Báo ứng thời Cách mạng Văn hóa: Bồ Tát hiển linh, oan hồn truy sát
Phật gia giảng về nhân quả báo ứng, người hành thiện tích đức, sẽ nhận được phúc báo; người hành ác tổn đức và sẽ chiêu mời tai họa; người làm việc đại ác thì đi theo họ là tai họa vô tận, thậm chí sẽ báo ứng ngay trong đời này. Sau đây là một số câu chuyện nhỏ xảy ra trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa, làm việc xấu ác mà tự rước lấy tai họa, phạm tội với Thần Phật thì tội càng nặng thêm.
Bồ Tát hiển linh
Trên vách núi dựng đứng ở một vùng đất xa xôi có một bức tượng Bồ Tát cao mấy chục mét. Sau khi phong trào “Phá tứ cựu” bắt đầu vào thời kỳ đầu của Đại Cách mạng Văn hóa, hồng vệ binh đã vắt óc tính kế để phá hủy các loại di sản văn hóa truyền thống ở Trung Hoa. Có hồng vệ binh nghe nói vẫn còn một tượng Bồ Tát ở nơi đó, thế là một hôm, mấy chục học sinh trung học vượt núi băng đèo đến chân vách đá, chuẩn bị phá hủy bức tượng. Họ đến dưới bức tượng Bồ Tát xem thử, thì thấy bức tượng rất lớn, lưng dựa vào vách đá khá cao, muốn phá hủy cũng không phải là việc dễ dàng.
Có mấy hồng vệ binh to gan lớn mật bắt đầu leo lên vách đá. Trong quá trình leo lên vách thì bất ngờ xảy ra tai nạn. Một học sinh sơ ý nên bị rơi từ trên vách núi xuống, tử vong tại chỗ. Mấy chục học sinh trung học lập tức quên mất mình đến để làm gì, cả đám khóc lóc, nghẹn ngào nức nở trở về trường.
Một người nông dân chứng kiến cảnh đó nói rằng: “Bồ Tát đã hiển linh.”
Đầu lâu mở mắt trừng trừng
Lão Hồng là bí thư của một thôn. Ông đã đảm nhận chức vụ này trong một thời gian dài kể từ khi cải cách ruộng đất.
Trong thôn có ba dòng họ lớn, và họ Hồng là một trong số đó. Sau khi Đại Cách mạng Văn hóa bắt đầu, hai người của hai dòng họ kia đã lợi dụng sự hỗn loạn để lần lượt giành được các chức vụ Bí thư đại đội và Đại đội trưởng. Để củng cố “giang sơn” mà mình có được, hai người này còn muốn dùng biện pháp cực đoan “nhổ cỏ tận gốc,” bắt đầu liệt kê tội danh của Lão Hồng.
Cách mạng Văn hóa là thời kỳ mà nhóm “tả” nắm quyền. Một câu nói, thậm chí một hành động của bất kỳ ai cũng sẽ bị xem là bằng chứng phạm tội và trở thành tội phạm. Lão Hồng chưa từng được đi học, nói năng không cẩn trọng và thường thốt ra những lời thô tục. Do đó, khi truyền đạt những “chỉ thị tối cao” thì những lời nói này thỉnh thoảng cũng bật ra. Điều này dễ dàng trở thành một cái cớ để gán tội danh cho ông: “dùng ngôn từ tục tĩu công kích lãnh tụ vĩ đại” và là một “kẻ phản cách mạng hiện hành.”
Vào thời điểm đó, bí thư đại đội và đại đội trưởng dường như trở thành Tòa án tối cao, có thể tùy ý tước đoạt mạng sống của người ta. Hai người vừa bàn bạc xong đã lập tức kết án tử hình Lão Hồng. Dụng cụ tra tấn được làm từ vật liệu địa phương, chính là chiếc máy cắt được lấy ra từ lều của đại đội dùng để cắt cỏ cho gia súc. Có thể hình dung là cái máy cắt này không được sắc lắm. Sau khi họ ấn đầu Lão Hồng xuống dưới máy cắt, do người thanh niên ép máy cắt gan không đủ lớn, không dám dùng hết sức lực, cho nên đã không làm cho cổ của ông bí thư đứt lìa. Lúc đó, một thanh niên khác lập tức được thay thế, nhưng vẫn không thành công. Cuối cùng bất đắc dĩ mấy người cùng xúm lại, mới khiến phần thân và đầu của vị bí thư già tách rời nhau.
Cái đầu trơ trọi của lão bí thư cuối cùng cũng lăn sang một bên. Ông chết không nhắm mắt. Mấy thanh niên vừa động thủ ấn lưỡi dao kia nhìn thấy cái đầu lâu trừng mắt không khuất phục của lão bí thư, sợ hãi bỏ chạy…
Cậu thanh niên cầm máy cắt đầu tiên sau khi chạy về tới nhà, liền đổ bệnh, liên tục sốt cao mấy ngày rồi qua đời. Trước khi mất, cậu còn hét lên: “Đừng giết tôi! Đừng giết tôi!” Những người già trong làng nói rằng, cậu ta đã bị tiểu quỷ do điện Diêm Vương phái đến dùng dao chém chết!
