Xem bát tự đoán hôn nhân: Nam nữ cách nhau 6 tuổi có nên kết hôn không?
Có thể nói, hôn nhân mà một chủ đề muôn thuở của con người. Có cặp vợ chồng sống rất hoà hợp hạnh phúc, bách niên giai lão. Có cặp vợ chồng quanh năm cãi vã dẫn đến sứt mẻ tình cảm gia đình. Thậm chí có những cặp vợ chồng lại kết thúc bằng ly hôn, ảnh hưởng không nhỏ đến con cái đời sau. Những trẻ em có cuộc sống gia đình đổ vỡ thường có xu hướng không còn tin tưởng vào chuyện tình cảm, từ đó nảy sinh suy nghĩ cả đời không kết hôn, không muốn sinh con.
Thực ra, mỗi người có một số mệnh khác nhau, điều đó dựa vào phước đức và nghiệp báo của họ. Thế hệ trước hôn nhân hạnh phúc, không có nghĩa là con cháu đời sau cũng rơi vào tình cảnh tương tự, bởi vì chuyện này không thể di chuyền từ đời này sang đời khác. Chẳng lẽ những gia đình có cha mẹ bất hoà, thậm chí mỗi người một ngả thì con cái đời sau của họ cũng đều sẽ không thể hạnh phúc hay sao? Cũng đều có kết cục là gia đình ly tán sao? Câu trả lời là không phải vậy, vì ở đây không hề tồn tại quan hệ tất nhiên nào cả. Nói cho cùng, mỗi người có vận mệnh khác nhau, tất cả phải xem phước đức và nghiệp báo hình thành từ những kiếp trước của từng người.
Người xưa có câu: “Tu mười năm mới được đi chung một thuyền, tu trăm năm mới được ngủ chung một gối”. Có trường hợp là đến để báo ân, đó gọi là vợ chồng kết thiện duyên. Lại có trường hợp đến để đòi nợ, báo oán, đó gọi là vợ chồng kết nghiệt duyên.
Câu chuyện kết nghiệt duyên của Tất Nguyên
Vào thời nhà Thanh, có vị quan tên là Tất Nguyên. Năm Càn Long thứ 25 (năm 1760), ông đỗ tiến sĩ, đứng thứ nhất cuộc thi Đình và trở thành Trạng Nguyên, được ban chức Biên tu ở Hàn lâm viện. Năm Càn Long thứ 50 (năm 1785), ông được bổ nhiệm chức tuần phủ Hà Nam. Năm sau lại được thăng làm tổng đốc Hồ Quảng.
Hồi năm 20 tuổi, Tất Nguyên đỗ tú tài, khi ấy vẫn chưa phải là Trạng Nguyên. Một đêm, ông mộng thấy hai nha dịch cầm thiếp mời khấu đầu trước giường ông.
Họ nói: “Diêm vương thỉnh ngài xuống Minh Phủ một chuyến”.
Tất Nguyên nói: “Lẽ nào thọ mệnh của ta đã tận rồi sao?”
Người kia đáp: “Không phải, có một vụ án cần phải đối chất mà thôi”.
Thế là Tất Nguyên đi theo họ đến một cung điện, Diêm Vương bước xuống thềm chắp tay chào đón. Sau khi chủ khách đều đã an vị, Diêm Vương bèn nói về chuyện đời trước của ông.
Diêm Vương nói: “Ngài có án oan từ xa xưa, ắt phải nhận báo ứng. Có hai loại nghiệp báo: Đời trước ngài khiến người ta chết thì đời này phải đền mạng, đây là trực báo (báo ứng trực tiếp). Hoặc để người bị hại thác sinh vào gia đình ngài, tàn phá gia đình ngài, huỷ hoạ tài sản nhà ngài, cho đến khi tiêu tán hết oán khí mới thôi. Đây là khúc báo (báo ứng vòng). Ngài tính chọn loại nào?”
Tất Nguyên trầm tư một lúc rồi nói: “Cho tôi xin được khúc báo”.
Diêm Vương lúc này mới gọi oan chủ lên điện. Một người phụ nữ toàn thân bê bết máu quỳ trước thềm.
Diêm Vương chỉ vào nàng và nói với Tất Nguyên rằng: “Hãy nhìn kỹ mặt mũi nàng ta, kiếp sau gặp lại, chớ có trái hẹn”.
Dứt lời, Tất Nguyên choàng tỉnh giấc. Không lâu sau, ông thi đỗ Trạng Nguyên. Từ một quan văn, ông được giao trọng trách quản lý biên thuỳ, rồi phong làm tuần phủ, cuối cùng đảm nhiệm chức vụ tổng đốc hơn 20 năm.
Khi Tất Nguyên làm tuần phủ Thiểm Tây, Tất lão phu nhân đã dẫn theo một tỳ nữ tên là Nguyệt Nhi đến. Tất Nguyên vừa nhìn liền nhận ra chính là cô gái trong mộng trước đây, bèn nạp làm thiếp, vô cùng sủng ái, hết thảy đều theo ý cô ta.
Khi đó, Tất phủ thu nạp không ít danh sĩ có tài, Nguyệt Nhi thường xuyên ve vãn, tán tỉnh họ, nhưng Tất Nguyên cũng không truy hỏi. Sau này, Nguyệt Nhi lại ôm tiền bỏ trốn theo gã tình nhân nào đó, Tất Nguyên gửi tất cả y phục, trang sức, của cải riêng của cô ta để cô ta đem đi. Mọi người xung quanh đều cảm phục Tất Nguyên bao dung độ lượng, nhưng họ đâu có biết nguyên nhân đằng sau chuyện này… (Theo “Diệu hương thất tùng thoại”).
Nam nữ chênh lệch 6 tuổi kết hôn là chuyện đại kỵ?
Theo bát tự, thế nào mới là một cuộc hôn nhân hung hay cát? Hôn nhân là vấn đề liên quan đến cả nam nữ hai bên. Về chuyện nam nữ hợp hôn, có đủ loại thuyết giải và ý kiến khác nhau khiến mọi người khó bề lựa chọn.
Trong dân gian lưu truyền một thuyết là, nam nữ hơn kém nhau 6 tuổi thì không được kết hôn. Ví dụ, nam sinh năm 1950 thì không nên tìm bạn gái sinh năm 1956 hoặc 1944. Vì nếu cha mẹ anh ta biết thì đa số sẽ phản đối, nói là nam nữ cách nhau 6 tuổi sẽ xung khắc nhau, không nên kết hôn. Vậy thuyết này đến từ đâu? Nó thực sự có đạo lý không?
Thuyết giải này thực chất là dựa vào 12 địa chi, cứ cách nhau 6 năm tất sẽ tương xung. Ví dụ, năm 1950, tuổi Dần, mệnh Thổ. Còn năm 1956, tuổi Thân, mệnh Kim. Theo ngũ hành thì Kim khắc Mộc, nên hai tuổi này kết hợp lại sẽ tương khắc. Tương tự, năm 1944, tuổi Thân, mệnh Kim thì cũng như vậy. Đây là theo quy luật trật tự của 12 địa chi mà ra.
Nhưng theo bát tự, thì cần dựa vào bốn yếu tố toàn diện (Giờ – Ngày – Tháng – Năm sinh) mới có thể luận đoán được quan hệ tương sinh tương khắc. Như vậy nếu chỉ tính toán năm sinh là có thể khinh suất nói hung cát thì không đủ căn cứ.
Nhưng tại sao quan niệm này lại có thể lưu truyền trong thời gian dài như vậy?
Thứ nhất là, nó có tính phổ quát rộng rãi, không cần nghiên cứu sâu nghĩa lý biện chứng tương sinh tương khắc Ngũ hành bát tự. Nói cách khác, không phải ai cũng hiểu được toán mệnh.
Thứ hai, nó thuộc một bộ phận cực nhỏ trong Bát tự. Sau khi xem xét biện chứng tương sinh tương khắc Ngũ Hành bát tự, nếu năm sinh vừa vặn là dụng thần duy nhất của nhật chủ, thì dụng thần này chính là mệnh căn của nhật chủ. Do đó, mệnh căn này không thể xung, gặp xung tất tổn thương. Do đó, chỉ có trong trường hợp đặc thù này, thì cặp đôi hơn kém nhau 6 tuổi mới xung khắc, cũng tức là xung khắc mệnh căn của chính mình. Đây là điều không cát lợi.
Do đó, kết hợp hai điều trên, một người bình thường vì đề phòng bất trắc, nên hễ có nhân tố lục xung thì đều bài trừ. Đó cũng là nguyên nhân quan niệm nam nữ cách nhau 6 tuổi thì không nên kết hôn được lưu truyền đến tận ngày nay.
Thực ra, hợp hôn là điều khá phức tạp và tỉ mỉ. Trong sách mệnh cũng ghi chép rất nhiều thuyết pháp phức tạp, mà không phải là một vài nguyên tắc giản đơn là có thể lý giải được.
