Dũng khí của một họa sĩ: Hành trình từ cuộc bức hại đến thế giới tự do
Loạt bài về những họa sĩ nổi tiếng bị bức hại vì đức tin và những thành tựu nghệ thuật của họ.
“Chỉ vì nói Pháp Luân Đại Pháp là Chính Pháp, tôi đã bị giam cầm 8 tháng và đối diện với nhiều đau khổ. Dẫu đầu rơi, máu đổ, tù đày, tôi vẫn không lay chuyển. Chính quyền cộng sản Trung Quốc sẽ là tội đồ thiên thu vì đã bức hại Pháp Luân Công.”
Mỗi nét vẽ tinh tế của nghệ sĩ truyền thống Trung Quốc Chương Thúy Anh (Zhang Cuiying) tạo nên những bức tranh sống động bằng sức mạnh dẫn động của nguyên lý chân, thiện, nhẫn, thể hiện ra những điều kỳ diệu không lời nào có thể diễn tả được trong thế giới nội tâm an hòa của cô.
Đằng sau nghệ thuật tinh tế của họa sĩ người Úc gốc Hoa nổi tiếng này là sự cống hiến miệt mài và quyết tâm kiên định với đức tin của cô. Thật khó tin rằng người nổi tiếng như cô Chương, một họa sĩ từng có nhiều buổi triển lãm cá nhân tại hơn 100 thành phố trên thế giới, đã phải đối mặt với cuộc bức hại trên chính quê hương mình trước khi được chính phủ Úc giải cứu.
Khi còn bé, Chương Thúy Anh từng đổi đồ chơi lấy bút vẽ. Cô tin rằng hội họa truyền thống của Trung Quốc là nghệ thuật do ông trời ban tặng, và do đó, rất cần sự rèn luyện nghiêm túc. Là sự pha trộn giữa văn học, thơ ca, thư pháp và khắc dấu, loại hình nghệ thuật thần thánh này trước hết đòi hỏi sự “tu luyện” nội tâm, cuối cùng dẫn đến việc đạt được “cảnh giới thiên nhân hợp nhất.”
Họa sĩ 59 tuổi Chương Thúy Anh nói với The Epoch Times, “Bức tranh giống như một con người, vì mỗi nét vẽ đều mang thông điệp nội tâm của người họa sĩ, do đó người họa sĩ cần có yêu cầu cao về đức hạnh. Chúng tôi phải không ngừng nâng cao chuẩn mực đạo đức của mình, làm cho phong cách nghệ thuật của chúng ta thật trong sáng, tao nhã, tinh tế và đầy ý nghĩa.”
Tôi lấy ‘chân, thiện, nhẫn’ làm tư tưởng chỉ đạo cho các bức tranh của mình. Các giá trị này tiếp thêm lòng trắc ẩn và thuần khiết cho tác phẩm của tôi. Tại một cuộc triển lãm tranh ở Nhật Bản, một thành viên của National Diet nói rằng ánh mắt của mỗi nhân vật mà tôi vẽ đều thể hiện sự tử tế và trắc ẩn.”
Một nghệ sĩ tài năng bẩm sinh
Chương Thúy Anh có thiên hướng hội họa ngay từ khi còn nhỏ. Nghệ thuật đã đưa cô đến một thế giới mà cô cảm thấy bình yên và mãn nguyện.
Hành trình trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp của cô bắt đầu từ năm 10 tuổi, dưới sự dìu dắt của nhà thư pháp và họa sĩ nổi tiếng Shen Zicheng. Với nền tảng vững chắc về kỹ pháp vẽ tranh truyền thống, sau này cô có cơ hội học hỏi từ những nghệ sĩ xuất sắc như Qian Juntao, Xie Zhiliu và Liu Haisu.
Tài năng của cô được biết đến qua những bức tranh vẽ chi tiết về các chủ đề khác nhau, từ phong cảnh trần gian đến thiên thượng và văn hóa truyền thống Trung Quốc. Các tác phẩm nghệ thuật của cô đã được đăng trên các tờ báo và tạp chí ở cả Trung Quốc và trên thế giới được những người nổi tiếng ở mọi tầng lớp xã hội thưởng lãm.
Khách thưởng lãm và những người tham dự nhận thấy tác phẩm nghệ thuật của cô tỏa ra “năng lượng ấm áp và tươi sáng” cũng như “sức mạnh và sự an hòa nội tại của người họa sĩ.” Cô nhớ một khán giả đã nói với cô rằng những bức tranh của cô tạo cảm hứng cho “mọi người muốn làm những điều tốt đẹp.”
Cô Chương đã đạt được một số giải thưởng tại các cuộc triển lãm ở Trung Quốc, Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ. Ngoài ra, cô còn nhận được các giải thưởng danh dự từ tiểu bang Georgia, thành phố St. Louis, tiểu bang Missouri, Hội đồng tiểu bang California và Hội đồng thành phố Columbus; thủ phủ Springfield, tiểu bang Illinois và thành phố Cincinnati, tiểu bang Ohio đã vinh danh cô với thư ban hành “Ngày của Chương Thúy Anh. ”
Tìm kiếm hy vọng, vun bồi lòng trắc ẩn
Vào năm 1985, Chương Thúy Anh kết hôn. Sáu năm sau, cô cùng chồng xuất cảnh sang Úc. Vài năm sau đó, cô bị tái phát bệnh viêm khớp dạng thấp vốn mắc phải từ nhỏ. Căn bệnh dần dần khiến cô gặp khó khăn khi cầm bút vẽ.
Cô Chương chia sẻ, “Tôi gặp khó khăn khi đi lại cũng như ăn uống. Tôi hầu như mất hết hy vọng. Tôi tìm đến các bác sĩ Tây y cũng như các thầy thuốc Trung y. Tôi trải qua các đợt điều trị bằng tia cực tím, tia hồng ngoại, vật lý trị liệu. Bệnh trạng của tôi không cải thiện và ngày càng nặng hơn. Tôi phải nằm liệt giường ở tuổi đời còn quá trẻ.”
Năm 1997, cô tình cờ thấy mẫu giới thiệu trên một tờ báo của Úc về các lớp học thiền định miễn phí của Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần cổ xưa được nhiều người ca ngợi vì mang lại lợi ích sức khỏe cho người tập. Hiện nay, Pháp Luân Công đã được phổ truyền tại nhiều quốc gia. Cô hồi tưởng: “Mẫu giới thiệu nói rằng sau khi tập Pháp Luân Công, một số người cảm thấy thư thái, bước đi nhẹ nhàng như thể đang bay vậy. Tôi đang nằm liệt giường và rất đau đớn. Vì vậy tôi tự nhủ sao mình không thử một phen bởi vì dù sao cũng đâu có tốn tiền—Tôi không hề mong có kỳ tích xảy ra.”
Song, Chương nói rằng sức khỏe của cô trải qua sự thay đổi ấn tượng sau các buổi học. “Mọi đau đớn trên thân thể biến mất. Tôi như thể thoát thai hoán cốt. Những cơn đau biết mất một cách thần kỳ.”
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, gồm có năm bài công pháp để luyện tập và các bài giảng đạo đức dựa trên nguyên lý chân, thiện, nhẫn. Khi để bản thân tuân theo các bài giảng đạo đức của Pháp Luân Công, cô cảm thấy bản tính thiện lương của mình được khơi dậy và thế giới nội tâm thay đổi theo hướng tốt hơn, khiến cho cô đến gần hơn với cảnh giới tư tưởng cao hơn.
“Nhờ tôi thường xuyên tập luyện và từng chút nâng cao tiêu chuẩn đạo đức, các tác phẩm nghệ thuật của tôi cũng dần dần trở nên phi thường như thể tôi được Thần Phật trợ giúp. Những bức tranh của tôi hoàn thiện hơn và mở ra cho tôi một con đường mới. Những tác phẩm của tôi được xuất bản thành bộ sưu tập nghệ thuật phiên bản Hoa ngữ, Anh ngữ, Nhật ngữ và Nga văn.
‘Ở trong tù sống không bằng chết’
Pháp Luân Công được giới thiệu ra công chúng tại Trung Quốc vào năm 1992. Vào cuối những năm 90, hơn 70 đến 100 triệu người Trung Quốc thực hành môn này. Tuy nhiên, do lo ngại sự phát triển mạnh mẽ của môn tu luyện tâm linh này vượt ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của chính quyền, kể từ tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc bấy giờ, đã phát động tuyên truyền bức hại trên toàn quốc để đảo lộn dư luận về Pháp Luân Công.
Cô Chương nói: “Khi nghe tin chính quyền Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công, tôi đau đớn vỡ òa, cảm thấy như dao đâm vào tim.”
Khi nghe các báo cáo về những trường hợp học viên Pháp Luân Công bị tra tấn đến chết ở Trung Quốc, cô Chương đã viết thư cho Tòa đại sứ Trung Quốc tại Sydney để giúp ngăn chặn những hành vi vi phạm nhân quyền này. Khi thấy biện pháp này không hiệu quả, cũng như nhiều học viên Pháp Luân Công khác, cô đã quyết định đến Trung Quốc để trực tiếp nói rõ sự thật với nhà cầm quyền.
Cô nhớ lại: “Tôi không ngờ mục đích chân chính của mình lại đưa tôi vào cảnh tù tội, những cuộc tra tấn và phỉ báng kéo dài suốt 8 tháng ròng. Tôi hứng chịu những đòn tra tấn khủng khiếp như bị bắt ngủ dưới nền bê tông gần bệ xí hôi thối, bị đánh đập, bị còng tay, đeo cùm và bị cưỡng bức lao động hơn 10 tiếng một ngày trong cả 7 ngày một tuần.”
Hồi tưởng lại ngày 31/12/1999 định mệnh, cô kể, cô đã đến Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh cùng với một nhóm du khách lưu trú cùng khách sạn để xem cảnh thượng cờ. Cô nhận ra một học viên Pháp Luân Công đến từ Melbourne, Úc. Thình lình, ba cảnh sát mặc thường phục lôi cô vào xe cảnh sát; không lâu sau, cô bị bắt và bị đánh đập. Cũng sáng hôm đó, nhiều học viên khác cũng bị Cục Công an bắt giữ vì đã đi đến Quảng Trường Thiên An Môn.
Bất kể danh tiếng trong sự nghiệp hội họa của cô, Chương Thúy Anh trở thành “kẻ thù của nhà nước” và là mục tiêu bức hại cũng giống như vô số học viên Pháp Luân Công khác tại Trung Quốc.
Vào tháng 01/2000, cô Chương Thúy Anh bị bắt tạm giam vì luyện công trong công viên Rending Lake ở Bắc Kinh. Một tháng sau, tức ngày 4/2/2000, khi cô và chồng đang ăn tối tại một nhà hàng ở Bắc Kinh thì bị hàng chục cảnh sát mặc thường phục thuộc Bộ An ninh Quốc gia bắt giữ mà “không có lý do”. Cảnh sát tống họ vào hai xe cảnh sát và đưa đến Trại giam thành phố Bắc Kinh. Ở đây, họ bị giam một tuần cùng với các tù nhân chính trị và tử tù. Ban quản lý trại giam bắt họ đứng trên sàn bê tông khi đang mùa đông lạnh giá, cấm họ ngủ và thay phiên nhau thẩm vấn cô suốt 24 tiếng đồng hồ. Họ sách nhiễu cô để khiến cô từ bỏ quốc tịch Úc của mình; cô đã tuyệt thực để phản đối sự bức hại nặng nề này. Sau một tuần bị giam giữ, cô đến Hong Kong nhưng tháng 3 cô quay trở lại Trung Quốc qua ngã thành phố Thẩm Quyến.
Vào ngày 5/3/2000, cô Chương Thúy Anh và một vài học viên Pháp Luân Công tại Hong Kong quyết định đến Trung Quốc để thỉnh nguyện một lần nữa với hy vọng rằng chính quyền cộng sản sẽ dừng cuộc đàn áp. Tuy nhiên, cô đã bị cảnh sát bắt giữ tại phi trường Thẩm Quyến sau khi họ tìm thấy lá thư cô viết cho Giang Trạch Dân và Thủ tướng Chu Dung Cơ, và kinh sách Pháp Luân Công trong túi xách của cô. Cô bị giam giữ và bị tra tấn tại Trại giam số 1 Thượng Mai Lâm. Ngày 16/3/2000, cô bắt đầu tuyệt thực. Đợt tuyệt thực này kéo dài hơn 50 ngày.
Vào tháng 8/2000, cô bị chuyển đến Trại giam số 3 Thẩm Quyến và bị tra tấn tàn bạo. Hòng làm lung lay tinh thần của cô, trại giam đã giam cô vào xà lim trong khu vực dành cho tù nhân nam trong suốt hai tháng cho đến khi Lãnh sự quán Úc can thiệp để cô được chuyển trở lại nhà tù nữ. Trong thời gian bị giam giữ, cô bị còng tay và bị cùm chân bằng dây xích nặng gần 6kg. Cô còn bị ném hộp cơm vào người, bị dội nước lạnh và bị giật tóc.
Cô chia sẻ: “Tám tháng ở trong tù sống không bằng chết; tôi không dám nghĩ đến nữa. Tôi bị giam cầm một cách khắc nghiệt trong xà lim tối tăm và ẩm thấp và phải ngủ trên sàn bê tông lạnh lẽo. Họ đê tiện xúi giục tù nhân hình sự đánh đập tôi, đè đầu tôi xuống đất, giẫm lên mu bàn tay tôi khiến cho xương bị gãy.”
“Tôi bị bắt ngủ trên sàn bê tông lạnh lẽo, gối đầu cạnh bệ xí. Mỗi ngày, tôi phải ngửi mùi nước tiểu và phân của hơn một chục người. Tôi không được phép viết thư cho người thân, cũng không thể gọi điện thoại và không nhìn thấy được ánh sát mặt trời trong suốt 8 tháng đó.”