Người xưa có câu, “Làm nhiều việc bất nghĩa, ắt tự chuốc diệt vong.” Trường hợp người thanh niên trẻ tuổi kia chính là ứng nghiệm của câu nói này.
Oan hồn phẫn nộ truy sát
Một người đàn ông họ Lý là thủ lĩnh “phái tạo phản” của một xưởng dệt nào đó. Ông ta hung ác, tàn nhẫn, thủ pháp đánh người vô cùng độc ác. Bằng cách dùng cực hình, ông ta đã khiến mấy oan hồn “ngưu quỷ xà thần” (chỉ những người bị đấu tố) đi gặp Diêm Vương.
“Dụng cụ tra tấn” mà ông ta dùng để đánh người là tự chế. Đó là một cái đai chế tạo bằng cao su được cắt từ băng chuyền trong phân xưởng. Ông ta đóng đầy đinh sắt trên đai, mặt sau của đai lộ ra những mũi đinh nhọn hoắt, chi chít. Ông ta thường xuyên dùng dụng cụ tra tấn đặc biệt này để “chỉnh đốn” người khác trong “chuồng bò” do mình cai quản. Ông ta chẳng những dùng dây đai này quất người, mà còn trói họ treo lên xà nhà, sau đó lại dùng dây đai đóng đầy đinh sắt này ra sức quật. Có thể hình dung được, bị đai đinh này quất lên người thì máu tươi lập tức tuôn ra; nếu như vừa quất vừa ra sức xé rách, thì cái đai kia sẽ dính đầy những miếng thịt đẫm máu.
Tàn bạo như vậy, nhưng ông ta vẫn chưa thỏa. Ông ta còn lấy bột kiềm công nghiệp trong phân xưởng, hòa thành nước kiềm, khi những người bị đánh đến trầy da tróc thịt, hắn liền dùng bàn chải lông to chấm nước kiềm xoa lên vết thương đang chảy máu tươi, còn gọi với mỹ danh là “khử trùng.” Da người bình thường bị loại nước kiềm này thấm vào cũng đã chịu không nổi, huống hồ là vết thương hở máu thịt… Với cực hình tra tấn tàn khốc như thế, rất nhiều người đã bị hành hạ đến chết.
Không ngờ một hôm đột ngột xảy ra một chuyện. Đêm hôm đó, Lý mỗ vừa đích thân hành hạ đến chết một người thuộc “phái chạy theo tư bản,” trời đã gần sáng, ông ta kiệt sức trở về nhà. Không kịp cởi quần áo, ông ta leo lên giường ngủ ngon lành.
Rạng sáng, Lý mỗ đang nằm trên giường đột nhiên rùng mình ớn lạnh, liền kéo chăn trùm lên đầu. Từ trong chăn phát ra tiếng kêu thảm thiết: “Cút đi! Cút đi! Đừng đuổi theo tôi! Đừng đuổi theo tôi!”
Người vợ không hiểu xảy ra chuyện gì, liền dùng tay gỡ cái chăn trên đầu chồng. Nhưng ông ta cố giữ lấy chiếc chăn không chịu buông, từ trong chăn phát ra tiếng kêu mỗi lúc một to hơn, giống như tiếng lợn tru khi bị chọc tiết. Người vợ hoảng sợ quá, vội mở cửa hô hoán hàng xóm láng giềng.
Mấy công nhân trẻ cùng nhau xúm vào, dùng hết sức kéo chiếc chăn trùm đầu của Lý mỗ ra. Ông ta buộc phải buông chăn ra, nhưng lại lập tức phóng từ trên giường xuống như viên đạn ra khỏi nòng, chạy vụt ra khỏi cửa. Ông ta vừa ngoái đầu nhìn xung quanh, vừa chạy như mất mạng, như thể những người hàng xóm đuổi theo sau lưng đều là những tiểu quỷ muốn lấy mạng mình vậy …
Sau đó, mọi người tìm thấy Lý mỗ trên cánh đồng ở ngoại ô thành phố. Ông ta quỳ trên đất, ra sức dùng tay đào bới. Khi mọi người chạy đến, ông ta đã cắm đầu vào cái hố nhỏ vừa đào, hơn nữa còn dùng đầu để ủi cái hố …
Từ đó, ông ta trở nên điên loạn. Chỉ cần không có người quản, ông ta sẽ đào đất đào tường, cuối cùng mười đầu ngón tay đều bị khoét mất, xương ngón tay lộ hẳn ra bên ngoài.
Người ta nói rằng oan hồn của những người bị đấu tố đang truy sát ông ta …