Các nhà phân tích: Đề nghị của Brazil về đồng tiền chung Mỹ Latinh là ‘không thực tế’
Các kế hoạch về một đồng tiền chung duy nhất ở Mỹ Latinh đã xuất hiện trở lại sau hơn một thập niên hôm 23/01, khi tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva công bố sáng kiến này tại một hội nghị song phương ở Buenos Aires.
Tổng thống Brazil — thường được công chúng gọi là Lula — đã đưa ra ý tưởng này như một phương tiện để Argentina và Brazil chấm dứt sự phụ thuộc vào đồng USD.
Cho đến nay, đề nghị của ông Lula đã nhận được nhiều lời chỉ trích hơn là khen ngợi.
Các nhà phân tích khu vực không thấy bất kỳ lợi ích kinh tế nào trong một loại tiền tệ chung cho Brazil. Hơn nữa, một số người cho rằng sáng kiến này “không thực tế” và tin rằng không thể có một đồng tiền chung trong bối cảnh thực tế khắc nghiệt như tỷ lệ lạm phát cao và thiếu sự hợp tác từ phía các chính phủ.
Trong hội nghị này, ông Lula cho biết các ghi chú ban đầu sẽ được sử dụng cụ thể cho thương mại giữa Brazil và Argentina. Mặc dù tổng thống Brazil đã đề cập đến việc muốn mở rộng phạm vi tiếp cận sang các quốc gia khác trong khu vực.
Ông Lula nói với báo chí: “Các bộ trưởng tài chính của chúng ta, mỗi người có nhóm về kinh tế riêng, có thể đưa ra cho chúng ta một đề nghị về ngoại thương và giao dịch giữa hai quốc gia, được tiến hành bằng một đồng tiền chung lập ra sau nhiều cuộc tranh luận và nhiều cuộc họp.”
Trong danh sách những người hoài nghi ngày càng tăng có cả các nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa ở Mỹ Latinh.
Tuyên bố mang tính ý thức hệ
Tổng thống Mexico, ông Andres Manuel Lopez Obrador, cho biết trong cuộc họp báo thường nhật hôm 24/01: “Chúng tôi sẽ không đồng ý. Vì nhiều lý do, chúng tôi phải tiếp tục duy trì đồng dollar như một tham chiếu.”
Tổng thống Chile Gabriel Boric đã bày tỏ suy nghĩ của mình về chủ đề này trong chuyến thăm chính thức tới Colombia hồi tháng Tám năm ngoái (2022).
Người đứng đầu nhà nước Chile nói rằng trong khi ông “sẵn sàng” thảo luận về chủ đề một loại tiền tệ duy nhất ở Mỹ Latinh, ông cảnh báo “nhiều tiến bộ” phải được thực hiện trước.
Ông Boric cho biết: “Những cơ chế cụ thể này rất phức tạp… đây là những quá trình dài hạn và chúng ta còn rất nhiều việc phải làm trước.”
Bộ trưởng tài chính Chile, ông Mario Marcel, đã nhanh chóng phản hồi đề nghị hôm 23/01 của ông Lula.
“Hiện thời, chúng tôi đang hài lòng khi có chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa của riêng mình, những chính sách này đã đặc biệt hữu ích để bắt đầu giảm lạm phát trong năm nay.”
Brazil là nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh và hiện đang phải chật vật với lạm phát, chia rẽ chính trị, nghèo đói, và tỷ lệ tội phạm tăng vọt.
Kết quả là, tầm nhìn của ông Lula về một loại tiền tệ chung đã không còn làm hài lòng đám đông trong số những người dân Brazil.
Nhà kinh tế và nhà phân tích chính trị Paulo Figueiredo nói với The Epoch Times: “Đó không phải là một biện pháp được ưa chuộng. Nó [được thiết kế] đặc biệt để mang lại lợi ích cho các nền kinh tế thất bại ở Mỹ Latinh. Làm như thế có ích gì cho Brazil chứ?”
Tại quê hương Brazil của mình, ông Figueiredo đã chứng kiến khá nhiều chính sách kinh tế. Ông nói rằng đề nghị của ông Lula giống như một “tuyên bố mang tính ý thức hệ hơn là một thực tế,” đồng thời cho biết thêm rằng cũng có “Một chút xu hướng chống Mỹ đằng sau đề nghị này nữa.”
‘Vấn đề ở đây là gì?’
Ông lưu ý lý do các nước Mỹ Latinh dự trữ đồng USD và cũng sử dụng đồng bạc xanh cho thương mại là vì đồng USD là một loại tiền tệ linh hoạt, đáng tin cậy.
