phục thì rực rỡ như những món đồ trang trí Giáng Sinh. Thông điệp khoáng đạt, lòng nhân ái, vị tha, và tôn vinh những người lớn tuổi và cựu chiến binh đong đầy tinh thần Giáng Sinh.
Bộ phim Giáng Sinh tình cảm: ‘Holiday Affair’
Một bộ phim tình yêu lãng mạn mùa Giáng Sinh thường bị lãng quên là “Holiday Affair” (1949). Với sự tham gia của hai diễn viên Janet Leigh và Robert Mitchum, câu chuyện hậu chiến này vừa mang tính hài hước lại vừa khiến người xem cảm thấy ấm áp. Bối cảnh phim diễn ra trong những tuần trước Giáng Sinh, kéo dài đến Giáng Sinh và kết thúc vào Đêm Giao thừa.
Bộ phim kể về chuyện tình tay ba của một người phụ nữ với hai người đàn ông, song song đó là câu chuyện tình cảm dịu ngọt của cô với cậu con trai.
Góa phụ trẻ Connie Ennis (Leigh) là một người hành nghề “so sánh giá cả” tại thành phố New York. Đó là người mua các mặt hàng chỉ để kiểm tra chúng cho cửa hàng của mình và sau đó trả lại vào ngày hôm sau. Một hôm, sau khi cô mua một chiếc xe lửa đồ chơi đắt tiền cho công việc của mình, đứa con trai 6 tuổi của cô, bé Timmy (Gordon Gebert), đã rất thất vọng khi biết rằng món đồ chơi này không dành cho mình. Khi cô trả lại món hàng này vào ngày hôm sau, người bán hàng Steve Mason (Mitchum) đã nhận ra Connie Ennis là một người so giá. Nhưng khi biết được Connie Ennis là một góa phụ chiến tranh, Steve đã không báo cáo sự việc này với ông chủ của mình, và điều này khiến anh bị sa thải.
Connie cảm thấy có lỗi nên đồng ý đi ăn trưa với Steve ở Central Park. Họ đã tìm được niềm cảm thông và đồng ý kết bạn với nhau. Sau đó, anh giúp cô mua sắm trong quãng thời gian còn lại trong ngày. Rồi hai người bị một đám đông chia tách.
Tối hôm đó, Steve đã đến thăm căn hộ của Connie và bất ngờ chạm mặt với vị hôn phu của cô, luật sư Carl Davis (do diễn viên Wendell Corey thủ vai). Bé Timmy ngay lập tức yêu thích Steve, nhưng Carl thì không. Sau khi Carl bỏ về, Steve nói với Connie rằng cô sẽ không bao giờ có thể tìm thấy hạnh phúc thực sự cho đến khi cô chấp nhận sự ra đi vĩnh viễn của chồng mình.
Nhiều sự việc tình cờ đưa đẩy khiến họ đến với nhau trong bối cảnh góa phụ Connie chật vật lựa chọn giữa một Carl an toàn, chừng mực và một Steve nóng nảy nhưng đầy đam mê.
Lấy bối cảnh ở Thành phố New York vào cuối những năm 1940, bộ phim cảm động này mô tả một lễ Giáng Sinh diệu kỳ tại một thành phố lớn. Những cửa hàng bán lẻ được trang trí rực màu lễ hội, những con phố đầy tuyết trắng và những vỉa hè nhộn nhịp khiến ta nôn nao mong chờ. Bộ phim cho thấy rằng ước mơ của bạn quá đỗi quan trọng trong cuộc sống cũng như niềm tin vào những điều bất ngờ trong đêm Giáng Sinh.
Ngoài ra, “Holiday Affair” còn cho ta nhận ra rằng vẫn còn đó những con người giàu lòng vị tha, rộng lượng, và mở lòng chào đón những người khác đến với ngôi nhà của mình. Nếu bạn cho đi một cách vô tư như Steve, bạn cũng có thể nhận được một bất ngờ tuyệt vời.