Trong thời gian bị cầm tù, Chương Thúy Anh luôn lo lắng cho cô con gái lúc đó mới 12 tuổi và chồng cô ở Úc. Cô không được phép gặp người thân ở Trung Quốc, trong khi đó Lãnh sự quán Úc cũng chỉ được phép đến thăm cô mỗi tháng một lần. Cô nói: “Mặc dù Lãnh sự quán Úc muốn đến thăm tôi mỗi tuần nhưng họ không được phép làm thế.” Cô nói thêm: “Khi viên chức lãnh sự đến thăm tôi, họ cũng thấy được thái độ tàn ác của cảnh sát như thế nào. Thông dịch viên thật sự không dám thông dịch cuộc trò chuyện của chúng tôi. Các viên chức phải trấn an anh ấy đừng lo lắng và hãy cứ tiếp tục.”
“Các viên chức lãnh sự Úc biết rằng tôi đang bị bức hại, do đó họ rất lo lắng. Họ muốn tôi được trả tự do nhưng chính quyền Trung Quốc bác bỏ; họ tiếp tục kêu gọi chính quyền thương lượng.”
Trong suốt cuộc tra tấn kéo dài tám tháng, cô Chương Thúy Anh vẫn kiên định. Cô cho biết chính niềm tin vào Pháp Luân Công giúp cô mạnh mẽ. “Tôi tin vào chân, thiện, nhận. Vì thế mà tôi có thể nhẫn chịu.” Cô nói.
Với nỗ lực không ngừng của chính phủ Úc, cô Chương Thúy Anh được trả tự do vào đầu tháng 11/2000. Vào ngày 4/11/2000, tại phòng chờ phi trường Thẩm Quyến, trước sự vây bủa của hàng chục cảnh sát, Chương Thúy Anh tiến lên lần cuối cùng phơi bày cuộc bức hại tín ngưỡng của chính quyền cộng sản Trung Quốc trong khi còn đang ở trên mảnh đất quê hương. Cô cởi áo khoác ngoài, để lộ chiếc áo phông có bài thơ mà cô đã viết khi bị giam giữ. Trong khi hành khách nhìn cô thể hiện sự kinh ngạc và ngưỡng mộ thì các cảnh sát tỏ ra xấu hổ; những gì họ có thể làm là cố gắng đe dọa bắt cô phải che lại chiếc áo phông nhưng vô ích.
Bài thơ trên áo cô có đại ý như sau:
“Chỉ vì nói Pháp Luân Đại Pháp là Chính Pháp, tôi đã bị giam cầm 8 tháng và đối diện với nhiều đau khổ. Dẫu đầu rơi, máu đổ, tù đày, tôi vẫn giữ không lay chuyển. Chính quyền cộng sản Trung Quốc sẽ là tội đồ thiên thu vì đã bức hại Pháp Luân Công.”
Vào ngày 5/11/2000, Chương Thúy Anh trở về Úc và đoàn tụ với gia đình. Cô nói: “Các viên chức thuộc Bộ Ngoại giao Úc đều xúc động rơi nước mắt khi họ nghe được trải nghiệm bi thảm của tôi trong nhà tù Trung Quốc.”
Cô Chương bày tỏ hạnh phúc khi cô có thể tự do thực hành tín ngưỡng của mình ở Úc nhưng thâm tâm cô mãi mãi khao khát mong cho người dân Trung Quốc thoát khỏi sự thống trị của cộng sản.
Cô nói, “Tại Trung Quốc, người dân không có quyền tự do, không có quyền tín ngưỡng. Họ không thể nói lên suy nghĩ của mình và họ không thể kháng cáo khi bị đàn áp. Tôi hy vọng rằng người dân Trung Quốc có thể nhận thức được sự chân chính của Pháp Luân Công. Người Trung Quốc nên nhận thức được sự tà ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc và có thể nhìn thấy được ánh sáng của thế giới.”
Năm 1999, Trung Cộng đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Kể từ đó, nhiều học viên tại Trung Quốc đã bị bắt cóc, bị kết án tù phi pháp, thậm chí bị tra tấn đến chết chỉ vì kiên định với đức tin của mình. Trong số những nạn nhân đó có những họa sĩ nổi tiếng và tài năng. Trung Cộng muốn hủy hoại thân xác, bôi nhọ thanh danh và xóa đi những ký ức của chúng ta về họ, nhưng nghệ thuật có khả năng vượt thời không, những tác phẩm nghệ thuật thuần tịnh, thiện lương và truyền thống của họ sẽ mãi trường tồn với thời gian.
Daksha Devnani viết về những câu chuyện cuộc sống, truyền thống và những nhân vật tràn đầy dũng khí nhằm mong muốn truyền cảm hứng về niềm hy vọng và lòng tốt giữa người với người.
Bài viết có sự đóng góp của Jocelyn Neo và Arshdeep Sarao.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: