Nằm mộng nhìn thấy kiếp trước kiếp này và tình tiết vụ án cách 200 năm
Vào thời nhà Thanh, danh sĩ Thẩm Bính Chấn đã có một giấc mộng trong giấc ngủ giữa ban ngày. Trong mộng, ông không chỉ biết được kiếp trước mà, còn biết trước được nơi mình sẽ chuyển sinh trong tương lai. Ngoài ra, một vụ án giết người đã xảy ra và trì hoãn tới 200 năm sau chưa giải được, ở trong mộng Thẩm công lại biết được tường tận chi tiết của vụ án.
Vào năm Đạo Quang thứ 8, thứ 9 triều Thanh (năm 1828-1829), Lương Cung Thần (1814 – 1887) theo hầu phụ thân đến Giang Tô nhậm chức. Lúc đó trong quan thự có một người bạn kiêm thư ký, là tú tài Thẩm Tốn Phàm, người vùng Hồ Châu.
Một hôm, Thẩm tú tài nói chuyện phiếm, nói đến Thẩm Bính Chấn tiên sinh, một người trong dòng tộc của ông. Thẩm Bính Chấn (1679 – 1737), tự Dần Ngự, hiệu Đông Phủ, là danh sĩ thời kỳ Khang Hy và Càn Long. Ông có kiến thức uyên bác, tài năng và học vấn rất cao. Nhưng vì lời lẽ của ông rất quyết liệt, nhiều lần thi rớt, bởi vậy ông đoạn tuyệt với con đường thi cử.
Theo như lời Thẩm tú tài nói, có một hôm Thẩm Bính Chấn nghỉ ngơi trong thư phòng của gia tộc. Giữa ban ngày, ông đã có một giấc mộng. Ông nằm mộng thấy mình được một người áo xanh dẫn đi, đi tới một đình viện, nơi đó dựng sẵn một tấm gương cao hơn một trượng. Người áo xanh mời Thẩm cống đứng ở phía trước mặt gương tự soi kiếp trước. Ông nhìn thấy trong gương xuất hiện một hình ảnh, chính là ông đầu đội khăn vuông, chân mang giày đỏ, nhưng không phải là áo mũ của thời triều Thanh.
Thẩm Bính Chấn nhìn hình ảnh trong gương, cảm thấy rất giật mình kinh ngạc. Lúc này, người áo xanh lại mời ông soi về ba đời, trong gương hiện ra hình ảnh của ông trong trang phục ô sa, áo bào đỏ, lưng đeo đai ngọc, chân đi giày đen, nhưng lại không phải là áo mũ của nhà Nho. Lúc này, đột nhiên một người lính già chạy xộc tới, quỳ ở trên đất dập đầu nói: “Ngài còn nhận ra lão nô không? Lão đã từng đi theo ngài đến Đái Đồng nhận chức Binh bị đạo (quan đặc trách chỉnh quân ở những vùng trọng yếu thời Minh).” Nói rồi bèn trình lên một quyển công văn.
Binh bị đạo là chức quan triều Minh. Vào thời nhà Minh, ở vùng biên cương và các khu vực trọng yếu đều thiết lập các Án sát ty nhằm chỉnh đốn và quản lý trang thiết bị và nhân lực trong quân. Thông thường quan Binh bị đạo của một vùng do Phó sử Án sát ty hoặc Thiêm sự đảm nhiệm, chủ yếu phụ trách việc quân trong khu vực được phân quản lý, giám sát và đốc thúc quân đội địa phương, quản lý binh mã ở địa phương, thuế ruộng và đồn điền, bảo vệ trị an ở địa phương v.v.
Thẩm Bính Chấn không hiểu được ý của ông lão, bèn hỏi ông lão có chuyện gì xảy ra. Lão bộc kia nói: “Kiếp trước ngài họ Vương tên Tú sống vào thời Gia Tĩnh triều Minh. Hôm nay người áo xanh phụng mệnh triệu kiến ngài, chính là chỗ Văn Tín Vương ở Âm Phủ, có khoảng 500 tên quỷ ở Đại Đồng kiện cáo ngài. Đại Vương mời ngài đến đây để hỏi rốt cục là chuyện gì. Lão nô nhớ rằng giết 500 người này không phải là chủ ý của ngài. 500 người này là lính bại trận trong vụ án Lưu Thất, sau khi đầu hàng lại làm phản, cho nên một vị tổng binh nào đó khăng khăng muốn giết chết họ, nhằm ngăn chặn hậu hoạn.”
Vụ án Lưu Thất mà người lão bộc nói phát sinh vào thời kỳ Minh Vũ Tông (năm 1491-1521). Lưu Thất tên họ thật là Lưu Thần, anh trai là Lưu Lục có tên thật là Lưu Sủng. Từ tháng 10 năm Chính Đức thứ 5 đến năm Chính Đức thứ 7 triều Minh (năm 1510-1512), hai anh em Lưu Lục và Lưu Thất tập hợp nhiều người làm phản ở huyện Văn An, Bá Châu. Quan quân của triều Minh ngăn chặn không được, nhiều lần gặp thất bại. Tháng 4 năm Chính Đức thứ 7, triều đình phái 10 vạn đại quân bao vây diệt trừ quân Lưu Lục, Lưu Thất. Tháng 7 năm đó Lưu Thất chết trận. Đây là quân khởi nghĩa chống triều Minh có quy mô lớn nhất kể từ khi triều Minh khai quốc đến nay. Trong thời gian 3 năm, nhóm người Lưu Thất dẫn binh liên tục gây chiến loạn ở chín tỉnh Trung Quốc.
Sau khi Lưu Thất chết trận, những người còn lại giải tán. Có 500 thuộc hạ của Lưu Thất giả hàng phục triều đình nhà Minh, sau đó lại làm phản, cuối cùng bị Tổng binh của triều đình giết chết. Theo lời lão bộc kia, khi vị Tổng binh của triều Đại Minh muốn giết những người này, Thẩm công từng viết lá thư khuyên can vị tổng binh này, nhưng ông ấy khăng khăng không nghe khuyên can. Lão bộc nói: “Lão nô sợ ngài không nhớ phong thư này, thì khó mà thanh minh cho mình, cho nên cất lá thư vào trong tay áo trình lên cho ngài.” Nghe qua lão bộc nói như vậy, Thẩm công chợt nhớ lại được sự việc ở kiếp trước.
Người áo xanh lại dò hỏi lần nữa: “Ngài là đi bộ hay ngồi kiệu?”. Lão bộc mắng rằng: “Nào có chuyện quan Giám ty phải đi bộ?” Vì vậy kêu tới hai người phu kiệu, khiêng Thẩm Bính Chấn đi được mấy dặm đường, đi tới một nơi trước cung điện. Chính giữa cung điện có một vị Vương giả râu bạc trắng, đầu đội mũ miện có chuỗi ngọc. Quan viên bên cạnh mặc áo đỏ thẫm, đầu đội mũ ô sa, trong tay cầm sổ ghi chép, truyền gọi Binh bị đạo Vương Tú tiến vào trong điện.
Vị Vương kia nói: “Đợi đã. Cho truyền gọi Tổng binh trước.” Chỉ chốc lát sau, một người khoác nhung trang áo giáp vàng từ phía đông tiến vào. Thẩm công vừa nhìn, quả nhiên là vị tổng binh kia. Sau khi tổng binh đi vào trong điện, Đại Vương đề ra câu hỏi, còn cụ thể nói chuyện gì, Thẩm Bính Chấn đều không thể nghe được rõ ràng. Sau đó truyền gọi Thẩm công tiến vào điện. Sau khi Thẩm công hành lễ với vị Đại Vương xong bèn đứng giữa điện.
Vị Đại Vương ở trên điện nói: “Giết 500 người bè đảng của Lưu Thất , Tổng binh đã thừa nhận. Còn ngươi từng viết thư khuyên can, ta cũng đã biết được. Thế nhưng theo luật pháp triều Minh, Tổng binh cũng được Binh bị đạo chỉ huy. Ngươi hạ lệnh, ông ta không nghe theo. Bởi vì ngươi ngày thường nhát gan, ngươi có biết tội của mình chưa?” Thẩm công không dám biện giải, vâng dạ cảm tạ.
Lúc này Tổng binh ở bên cạnh kiên quyết tranh biện: “500 người này không thể không giết. Huống hồ giả đầu hàng, sau đó lại làm phản. Không giết chúng sẽ làm phản, tôi giết chúng là vì lo lắng cho quốc gia, không phải vì ân oán cá nhân mà giết.” Lời còn chưa nói hết, bỗng nhiên dưới bậc thềm tuôn ra một luồng khí đen như mực, một loạt âm thanh từ xa tới gần, đồng thời đi kèm là một mùi máu thối, thực sự rất khó ngửi, chỉ thấy 500 cái đầu người lẫn lộn như lăn cầu, đồng loạt há miệng nhe răng đến cắn vị Tổng binh, đồng thời mắt liếc nhìn Thẩm Bính Chấn.
Đại Vương lập tức vỗ án, lớn tiếng hỏi: “Các ngươi là những kẻ giả hàng sau đó lại làm phản, đúng là có việc này không?” Lũ quỷ nói: “Có”. Đại Vương lớn tiếng quát bọn chúng: “Đúng là Tổng binh nên giết các ngươi, còn vì sao tới đây cãi cọ kêu gào ầm ĩ?”
Lũ quỷ hồn kia không phục, nói: “Ngày đó người giả đầu hàng chỉ có mấy thủ lĩnh dẫn đầu, về sau lại làm phản, cũng là mấy người thủ lĩnh kia. Chúng tôi và những người còn lại đều là làm theo, tại sao phải giết hết chúng tôi? Hơn nữa, ý định của Tổng binh là muốn hùa theo sự nghiêm khắc của Hoàng đế Gia Tĩnh, không phải là thật sự vì dân vì nước.”
Đại Vương cười nói: “Ngươi có thể nói Tổng binh không vì dân, nhưng không thể nói Tổng binh không vì nước. Chuyện này đã kéo dài 200 năm, chung quy lại mà nói, việc là vì việc công, quan Âm phủ không thể phán quyết. Trước mắt, tâm tư hành động của Tổng binh chưa rõ, không thể thành Thần mà đi, oán khí của các ngươi không tiêu tan, lại không thể thác sinh làm người. Ta đem việc này tấu bẩm lên Ngọc Đế, chờ đợi phán quyết của Ngọc Đế. Riêng sai phạm của Binh bị đạo quá mức nhỏ, đồng thời có viết thư khuyên can làm bằng chứng, có thể thả về dương gian. Tương lai khi chuyển thế phạt làm con gái của nhà giàu có, để trừng phạt tội yếu hèn.” Lúc này 500 tên quỷ hồn mới dập đầu bái lạy tạ ơn Đại Vương.
Đại Vương lệnh cho người áo xanh dẫn Thẩm công đi ra ngoài, lần nữa đi đến chỗ tấm gương, và nói với Thẩm công rằng: “Mời soi đến kiếp này.” Lúc này, Thẩm công bỗng nhiên từ trong mộng giật mình tỉnh lại, phát hiện toàn thân mồ hôi vã như mưa, còn thấy người thân đều vây quanh ông khóc nức nở. Vốn lúc đầu ông ngủ ở thư phòng, nhưng đến khi tỉnh lại mới biết mình đã bất tỉnh một ngày một đêm.
Một giấc mộng vào ban ngày đã làm cho Thẩm Bính Chấn biết được kiếp trước của mình, lại vì tội hèn yếu ở kiếp trước nên kiếp sau sẽ chuyển sinh thành thiên kim nhà giàu. Ông còn chưa qua đời, mà Diêm Vương đã an bài xong kiếp sau cho ông rồi. Một bản án cũ kéo dài 200 năm trải qua hai triều đại Minh – Thanh, đã cho thấy kiếp trước kiếp này. Quả thực nhân sinh giống như một vở kịch, và tất cả tình tiết bên trong đó đều do Thần an bài.
Vương Du Duyệt biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