Các nhà lập pháp Hoa Kỳ giới thiệu dự luật nhằm chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ
Theo Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania), cuộc bức hại nhóm tín ngưỡng Pháp Luân Công kéo dài hàng thập niên của Trung Quốc cộng sản là một trong “những biểu hiện hèn hạ nhất của sự tà ác”, và nó phải chấm dứt.
“Trong những hành vi tàn bạo không gì sánh nổi của chế độ cộng sản Trung Quốc, cách đối đãi với các học viên Pháp Luân Công phải được xếp vào hạng những biểu hiện tệ hại nhất, hèn hạ nhất của sự tà ác từng được một chính quyền dàn dựng để chống lại một nhóm người cụ thể,” ông Perry nói với The Epoch Times trong một thư điện tử.
“Sự coi thường đối với con người đặc biệt gây chấn động này cần phải được chống lại. Nó phải chấm dứt,” ông nói thêm.
Hồi giữa tháng 12/2021, ông Perry đã đệ trình Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công (H.R.6319) nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông đồng trong cuộc đàn áp nhóm tín ngưỡng này. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ đánh dấu biện pháp lập pháp đầu tiên ở Hoa Kỳ buộc những kẻ vi phạm nhân quyền phải chịu trách nhiệm.
Nghị sĩ này đã mô tả dự luật trên là “trọng yếu đối với việc bảo vệ giá trị và phẩm giá nội tại của tất cả các học viên Pháp Luân Công đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại.”
Được công bố trước thềm Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh, ông Perry cho biết đạo luật này cũng làm sáng tỏ “sự nhẫn tâm và độc ác” của chế độ độc tài này và giúp ngăn Bắc Kinh xuất cảng các hành vi lạm dụng của mình ra phần còn lại của thế giới.
‘Khủng khiếp không thể tưởng tượng nổi’
Là một trong những cộng đồng tâm linh lớn nhất ở Trung Quốc, Pháp Luân Công đã phải chịu một chiến dịch tàn bạo của chế độ cộng sản vô thần nhằm xóa sổ môn tu luyện này và những người theo học môn này.
Theo ước tính của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, kể từ năm 1999, hàng triệu học viên đã bị đưa vào các trại lao động hoặc các trại tạm giam khác, và hàng trăm ngàn người đã phải chịu sự tra tấn.
Các học viên bị giam giữ cũng là những nạn nhân của hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước hậu thuẫn. Ông Perry đã mô tả hoạt động này là một hành động “dã man và khủng khiếp không thể tưởng tượng nổi”.
Trung Quốc là một điểm đến hàng đầu của khách du lịch ghép tạng nhờ khả năng thu mua nội tạng của các bệnh viện nhanh hơn nhiều so với các nước phát triển có các hệ thống hiến tạng đã được thiết lập. Các cơ quan nội tạng trọng yếu có thể được tìm ra trong vòng vài ngày ở Trung Quốc – ngay cả khi các bệnh nhân thường phải chờ đợi hàng tháng hoặc hàng năm ở nơi khác. Trước đây, The Epoch Times đã đưa tin về một bệnh nhân 24 tuổi được ghép bốn quả tim trong 10 ngày hồi năm 2020.
“Giờ đây quý vị tự hỏi làm thế nào mà họ có thể làm được điều đó? Có phải bởi vì họ có dân số khổng lồ đến vậy không?” ông Perry cho biết trên chương trình “Capitol Report” của đài truyền hình NTD, chi nhánh của The Epoch Times. “Nhưng hãy nhìn xem, có một nguồn cung cấp không giới hạn.”
Năm 2019, một tòa án nhân dân độc lập đã xác định rằng để duy trì “nguồn cung cấp” này, thì vô số tù nhân lương tâm – chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công bị bỏ tù – đã bị sát hại khi đang còn sống để lấy nội tạng của họ.
“Thật không thể tưởng tượng nổi,” ông Perry viết trong một thư điện tử, lưu ý rằng trong một số trường hợp, các nạn nhân đã không được gây mê trong quá trình bị cưỡng ép mổ lấy nội tạng.
Hành động cụ thể
Thông tin về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2006 khi một số người tố giác tiếp cận The Epoch Times để làm chứng về hoạt động này, vốn đang làm dấy lên mối lo ngại ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.
Cả Quốc hội Hoa Kỳ và Nghị viện Âu Châu đều đã thông qua các nghị quyết phản đối hoạt động này, cũng như cả một danh sách gồm các quốc gia khác đang ngày càng tăng lên, với hai quốc gia gần đây nhất là Bỉ và Áo. Hơn một chục quận và tiểu bang của Hoa Kỳ đã thông qua các nghị quyết nhằm hạn chế du lịch nội tạng đến Trung Quốc.
Nhưng ông Perry mong muốn nhiều hơn, chứ không chỉ là những tuyên bố.
Ông nói: “Các thủ phạm cần phải bị đưa ra chịu trách nhiệm, và việc đào tạo cũng như hợp tác với các bác sĩ cấy ghép của Trung Quốc nên chấm dứt.”
Nhà lập pháp này đã chỉ ra sự im lặng về vấn đề này của các cơ quan nhân quyền quốc tế. Ông nói rằng “Hội đồng Nhân Quyền có vấn đề” của Liên Hiệp Quốc vẫn chưa chính thức đưa ra một lập trường về cách đối đãi với [các học viên] Pháp Luân Công, mặc dù hàng chục chuyên gia và báo cáo viên đặc biệt đã đưa ra một tuyên bố hồi tháng Sáu năm ngoái nói rằng họ “vô cùng lo lắng”.
Ông Perry cho hay chính quyền Trung Quốc đã né tránh được phần lớn sự giám sát đối với chiến dịch của mình bằng cách dập tắt những tiếng nói chỉ trích, chỉ để lại “những gì Đảng Cộng sản muốn quý vị thấy.”
Ông nói thêm: “Đây là cuộc chiến hàng ngày của Đảng Cộng sản Trung Quốc chống lại phương Tây.”
Khi bị chất vấn về những hành vi vi phạm nhân quyền của mình, những phản ứng của nhà cầm quyền này thường xen kẽ giữa các biện pháp trừng phạt trả đũa, những lời đe dọa, và các luận điểm tuyên truyền. Tháng Năm năm ngoái (2021), Bắc Kinh đã đưa một cựu quan chức tự do tôn giáo của Hoa Kỳ vào danh sách đen sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hành động để xử phạt một cựu giám đốc an ninh Trung Quốc, người đã giám sát cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Bảo vệ trật tự quốc tế
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công vẫn chưa giảm bớt trước thềm Thế vận hội Bắc Kinh.
Hôm 14/01/2022, một tòa án ở Bắc Kinh đã kết án 11 học viên Pháp Luân Công lên tới 8 năm tù, vì các tài liệu họ cung cấp cho The Epoch Times để làm sáng tỏ về cách ứng phó đại dịch của nhà cầm quyền này hồi đầu năm 2020.
Dân biểu Mary Miller (Cộng Hòa-Illinois), một nhà đồng bảo trợ dự luật này, cho biết chiến dịch mạnh tay của Bắc Kinh chống lại Pháp Luân Công phù hợp với mô hình đàn áp rộng lớn hơn của nhà cầm quyền này.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại bất kỳ ai không tôn thờ Đảng Cộng sản và chính quyền chuyên chế như là quyền lực tối cao trong cuộc đời họ,” bà nói với The Epoch Times trong một thư điện tử.
“Cộng đồng quốc tế không nên chấp nhận chính quyền áp bức của Trung Quốc trong khi Trung Quốc từ chối một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus corona Vũ Hán và giam giữ các cộng đồng Cơ Đốc giáo và các nhóm thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ và Pháp Luân Công.”
Cho đến nay dự luật này đã có bốn nhà lập pháp đồng bảo trợ, tất cả đều thuộc Đảng Cộng Hòa. Ông Perry nói rằng ông đã nói chuyện với các nhà lập pháp Đảng Dân Chủ và cố gắng bổ sung các biện pháp chịu trách nhiệm về thu hoạch nội tạng vào Đạo luật CẠNH TRANH của Hoa Kỳ, một dự luật sâu rộng của Hạ viện Hoa Kỳ ban đầu nhằm mục đích thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ với Trung Quốc, nhưng các đồng sự Đảng Dân Chủ của ông “thậm chí còn không muốn nghe bản sửa đổi này.”
“Chúng ta có đứng về phía nhân loại không?” ông nói trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình NTD. “Đây hẳn phải là một vấn đề dễ dàng trong một quốc gia bị chia rẽ, nơi không có nhiều điều mà chúng ta đồng quan điểm. Tất nhiên, tôi không thể hình dung được rằng chúng ta bất đồng quan điểm với nhau về vấn đề đó.”
Ông Perry coi việc chống lại cuộc đàn áp của Trung Quốc không chỉ là làm một “điều đúng đắn và tử tế”.
Đó là về việc bảo vệ trật tự quốc tế mà nhà cầm quyền này “dự định loại bỏ … một trật tự mà hoàn toàn không phù hợp với những lạm dụng của Trung Quốc,” ông viết trong bức thư điện tử nói trên.
“Phương án thay thế của ĐCSTQ cho một trật tự quốc tế được chấp nhận rộng rãi là một hệ thống ‘có thể biến [sai] thành đúng’, trong đó mọi thứ đều có thể được biện minh – thậm chí là những xâm phạm nghiêm trọng về nhân phẩm – nếu thủ phạm đủ mạnh về mặt thể chất để dập tắt bất kỳ người nào bất đồng ý kiến,” ông nói. “Đây là lý do tại sao chúng ta phải tiếp tục đối mặt với những hành vi vi phạm nhân quyền của CHND Trung Hoa [Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa] và cô lập chúng trên vũ đài thế giới ở bất cứ nơi nào mà chúng ta có thể.”
Ông Perry nói thêm rằng, “Điều ảnh hưởng đến các nhóm bị đàn áp ở Trung Quốc ngày hôm nay có thể ảnh hưởng đến những người khác trên toàn thế giới vào ngày mai — và chúng ta không thể để điều đó xảy ra”.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: