Cánh tả Mỹ theo đuổi sự chia rẽ vĩnh viễn
Sự hoài nghi về triển vọng của nền văn minh nhân loại liên quan trực tiếp đến khuynh hướng đáng tiếc của chúng ta trong việc tiến hành cuộc chiến với các gia đình, bộ lạc, quốc gia, đế chế hoặc các liên minh đối thủ. Lịch sử dường như thường chỉ là các trận chiến nối tiếp nhau.
Các cuộc chiến tranh ở ngoại quốc là xấu xa, mang tính tàn phá, và để lại nhiều thương vong, nhưng tại một quốc gia đa dạng về văn hóa thì các cuộc chiến đó thường sẽ cải thiện sự gắn kết quốc gia.
Triết gia G. K. Chesterton từng nói rằng một người yêu nước chiến đấu “không phải vì anh ta căm ghét những thứ diễn ra trước mắt, mà vì anh ta yêu quý những thứ sau lưng mình.”
Nội chiến tạo ra oán hận dai dẳng
Nội chiến lại là một vấn đề khác. Nó được định nghĩa là một cuộc xung đột bạo lực giữa các phe đối lập trong cùng một quốc gia và có tác động đến tinh thần dân tộc theo một cách hoàn toàn khác.
Các cuộc nội chiến được tiến hành giữa các cực xung đột. Một vài cuộc chiến là do các đối thủ tranh đoạt ngai vàng. Những cuộc chiến khác nổ ra giữa các phe đối lập về tôn giáo, sắc tộc, bộ lạc, ngôn ngữ, chủng tộc, kinh tế, lãnh thổ hoặc ý thức hệ. Một cuộc chiến tranh với ngoại quốc có thể thống nhất một đất nước, còn nội chiến thì hầu như luôn tàn phá nó.
Sự kết hợp của các vấn đề kinh tế và đạo đức đã thúc đẩy Nội chiến Hoa Kỳ lần thứ nhất. Những người yêu nước miền Nam vốn sử dụng lao động nô lệ để trợ giúp một nền kinh tế nông nghiệp đã bảo vệ “thể chế đặc biệt” của họ trên cơ sở “quyền hạn của các tiểu bang.” Những người theo chủ nghĩa bãi nô đã bị lay động bởi một quy tắc đạo đức cho rằng “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng.”
Khi Tổng thống (TT) thuộc Đảng Cộng Hòa Abraham Lincoln, người phản đối chế độ nô lệ đắc cử vào năm 1860, đã có bảy tiểu bang rời liên minh để thành lập một Liên minh miền Nam độc lập. Ông Lincoln đã từ chối công nhận quyền ly khai của Liên minh miền Nam này, và chiến tranh xảy ra sau đó. Bi thảm thay, phải mất đến bốn năm xung đột đẫm máu để giải phóng nô lệ và khôi phục liên minh.
Cuộc xung đột Bắc-Nam tạo ra sự oán hận dai dẳng. Luật Jim Crow và các hình thức bất công chủng tộc khác đã kéo dài sự chia rẽ sang thế kỷ 20. Phải mất gần 100 năm và sự thay đổi đáng kể mang tính thế hệ để đa số người Mỹ nhìn lại Nội chiến như một cuộc thập tự chinh tốn kém nhưng cần thiết để chấm dứt ách nô lệ đối với con người và khôi phục liên minh.
Vào những năm 1960, một phong trào dân quyền giữa các chủng tộc đã khiến Quốc hội cấm hành động phân biệt chủng tộc, sắc tộc, và tôn giáo ở Hoa Kỳ. Được truyền cảm hứng từ những tấm gương như các nhà lãnh đạo như John F. Kennedy và Martin Luther King Jr., mọi người đã sẵn sàng bỏ lại phía sau những xung đột trong quá khứ.
Như một hình thức hòa giải, hầu hết người Mỹ đã sẵn sàng chấp nhận nửa thế kỷ tuyển sinh đại học và các chính sách tuyển dụng phân biệt đối xử có lợi cho con cháu của những nô lệ người Mỹ gốc Phi.
Một kỷ nguyên bất hòa khác
Sự ra đời của Liên Xô cộng sản và Đảng Cộng sản Hoa Kỳ (CPUSA) vào năm 1919 đã mở ra cánh cửa cho một kỷ nguyên bất hòa trong nội bộ đất nước lần thứ hai ở Mỹ.
