Bình phẩm sách: ‘Cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc 20 năm qua’
Phơi bày mạnh mẽ và thấu đáo về sự hà khắc của Trung Cộng
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chắc chắn là một trong những chế độ bất lương nhất trên thế giới. Và với một nền kinh tế tăng tốc trong hai thập niên qua, ĐCSTQ đã có thể sử dụng công nghệ, mua chuộc, đe dọa và hoạt động gián điệp quốc tế để đạt được mục đích cuối cùng của mình.
Trong báo cáo có nhan đề “Cuộc đàn áp 20 năm đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc,” Minh Huệ đã tập hợp một phiên bản thời hiện đại đáng lo ngại của “Quần đảo Ngục tù*,” phơi bày những hành vi tội ác của ĐCSTQ.
Mục tiêu tối hậu của ĐCSTQ là kiểm soát hoàn toàn công dân của họ, kể cả những người sống ở hải ngoại. Tuy nhiên, các học viên của môn tu luyện tinh thần Trung Quốc Pháp Luân Công không phải là những người theo chủ nghĩa cộng sản. Thay vào đó, họ tuân theo một con đường được tổng hòa bởi ba nguyên lý: chân, thiện và nhẫn.
Báo cáo dài hơn 400 trang này chỉ ra rằng môn tu luyện tinh thần này đã được đón nhận ở Trung Quốc khi lần đầu xuất hiện vào năm 1992. Đến năm 1999, ước tính có khoảng 100 triệu người thực hành, điều mà ĐCSTQ nhìn nhận là một mối đe dọa đến nguyên tắc độc tài toàn trị của họ. Dưới sự lãnh đạo của Giang Trạch Dân, ĐCSTQ tuyên bố “sẽ xóa sổ Pháp Luân Công trong vòng 3 tháng” với những mệnh lệnh được đưa ra nhằm “bôi nhọ thanh danh – vắt kiệt tài chính – hủy hoại thân thể.”
Dù 3 tháng đã kéo dài hơn 20 năm, nhưng việc theo đuổi chỉ thị này một cách nghiêm trọng vẫn đang diễn ra. Báo cáo Minh Huệ nói trên đi sâu vào chi tiết mở rộng của cuộc bức hại.
Những trải nghiệm từ nhân chứng sống
Xuyên suốt cuốn sách, có vô số lời kể mắt thấy tai nghe từ những nhân chứng sống về cách thức mà ĐCSTQ sử dụng nhằm mục đích cưỡng chế những người tu luyện từ bỏ đức tin của họ. Những cách thức này bao gồm bức hại kinh tế, mất việc, bắt giữ, bỏ tù, tẩy não, cưỡng bức lao động, tra tấn, và thậm chí là sát hại. Các tác giả của báo cáo này cung cấp một cách chi tiết về trải nghiệm của những người tu luyện bị bức hại – từ chính những người trong cuộc, gia đình và bằng hữu của họ.
Những mô tả chi tiết về tội ác được kể ở trên thật đáng lo ngại. Trong cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công, ĐCSTQ không phân biệt về những đối tượng nhắm tới. Báo cáo chỉ ra rằng Đảng và bộ máy chính trị đã truy bắt, tra tấn và thường “hủy hoại” những người tu luyện bất kể tuổi tác, giới tính hay sức khỏe thể chất hoặc tinh thần. Có những trường hợp trẻ em khoảng 1 tuổi và những người cao tuổi cũng bị bắt giữ.
Thế giới không còn xa lạ với những nỗ lực sâu rộng của ĐCSTQ nhằm xóa bỏ hoặc kiểm soát các tôn giáo ở Trung Quốc. Thật vậy, đây là điểm đặc trưng của Đảng Cộng sản ở nhiều quốc gia khác nhau trong nhiều thế kỷ qua. Chủ nghĩa Cộng sản và tín ngưỡng không thể cùng tồn tại, bởi vì chủ nghĩa cộng sản là quốc giáo.
Có những báo cáo về việc ĐCSTQ sử dụng nhiều hình thức khác nhau để tra tấn, từ cấm ngủ đến bức thực, cưỡng gian, đánh đập. Trong nhiều trường hợp, những người nếu không qua đời trong các trại giam thường sớm tử vong hoặc trở nên điên loạn ngay khi được thả ra.
Nhắm mục tiêu thông qua các hành động phi pháp
Báo cáo này lưu ý rằng ĐCSTQ đã đặt ngoài vòng pháp luật những trại lao động vào năm 2013. Mặc dù đã bị bãi bỏ, các trại này chỉ đơn thuần được đổi tên thành “trại giáo dục hợp pháp” hoặc “trung tâm phục hồi.” Những trại hoặc trung tâm này được sử dụng rộng rãi để cải tạo công dân thông qua các biện pháp cưỡng bức. Theo năm tháng, số lượng các trại trên khắp các khu vực khác nhau ở Trung Quốc đại lục cũng tăng theo.
Việc sử dụng các trại như vậy là một hình thức bỏ qua pháp lý, tức là không có quy trình xét xử. Những học viên của môn tu luyện ôn hòa bị bắt giữ và bỏ tù mà không hề có thủ tục hợp pháp diễn ra. Hiến pháp Trung Quốc và các luật khác nhau được thiết lập ở Trung Quốc đều bị bỏ qua.