Bộ phim Giáng Sinh bất ngờ: ‘The Shop Around the Corner’
‘The Shop Around the Corner’ được sản xuất năm 1940 là một bộ phim hài lãng mạn của đạo diễn Ernst Lubitsch. Bộ phim có sự tham gia của hai diễn viên James Stewart và Margaret Sullavan, lột tả cuộc sống và tình yêu của các nhân viên tại Matuschek and Co. – một cửa hàng đồ da ở Budapest, Hungary.
Bộ phim diễn ra vào những tuần trước lễ Giáng Sinh, thời điểm bận rộn nhất của các cửa hàng bán lẻ, và câu chuyện kết thúc vào một đêm Giáng Sinh đầy tuyết tuyệt đẹp.
Klara Novak (Sullavan) đang xin việc vào công ty Matuschek. Sếp bộ phận kinh doanh là Alfred Kralik (Stewart) không tuyển dụng cô nhưng chủ công ty là Matuschek (Frank Morgan) thì đồng ý. Matuschek và Kralik vừa bất đồng về một đơn đặt hàng lớn mua hộp thuốc lá âm nhạc mà Kralik tin rằng sẽ không bán được. Còn Klara được nhận vào chính thức khi bán được một trong những chiếc hộp này và chứng minh được năng lực, và gián tiếp ủng hộ rằng ông chủ Matuschek đã đúng.
Thời điểm Klara và Alfred trở thành kẻ thù không đội trời chung tại cửa hàng thì cả hai đều bận bịu với những bức thư họ nhận được từ một người bạn thân vô danh của mình. Hai nhân viên đối đầu nhau này không hề biết rằng họ chính là hai “Người bạn thân yêu” của nhau, hai người đang phải lòng nhau trên những bức thư.
Cùng lúc đó, trước lễ Giáng Sinh, ông chủ Matuschek ngày càng trở nên nóng tính và nghi ngờ Kralik, và rõ ràng là có điều gì đó đang khiến ông phiền lòng.
Bộ phim Giáng Sinh này mô tả chân thực hoạt động của một tiệm bán lẻ trong những ngày lễ. Từ việc trang trí cửa sổ cửa hàng cho đến những lúc bận rộn chờ đợi khách hàng và cố gắng bán hết hàng, các nhân viên của Matuschek and Co. phải đối mặt với những khó khăn và niềm vui giống như bất kỳ ai từng làm việc trong lĩnh vực bán lẻ trong những ngày nghỉ lễ đều phải trải qua.
Tuyệt vời hơn cả tiền thưởng Giáng Sinh mà tất cả những gì người lao động nhận được là sự hài lòng vì họ đã đem lại niềm vui và niềm tự hào cho một người chủ hào phóng và tốt bụng. Khi những bông tuyết lấp đầy không khí và bao phủ khắp mặt đất nơi thành phố Budapest, sự lãng mạn và lòng nhân ái đã sưởi ấm trái tim của tất cả mọi người tại Matuschek and Co.
Ngay cả khi bình thường bạn không phải là một fan hâm mộ phim cổ điển, nhưng những bộ phim lấy bối cảnh Giáng Sinh trong quá khứ này vẫn gợi lên nỗi hoài niệm trong Giáng Sinh hiện tại. Bạn không cần phải ăn mừng theo kiểu tôn giáo của lễ Giáng Sinh, bạn chỉ cần để cho tâm hồn lắng đọng với những bài học quý giá của mỗi bộ phim về tánh độ lượng, lòng vị tha, và tinh thần cho đi. Cho dù bạn ăn mừng năm nay ở đâu hay như thế nào, hãy thắp sáng ngày lễ của bạn với những bộ phim này – ngay cả khi Giáng Sinh của bạn không có tuyết trắng.
Tác giả Tiffany Brannan là một ca sĩ opera 19 tuổi, nhà sử học Hollywood, tác gia về du lịch, blogger điện ảnh, chuyên gia thời trang cổ điển, và nhà bình luận về nghệ thuật múa ballet. Năm 2016, cô và chị gái thành lập Pure Entertainment Preservation Society, một tổ chức cải cách nghệ thuật bằng cách khôi phục Bộ luật Sản xuất Điện ảnh.
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: