Bệnh hô hấp tiếp tục lây lan ở Trung Quốc, số ca nhiễm ở Hồng Kông tăng cao
Đợt bùng phát bệnh hô hấp kéo dài vài tháng qua ở Trung Quốc vẫn đang tiếp tục lan rộng, số ca nhiễm bệnh ở Hồng Kông ngày càng gia tăng. Hôm 09/12, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hồng Kông thông báo, hai trẻ em bị bệnh nặng do nhiễm COVID-19 và virus cúm A đang trong tình trạng nguy kịch, các em đã được đưa đến Phòng Chăm sóc Tích cực (ICU) để cấp cứu.
Các trường hợp nặng
Trong hai trường hợp nghiêm trọng này, một bé gái 8 tháng tuổi bị nhiễm COVID-19. Đến ngày thứ 5, bé bắt đầu sốt, ho, sổ mũi, chán ăn, khó thở, kết quả xét nghiệm dịch mũi họng xác nhận bé nhiễm COVID-19 và đã được cấp cứu tại Phòng Chăm sóc Tích cực. Bé gái hiện đang trong tình trạng nguy kịch.
Trường hợp nghiêm trọng thứ hai là một cậu bé 7 tuổi bị nhiễm cúm A. Cậu bé bắt đầu sốt, ớn lạnh, suy nhược toàn thân, đau cơ, sổ mũi, đau họng và ho có đờm vào ngày 02/12. Sau đó, bé hô hấp khó khăn, và đã được chuyển đến Phòng Chăm sóc Tích cực nhi khoa để điều trị. Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu nhiễm virus cúm A (H3), chẩn đoán lâm sàng là cúm A có biến chứng viêm phổi.
Cục quản lý bệnh viện cho biết, COVID-19 và virus cúm đã trở nên dễ lây lan hơn trong mùa đông năm nay, những bệnh nhân bị nhiễm cùng lúc cả hai loại virus này thì rất có khả năng bị biến chứng nặng và tử vong.
Hiện tại, COVID-19 ở Hồng Kông chủ yếu là các chủng virus đột biến dòng Omicron XBB. Theo “Tin nhanh về dịch COVID-19 và cúm” mới nhất của Bộ Y tế Hồng Kông, XBB và các dòng biến thể của nó chiếm khoảng 90% tổng số mẫu được phân tích.
Số người nhiễm COVID-19 và các loại virus khác gia tăng
Tháng 11/2023, một nhóm bệnh nhân tại một bệnh viện ở Hồng Kông đã bị nhiễm COVID-19.
Theo trang web chính thức của Cục quản lý bệnh viện đưa tin hôm 27/11, 14 bệnh nhân tại khoa tâm thần nam của Bệnh viện Cửu Long đã xuất hiện sốt hoặc có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp kể từ ngày 23/11. Sau khi xét nghiệm, họ được chẩn đoán nhiễm COVID-19.
Hôm 08/12, Cục quản lý bệnh viện lại đưa ra thông báo nói rằng sau khi điều tra, có thêm 5 bệnh nhân nam trong khoa này được chẩn đoán nhiễm bệnh. Một người trong số họ đã xuất viện trước đó, bốn người còn lại vẫn đang nằm viện để điều trị cách ly và đang trong tình trạng ổn định.
Sự bùng phát của bệnh viêm phổi do mycoplasma, cúm, virus rhino, virus adeno, virus hợp bào, v.v. ở Hoa lục cũng đang ảnh hưởng đến ngày càng nhiều người dân ở Hồng Kông. Một hãng thông tấn ở Hồng Kông đưa tin rằng trong số những người nhiễm bệnh hồi tháng 08/2023, có một số bệnh nhi từng đi du lịch Hoa lục cùng cha mẹ và bị nhiễm mycoplasma pneumoniae.
Hôm 09/12, ông Hứa Thụ Xương (Xu Shuchang), Giáo sư Khoa hô hấp tại Đại học Trung văn Hồng Kông, cho biết số ca nhiễm mycoplasma pneumoniae ở Hồng Kông đã bắt đầu gia tăng kể từ tháng Tám. Trong tháng Tám, có khoảng 50 trường hợp nhiễm bệnh, số ca nhiễm nhanh chóng tăng lên 170 ca vào tháng Mười Một và vẫn đang tiếp tục tăng. Hầu hết bệnh nhân đều có các triệu chứng về đường hô hấp, bao gồm sốt và đau họng, trong đó có khoảng 5%-10% bệnh nhân bị biến chứng viêm phổi, phần lớn bệnh nhân dưới 40 tuổi. Một số người có vấn đề về miễn dịch hoặc có nguy cơ cao gặp các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm viêm phổi, viêm não, ảnh hưởng đến chức năng thận và thiếu máu tán huyết, v.v.
