Trung Quốc chưa công bố dữ liệu bùng phát bệnh hô hấp, WHO gây lo ngại vì tiếp tục ủng hộ ĐCSTQ
Gần đây, bệnh hô hấp đã tái bùng phát trên diện rộng ở Trung Quốc. Các thành phố lớn có điều kiện y tế tốt nhất Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, v.v. đã trở thành những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bệnh viện quá tải, trẻ em và người lớn cũng lần lượt nhiễm bệnh, liên tục xuất hiện các trường hợp “phổi trắng” và tử vong.
Hôm 27/11, dựa trên thông tin do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cung cấp, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố rằng mức độ gia tăng số ca nhiễm trong làn sóng bùng phát bệnh lần này không cao như đại dịch COVID-19 trước đây, không có mầm bệnh mới hoặc bất thường nào được phát hiện.
Các chuyên gia cho rằng cho đến nay ĐCSTQ vẫn chưa công bố bất kỳ dữ liệu nào về số lượng trẻ em bị nhiễm bệnh, số người phải nhập viện, số người bị bệnh nặng, số người tử vong, và tuyên bố của WHO có thể đang giúp ĐCSTQ lừa gạt cộng đồng quốc tế; điều này sẽ mang tới hậu quả rất nghiêm trọng.
Trong giai đoạn đầu bùng phát của COVID-19 bốn năm trước, ĐCSTQ cũng tuyên bố với WHO rằng COVID-19 sẽ không “truyền từ người sang người” và “có thể phòng ngừa và kiểm soát được.” WHO cũng lặp lại những lời dối trá của ĐCSTQ, từ chối tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Điều này dẫn đến virus lây lan trên toàn cầu, khiến ít nhất 6.67 triệu người tử vong (chưa tính số người tử vong thực tế ở Trung Quốc mà ĐCSTQ che giấu).
Chuyên gia: WHO nên chất vấn ĐCSTQ vì sao không thể công bố số liệu
Gần đây, bệnh hô hấp đã bùng phát ở nhiều nơi tại Trung Quốc. Một lượng lớn trẻ em cũng đã bị lây nhiễm, xuất hiện rất nhiều ca “viêm phổi không rõ nguồn gốc,” thậm chí “phổi trắng.” Rất nhiều em bị nặng đến mức cần phải “rửa phổi,” một số trẻ em đã tử vong. Đặc biệt, rất nhiều bệnh viện nhi ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trường Xuân tỉnh Cát Lâm, Đại Liên tỉnh Liêu Ninh, Thẩm Dương, An Huy, Sơn Đông, Giang Tô, Cam Túc, v.v. đều đã quá tải, khoa nhi về cơ bản cũng quá tải.
Làn sóng bùng phát bệnh mới ở Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Mạng lưới giám sát bệnh truyền nhiễm toàn cầu ProMED cảnh báo rằng “có một căn bệnh hô hấp chưa rõ nguyên nhân đang bùng phát trên diện rộng.”
Hôm 26/11, Ủy ban Y tế Quốc gia của ĐCSTQ nói rằng cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp chủ yếu trong thời gian gần đây, ngoài ra còn có các loại virus như Rhinovirus, Mycoplasma pneumoniae, virus hợp bào hô hấp, virus adeno, v.v. đang đồng thời bùng phát.
Mặc dù ĐCSTQ tuyên bố chính thức rằng mọi người bị nhiễm mycoplasma pneumoniae, nhưng rất nhiều trẻ em lại có kết quả xét nghiệm âm tính với mycoplasma pneumoniae. Hôm 24/11, Cơ quan phòng chống và kiểm soát chung của Quốc vụ viện ĐCSTQ đưa ra thông báo yêu cầu phòng ngừa và kiểm soát nhiều loại bệnh đường hô hấp đang đồng thời hoành hành. Thông báo này có tiêu đề là “lây nhiễm COVID-19.”
Hôm 27/11, bà Maria Van Kerkhove, quyền giám đốc Ban Phòng chống Dịch bệnh và Đại dịch của WHO, cho biết mức độ gia tăng số ca nhiễm trong làn sóng dịch bệnh hiện tại ở Trung Quốc không cao như đại dịch COVID-19 trước đây. Đồng thời bà nói rằng trong các trường hợp gần đây, không tìm thấy mầm bệnh mới hoặc bất thường nào.
Đối với kết luận trên, bà cho biết: “Chúng tôi đã hỏi [phía Trung Quốc] về sự so sánh với đại dịch trước đây. Đỉnh điểm của làn sóng bùng phát bệnh mà họ [ĐCSTQ] đang chứng kiến hiện nay không cao như những gì họ đã thấy vào năm 2018-2019.”
Ông Lâm Hiểu Húc (Sean Lin), nhà virus học người Mỹ, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng: “Cho đến nay, ĐCSTQ vẫn chưa công bố bất kỳ thông tin nào về việc có bao nhiêu trẻ em bị nhiễm bệnh, bao nhiêu người phải nhập viện, bao nhiêu người bị bệnh nặng, bao nhiêu người phải nằm phòng ICU, bao nhiêu người bị bệnh phổi trắng và bao nhiêu trẻ em đã tử vong vì đợt bùng phát bệnh lần này.”
