BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Mất nhà vì nợ 588 USD thuế nhà đất — tại 12 tiểu bang, chính phủ có thể tịch thu nhà, giữ lại tất cả số tiền thu được
Đó là một giấc mơ trở thành sự thực — hay đúng hơn là sắp trở thành sự thực — khi gia đình nhà Hall mua ngôi nhà vĩnh viễn của họ. Ngôi nhà này có mọi thứ họ cần và còn hơn thế nữa: năm phòng ngủ, bốn phòng tắm, một phòng sinh hoạt chung cho cả gia đình, một phòng ăn, một nhà để xe rộng rãi; nơi đây có nhiều trường học tốt, và một môi trường dân cư tốt. Ngôi nhà này chắc chắn cần sửa sang thêm, nhưng họ cảm thấy đủ sức làm việc này. Ông Prentiss Hall, một nhà thầu sửa chữa nhà cửa, đã biến ngôi nhà này thành dự án cả đời của mình, và mọi người đã chung tay giúp đỡ — vợ ông, bà Tawanda Hall; sáu người con của ông; những người họ hàng; cùng những người bạn của ông.
Bà Tawanda Hall kể với The Epoch Times: “Chúng tôi đã thực sự rất phấn khích.”
Họ đã thương lượng mức giá xuống còn 67,000 USD — có lẽ là một món hời, nhưng ngôi nhà này đã đòi hỏi ở họ một lượng “tình yêu và sự quan tâm dịu dàng” nhiều đến mức đáng sợ.
Bà cho biết, “Ngôi nhà đã tồn tại ở đó một thời gian rồi. Tôi đoán nó đã có nấm mốc bên trong, và cần lắp các cửa sổ, cửa ra vào và hệ thống điện mới.”
“Thành phố bắt chúng tôi phải có đủ các loại giấy phép để được sửa sang ngôi nhà này theo đúng với quy định. Vì vậy, chúng tôi đã đến đó và bắt đầu làm việc.”
Phải mất khoảng một năm trước khi họ có thể chuyển đến ngôi nhà đó, tọa lạc tại vùng ngoại ô Detroit yên tĩnh của Southfield, tiểu bang Michigan. Và theo bà Tawanda Hall, phải mất vài năm họ mới cảm thấy “thoải mái” trong ngôi nhà này.
Kết quả thật xứng đáng với công sức bỏ ra.
“Đó là một ngôi nhà mơ ước. Căn nhà đủ lớn … để gia đình chúng tôi ở đó, chúng tôi có rất nhiều phòng, đủ lớn để tổ chức những bữa tối trong ngày lễ, và mọi người có thể đến và cảm thấy thoải mái,” bà nói.
Đối với một phụ nữ Detroit, thật là tuyệt khi có được một nơi ở yên bình, tránh xa khỏi mọi ồn ào xô bồ.
“Chúng tôi chỉ mới bắt đầu nuôi hy vọng và sắp xếp để ở lại, nuôi dạy những đứa cháu và rồi, quý vị biết đấy …” bà ngập ngừng trước khi giọng nói chìm sâu trong tiếng thở dài.
Những giấc mơ tan vỡ
Vài năm sau, gia đình nhà Hall gặp khó khăn về tài chính. Anh trai tàn tật của bà Tawanda Hall và người mẹ ốm yếu của bà chuyển đến sống cùng họ, cùng lúc đó thì tất cả tiền bạc của họ vẫn được dùng để nâng cấp ngôi nhà này.
“Chúng tôi đã gặp phải rất nhiều chuyện xảy ra cùng một lúc,” bà nói. “Trước khi tôi kịp nhận ra, thì tôi đã bị chậm trễ trong việc nộp tất cả các khoản thuế của mình.”
Thuế nhà đất đối với ngôi nhà rộng 3,700 foot vuông (333 m2) này lên tới hơn 5,000 USD. Trong một vài năm, khoản nợ này tăng vọt lên hơn 22,000 USD, tính cả tiền lãi lẫn các khoản phí.
Hồi tháng 02/2018, Quận Oakland đã tịch thu ngôi nhà của bà.
Tháng tiếp theo, quận này đã đưa gia đình nhà Hall vào một kế hoạch thanh toán 650 USD mỗi tháng, nhằm cho phép họ lấy lại ngôi nhà. Theo các tài liệu tòa án được The Epoch Times xem xét, họ đã trả trước được vài tháng và được thông báo rằng họ không cần phải lo lắng về việc thanh toán đúng hạn miễn là họ thanh toán hết khoản tiền đó trước tháng 02/2019.
Tuy nhiên, vào tháng 06/2018, quận này lại bất ngờ chuyển ngôi nhà cho thành phố Southfield, Michigan, nơi có một quyền ưu tiên mua nhà đất bị tịch thu với giá của khoản nợ đó.
Gia đình nhà Hall được thông báo rằng họ phải chuyển ra ngoài.