Từ những năm 1920 đến những năm 1960, một bộ phận những trí thức theo chủ nghĩa Marxist phản quốc đã phá hoại quốc gia từ bên trong. Các giáo sư cấp tiến và các giáo viên ở trường học, những người tổ chức hiệp hội chiến binh, các ký giả và nghệ sĩ cấp tiến, cùng các nhà lãnh đạo tại nhà thờ thiên tả đã bắt đầu một cuộc viễn chinh phản đối các tổ chức văn hóa của Hoa Kỳ.
Đến những năm 1960, trong khi người Mỹ đang thực hiện các bước hàn gắn sự chia rẽ do chế độ nô lệ gây ra thì các lực lượng chính trị hùng mạnh lại chuẩn bị cho cuộc nội chiến thứ hai. Tân cánh Tả của Mỹ quốc đã thúc đẩy một nghị trình mang tính ý thức hệ mạnh mẽ nhằm thổi bùng oán giận, phân bổ lại của cải, bồi thường, và cách mạng vĩnh cửu.
Một loạt các cuộc biểu tình của phe cánh tả năm 1968 đã báo hiệu một kỷ nguyên đổ máu mới. Từ thập niên đó trở đi, bạo lực chính trị và bạo loạn đô thị đã trở thành một phần phổ biến trong cuộc sống của người dân Mỹ.
Luôn sẵn sàng là người đầu tiên đứng ra chỉ trích
Ai thực sự sẽ phải chịu trách nhiệm cho cuộc xung đột hiện nay ở Mỹ quốc? Đó là một cuộc tranh luận đã diễn ra trong 50 năm qua và cánh tả luôn sẵn sàng là bên đầu tiên đứng ra chỉ trích.
Trước khi qua đời vào năm 1970, nhà sử học thiên tả Richard Hofstadter đã đổ lỗi cho tính hiếu chiến chính trị trong tính cách của công dân Hoa Kỳ. Ông cho rằng những người Mỹ bình thường có thể là “một dân tộc đặc biệt bạo lực.”
Gần đây hơn, bà Barbara F. Walter đã viết một cuốn sách có nhan đề “Nội chiến bắt đầu như thế nào: Và làm thế nào để ngăn chặn các cuộc chiến này.” Bà Walter được cánh tả xem là một chuyên gia hàng đầu về chủ nghĩa cực đoan bạo lực và khủng bố trong nước. Bà là người đóng góp giá trị cho các hãng truyền thông khuynh tả như CNN, MSNBC, PBS, và Washington Post.
Bà Walter mô tả cuộc tuần hành “Ngăn Đánh cắp cuộc Bầu cử” (Stop the Steal) vào ngày 06/01/2021 tại Điện Capitol là phiên bản của thế kỷ 21 của cuộc tấn công vào Pháo đài Sumter năm 1861 của miền Nam. Bà nói rằng những người ủng hộ ông Trump đã đập phá mọi thứ họ thấy và sát hại một cảnh sát, điều mà bằng chứng sau này từ các video chứng minh là không đúng sự thật.
Bà Walter cũng cho rằng cuộc bầu cử năm 2016 của ông Donald Trump đã phá hủy nền dân chủ Mỹ. Cuốn sách của bà ấy rõ ràng đã ủng hộ tuyên bố của chủ nghĩa tân Marxist quen thuộc, rằng có rất nhiều những nhà sáng lập Mỹ quốc là những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng ủng hộ diệt chủng và chiếm hữu nô lệ, ngoài ra giấc mơ về tự do và cơ hội của người Mỹ là một sự huyễn hoặc.
Sở thích xung đột dân sự của cánh tả
Trong vài năm qua, cánh tả Mỹ quốc đã phát triển một sở thích mới về xung đột dân sự. Mùa hè trước bầu cử năm 2020 là một trong những giai đoạn hỗn loạn và bạo lực nhất trong lịch sử Mỹ quốc đương đại.
Năm ngoái, trên tờ The Guardian, nhà quan sát người Mỹ David Smith đã đặt ra câu hỏi: “Liệu Mỹ quốc có thực sự hướng tới một cuộc nội chiến thứ hai?”
