Câu chuyện về đôi vợ chồng họa sĩ tài hoa bị bức hại
Loạt bài về những họa sĩ nổi tiếng bị bức hại vì đức tin và những thành tựu nghệ thuật của họ
Khi anh Hoàng Nghiêm Vũ và cô Hà Văn Đình gặp gỡ và bắt đầu hẹn hò, cả hai có hai điểm chung lớn: họ đều là họa sĩ và đều đang thực hành Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện tinh thần được lưu truyền từ Trung Quốc cổ xưa.
Năm 2012, họ kết hôn và xây dựng tổ ấm tại một ngôi làng gần khu Đại học thành Quảng Châu thuộc miền nam Trung Quốc. Hoàng Nghiêm Vũ tốt nghiệp Học viện Mỹ Thuật Quảng Châu chuyên ngành tranh sơn dầu và trở thành một họa sĩ đạt nhiều thành tựu. Anh có nhiều tác phẩm được triển lãm.
Anh đặt trọng tâm nghiên cứu kỹ pháp và tinh thần của hội họa cổ điển. Sau khi tham gia vào một cuộc triển lãm được tổ chức tại Bảo tàng Thành phố Quảng Châu vào tháng 3/2021, các tác phẩm của anh đã được ông Lý Chính Thiên, họa sĩ và nhà triết học nổi tiếng người Trung Quốc đưa vào Lý thuyết về sắc độ và màu sắc. Anh Hoàng tin rằng nghệ thuật luôn phải gắn liền với chân lý và thẩm mỹ. Anh vẫn luôn trau dồi kỹ pháp theo trường phái hiện thực của riêng mình, đồng thời còn học theo phong cách của các bậc thầy vĩ đại thời Phục Hưng.
Cô Hà Văn Đình cũng là một tài năng ở cả hai lĩnh vực văn chương và hội họa từ khi cô còn nhỏ. Ở tuổi 15, cô đã là hội viên hội nhà văn địa phương và sáng tác nhiều tiểu thuyết và truyện tranh được xuất bản trên nhiều tờ báo. Ngoài ra, cô còn làm thơ nữa.
Năm 2010, cô Hà đến Quảng Châu học ngành mỹ học và hội họa dưới sự dẫn dắt của ông Lý Chính Thiên và vợ ông là nữ họa sĩ Trịnh Nghệ Hân. Mặc dù không được đào tạo bài bản về hội họa như anh Hoàng nhưng cô Hà cũng phát triển khả năng nhạy bén về màu sắc và thẩm mỹ. Trong thời gian này, cô còn viết nhiều bài luận về những tác phẩm nghệ thuật của cô Trịnh Nghệ Hân.
Cả hai vốn rất yêu thích nền văn hóa truyền thống Trung Hoa nên đã dùng kỹ pháp sơn dầu Tây phương để khắc họa lại. Song song với việc trau dồi tài năng, họ còn thăng hoa trong đời sống tinh thần thông qua thực hành theo các bài giảng và nguyên lý nguyên lý chân, thiện và nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp
Đáng buồn thay, những ước mơ và hoài bão của hai vợ chồng đã tan biến kể từ khi họ trở thành nạn nhân của chiến dịch đàn áp nặng nề đối với Pháp Luân Công do Trung Cộng phát động từ tháng 07/1999. Cuộc bức hại gây ra vô số thống khổ và chết chóc vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Tháng 12/2013, anh Hoàng và cô Hà bị bắt giữ phi pháp. Ngôi nhà bình yên của họ chứa đầy những tác phẩm đã hoàn thiện hay những tác phẩm còn dang dở cùng nhiều loại vật liệu và các bản phác thảo đã bị lục soát. Theo tường thuật của Minh Huệ Net, trang thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công, họ bị tạm giam mãi đến tháng 5 năm sau và bị kết án 3 năm tù.
Tháng 11/2016, khi được trả tự do, cô Hà đã tìm cách lén đem ra ngoài các tờ giấy ăn mà cô dùng để bí mật ghi chép lại cuộc tra tấn và ngược đãi mà cô đã chịu đựng trong thời gian bị cầm tù. Cùng lúc đó, anh Hoàng cũng mãn hạn tù.
Kể từ đó, không ai biết về gì cuộc sống của họ nữa. Tuy vậy, những tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ và thuần khiết của đôi vợ chồng họa sĩ tài hoa này sẽ không bao giờ phai nhạt [trong tâm trí chúng ta].
- Video sử dụng trong bài thuộc bản quyền của Minh Huệ Việt Ngữ
Năm 1999, Trung Cộng đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Kể từ đó, nhiều học viên tại Trung Quốc đã bị bắt cóc, bị kết án tù phi pháp, thậm chí bị tra tấn đến chết chỉ vì kiên định với đức tin của mình. Trong số những nạn nhân đó có những họa sĩ nổi tiếng và tài năng. Trung Cộng muốn hủy hoại thân xác, bôi nhọ thanh danh và xóa đi những ký ức của chúng ta về họ, nhưng nghệ thuật có khả năng vượt thời không, những tác phẩm nghệ thuật thuần tịnh, thiện lương và truyền thống của họ sẽ mãi trường tồn với thời gian.
Cô Joan Delaney là Biên tập viên Cao cấp của ấn bản The Epoch Times ở Canada có trụ sở tại Toronto. Cô đã tham gia The Epoch Times với nhiều vai trò khác nhau kể từ năm 2004.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: