Trung Cộng phát triển ‘bộ dụng cụ tra tấn’ và một cơ quan mới để bức hại Pháp Luân Công
Trong khi sự tàn bạo trong chiến dịch bức hại Pháp Luân Công đã dần dần được phơi bày cho người dân bên ngoài Trung Quốc qua những lời khai của nạn nhân suốt nhiều năm, thì một báo cáo mới đây tiết lộ rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đã phát triển một “bộ dụng cụ” dành cho “nhân viên được đào tạo” để sử dụng riêng cho các học viên Pháp Luân Công.
Cô Khương Vĩnh Cần (Jiang Yongqin), một nữ học viên, đã bị chính quyền bỏ tù nhiều lần kể từ năm 2009 vì đức tin của cô đối với Pháp Luân Công, một môn tu luyện cổ xưa của Trung Hoa. Nhà cầm quyền cộng sản, dưới sự lãnh đạo của Giang Trạch Dân, đã bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999. Trong hơn hai mươi năm qua, chiến dịch bức hại này đã tạo thành vô số khổ nạn cho học viên của môn tập, bao gồm bỏ tù, sát hại, đồng thời còn thực hiện thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các học viên bị cầm tù.
Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên ghi lại cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng), đã cung cấp chi tiết về những gì mà cô Khương Vĩnh Cần đã trải qua gần đây.
Theo báo cáo, vụ bắt cóc mới nhất của cô Khương Vĩnh Cần đã diễn ra hôm 12/06.
Một người trong cuộc tiết lộ rằng cô đã được chuyển đến một địa điểm bí mật vào khoảng thời gian từ ngày 07/07 đến ngày 08/07 để thẩm vấn. Vị “chuyên gia được đào tạo” và trợ lý của ông ta đã sử dụng bộ dụng cụ tra tấn trên để xâm hại tình dục cô cho đến khi cô hoàn toàn sụp đổ.
Chuyên gia này nói với cô Khương rằng họ sẽ để lại bộ dụng cụ tại nơi thẩm vấn dành riêng cho cô chừng nào cô cung cấp cho họ thông tin họ muốn.
Ông nói, “Có một số hạn chế nhất định đối với việc sử dụng bộ dụng cụ này; nhưng, riêng với Pháp Luân Công, thì chúng tôi sẽ sử dụng nó bất cứ khi nào chúng tôi muốn.”
Thủ phạm bức hại: Công an tỉnh Cát Lâm
Cô Khương từng là một giáo viên tại Trung tâm Giảng dạy Thực nghiệm về Nguyên lý Cơ khí tại Đại học Khoa học Kỹ thuật Chiết Giang khi lần đầu tiên cô bị cảnh sát bắt cóc vào ngày 26/09/2009. Vào tháng 02/2010, cô đã bị kết án ba năm tù và bị đưa đến Nhà tù Nữ Chiết Giang, để lại đứa con gái bốn tuổi và ba mẹ chồng già yếu, ốm đau không ai chăm sóc.
Kể từ khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999, công an tỉnh đã thường xuyên sách nhiễu cô và gia đình cô, đồng thời làm gián đoạn công việc của cô.
Hôm 12/06, công an địa phương đã bắt cóc cô và người thân của cô, bao gồm cả con gái 8 tuổi, từ nơi cư trú hiện tại của họ ở tỉnh Cát Lâm. Lực lượng công an cũng đã lục soát nhà của cô, tịch thu máy điện toán và điện thoại di động của cô.
Các thành viên trong gia đình sau đó đã được thả về, nhưng cô Khương vẫn bị giam giữ tại một địa điểm không xác định.
Một người trong cuộc nói với phóng viên Minghui.org tại Cát Lâm rằng Bộ Công an có liên quan đến vụ bắt cóc này mà không rõ lý do.
Lần đầu tiên, cơ quan bí mật này được đặt tên là: Văn phòng Kỷ luật Đặc biệt (SDO) thuộc sở công an tỉnh Cát Lâm.
Một cuộc thẩm vấn biến thái
Theo người trong cuộc, “chuyên gia của bộ dụng cụ này” và trợ lý của ông ta đều đến từ Văn phòng Kỷ luật Đặc biệt. Cùng với hai sĩ quan cảnh sát của thành phố Cát Lâm khác có họ là Đường và Lữ, bốn người đàn ông này đã tiến hành thẩm vấn cô Khương.
Bên trong bộ dụng cụ này có tăm, dụng cụ nhỏ, thuốc, dây điện, thuốc kích dục, và các vật dụng khác.
Theo lời kể của người trong cuộc, đầu tiên bốn người đàn ông đã xịt dầu mù tạt vào lỗ mũi của cô Khương, châm thêm điếu thuốc, và tiếp đến là bỏ tàn thuốc vào trong lỗ mũi của cô. Sau đó, cô Khương đã bị sặc và ho ra những tàn thuốc đó từ cổ họng của mình.
Thấy rằng cô Khương sẽ không cung cấp cho họ thông tin họ muốn, chuyên gia thẩm vấn này đã ra lệnh cho những người đàn ông kia tấn công tình dục cô bằng cách sử dụng các vật dụng trong bộ dụng cụ trên. Khi họ phát hiện ra rằng cô đang có kinh nguyệt, chuyên gia này đã khẳng định rằng các vật dụng đó thậm chí còn hoạt động tốt hơn trong ngày đèn đỏ.
Toàn bộ quá trình này kéo dài gần hai giờ cho đến khi cô không thể chịu được nữa và bỏ cuộc. Cô đã đưa cho họ mật khẩu máy điện toán của mình.
Nhà phân tích: ‘Một bộ phương pháp bức hại có hệ thống’
Nhà phân tích Trung Quốc Hoành Hà (Heng He) nói rằng các cuộc thẩm vấn tra tấn diễn ra phổ biến bên trong các nhà tù Trung Quốc; tuy nhiên, hoạt động này thường do nhân viên trại giam hoặc các tù nhân khác tiến hành.
Vụ án này có một tình tiết nổi bật là người được gọi là chuyên gia đó đã được cấp trên cử xuống và sử dụng một bộ phương pháp tra tấn có chứa các loại thuốc để thẩm vấn.
Ông nói, “Loại bức hại tình dục này khác xa so với trước đây.”
Ông Hoành giải thích rằng thẩm vấn tra tấn là một công cụ mang tính hệ thống dưới thời Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) cai trị. Ví dụ, ghế sắt và dùi cui điện được biết đến như là công cụ tra tấn của Trung Cộng trong cộng đồng quốc tế.
Ông Hoành cho biết việc sử dụng thuốc và tấn công tình dục trong bộ dụng cụ tra tấn của Trung Cộng đều là những hình thức quá phổ biến.
Ông giải thích rằng Trung Cộng luôn nghiên cứu để tìm ra các phương pháp tra tấn mới mà các quốc gia khác không có. Ông tin rằng người được gọi là chuyên gia thực sự là một người chuyên tìm tòi nghiên cứu cách thức tra tấn để khiến người bị giam phải chịu mức đau đớn cùng cực nhất mà không sát hại họ, để có được thông tin mà chính quyền mong muốn.
Sự cai trị vô luật lệ
Về việc sử dụng không hạn chế bộ dụng cụ này đối với các học viên Pháp Luân Công, ông Hoành cho biết những tuyên bố tương tự đã được đưa tin rộng rãi kể từ khi nhà cầm quyền bắt đầu cuộc đàn áp vào năm 1999.
Ông nói rằng hệ thống tư pháp của Trung Cộng đã coi các học viên Pháp Luân Công là những trường hợp ngoại lệ; nghĩa là, tất cả các quy định đó có thể không có giá trị nếu có một trường hợp liên quan đến Pháp Luân Công.
“Bởi vì nó đã là một chiến dịch đàn áp chính trị ngay từ đầu, nên nó không bị ràng buộc bởi luật pháp nào cả.”
Ông Hoành đã lấy Phòng 610 làm ví dụ. Đây là một cơ quan hoạt động “ngoài vòng pháp luật” được thành lập vào tháng 06/1999 để đặc biệt nhắm mục tiêu vào học viên Pháp Luân Công.
Ông Hoành nói: “Điều này đủ để chứng minh rằng Trung Cộng trong quá trình đàn áp Pháp Luân Công, thì đừng nói đến vấn đề luật pháp.”
Cô Mary Hong đã đóng góp cho Epoch Times từ năm 2020. Cô đưa tin về các vấn đề nhân quyền và chính trị của Trung Quốc.