Tú tài khoe khoang viết giúp thư bỏ vợ, hại người ly tán, hại mình mất tước lộc
Thời xưa, ở vùng Ngô Giang có một vị tú tài tên là Tiêu Vương Tân rất có tài học, bụng một bồ văn thơ, đưa bút rồng bay phượng múa. Vì gia cảnh nghèo khó cho nên Tiêu Vương Tân làm nghề dạy học cho một trường tư thục ở cách nhà không xa, đi sớm về trễ. Bên cạnh trường tư thục có một tửu quán, chủ quán tên là Hùng Kính Khê. Trước tửu quán có một sảnh thờ nhỏ, thờ phụng Ngũ Hiển Linh Quan (còn gọi là Mã Thiên Quân, Ngũ Thánh Đại Đế). Tiêu túa tài thường xuyên ra vào trường tư thục, vì vậy rất quen với chủ quán Hùng.
Một tối nọ, chủ quán Hùng nằm mộng, mộng thấy Ngũ Hiển Linh Quan nói với ông rằng: “Trạng Nguyên Tiêu thường xuyên lui tới nơi này, chúng tôi cảm thấy thật bất tiện. Nhờ ông xây cho chúng tôi một bức tường ngắn, che chắn phía trước sảnh thờ”.
Sau khi chủ quán tỉnh lại, trong lòng có chút nghi hoặc. Ông nghĩ đến Tiêu Vương Tân, luôn cảm thấy chỉ là một thư sinh nghèo kiết, sao có thể đỗ đạt Trạng Nguyên? Nhưng sau thì nghĩ lại “không nên xem tướng mạo để đánh giá con người, nước biển không dùng đấu để đo lường”. Ngày hôm sau, ông cho xây một bức tường ngắn che chắn trước sảnh thờ nhỏ, che khuất Ngũ Hiển Linh Quan. Chuyện này ông giữ kín trong lòng, không nói ra với người bên ngoài.
Qua mấy ngày sau, Tiêu tú tài đến Trường Châu thăm người thân, khi đi qua một thôn làng thì trông thấy một nhóm người tụ tập đang tranh cãi ầm ĩ. Sau khi nghe ngóng, thì ra có nhà họ Tôn ở trong thôn, hai người mẹ chồng nàng dâu không hợp với nhau. Nghe người ta nói nàng dâu nhà này không chịu học những điều tốt đẹp, thường xuyên tranh hơn thua với mẹ chồng, vì vậy người trong nhà muốn ruồng bỏ nàng. Người trong thôn không có ai biết viết chữ. Tú tài Tiêu nghe được đến đây, cảm thấy viết mấy dòng chữ đối với mình chỉ là chuyện nhỏ, liền cầm bút vung lên, rất nhanh đã viết xong một tờ hưu thê (bỏ vợ) và rời đi.
Thực tế, nàng dâu của nhà họ Tôn là một người siêng năng cẩn thận, đã ở Tôn gia ba, bốn năm rồi. Bây giờ nàng vô duyên vô cớ bị mẹ chồng đòi bỏ, trong lòng cảm thấy oan ức, than khóc kể lể với phu quân. Phu quân của nàng cũng cảm thấy đau lòng, không nhịn được mà cũng khóc theo. Nhưng cuối cùng nàng dâu vẫn bị mẹ chồng đẩy ra khỏi nhà.
Không bao lâu sau khi chuyện này xảy ra, chủ quán Hùng lại nằm mộng thấy Ngũ Hiển Linh Quan. Lần này Linh Quan kêu ông ta “nhanh phá hủy bức tường này đi, che chắn phía trước thực khiến người ta buồn bực”. Chủ quán Hùng hỏi: “Thưa Thần thánh, mấy ngày trước phân phó tiểu nhân xây lên, sao giờ lại muốn phá bỏ đi vậy?”
Ngũ Hiển Linh Quan giải thích rằng: “Trước kia, Tiêu tú tài thường xuyên đến tửu quán, bởi vì sau này anh ta đỗ Trạng Nguyên, chúng tôi gặp anh ta cảm thấy không tiện, nên kêu ngươi xây một bức tường che chắn. Còn bây giờ, vào ngày đó tháng đó anh ta đã viết giúp cho người kia một phong thư hưu thê, đã chia rẽ một đôi phu thê. Trời cao biết được việc này, đã giảm đi tước lộc của anh ta. Bây giờ cấp bậc của anh ta thấp hơn chúng tôi, gặp nhau chúng tôi không còn thấy ngại, nên có thể phá hủy bức tường kia đi”.
Khi chủ quán Hùng muốn hỏi thêm thì đột nhiên từ trong mộng tỉnh lại. Trong lòng ông rất nghi hoặc: “Lại còn có chuyện như thế ư?”. Ông thầm nghĩ hôm sau nhất định phải hỏi Tiêu tú tài một chút xem sao, để biết chuyện thực hư thế nào.
Ngày hôm sau, chủ quán Hùng phá bỏ bức tường, vừa lúc Tiêu tú tài cũng đi đến. Chủ quán Hùng mời Tiêu tú tài vào quán uống trà, hỏi anh ta có phải vào ngày đó tháng đó giúp người ta viết một phong thư hưu thê hay không.
Tiêu tú tài suy nghĩ một lúc rồi nói: “Đúng là có chuyện này, làm sao ông biết?”. Chủ quán Hùng liền đem những lời của Ngũ Hiển Linh Quan kể lại rõ ràng cho anh ta nghe. Tiêu tú tài nghe xong, kinh sợ trợn tròn mắt không nói nên lời, hối hận không thôi.
Về sau, quả nhiên vị tú tài họ Tiêu này chỉ trúng Hiếu Liêm, đã mất đi phúc phận làm Trạng Nguyên. Con đường làm quan trong đời chỉ làm đến chức Tri Châu. Anh ta vì nhất thời khoe khoang tài năng, tự cho là đúng, không biết rõ nguyên nhân sự việc mà đã mù quáng giúp người ta viết thư bỏ vợ, chia rẽ một cặp phu thê, cuối cùng cũng hại bản thân bị giảm đi tước lộc.
Lăng Mông Sơ (1580-1644), tác giả của tác phẩm “Sơ khắc Phách án Kinh kỳ” đã dùng một bài thơ để cảm thán rằng:
“Nhân sinh thường hiếu sự, tác trứ bất tự tri.
Khởi niệm mai căn tế, tu tư quyết cục thì.
Động chỉ tuy vi miểu, cán liên dĩ di tư.
Hôn hôn ly thiên võng, phương tri hối thị trì”.
Tạm dịch nghĩa:
Trong đời thường nếu hiếu sự, làm mà không tự biết (đó là tốt hay xấu)
Ý niệm vừa xuất ra đã chôn xuống mầm mống, cần phải nghĩ đến khi kết cục.
Hành động tuy nhỏ bé, nhưng liên quan rộng khắp.
Hồ đồ phạm vào lưới Trời, biết hối hận thì đã trễ.
Lăng Mông Sơ đã lấy bài thơ này để khuyên nhủ thế nhân khi làm việc gì thì nhất định phải thận trọng, tránh việc chỉ vì sảng khoái nhất thời, trong vô ý làm hại đến người khác mà cũng làm hại chính mình.
- Câu chuyện dựa theo “Sơ khắc phách án kinh kỳ” quyển 20
- Bài đăng lại từ nguồn Chánh Kiến Net.
Vương Du Duyệt biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: