Báo cáo nghiên cứu mới: ĐCSTQ xem việc đàn áp Pháp Luân Công là ưu tiên hàng đầu
Hôm 06/12, Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp đã công bố một báo cáo nghiên cứu. Báo cáo này cho biết, kể từ năm 2017 đến nay, trong các báo cáo công việc, bài diễn văn và chỉ thị của ít nhất 12 tỉnh ở Hoa lục, đều cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xem việc đàn áp Pháp Luân Công là ưu tiên hàng đầu của giới lãnh đạo trung ương và chính quyền địa phương.
Ông Levi Browde, Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, nói với The Epoch Times rằng, điểm mấu chốt của nghiên cứu là “những tài liệu này chủ yếu tiết lộ rằng các cơ quan an ninh của ĐCSTQ đặt việc đàn áp Pháp Luân Công ở vị trí trọng yếu.”
“Những tài liệu này cho thấy, ĐCSTQ nói theo cách riêng của mình, đang tiến hành một chiến dịch cấp cao, toàn quốc và có hệ thống, xâm phạm quyền lợi cơ bản của công dân Trung Quốc, mà nguyên nhân vỏn vẹn chỉ vì thân phận và tín ngưỡng của họ [học viên Pháp Luân Công].
Ông Ngô Thiệu Bình (Wu Shaoping), cựu luật sư nhân quyền người Trung Quốc hiện đang sống ở Hoa Kỳ, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công vì đảng này là kẻ thù của thiện lương và nhân loại.
Một số báo cáo công tác của chính quyền ĐCSTQ đã liệt Pháp Luân Công là “mục tiêu đàn áp hàng đầu”
Báo cáo nghiên cứu trích dẫn hơn 20 tài liệu tham khảo cho thấy: “Chiến dịch bạo lực nhằm diệt trừ Pháp Luân Công của ĐCSTQ trong nội bộ đảng được xem là bộ phận cốt lõi trong việc kiểm soát người dân của chính quyền này, nhằm duy trì quyền lực chính trị và duy trì quyền bá chủ về hình thái ý thức.” (Ghi chú của biên tập viên: Báo cáo hội nghị công tác được bài viết trích dẫn trong bài là bản dịch Anh ngữ).
Tháng 08/2020, tại hội nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi), khi đó đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Quốc vụ viện của ĐCSTQ, đã tập trung giới thiệu tình hình công tác năm 2019.
Ông Triệu biểu thị, hệ thống công an đã nỗ lực “tận dụng tối đa vũ khí và thủ đoạn pháp luật để xâm nhập và thực hiện các cuộc đấu tranh chống lật đổ, chống ly khai và chống thẩm thấu, quản lý đất nước theo pháp luật và trấn áp nghiêm khắc Pháp Luân Công … và các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp khác; kiên quyết bảo vệ an toàn nền chính trị quốc gia.”
Ông Triệu nhấn mạnh việc sử dụng các biện pháp đàn áp toàn thể tôn giáo bị cấm như Pháp Luân Công. Sau đó, ông đề cập đến các biện pháp an ninh khác, bao gồm cả những biện pháp liên quan đến chống tham nhũng và chống khủng bố.
Đây là một trong những báo cáo công khai do quan chức cao cấp đưa ra tại các hội nghị cấp cao của ĐCSTQ trong những năm gần đây. Những báo cáo này trực tiếp đề cập đến tình hình đàn áp Pháp Luân Công của Bắc Kinh.
Từ năm 2017 đến năm 2021, Tòa án Tối cao và Viện Kiểm sát Tối cao Trung Quốc nhiều lần đề cập đến trong các báo cáo công tác gửi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc rằng, họ “tích cực tham gia,” “tăng cường trấn áp” các tôn giáo phi pháp và “kiên quyết trừng trị tội phạm phạm pháp.” “Pháp Luân Công” và các tín ngưỡng khác đều bị cấm.
Theo báo cáo, vào tháng 01/2017, tại buổi tọa đàm có sự tham dự của Viện trưởng Viện Tòa án Tối cao Trung Quốc, Tòa án Tối cao đã kêu gọi “đấu tranh mạnh mẽ,” đối với các đoàn thể tôn giáo bị cấm phải tiến hành “đấu tranh sâu sắc”; đồng thời “gia tăng cường độ trừng trị đối với các đoàn thể như Pháp Luân Công,” để “ngăn chặn họ trở thành nhân tố nổi bật ảnh hưởng đến an ninh chính trị.”
Tháng 05/2020, Kiểm sát trưởng Viện Kiểm sát tối cao Trung Quốc Trương Quân (Zhang Jun), tuyên bố trong báo cáo công tác năm 2019 được trình bày tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc rằng, cần phải “kiên quyết trừng trị” Pháp Luân Công và các đoàn thể tôn giáo bị cấm khác. Ông Trương cũng đề cập đến công tác chống Pháp Luân Công trước khi liệt kê các vụ án về bạo lực và trộm cắp.
Trong các bài diễn văn và báo cáo khác tương tự, bao gồm ba cuộc họp báo do Bộ Công an tổ chức kể từ năm 2021, đều đề cập đến thứ tự ưu tiên đối với Pháp Luân Công và mối đe dọa của môn tu luyện này đối với chính quyền.
Ngày 15/04/2021, tại cuộc họp báo nhân Ngày Giáo dục An ninh Quốc gia của ĐCSTQ, Bộ Quốc phòng của Đảng này đã báo cáo về những “thành tựu” trong việc bảo vệ “an ninh chính trị” của đất nước trong bảy năm qua và triển vọng của công tác này trong tương lai.