Thật khó có thể tóm lược một cách súc tích hơn vấn đề này bằng một câu trích dẫn từ một phiên tòa, trong đó chủ tọa phiên tòa đã tuyên bố, “Chúng tôi không tuân theo luật pháp khi xét xử các vụ án Pháp Luân Công.” Quy trình pháp lý hợp lệ đã trở nên vô hiệu và không có giá trị đối với những công dân cụ thể của nhà nước cộng sản này, và do đó quy trình kháng cáo cũng vậy.
ĐCSTQ đã nỗ lực thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng việc giam giữ và đối xử tàn nhẫn, kể cả thu hoạch nội tạng từ người sống, là ý nguyện của người dân Trung Quốc. Báo cáo thảo luận về đề nghị của Hiệp hội Chống Giáo phái Trung Quốc, một cơ quan của ĐCSTQ, nhằm thu được một triệu chữ ký lên án Pháp Luân Công. Đề nghị này đã thu được 1.5 triệu chữ ký. “Thu được” là từ có dụng ý, thay vì nhận được. Cơ quan này đã gom góp chữ ký của trẻ em đang đi học trong hệ thống giáo dục công của đất nước.
Cộng đồng quốc tế
Những học viên Pháp Luân Công đã trở thành nguồn truyền cảm hứng đến thế giới, và cụ thể là những người phải chịu đựng sự đàn áp tín ngưỡng ở khắp địa cầu. Trên thế giới, đã có sự tăng lên về số lượng người ủng hộ các nhóm tinh thần ở Trung Quốc
Cuốn sách báo cáo về các nghị quyết khác nhau đã được thông qua ở nhiều quốc gia, như Hoa Kỳ, Canada, Đức, Úc và những quốc gia khác. Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Tự do, và Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt hành vi tội ác này. Các cuộc điều tra về những hành vi vô lương tâm này đã được Argentina và Tây Ban Nha tiến hành, dẫn đến các cáo buộc chống lại một số thành viên của ĐCSTQ.
Tại Hoa Kỳ, những thành viên lập pháp tiểu bang và Quốc hội đã thông qua những nghị quyết về ĐCSTQ và Pháp Luân Công. Cựu Tổng thống Donald Trump, cựu Phó Tổng thống Mike Pence, và Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã bày tỏ sự ủng hộ đến Pháp Luân Công.
Thông qua truyền miệng, tờ rơi và những phương thức khác, các học viên Pháp Luân Công đang truyền đi thông điệp đến thế giới về những gì đã diễn ra và tiếp tục diễn ra của nhà cầm quyền tại Trung Quốc.
Nỗi kinh hoàng và niềm hy vọng
“Cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc 20 năm qua” là một tác phẩm có giá trị to lớn do Minh Huệ thực hiện. Các sự việc được trình bày trong báo cáo chuyên sâu này khiến người Mỹ và mọi người trên thế giới xác thực hơn về lý do tại sao các tập đoàn và chính phủ lại hợp tác với ĐCSTQ một cách dễ dàng như vậy.
Không có gì bí mật về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc hà khắc và bại hoại như thế nào, và nghiên cứu này càng chứng minh điều đó. Minh Huệ đã trích dẫn kỹ lưỡng các báo cáo của các tổ chức chính phủ và các tổ chức phi chính phủ để chứng minh rằng ĐCSTQ có tội với những hành vi tàn ác, hay như Dân biểu Đảng Cộng Hòa tại tiểu bang New Jersey Chris Smith đã phân loại đó là “một trong những nỗi kinh hoàng to lớn.”
Bên cạnh câu chuyện đau lòng trong nghiên cứu này, vẫn có nhiều điều để tìm kiếm hy vọng trong báo cáo. Đó là việc các cá nhân và tổ chức chính phủ đã hỗ trợ cho những người khao khát tìm kiếm tự do tinh thần. Cộng đồng quốc tế đã mang lại nguồn hy vọng cho những người đang chịu đựng đau khổ ở Trung Quốc, và hy vọng của họ đang chuyển thành những lợi ích tích cực, ngay cả (khi họ đang) ở đại lục.
Một tác phẩm quan trọng đã được tập hợp trong bộ sưu tập 20 năm này và đó là một câu chuyện mà thế giới nên biết và tiếp tục phản hồi cho đến khi ĐCSTQ dừng tay bức hại.
Chú thích của dịch giả:
“Quần đảo Ngục tù* cuốn Quần đảo Ngục tù (The Gulag Archipelago, 1918-1956) của Aleksandr Solzhenitsyn – tác phẩm “điều tra” về nhà nước cảnh sát (police state) Liên Xô – đã được xuất bản tại Paris, bằng tiếng Nga. Đây là tập đầu tiên trong bộ sách ba tập của Solzhenitsyn, mô tả lại những đợt đàn áp chính trị và khủng bố tàn bạo và không khoan nhượng ở Liên Xô. Cuốn sách nhanh chóng được dịch ra nhiều thứ tiếng và đã được xuất bản tại Mỹ chỉ vài tháng sau đó.
“Cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc 20 năm qua”
Do Minh Huệ thực hiện
Nhà xuất bản Minh Huệ, 01/01/2019
Trường An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times