ĐỘC QUYỀN: Ông Bolsonaro sẽ trở lại lãnh đạo phe đối lập ở Brazil trong ‘thời kỳ biến động’
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo tồn truyền thống của Hoa Kỳ hôm 04/03, Cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã chia sẻ suy nghĩ của ông về vai trò lãnh đạo, nghị trình chính trị hiện tại ở đất nước ông, và tương lai.
Thảo luận về kế hoạch trở về quê hương Brazil của ông vào cuối tháng này, ông Bolsonaro nói: “Tôi sẽ một lần nữa trở thành lãnh đạo của phe đối lập với chính phủ hiện tại.”
Khi được hỏi liệu ông có sợ bị chính phủ hiện tại trả đũa hay không, ông Bolsonaro cho biết đất nước của ông đang trải qua “thời kỳ biến động”, đồng thời cho biết thêm rằng ông có thể phải đối mặt với hành động từ nhánh tư pháp của chính phủ: “Tôi không bị truy tố. Không có gì chống lại tôi khi nói đến tham nhũng. Nhưng, thật không may, có thể có phương sách đầy sức thuyết phục nào đó được đưa ra để chống lại tôi, vốn sẽ chẳng công bằng chút nào.”
Tuy nhiên, ông Bolsonaro cho biết nhiều nghị sĩ quốc hội ủng hộ ông, phản đối “chủ nghĩa cộng sản” và “sự tham nhũng” của chính phủ mới.
Vẫn còn có các khiếu nại lên tối cao pháp viện của Brazil về việc chính phủ lạm quyền kể từ cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái. Người dân đã báo cáo các vụ việc như xóa tài khoản mạng xã hội và đe dọa bắt giữ vì nghi ngờ các kết quả chính thức.
Ông Bolsonaro đã thua trong cuộc đua bầu cử sít sao năm 2022 trước Tổng thống đương nhiệm Luiz Inácio Lula da Silva, người dân địa phương gọi là ông “Lula”.
Những người ủng hộ cựu tổng thống phản đối gay gắt kết quả bầu cử, vốn dẫn đến các cuộc biểu tình vào ngày 08/01 tại các tòa nhà liên bang ở thủ đô của Brazil.
Mặc dù vậy, theo ông Bolsonaro, chiến thắng của ông Lula không chỉ đại diện cho một chiến thắng của cánh tả. Đó là một cơ hội cho các chế độ ở các quốc gia như Venezuela và Iran mở rộng phạm vi hoạt động của họ ở Mỹ Châu.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khi hai chiến hạm Iran được phép cập cảng Rio de Janeiro hôm 26/02 và được phép ở lại cho đến hôm 04/03. Sự kiện này xảy ra bất chấp áp lực từ phía Hoa Kỳ buộc các tàu này phải rời đi.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết Tòa Bạch Ốc đang thảo luận về tình hình này với các đối tác Brazil để Iran không thể “có chỗ đứng” ở Mỹ Châu và “không thể lợi dụng những nước khác ở bán cầu của chúng ta. ”
Nhưng các chiến hạm Iran xuất hiện trên bờ biển Brazil không làm ông Bolsonaro ngạc nhiên. Ông luôn cho rằng chính phủ của ông Lula sẽ trở nên “thân” với các quốc gia độc tài cố hữu.
Ông Lula bắt đầu bình thường hóa mối bang giao với ông Nicolas Maduro của Venezuela trước cả khi tuyên thệ nhậm chức. Tháng 12/2022, ông Lula tuyên bố Brazil sẽ một lần nữa nối lại bang giao với Caracas, vốn bị ông Bolsonaro đình chỉ vào năm 2020.
Trong thời gian trước đây nắm quyền lãnh đạo với tư cách là tổng thống, ông Lula cũng duy trì mối liên hệ thân thiết với Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega.
Về sự xuất hiện của hải quân Iran, ông Bolsonaro nói: “Nếu tôi là tổng thống, thì những chiến hạm này sẽ không ở đó.”
Ông cũng khẳng định rằng nếu Brazil không thay đổi đường hướng chính trị của mình vào năm 2026, thì nước này sẽ rơi vào vòng xoáy đi xuống tương tự như Venezuela.
Ông Bolsonaro cho rằng có khả năng ông Lula sẽ không đi hết nhiệm kỳ của mình vì lạm phát tiếp tục ảnh hưởng đến người dân Brazil và quốc gia này đang ngấp nghé trước bờ vực suy thoái. Ông Bolsonaro nói rằng mọi người cuối cùng sẽ quay lưng lại với ông Lula, nhấn mạnh về “tỷ lệ thất nghiệp cao và mức độ đầu tư của các công ty tư nhân thấp.”
Tỷ lệ thất nghiệp của Brazil đã vượt quá 11% trong khoảng thời gian từ tháng Ba đến tháng 12 năm ngoái. Một báo cáo kinh tế gần đây cho biết đại quốc gia Nam Mỹ này đang hướng đến sự suy giảm trong năm 2023, với tốc độ tăng trưởng GDP giảm 2% do lãi suất tăng cao và thị trường xuất cảng hạ nhiệt.
Ông Bolsonaro tin rằng điều này cuối cùng sẽ khiến công chúng vô cùng tức giận đối với chính phủ của ông Lula. Để làm bằng chứng, ông chỉ ra những khó khăn kinh tế hiện nay của các chế độ xã hội chủ nghĩa khác ở Mỹ Latinh như Argentina, Chile, và Peru.
Bất chấp các minh chứng mang tính cảnh báo này, những lý tưởng xã hội chủ nghĩa vẫn có được sức hút trong nhóm quần chúng trẻ tuổi ở những nơi như Canada và Hoa Kỳ. Ông Bolsonaro nói rằng có thể “rất khó” để thay đổi suy nghĩ của giới trẻ vì những năm tháng học đường đã vẽ nên những bức tranh về chủ nghĩa xã hội không phù hợp với thực tế.
“Thật không may, phần lớn thanh thiếu niên không thể thực sự nhìn ra những thứ đang hiển lộ rõ trước mặt,” ông nói.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times