Ông đặt câu hỏi: “ĐCSTQ chưa công bố bất kỳ dữ liệu chính thức nào, vậy quý vị có tin dữ liệu do ĐCSTQ cung cấp cho WHO hay không? ĐCSTQ tổng hợp số liệu thống kê khi nào? Tại sao người Trung Quốc không thể nhìn thấy số liệu thống kê này? Dữ liệu này có phải đã đánh giá thấp không?”
“Nếu không tìm thấy virus mới hoặc điều bất thường nào, thì có gì phải che giấu? Tại sao trước đó người Trung Quốc không thể nhìn thấy những dữ liệu này? Có phải sau khi WHO yêu cầu, ĐCSTQ mới cung cấp dữ liệu?”
Ông Lâm từng nhận định rằng: “Kỳ thực, COVID-19 chưa bao giờ rời khỏi Trung Quốc. Nhưng chính quyền ĐCSTQ không dám nhắc đến virus này nữa nên đã sử dụng ‘H1N1’ hoặc ‘Viêm phổi do Mycoplasma’ để bào chữa. Viêm phổi do mycoplasma ít có khả năng gây nhiễm trùng phổi, cũng chính là ‘phổi trắng’ mà người ta thường nói.”
Ông cho rằng thật không hợp lý khi giải thích rằng rất nhiều trẻ em hiện nay cần được điều trị y tế, thậm chí phải rửa phổi chỉ vì nhiễm trùng viêm phổi do mycoplasma. “Từ góc độ chuyên môn, nó phải là một biến thể của COVID-19. Hơn nữa, không thể loại trừ một cuộc tấn công tổng hợp của hơn hai loại virus và vi trùng.”
Chuyên gia: WHO tiếp tục lặp lại luận điệu của ĐCSTQ, sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng
Ông Vương Hách (Wang He), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng: “WHO nên tiến hành thẩm tra kỹ càng dữ liệu của ĐCSTQ thay vì công nhận một cách vô điều kiện.”
“Dữ liệu của họ [ĐCSTQ] thiếu tính minh bạch và độ chân thực,” ông nói. “Nếu chúng ta ủng hộ các số liệu chính thức của ĐCSTQ một cách nhất quán và vô điều kiện, thì có thể chính là đang giúp ĐCSTQ lừa gạt cộng đồng quốc tế, và sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Những gì diễn ra trong đại dịch COVID-19 sẽ là một bài học không còn xa nữa cho mọi người.”
Cả ĐCSTQ và WHO đều bị ngoại giới nghi ngờ vì tuyên bố không rõ ràng về đợt bùng phát COVID-19 ở Vũ Hán hồi cuối năm 2019. WHO đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của COVID-19, đồng thời phản ứng thụ động và chậm trễ khiến nhiều quốc gia mất cảnh giác, mất đi cơ hội tốt nhất để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Ngày 30/12/2019, bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người đưa tin về dịch bệnh, trên WeChat, đã bị cảnh sát khiển trách vì “tung tin đồn thất thiệt.” Đài Loan lập tức đưa ra cảnh báo sớm cho WHO vào ngày 31/12/2019, đồng thời thông báo rằng bệnh nhân đã được cách ly, cho thấy khả năng lây truyền từ người sang người.
Ngày 12/01/2020, ĐCSTQ đã cử “chuyên gia” Vương Quảng Phát của Đại học Bắc Kinh tuyên bố trên truyền hình rằng dịch bệnh đã được kiểm soát.
Ngày 14/01/2020, bảng tin trên trang web của WHO vẫn lặp lại những lời lẽ của ĐCSTQ, “không tìm thấy bằng chứng nào về việc lây truyền từ người sang người,” “không thể loại trừ khả năng lây truyền từ người sang người, nhưng nguy cơ lây truyền liên tục từ người sang người là khá thấp.”
Khi dịch bệnh không thể kiểm soát được nữa, ngày 20/01/2020, ĐCSTQ đã cử chuyên gia Chung Nam Sơn xác nhận việc virus lây từ người sang người và các nhân viên y tế đã bị lây nhiễm.
Ngày 23/01/2020, ĐCSTQ vội vàng tuyên bố phong tỏa Vũ Hán. Theo số liệu chính thức, khoảng 5 triệu người đã rời đi trước khi có lệnh phong tỏa. Kể từ đó, các trường hợp nhiễm bệnh đã được phát hiện ở Thái Lan, Nhật Bản, Nam Hàn, Singapore, Hoa Kỳ, và những nơi khác.
Ngày 22/01 và 23/01/2020, Ủy ban khẩn cấp của WHO đã tổ chức một cuộc họp khẩn kéo dài hai ngày để nghiên cứu xem có nên ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây lo ngại toàn cầu hay không.
Ngày 28/01/2020, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ca ngợi ĐCSTQ vì sự “minh bạch” của họ.
Ngày 30/01/2020, WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại toàn cầu.
Ngày 09/03/2020, WHO tiếp tục tuyên bố rằng cơ quan này không khuyến nghị bất kỳ hạn chế đi lại hoặc thương mại nào.
Ngày 10/03/2020, WHO buộc phải tuyên bố loại virus này là “đại dịch toàn cầu.”
Dữ liệu của WHO cho thấy tính đến ngày 05/01/2023, tổng số trường hợp nhiễm COVID-19 được xác nhận trên toàn thế giới đã vượt quá 657 triệu ca, và số ca tử vong đã vượt quá 6.67 triệu ca.