Cục quản lý bệnh viện cũng cho biết, tỷ lệ sử dụng giường dành cho bệnh nhi gần đây tương đối cao, trung bình hơn 200 lượt nhập viện mỗi ngày, chủ yếu là nhiễm trùng đường hô hấp, thậm chí có bệnh nhân còn bị nhiễm nhiều loại virus.
Người dân đang lo lắng liệu tương lai có nguy cơ xảy ra các đợt bùng phát lớn trong cộng đồng hay không. Trong chương trình Đài phát thanh Hồng Kông hôm 04/12 rằng, ông Diệp Bách Cường (Ye Baiqiang), Phó giáo sư lâm sàng của Khoa Khoa học Trẻ em và Vị thành niên thuộc Đại học Y khoa Hồng Kông, cho biết trước khi bùng phát đợt dịch COVID-19 mới, thì mycoplasma pneumoniae là mầm bệnh bùng phát trong cộng đồng, nhưng các triệu chứng thường không nghiêm trọng và bệnh nhân vẫn có thể sinh sống trong cộng đồng. Tuy nhiên năm nay, số bệnh nhân nguy kịch cần điều trị tại bệnh viện hơn một tuần trở lên đã tăng hơn trước, hơn nữa ngày càng tăng. Trẻ em sau khi bị nhiễm bệnh thì tình trạng khá nghiêm trọng, tỷ lệ nhập viện cũng cao hơn.
Ông Diệp cho biết, mycoplasma pneumoniae thường gây viêm đường hô hấp cấp tính, khoảng 90% trường hợp chỉ là nhiễm trùng đường hô hấp trên, một số ít sẽ tiến triển thành biến chứng đường hô hấp dưới, bao gồm viêm phổi, phù nước, bệnh nhi nghiêm trọng thì sẽ xuất hiện viêm màng não.
Ông Diệp cũng đề cập đến một tình huống đặc biệt, trong năm nay, mycoplasma pneumoniae đã làm tăng khả năng kháng kháng sinh, 60 đến 70% các trường hợp cần điều trị bằng kháng sinh tương đối mạnh thì mới có hiệu quả. Đồng thời ông nói rằng, nếu sử dụng quá nhiều kháng sinh thì tình trạng kháng thuốc sẽ ngày càng cao, việc điều trị sau này sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, nếu nhiễm trùng đường hô hấp dưới nặng thì phải dùng kháng sinh.
Ông Diệp dự đoán các đợt bùng phát virus ở Hồng Kông sẽ khá nghiêm trọng trong tháng 01 và tháng 02/2024 tới, đặc biệt là biến thể XBB mới của COVID-19 sẽ hoạt động trở lại từ cuối tháng 12/2023 đến tháng 01/2024.
Ông Diệp cho biết, tuy chưa bước vào thời kỳ cao điểm của bệnh cúm nhưng trong giai đoạn này, dù ở bệnh viện công hay bệnh viện tư, giường bệnh đã bắt đầu thiếu, điều này thật đáng lo ngại. Khi bước đến mùa cúm cao điểm vào cuối tháng Mười Hai và tháng Một năm sau, cùng với sự bùng phát của COVID-19, các cơ sở y tế sẽ rất đông đúc.
Bệnh hô hấp lây lan ở Trung Quốc, số ca bệnh nặng gia tăng
Kể từ tháng Tám, bệnh viêm phổi đã bùng phát ở trẻ em tại Trung Quốc, và đặc biệt nghiêm trọng kể từ tháng Chín. Đợt bùng phát bệnh bắt đầu ở Hắc Long Giang, Thẩm Dương và Đại Liên, rồi nhanh chóng lan sang Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, An Huy, Hà Nam, Giang Tô, Phúc Kiến và những nơi thường xuyên qua lại với Hồng Kông như Đông Quản, Thâm Quyến, v.v. Các bệnh viện lớn, vừa và nhỏ, kể cả các phòng khám nhỏ ở các nơi đều quá tải bệnh nhân, có trường học đã phải đóng cửa. Số ca tử vong do COVID-19 và bệnh nền cũng như bệnh phổi trắng nặng đang ngày càng gia tăng.
Rất nhiều trẻ em ở thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, đã bị bệnh viêm phổi. Hôm 24/11, Trường tiểu học số 2 Vạn Giang, Đông Quản, đã ra thông báo cho biết 1/3 số học sinh trong tám lớp 1 có các triệu chứng như số; theo yêu cầu và khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Vạn Giang, các lớp học đã nghỉ trong bốn ngày.
Hôm 11/12, cô Trình đến từ thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng gần đây hai cháu họ của cô (đang theo học tại Trường Y tế Nam Dương) đã đến bệnh viện xét nghiệm và phát hiện mình bị nhiễm COVID-19. Bác sĩ yêu cầu các cháu nhập viện nhưng người nhà không đồng ý.
Hôm 10/12, anh Triệu Tinh (hóa danh) ở Thẩm Dương, nói ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng dì của anh làm việc tại một phòng khám cho biết trong hai tháng qua, phòng khám luôn chật kín người truyền dịch. Chú của anh Triệu bị ung thư, ông cũng bị nhiễm virus hồi đầu tháng Mười, xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, ớn lạnh, tức ngực, khó thở và chán ăn v.v. Diễn biến của bệnh tiến triển nhanh, dẫn đến bệnh nền thêm nặng và đã tử vong.
Anh Triệu nói: “Các triệu chứng giống như COVID-19, thậm chí còn khó chịu hơn trước.”
Anh Lưu Minh (hóa danh), một tài xế taxi ở thành phố Vu Hồ, tỉnh An Huy, nói với NTD rằng trường tiểu học ở địa phương anh có ba người bị bệnh phổi trắng, các lớp học đã phải tạm nghỉ. “Bác sĩ ở bệnh viện nói rằng ở các trường học có rất nhiều trường hợp bị bệnh phổi trắng, cả bệnh viện của họ cũng vậy. Cứ 100 người thì có 10 ca [bị phổi trắng], có người đã qua đời, nhưng thông tin về số người thiệt mạng ở Trung Quốc bị phong tỏa,” anh Lưu nói.
Phong tỏa tin tức
Cho đến hiện tại, đợt bệnh hô hấp mới tại Trung Quốc đã kéo dài hơn ba tháng và vô cùng nghiêm trọng. Tuy nhiên, do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn che giấu tình hình thực nên ngoại giới rất khó có thể biết được sự thật.
Tuần trước (04-10/12), anh Lý, cha của một học sinh ở thành phố Trịnh Châu, Hà Nam, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng con gái anh học trường nội trú; khi về nhà vào cuối tuần, cô bé kể rằng một nửa số học sinh trong lớp đã bị nhiễm bệnh, trong lớp có nhiều bạn bị ho. “Nhà trường không cho nói là COVID-19, chỉ cho nói đó là bệnh viêm phổi do mycoplasma,” con gái anh nói. Anh Lý giận dữ nói: “Chính quyền từ trên xuống dưới đều đang che giấu và lừa dối.”
Chính quyền ĐCSTQ ban đầu gọi đợt bệnh lần này là viêm phổi do mycoplasma, nhưng ngoại giới đã nghi vấn về nhận định này: viêm phổi do mycoplasma năm nay rất khác so với những lần trước, ví như triệu chứng nghiêm trọng, dễ lây lan, khó điều trị và tỷ lệ kháng thuốc cao. Sau đó, chính quyền ĐCSTQ lại thông báo về sự xuất hiện của nhiều loại virus, bao gồm COVID-19, cúm A, virus rhino, virus adeno, virus hợp bào, v.v. Tuy nhiên, phần lớn mọi người đều cho rằng đó chính là COVID-19, chỉ là ĐCSTQ đã thay đổi thuật ngữ. Truyền thông phương Tây gọi bệnh nhiễm trùng đường hô hấp đang lưu hành ở Trung Quốc là một “bệnh hô hấp do virus bí ẩn.”
Hôm 09/12, anh Vương Phong (hóa danh), một công dân ở thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng xung quanh anh có rất nhiều người bị nhiễm bệnh. Cách đây không lâu, anh và người nhà cũng bị sốt, ớn lạnh, đau nhức toàn thân, nằm trên giường 4-5 ngày không dậy được, thậm chí không uống được một ngụm nước.
“Bác sĩ ở chỗ chúng tôi nói rằng chính là do COVID-19, chỉ là hiện tại đã đổi cách nói. Những người xung quanh chúng tôi cũng nói như vậy. Bởi vì các triệu chứng của bệnh giống hệt COVID-19, thậm chí còn khó chịu hơn,” anh Vương nói. “Các bệnh viện lớn nhỏ của thành phố Bảo Kê và các phòng khám ngoại trú đều chật kín bệnh nhân. Một số bác sĩ và y tá của bệnh viện thậm chí còn mặc quần áo bảo hộ, khiến mọi người không khỏi liên tưởng đến ba năm đại dịch. Rất đáng sợ.”
Trước đó, nhà virus học người Mỹ Lâm Hiểu Húc đã nói với The Epoch Times rằng COVID-19 chưa bao giờ biến mất khỏi Trung Quốc, nhưng chính quyền ĐCSTQ không dám nhắc đến nó nữa, mà lấy “H1N1” hoặc “viêm phổi mycoplasma” để chống chế. Viêm phổi do mycoplasma không có nhiều khả năng gây nhiễm trùng phổi hoặc hình thành “phổi trắng,” hơn nữa việc sử dụng kháng sinh điều trị viêm phổi do mycoplasma cũng không phải chuyện khó, không phải là thuốc không có tác dụng. Vì vậy, theo ông Lâm, từ góc độ chuyên môn, đây có lẽ là một biến thể của COVID-19, không thể loại trừ một cuộc tấn công toàn diện của hơn hai loại virus và vi trùng.