Bốn tháng sau, thành phố Southfield trao ngôi nhà này cho một công ty tư nhân, Southfield Neighborhood Revitalization Initiative, với giá 1 USD.
Đầu năm 2020, ngôi nhà được rao bán trên thị trường và sau đó được bán với giá hơn 300,000 USD.
Gia đình nhà Hall đã thật bàng hoàng khi biết rằng họ không được hưởng một xu nào trong khoản thanh toán đó.
Bà Tawanda Hall nói: “Tôi cảm thấy như ai đó đã cướp nhà của tôi và gia đình tôi.”
Chưa đầy một tháng sau, ông Prentiss Hall qua đời. Bà cho biết việc mất ngôi nhà đã khiến ông vô cùng căng thẳng, và sức khỏe của ông ngày càng sa sút.
Vấn đề lan rộng
Hàng ngàn người Mỹ đã bị đặt vào một tình thế tương tự — mất nhà cửa và các tài sản khác vì các khoản nợ thuế vốn chỉ chiếm một phần nhỏ trong giá trị tài sản đó.
Ở hầu như mọi nơi trên đất nước này, một thông lệ như vậy là bất hợp pháp. Giới chức địa phương được phép tịch thu nhà đất do chưa nộp thuế, nhưng họ phải bán tài sản này và trả lại cho chủ sở hữu mọi thứ vượt quá số tiền họ nợ.
Những nơi cho phép chính phủ giữ lại toàn bộ nhà đất và toàn bộ số tiền bán được là District of Columbia (DC) và 12 tiểu bang, gồm có Maine, Massachusetts, New York, New Jersey, Illinois, Alabama, Minnesota, South Dakota, Nebraska, Colorado, Arizona, và Oregon.
Chín tiểu bang khác — trong đó có Alaska, California, Idaho, Nevada, Ohio, và Rhode Island — có nhiều lỗ hổng khác nhau, chủ yếu là cho phép chính phủ tiểu bang giữ những tài sản đó để sử dụng cho mục đích công cộng. Montana cho phép chính phủ giữ tất cả số tiền thu được từ việc bán địa ốc thương mại, chứ không phải là địa ốc dân cư. Texas cho phép chính phủ bán địa ốc giảm giá trong một số trường hợp. Wisconsin cho phép các chính phủ giữ lại địa ốc, nhưng nếu họ bán các tài sản đó, thì số tiền dư ra thu được sẽ phải trả lại cho chủ sở hữu ban đầu, theo Tổ chức Pháp lý Thái Bình Dương (PLF), một tổ chức bất vụ lợi đã theo sát và tranh tụng về vấn đề này.
Từ năm 2014 đến năm 2021, cách làm này đã khiến các chủ sở hữu nhà tổn thất hơn 860 triệu USD giá trị nhà, trải rộng trên khoảng 6,200 căn nhà. Tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp mà PLF có thể ghi lại bằng cách xem xét các quận đông dân hơn ở 12 tiểu bang này và chỉ đối với những căn nhà có đủ thông tin. Đối với hàng ngàn căn nhà khác, thì không có đủ thông tin. Và còn nhiều vô kể các căn nhà khác mà PLF chưa xem xét.
Hầu hết vốn chủ sở hữu bị mất đã bị lãng phí bằng cách bán các căn nhà với một mức giá chiết khấu sâu. Dựa trên dữ liệu từ gần 4,700 vụ mua bán nhà đất, khoảng 30 triệu USD thực sự đã đổ về kho bạc của chính phủ, trong khi khoảng 280 triệu USD khác đã chảy vào túi các nhà đầu tư tư nhân, những người mua nợ thuế nhà đất từ các chính phủ và sau đó tịch thu các căn nhà rồi bán đi.
Cuộc chiến pháp lý
Đối với luật sư David Deerson của PLF, vấn đề này chung quy là hành vi trộm cắp.
Ông nói với The Epoch Times: “Đúng là chính phủ có thể lấy đi nhà của quý vị với một vài giới hạn, nhưng một trong những giới hạn đó là, bất kể điều gì xảy ra, thì chính phủ phải trả tiền cho quý vị vì đã làm điều đó.”
Theo quan điểm của ông Deerson, các chính phủ đã biện hộ cho hoạt động này trên cơ sở những lý do về mặt “pháp lý.”
“Người ta thường hiểu rằng các quyền tư hữu nhà đất không được Hiến Pháp tạo ra,” ông nói. “Những quyền này được Hiến Pháp bảo vệ, nhưng được tạo ra bởi các nguồn luật khác, chẳng hạn như luật tiểu bang.”
Do đó, các chính phủ đã lập luận rằng chủ sở hữu nhà đất không sở hữu giá trị của một tài sản vượt quá một khoản nợ trừ phi luật cụ thể của tiểu bang quy định như vậy.