Ông Smith cho biết ông Joe Biden “đã dành một năm với hy vọng rằng Mỹ quốc có thể trở lại cuộc sống bình thường.” Nhưng vào “ngày đánh dấu năm đầu tiên của cuộc nổi dậy tang tóc tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, thì tổng thống cuối cùng đã nhận ra toàn bộ quy mô của mối đe dọa hiện tại đối với nền dân chủ Mỹ.”
Cũng trên tờ The Guardian, cựu Bộ trưởng Lao động Robert Reich của chính phủ TT Clinton tuyên bố rằng “Cuộc nội chiến thứ hai của Mỹ đã và đang xảy ra.” Ông Reich khẳng định rằng Mỹ quốc “đang nhanh chóng trở thành hai phiên bản của chính mình. Câu hỏi mở là: cả hai sẽ đối xử văn minh với nhau như thế nào?”
Đến tháng 08/2022, ông Biden đã công khai đóng góp vào mối đe dọa nội chiến này. Trong một bài diễn văn ở Wilkes-Barre, Pennsylvania, tổng thống đã nhắm vào những người mà ông chế giễu gọi là “những người Mỹ cánh hữu dũng cảm.” Ông nói rằng họ sẽ cần phi cơ F-15 để đối đầu với chính phủ của ông. Sau đó, ông ám chỉ rằng các đối thủ chính trị của ông đã bắn cảnh sát. “Tôi không nói đùa đâu,” ông Biden khẳng định.
Tháng Mười Hai năm ngoái, cây viết Niko Emack của The National Interest đã ủng hộ ý kiến của ông Biden: “Những gì có vẻ giống như các hành động bạo lực đơn lẻ — do các tay súng đơn độc và các nhóm cực hữu tiến hành — là một phần của phong trào khủng bố trong nước lớn hơn có khả năng phát triển thành một cuộc nội chiến,” ông viết.
Vào tháng 06/2023, một nhân vật trên tạp chí mang tính biểu tượng Rolling Stone đã hỏi và trả lời cùng một câu hỏi: “Nước Mỹ đã sẵn sàng cho một cuộc Nội chiến?” Tờ Rolling Stone đã phỏng vấn ông Brad Onishi, một người được gọi là “chuyên gia” khác về “chủ nghĩa cực đoan,” người cho rằng “những người theo chủ nghĩa dân tộc Cơ Đốc Giáo da trắng” đang ngày càng hành động như thể họ “sẵn sàng chiến đấu.”
Những người theo chủ nghĩa Marxist mưu mô thực hành ‘nghệ thuật chiến tranh’ ở Mỹ quốc
Đối với những người cánh tả thức tỉnh, thì cuộc chiến tranh giành Mỹ quốc đã bắt đầu và họ dự định sẽ giành chiến thắng bằng bất cứ giá nào.
Chiêu cuối cùng của những người theo văn hóa chủ nghĩa Marxist đã xâm nhập vào Mỹ quốc trong hai thế kỷ qua là lật đổ nền dân chủ Mỹ từ bên trong.
Chiến lược của họ là biến đổi xã hội thông qua việc kiểm soát thông tin, kênh truyền thông, giáo dục, xuất bản, và giải trí. Họ quyết tâm phá bỏ các trụ cột của xã hội, gia đình, tôn giáo, đạo đức truyền thống, hệ thống tư pháp Mỹ và cả Hiến Pháp.
Chia rẽ để cai trị là cơ sở cho sự thâu tóm quyền lực của cộng sản kể từ những thập niên đầu của thế kỷ 20. Những ám chỉ nham hiểm đến nội chiến và những tuyên bố cường điệu về chủ nghĩa khủng bố trong nước của cánh hữu, những người theo chủ nghĩa nổi dậy MAGA (Make America Great Again), và những người theo chủ nghĩa dân tộc Cơ Đốc Giáo hiếu chiến là những cái cớ vị kỷ để chia cắt đất nước này, đàn áp phe đối lập hợp pháp, và trừng phạt những người phản kháng chính trị.
Đây cũng chính là “nghệ thuật chiến tranh” đã được triết gia người Ý Niccolo Machiavelli hồi thế kỷ 15 tán thành. Ông viết: “Một chỉ huy nên nỗ lực vận dụng mọi nghệ thuật để chia rẽ lực lượng của kẻ thù.”
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times