Biểu tình ở Brazil làm nổi bật làn sóng các cuộc nổi dậy phản đối các chính phủ cánh tả Mỹ Latinh
Điều đó được gọi là “cơn thủy triều màu hồng mới” ở Mỹ Latinh — một sự gia tăng quyền lực rộng khắp của các nhà lãnh đạo cánh tả đã càn quét khu vực này kể từ năm 2018.
Giống như cảnh tượng những quân cờ domino bảo tồn truyền thống tiếp nối nhau ngã xuống nhanh chóng, điều đó đã bắt đầu với Mexico, rồi sau đó là Argentina. Tình hình cũng tương tự ở các nước Bolivia, Peru, Honduras, Chile, Colombia, và Brazil.
Tuy nhiên giờ đây ngọn lửa nổi dậy của cánh hữu đang lan rộng.
Những cuộc biểu tình nổ ra và việc những người ủng hộ cựu Tổng thống Jair Bolonaro chiếm giữ các văn phòng chính phủ then chốt ở thủ đô Brazil hôm 08/01 đã khiến thế giới lo lắng.
Hàng trăm người biểu tình đã xông vào Tòa án Tối cao, Quốc hội, và dinh tổng thống trong lúc cảnh sát địa phương vội vã đến can thiệp.
Cuộc biểu tình nói trên đã được tổ chức chặt chẽ, trong đó có sự di chuyển từ khắp đất nước, hơn nữa đã được sắp xếp trước thông qua các nhóm trò chuyện trên mạng xã hội Telegram.
Những người ủng hộ ông Bolsonaro — nhiều người trong số họ đã khoác quốc kỳ như một chiếc áo choàng trong sự kiện hôm 08/01 — cùng nhau từ chối chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử sít sao trước tổng thống cánh tả Luiz Inacio Lula da Silva, vị chính khách mà người dân địa phương gọi là “Lula.”
Việc chiếm đóng các văn phòng chính phủ nổi tiếng của đất nước này đã xảy ra trong vòng vài ngày sau lễ nhậm chức của ông Lula hôm 01/01.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình chưa từng có ở Brazil hôm 08/01 là một mắt xích trong một chuỗi lớn hơn gồm các cuộc biểu tình chống chính phủ gần đây ở Nam Mỹ.
Một tháng trước đó, bên kia biên giới phía tây của Brazil, hôm 07/12, Quốc hội Peru đã phế truất cựu Tổng thống theo đường hướng xã hội chủ nghĩa Pedro Castillo sau khi ông này tìm cách giải tán quốc hội và thi hành một lệnh giới nghiêm toàn quốc để ngăn chặn các cuộc biểu tình phản đối chính quyền của ông.
Ở nước láng giềng Bolivia, các lực lượng đối lập ở Santa Cruz đã bắt đầu một cuộc biểu tình kéo dài năm tuần hồi tháng Mười nhằm phản đối tổng thống cánh tả Luis Arce về một ngày điều tra dân số quốc gia gây tranh cãi. Cuộc biểu tình này đã đưa quốc gia vào tình trạng bế tắc kinh tế và tiêu tốn của chế độ cầm quyền hơn 1 tỷ USD.
Sau đó, hôm 28/12, cảnh sát đã bắt giữ thống đốc vùng Santa Cruz và lãnh đạo phe đối lập chủ chốt — ông Luis Fernando Camacho.
Ông Camacho đã bị “giam giữ nhằm phòng ngừa hành vi phạm tội” trong một nhà tù an ninh tối đa với tội danh khủng bố. Vụ bắt giữ lịch sử này đã gây ra một làn sóng các cuộc biểu tình và chặn đường mới hiện đang diễn ra để chống lại chính phủ của ông Arce.
Tại Argentina, hồi tháng Chín năm ngoái, các cuộc biểu tình chống lại chính quyền Peronist (theo tư tưởng cựu Tổng thống Peron) của ông Alberto Angel Fernandez đã chuyển sang bạo lực khi một tay súng cố gắng ám sát phó tổng thống nước này, bà Cristina Fernandez de Kirchner, trong bối cảnh lạm phát cao và bất ổn kinh tế.
Và chủ đề chung kết nối tất cả các sự kiện này là gì? Một số người cho rằng đó là hệ thống bầu cử đáng ngờ, đánh thuế không công bằng, và các luật về “phúc lợi” đã giáng xuống tầng lớp trung lưu lao động trong khu vực.
Chỉ là bước khởi đầu?
Tiến sĩ Orlando Gutierrez-Boronat, nhà phân tích về khu vực này và là một tác giả, nói với The Epoch Times rằng gian lận phiếu bầu đang diễn ra phổ biến, “Người dân của các quốc gia này có một cảm nhận chung rằng hệ thống bầu cử của quốc gia họ là không đáng tin cậy.”
Một số đảng và nhóm chính trị nhất định giữ độc quyền các tổ chức, đặc biệt là ở cấp địa phương và cấp tỉnh, khiến nhiều người lo ngại về việc can thiệp bầu cử. Ông Boronat nói rằng Cuba là điển hình cho các cuộc bầu cử “độc đảng”, một khái niệm mà cư dân khu vực này lo sợ có thể xảy ra trong biên giới của chính họ.
“Vì vậy, họ xem các cuộc biểu tình là biểu hiện thực sự duy nhất của nền dân chủ,” ông nói đồng thời cho biết thêm, “Các công dân Mỹ Latinh đã thấy các chế độ độc tài cánh tả trên lục địa này hầu như không thể bị bãi bỏ như thế nào, thậm chí sau nhiều thập niên.”
Khi nói đến các kết quả bầu cử, những người ủng hộ ông Bolsonaro ở Brazil đã khiến cuộc chơi này leo thang. Dù tốt hơn hay xấu đi, họ đã tạo một tiền lệ cho những ai thách thức các kết quả chính thức ở quốc gia của họ.
Hơn nữa, một số người trong cuộc tin rằng đó chỉ là bước khởi đầu của sự phản kháng chống lại chính phủ của ông Lula.
Bà Renata Castro nói với The Epoch Times, “Tôi không nghĩ rằng đây sẽ là dấu chấm hết cho những người ủng hộ ông Bolsonaro.”
Bà Castro là một luật sư chuyên về di trú và là người sáng lập Castro Legal Group ở Florida. Là một người gốc Rio de Janeiro đã sống tại Hoa Kỳ hơn 20 năm, bà có một sự am tường về vũ đài chính trị của Brazil.
Bà nói: “Chính phủ đương nhiệm chưa chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết bất kỳ hành động [biểu tình] có tổ chức nào ở Brazil … Đất nước này có những nguồn lực, nhưng tôi không nghĩ họ đã chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra.”
Khi được hỏi liệu bà có nghĩ rằng những người ủng hộ ông Bolsonaro thực sự nghi ngờ về gian lận bầu cử, hay chỉ không muốn ông Lula nhậm chức, thì bà Castro cho rằng có lẽ là cả hai.
Một cuộc khảo sát từ tháng 10/2022 bên ngoài một điểm bỏ phiếu ở Rio de Janeiro cho thấy, ngay cả sau nhiều thập niên áp dụng các cuộc bỏ phiếu điện tử, không phải ai ở Brazil cũng tin tưởng vào quy trình bỏ phiếu này.
Bà Castro nói, “Hậu quả của những gì đang diễn ra sẽ vượt xa chính những cuộc biểu tình này.”
Ở Brazil, các bản tin địa phương về một khẩu súng gây choáng, đạn dược, và các thiết bị an ninh bị đánh cắp khác trong các cuộc biểu tình hôm 08/01 đã đánh dấu một sự khác biệt rõ rệt so với các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối chính phủ.
Bà khẳng định: “Điều đó cho thấy đúng là tất cả đều dễ đổ vỡ như thế nào.”
Tầng lớp trung lưu nổi dậy
Không nơi nào ở Mỹ Châu mà việc đánh thuế quá mức đối với tầng lớp trung lưu lao động lại dẫn đến sự phản kháng mạnh mẽ hơn ở Argentina.
Hồi năm ngoái, đất nước này đã thay đổi ba thành viên nội các cao cấp trong vòng chưa đầy 30 ngày trong khi các cuộc biểu tình lớn gây áp lực buộc chính phủ của ông Fernandez phải chống lại tình trạng lạm phát tăng vọt.
Thị trường chợ đen đối với đồng dollar Mỹ đã có mặt ở mọi góc đường ở Buenos Aires trong bối cảnh giới chức hối hả ngăn chặn tình trạng chảy máu kinh tế và giá trị đồng tiền rơi tự do.
Các mức nghèo quốc gia ở Argentina là 40%, và chỉ 43% người trưởng thành có việc làm.
Trong một hành động cuối cùng nhằm cứu vãn tình thế, chính phủ này đã cố gắng tăng thuế đối với tầng lớp lao động một lần nữa hồi năm 2022. Điều đó đã vấp phải phản ứng dữ dội và một nỗ lực nhằm vào tính mạng của bà Kirchner.
Ông Boronat nói rằng đây giống như một đặc trưng của các chế độ xã hội chủ nghĩa trong khu vực này. Thuế cao được áp đặt lên các doanh nghiệp và những người đi làm.
Ông nói: “Một lý do khác dẫn đến các cuộc biểu tình mới đây là tầng lớp trung lưu ở Brazil, Bolivia, Peru, và Argentina cũng như những người dân Cuba làm nghề tự do tin rằng các chính phủ cánh tả luôn ban hành luật đi ngược lại lợi ích của họ.”
“Để hạn chế sự giàu có của họ hoặc để duy trì các hệ thống phúc lợi lớn vốn giữ chân những người thất nghiệp và những công dân nghèo hơn trong các mối quan hệ người bảo trợ-khách hàng.”
Trong khi đó, tầng lớp trung lưu mới nổi của Bolivia đang tranh đấu quyết liệt để chống lại việc đánh thuế bất công.
Những người biểu tình ở Santa Cruz đang phản đối với một nhận thức rõ nét về mối liên hệ giữa độc lập tài chính và quyền tự do trước chính phủ.
Một chủ doanh nghiệp nhỏ muốn được gọi là “Juan” vì sợ bị trả thù, đã nói với The Epoch Times rằng việc phản đối không chỉ là một hành động thách thức chính trị. Đó còn là một hành động để bảo tồn.
Ông tự hỏi: “Quý vị sẽ làm gì nếu quý vị trải qua 200 năm bị tấn công một cách có hệ thống và lạm dụng chính trị cả một khu vực?”
Ông Juan cho biết truyền thống của các gia đình giàu có, thời thuộc địa từ La Paz khai thác các nguồn tài nguyên rộng lớn của Santa Cruz là cách tiếp cận tương tự mà ông Arce và đảng Phong trào Xã hội Chủ nghĩa của ông ấy áp dụng ngày nay.
Hơn 70% tài nguyên thực phẩm và khoáng sản của Bolivia đến từ vùng Santa Cruz, nhưng địa phương này nhận được một khoản hoàn trả nhỏ không tương xứng từ doanh thu thuế.
Ông Juan nói: “Santa Cruz mang đến lực lượng [kinh tế] cho phần còn lại của đất nước.”
Tuy nhiên, ông đã nhận ra được một điểm khác biệt then chốt giữa những kẻ cai trị thời thuộc địa và chính phủ ông Arce.
Ông Juan khẳng định, “Chắc chắn có rất nhiều chỉ thị được đưa ra từ Cuba và Venezuela … các nhà lãnh đạo của chúng tôi chỉ là những con tốt, chứ không phải vua hay hoàng hậu.”
Ông Boronat ủng hộ tuyên bố này, nói rằng, “Có đủ bằng chứng về sự hiện diện và nhúng tay của Cuba vào các hoạt động gây bất ổn và đảm nhận vai trò cố vấn cho các nhà lãnh đạo cánh tả.”
Giới chức Hoa Thịnh Đốn cũng đã thể hiện rõ lập trường của họ đối với các chế độ Cuba và Venezuela, vốn đã kéo dài một mối quan hệ căng thẳng với Hoa Kỳ trong nhiều thập niên.
Trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Châu hồi tháng 06/2022, các nhà lãnh đạo Cuba và Venezuela đã không được mời.
Trong một tuyên bố nhằm vào yêu cầu đưa Cuba và Venezuela vào hội nghị nói trên của Tổng thống Mexico ông Andres Manuel Lopez Obrador, Thượng nghị sĩ Robert Menendez (Dân Chủ-New Jersey) đã gọi các chính phủ của cả hai nước này là “những kẻ độc tài và bạo chúa.”
Dẫu cho có đặt chuyện ông Obrador bảo vệ Cuba và Venezuela sang một bên, thì hai nước này vẫn đóng vai trò như một câu chuyện cảnh cáo trong toàn khu vực. Các chế độ được đề cập ở trên là chủ đề của một nỗi sợ hãi chung vang vọng xuyên biên giới, bằng mọi ngôn ngữ: Không ai muốn có kết cục như Cuba hay Venezuela. Cả về chính trị lẫn kinh tế.
Tuy nhiên, mối quan hệ thân tình giữa Caracas, Havana, với các chính phủ cánh tả đầy tham vọng trong khu vực này — đặc biệt là với Colombia, Argentina, Peru, và Bolivia — đã khiến người dân địa phương phải cảnh giác với các nhà lãnh đạo được bầu của họ.
Tại Brazil, tân chính phủ của ông Lula hy vọng khôi phục mối bang giao với Venezuela, quốc gia mà ông Bolsonaro đã đình chỉ quan hệ ngoại giao hồi năm 2020.
Trở lại với vấn đề của Bolivia, ông Juan nói rằng người dân ở Santa Cruz sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo đảm quyền được hưởng hòa bình và thịnh vượng. Đó là điều mà địa phương này tự hào: cơ hội để ai cũng được phát triển thịnh vượng, bất kể quốc tịch, chủng tộc, hay đảng phái chính trị.
Và theo ông Juan, họ chỉ mới bắt đầu.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times