Biện lý Đặc biệt Durham: Các quy tắc nên thay đổi để có các hình phạt nghiêm khắc tại FBI
Biện lý Đặc biệt John Durham đề nghị trước Quốc hội rằng các quy tắc của Bộ Tư pháp (DOJ) nên thay đổi để các đặc vụ FBI phải bị mất việc làm nếu họ nói dối nhằm lạm dụng các quyền hạn do thám của chính phủ trong các cuộc điều tra nhạy cảm.
Ông Durham, người gần đây đã công bố một báo cáo về việc FBI giải quyết cuộc điều tra Trump-Nga năm 2016, thừa nhận rằng ông đã phát hiện ra hành vi sai trái hoặc “có thể là phạm tội,” nhưng sẽ khó để truy tố trước tòa án.
“Theo quan điểm của tôi, thì khó khăn thực sự là cố gắng tìm ra cách buộc mọi người phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ. Đây không phải là một vấn đề đơn giản để giải quyết,” ông nói khi làm chứng trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện hôm 21/06.
Báo cáo của ông đã ghi lại nhiều hành vi sai trái, bao gồm nhiều lần sử dụng thông tin sai lệch, đã được chứng minh là sai sự thật, và chưa được xác minh, bác bỏ thông tin có thể giải tội, không phỏng vấn các nhân chứng quan trọng — tất cả đều để dẫn đến một cuộc điều tra về điều được cho là sự thông đồng giữa Nga và chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump.
Hành vi sai trái này, trong số những hành vi không phù hợp khác, đã dẫn đến việc giám sát bất hợp pháp phụ tá chiến dịch tranh cử của ông Trump là ông Carter Page. FBI đã theo dõi thông tin liên lạc điện tử của ông Page dựa trên một lệnh FISA. Lệnh này đã được chuẩn bị bằng cách sử dụng các cáo buộc bịa đặt cung cấp cho FBI bởi những người được chiến dịch tranh cử của đối thủ của ông Trump, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, tài trợ.
Ông Durham làm chứng rằng: “Đã có những thất bại đáng kể trong một cuộc điều tra đặc biệt, rất nhạy cảm do FBI thực hiện đã được xác định, được ghi chép lại.”
“Tôi cho rằng cuộc điều tra này cho thấy rõ ràng là các quyết định được đưa ra theo một chiều hướng. Nếu có điều gì đó không phù hợp với quan điểm cho rằng ông Trump có liên quan đến một ‘âm mưu được phối hợp tốt’ với người Nga và những thứ tương tự, thì thông tin đó phần lớn bị loại bỏ hoặc bỏ qua và tôi nghĩ, thật không may, đó là những gì sự thật xác nhận.”
Tuy nhiên, như cả những thành viên của Đảng Cộng Hòa lẫn Đảng Dân Chủ trong ủy ban này nêu ra, ông Durham đã không theo đuổi các cáo buộc đối với những nhân vật chính trong cuộc điều tra về Nga, có tên mã là Crossfire Hurricane.
Khi được hỏi về điểm đó, ông Durham nói rằng ông đang tuân theo các hướng dẫn của DOJ quy định rằng một công tố viên chỉ nên đưa ra các cáo buộc nếu anh ta tự tin rằng mình có thể chứng minh chúng vượt qua sự nghi ngờ hợp lý, chắc chắn đạt được việc kết án khi xét xử, và bản án đó sẽ được giữ nguyên khi kháng cáo.
“Có hành vi có thể là phạm tội, nhưng quý vị không thể chứng minh điều đó. Và điều đó là sự thật trong trường hợp này. Điều đó cũng xuất hiện trong các trường hợp khác,” ông nói.
Dân biểu Cliff Bentz (Cộng Hòa-Oregon) đã chất vấn ông Durham về điểm đó:
“Rất có thể ông đã phát hiện ra, và có vẻ như ông đã phát hiện ra, rằng những hành vi vi phạm luật pháp và chính sách đáng lo ngại mà có lẽ sẽ không dẫn đến — và tất nhiên là đã không — việc kết án. Nhưng nếu chúng ta để các cơ quan chấp pháp của mình thực hiện loại hành vi này thì điều đó không làm cho nó bớt sai trái hơn và tôi nghĩ đó là lý do tại sao ông gọi đó là điều đáng lo ngại. Tôi có nói đúng về điểm đó không?”
“Ông nói đúng rồi,” ông Durham trả lời.
“Rõ ràng là có những điều không ổn mà chúng ta không thể kết tội mọi người,” ông Bentz nói tiếp sau đó. “Hoặc ít nhất là việc này không nghiêm trọng đến mức sẽ cần phải áp dụng cách tiếp cận đó. Chúng ta nên làm gì đây?”
Ông Durham đề nghị các quy tắc về trách nhiệm giải trình mới cho các cuộc điều tra được phân loại là “Các vấn đề Điều tra Đặc biệt,” chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến một chiến dịch tranh cử chính trị.
“Có lẽ đã đến lúc nếu như một đặc vụ sẽ ký một đơn FISA về một Vấn đề Điều tra Nhạy cảm, thì họ không chỉ hiểu rằng họ đang ký theo án phạt khai man, mà còn là nếu như Cục Điều tra liên bang xác định được họ cố tình nói sai bất cứ điều gì thì họ sẽ bị mất việc,” ông nói.
“Khi ai đó ký vào bản khai hữu thệ, thề điều gì đó trước một quan chức tư pháp, thì sẽ có những hậu quả nếu điều đó không đúng sự thật. Có những án phạt hình sự, nhưng chắc chắn cũng phải có những án phạt khác nữa.”
Đối với sự nghiệp của bản thân với tư cách là một công tố viên liên bang, ông Durham cho biết ông sẽ truy cứu trách nhiệm nếu như ông thấy các đặc vụ FBI hành động như họ đã làm trong vụ Crossfire Hurricane.
Ông cho biết, “Chắc chắn phải có hậu quả. Nếu hành vi đó từng xảy ra liên quan đến một đặc vụ mà tôi đang làm việc cùng và tôi biết về việc đó, thì điều đầu tiên sẽ là báo cáo với tòa án và có lẽ điều thứ hai sẽ là báo cáo với cấp trên của họ. Điều thứ ba là [để] bảo đảm rằng người đặc vụ đó sẽ không bao giờ làm việc với tôi nữa.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times