Mục tiêu thực thi chính sách đầu tiên được đề cập trong báo cáo hội nghị là Pháp Luân Công và các đoàn thể tôn giáo bị cấm khác, trọng điểm là “chuyển hóa giáo dục sâu sắc,” tức là sử dụng các thủ đoạn tàn khốc để buộc người dân từ bỏ tín ngưỡng.
Hơn 5,010 học viên Pháp Luân Công bị bức hại tử vong
Ông Browde, Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, cho biết: “Kết quả của nghiên cứu này cho cộng đồng quốc tế thấy rằng, cuộc bức hại vẫn đang tiếp diễn và hàng triệu người dân vô tội trên khắp Trung Quốc đang phải chịu sự đàn áp tàn khốc.”
Theo thống kê mới nhất từ trang web Minh Huệ Net (Minghui.org), hơn 5,010 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến tử vong trong 24 năm qua. Chỉ tính riêng một nhà tù nữ ở tỉnh Liêu Ninh, đã có 63 học viên bị bức hại đến thiệt mạng.
Đồng thời, từ tháng 01/2023 đến tháng 11/2023, có 1,103 học viên Pháp Luân Công ở Hoa lục đã bị kết án phi pháp; từ tháng 01 đến tháng 09/2023, có 166 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến tử vong.
Do cuộc đàn áp và phong tỏa thông tin của ĐCSTQ, những con số trên chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.
Tại sao ĐCSTQ xem việc đàn áp Pháp Luân Công là ưu tiên hàng đầu
Tại sao ĐCSTQ xem Pháp Luân Công là mục tiêu số một để đả kích và đàn áp?
Liên quan đến vấn đề này, ông Browde nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công vì bản chất của ĐCSTQ và chủ nghĩa cộng sản đi ngược lại các nguyên tắc tu luyện “chân, thiện, nhẫn” của Pháp Luân Công.
Ông nói: “Trong những ngày đầu của cuộc đàn áp, truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã thừa nhận rằng các giá trị mà học viên Pháp Luân Công trân quý và theo đuổi – chân, thiện và nhẫn – hoàn toàn trái ngược với ‘giả, ác, đấu’ theo học thuyết chủ nghĩa Marx của chính quyền này.
Ông Browde nói rằng, những nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công nhằm phơi bày sự thật về ĐCSTQ và thuyết phục mọi người tam thoái [thoái xuất khỏi các tổ chức đảng, đoàn, đội của ĐCSTQ] đã khiến đảng này rất sợ hãi.
“Trong 25 năm qua, các học viên Pháp Luân Công đã kiên trì giảng rõ sự thật trên quy mô lớn ở tầng diện bình thường để người dân Trung Quốc hiểu được tình hình thực sự trong toàn quốc. Điều này tất nhiên bao gồm cả việc phơi bày những tuyên truyền bôi nhọ và thông tin sai lệch về Pháp Luân Công của ĐCSTQ, đồng thời chỉ rõ sự đàn áp tàn khốc của đảng này đối với những người dân vô tội,” ông Browde nói.
Kể từ năm 2005, The Epoch Times đã đăng các bài xã luận “Cửu bình Cộng sản Đảng” (9 bài bình luận về ĐCSTQ), vạch trần một cách đơn giản và có hệ thống bản chất tà ác của ĐCSTQ, dẫn phát làn sóng người dân thoái xuất khỏi Đảng này. Đến nay, đã có 420 triệu người Trung Quốc lên tiếng “tam thoái.”
Với sự bùng phát của dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, một số ký giả công dân là học viên Pháp Luân Công đã đưa tin và phổ biến thông tin liên quan đến dịch bệnh.
Ông Browde nói: “Hiệu quả và tác động của những nỗ lực này dường như đã khiến chính quyền xem Pháp Luân Công là mối đe dọa lớn đối với quyền lực của họ, khiến các cơ quan an ninh phải thực hiện một cuộc đàn áp nghiêm trọng hơn.”
Ông Ngô Thiệu Bình nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công vì “họ nghĩ pháp môn này là mối đe dọa đối với họ. [Nhưng] chúng ta biết rất rõ rằng, chúng ta không nhìn thấy mối đe dọa như thế.”
“Họ (ĐCSTQ) là một chính quyền phi lý, cũng là một chính quyền cực đoan khủng bố. Họ chính là kẻ thù của nhân loại, kẻ thù của sự thiện lương, và là đại diện của Satan.”
“ĐCSTQ không cho phép Pháp Luân Công tồn tại. Họ không cho phép sự tồn tại của giá trị chân chính, sự tồn tại của những điều tốt đẹp,” ông Ngô nói.
Để hiểu Trung Quốc, cần phải hiểu cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ
Ông Browde nói: “Các nhà hoạch định chính sách và học giả [phương Tây] thường cho rằng những vấn đề khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể yên giấc – [đó là] tham nhũng, chủ nghĩa khủng bố, v.v. Trên thực tế, chúng đều xếp sau Pháp Luân Công, hoặc ít nhất Pháp Luân Công được xếp vị trí đầu trong danh sách những việc họ cần làm.”
“Vì vậy, bất kỳ nỗ lực nào để hiểu về Trung Quốc và bộ máy an ninh của ĐCSTQ, cũng như những nỗ lực duy trì ‘an ninh chính trị,’ đều phải bắt đầu bằng việc xem xét cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công của chính quyền này ở Hoa lục.”
Ông kiến nghị Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế mở rộng chế tài trừng phạt đối với ĐCSTQ.