Tuy nhiên, những người bình thường ít tìm hiểu về mệnh lý thường bị những “thầy bói” khua môi múa mép hù doạ đến khiếp sợ, nên phải “ngoan ngoãn” nghe theo và khấn vái xin các thầy mách nước giải hạn cho. Các “thầy” sẽ nói giúp bạn cải mệnh, chọn ngày, hoá giải vận hạn, cúng tam tai, v.v, sau đó hét giá trên trời, thi triển đủ loại mánh khoé để lừa tiền, gạt tình.
Cũng có một số thầy tướng số dùng Thần sát để xem xét hôn nhân. Họ thông qua những Thần sát như Vọng môn quả, Cốt tủy phá, Thiết phụ trửu, Lục hại, Bát bại, Đào hoa, Hồng diễm, Lang tịch, Phi thiên, Đại bại, Cô quả, v.v để tra hung cát. Những điều này hoàn toàn đều dựa vào năm, tháng, ngày sinh trong Bát tự. Ví dụ, họ lấy yếu tố tháng và năm sinh kết hợp lại, nhưng kể cả vậy vẫn chưa xem hết được toàn bộ các phương diện trong bát tự huống hồ là đoán định vận mệnh, cái được cái mất của từng người. Đây chẳng khác nào thầy bói xem voi, lấy bộ phận để nói tổng thể, không hợp logic, cũng không đáng tin, vô cùng hoang đường, nhìn qua đã biết lừa đảo.
Một ngày nọ, tác giả đi ngang qua một quầy toán mệnh bên đường. Có hai cô gái dáng vẻ người nông thôn đang ngồi xổm trước mặt thầy toán mệnh. Nét mặt họ tái mét, chăm chú nghe thầy toán mệnh thao thao bất tuyệt. Tác giả bèn lại gần, thì thấy ông thầy hoàn toàn không nói về lý tương sinh tương khắc trong Ngũ hành bát tự, cũng chẳng nói gì đến hợp mệnh gì, kỵ điều gì. Ông ta toàn nói về phạm sát điều gì, xung khắc cái gì, thế rồi xui hai cô làm thế nào để cải mệnh, giải hạn, sau đó bắt đầu thét giá trên trời. Chẳng trách thanh danh của tướng mệnh ngày càng đi xuống, dường như đã trở thành công cụ để lừa tiền, gạt tình rồi.
Một trong những nguyên nhân tác giả viết một số bài báo về mệnh lý là để giúp bạn đọc có hiểu biết sơ bộ đúng đắn về tri thức mệnh lý chân chính. Không nhẹ dạ cả tin, mù quáng nghe theo những kẻ bịp bợm hại người. Trên thực tế, dùng Bát tự và Ngũ hành tương sinh tương khắc để xem hung cát thì vẫn chưa đủ. Trong Bát tự có giờ sinh, ngày sinh, tháng sinh, năm sinh, nếu chỉ luận năm sinh, tháng sinh thì sao có thể đoán định hoạ phúc được?
Xem bát tự vợ chồng, dự đoán mối quan hệ hôn nhân
Vậy làm thế nào để từ Bát tự đánh giá mối quan hệ hôn nhân một cách khách quan và chính xác? Đó chính là: dùng toàn bộ quá trình tuần hoàn không ngừng của lý tương sinh tương khắc, vận dụng chúng để điều tiết lẫn nhau.
Ví dụ, trong mệnh của người nam, ngũ hành Thổ vượng Kim suy, vì Thổ sinh Kim nên hợp với người nữ mệnh Kim hoặc Thổ.
Với người nữ ngũ hành Thổ vượng Thuỷ suy, vì Kim sinh Thuỷ nên hợp với người nam có mệnh Kim hoặc mệnh Thuỷ. Như vậy hai bên có thể dung hoà, điều tiết lẫn nhau, phu thê ắt hoà hợp, phú quý bền lâu.
Nếu người nam ngũ hành Kim nhược Hoả thịnh, vì Kim sinh Thuỷ nên hợp với người nữ có Hoả vượng Kim suy. Hoặc người nữ ngũ hành Thổ suy Mộc vượng, vì Thổ sinh Kim nên nếu kết hợp với người nam cũng có Thổ suy Mộc vượng, không điều tiết được, gia đình ắt nhiều biến cố, trắc trở khốn cùng.
Cũng có một phương pháp hợp hôn khác như nữ mệnh thân vượng, có thương quan, khi hành đến quan vận thì sẽ khắc chồng. Nếu phối hợp với người nam cũng thân vượng, kiếp tài vượng, khắc thê, thì ngạnh đối ngạch, trái lại vô cùng bình an.
Có thể thấy, nam nữ hợp hôn cần phải xem xét toàn bộ quá trình tuần hoàn không ngừng của Ngũ hành, tính toán một cách tường tận chi tiết, thế thì vận mệnh cả đời không lo bị mắc sai lầm.
Cổ Dung biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