Với suy nghĩ đó, ông đặt ra câu hỏi: “Vậy sao lại phải nghĩ ra một loại tiền tệ thương mại chỉ dành riêng cho mỗi Argentina và Brazil? Vấn đề ở đây là gì?”
Ông Figueiredo nói rằng đó là vì ông Lula muốn đưa ra tuyên bố rằng Brazil có thể tự đứng vững mà không cần sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Ông nói thêm rằng, với Brazil là nền kinh tế lớn nhất, chính sách của ông Lula luôn là giúp đỡ các quốc gia xã hội chủ nghĩa đang gặp khó khăn.
“Tài trợ cho các nền kinh tế Mỹ Latinh thất bại là một chính sách của ông Lula.”
Và chính sách này đến vào đúng thời điểm đối với Argentina, quốc gia đã khép lại năm 2022 với mức lạm phát quốc gia gần 95%. Đó là mức cao nhất mà quốc gia này phải chịu kể từ năm 1991.
Nhà phân tích khu vực kiêm tác gia, Tiến sĩ Orlando Gutierrez-Boronat nói với The Epoch Times: “Brazil có rất nhiều thứ để mất. Argentina thì có đủ khả năng để giành chiến thắng.”
Ông Boronat cho biết các quốc gia đáng tin cậy trong khu vực với nền kinh tế vĩ mô có trật tự, như Uruguay và Chile, “có rất nhiều thứ để mất khi họ hội nhập với các quốc gia lớn hơn, khó dự đoán hơn.”
Ông cũng cho biết Brazil đang mạo hiểm với danh tiếng của mình. Ngoài lạm phát cao ngất ngưởng, Argentina còn có một di sản lâu đời là vỡ nợ. Theo ông Boronat, danh tiếng cũng có thể ảnh hưởng đến Brazil và gây ngờ vực cho các nhà đầu tư trong tương lai.
Phớt lờ thực tế
Khi cựu Tổng thống Venezuela Hugo Chavez tuyên bố tạo ra một loại tiền điện toán chung cho khu vực vào năm 2009, tuyên bố này đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ khối thương mại gồm các quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe.
Năm đó, ông Chavez chào mời đơn vị tiền tệ mới như là câu trả lời của khu vực cho cuộc khủng hoảng tài chính bao trùm nước Mỹ vào năm 2008.
Ông Chavez kêu gọi các nước láng giềng ngừng tích trữ dự trữ USD và gọi cuộc khủng hoảng năm 2008 là “sự kết thúc của chủ nghĩa tư bản.”
Mười ba năm sau, khu vực này đã quên đi lời khoe khoang của vị nguyên thủ Venezuela này về việc có một đồng tiền chung được lưu hành vào đầu năm 2010. Kể từ đó, bối cảnh kinh tế ở Mỹ Latinh đã thay đổi mạnh mẽ, nhưng ông Lula — tổng thống Brazil năm 2009 — đang bám chặt lấy tầm nhìn ban đầu của ông Chavez.
Mặc dù ông Lula đã quay lại văn phòng trong một môi trường kinh tế và chính trị rất khác. Sự chia rẽ chính trị ở Mỹ Latinh chưa bao giờ sâu sắc hơn. Có ngày càng ít người sẵn sàng chấp nhận những luận điệu của cánh tả mà không có kết quả rõ ràng.
Thời hoàng kim của “hồng triều” dành cho các nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa đã qua từ lâu. Dân số ngày càng bất ổn đã nhanh chóng lật đổ các tổng thống không thực hiện lời hứa của họ trong những năm gần đây.
Một nhà phân tích người Argentina muốn chỉ được nêu tên là Chris, nói với The Epoch Times rằng “Đề xướng của ông Lula không thực tế chút nào.”
Sống ở Buenos Aires, ông Chris đã chứng kiến tình trạng suy thoái kinh tế của đất nước mình diễn ra theo thời gian thực trong 12 tháng qua. Theo ông Chris, dựa trên sự khác biệt lớn giữa các quốc gia Mỹ Latinh và chính phủ của họ, đó là một cơn ác mộng về chính sách.
Giống như người dân, các chính trị gia trong khu vực cũng trở nên phân cực hơn nhiều.
Ông Chris cho biết khi một tổng thống mới của Argentina nhậm chức, nhiệm vụ đầu tiên là hủy bỏ hoặc thay đổi các chính sách do chính phủ tiền nhiệm đưa ra.
Chỉ riêng điều này cũng đã khiến mức độ hợp tác và hội nhập cần thiết để tạo ra một loại tiền tệ chung giữa Argentina và Brazil trở nên bất khả thi.
Ông Chris nói, “Phải mất nhiều thập niên Âu Châu mới khai triển được đồng Euro và hầu hết các nền kinh tế đều đã mạnh.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times