Giải thích về lập luận này của các chính phủ, ông Deerson cho biết: “Không thể có một quyền tư hữu nhà đất bằng vốn chủ sở hữu bởi vì nếu quý vị nhìn vào cách mà các đạo luật được viết, thì những luật này sẽ không cho quý vị một cơ hội nào để lấy lại vốn chủ sở hữu của mình.”
PLF và một loạt các nhóm vận động và pháp lý trên khắp quang phổ chính trị đều không đồng tình.
Ông nói: “Trong mọi bối cảnh khác mà quý vị có thể hình dung ra, vốn chủ sở hữu phải được xem là quyền tư hữu nhà đất.”
Trong một vụ ly hôn, vốn chủ sở hữu của một căn nhà được xem là một phần tài sản cần được chia. Trong trường hợp một cá nhân bị tịch thu nhà đất thế chấp, ngân hàng không thể lấy một xu nào vượt quá số tiền người đó đã nợ.
“Tất nhiên, họ phải trả lại cho quý vị phần vốn cổ phần dư ra. Tại sao? Bởi vì quý vị có một quyền tư hữu nhà đất đối với phần vốn đó,” ông Deerson nói.
“Vốn chủ sở hữu không được xem là một quyền tư hữu nhà đất chỉ khi chính phủ đang cố gắng lấy phần vốn đó đi.”
Hồi năm 2020, PLF đã nhận được một phán quyết của Tòa án Tối cao Michigan theo đó cấm chính phủ tiểu bang này giữ lại số tiền dư ra thu được từ việc tịch thu nhà đất do nợ thuế trong tiểu bang. Phán quyết đó lẽ ra đã giải quyết được trường hợp của bà Tawanda Hall, nhưng chính phủ tiểu bang Michigan vẫn tiếp tục tranh tụng vấn đề này lên các tòa án liên bang.
Hồi tháng 10/2022, Tòa phúc thẩm liên bang Khu vực 6, nơi có quyền tài phán đối với Michigan, đã ra phán quyết rằng kiểu hành xử này là vi hiến, nhưng chính phủ tiểu bang đã kháng cáo lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, khiến vụ việc chưa được giải quyết.
Đầu năm nay, Tối cao Pháp viện thông báo rằng họ sẽ thụ lý một vụ án tương tự ở Minnesota, nơi mà một cụ bà 94 tuổi bị mất căn hộ của mình do chưa nộp khoảng 15,000 USD tiền thuế cùng các chi phí. Chính phủ tiểu bang này đã bán căn hộ đó với giá 40,000 USD, một lần nữa giữ lại từng xu.
PLF đang trong quá trình tranh luận vụ án này trước Tối cao Pháp viện, với phiên điều trần đầu tiên được ấn định vào ngày 26/04.
Án lệ Tyler kiện Quận Hennepin có thể quyết định số phận của bà Tawanda Hall và hàng ngàn người khác.
Bà Tawanda Hall nói: “Tôi hy vọng rằng họ có thể thay đổi luật này vì điều đó là không công bằng đối với nhiều gia đình vốn đã đặt toàn bộ cuộc sống của họ vào những ngôi nhà của họ.”
Luận cứ ‘sai’
Mặc dù vấn đề có vẻ rõ ràng, nhưng các tòa án đã bị chia rẽ về vấn đề này trong nhiều thập niên.
Tại Nebraska, Tòa án Tối cao của tiểu bang này đã công nhận kiểu hành xử đó. Năm ngoái, Tòa Phúc thẩm liên bang Khu vực 8, đặc trách một số tiểu bang như Nebraska, South Dakota, và Minnesota, cũng cho phép cách làm này.
Theo ông Deerson, chính sự chia rẽ này giữa Tòa Phúc thẩm Khu vực 6 và Tòa Phúc thẩm Khu vực 8, vốn đều xuất phát từ các vụ kiện của PLF, có khả năng đã khiến Tối cao Pháp viện phải giải quyết vấn đề này.
Ông không nghĩ rằng Tòa án Tối cao Nebraska có ác ý trong phán quyết của mình.
Ông Deerson nói: “Chúng tôi chỉ nghĩ rằng tòa án đã hiểu sai.”
Ông cho biết tòa án này đã lập luận rằng “về căn bản, bởi vì quy trình này đã diễn ra trong một thời gian dài nên phải là hợp hiến.”
“Đó không phải là một nguyên tắc luật mà chúng tôi đồng ý,” ông Deerson nói.
Các chính phủ cũng lập luận rằng nguy cơ mất toàn bộ tài sản đóng vai trò như một biện pháp ngăn chặn tình trạng nợ thuế. Theo nghĩa đó, vốn chủ sở hữu bị mất đó có thể được xem như một hình thức phạt.
Theo ông Deerson, cách làm đó vẫn không phù hợp với Hiến Pháp.
“Vâng, chính phủ có thể tính tiền phạt, nhưng các khoản tiền phạt này phải tương xứng với bất cứ hành vi phạm tội nào. Và việc không nộp thuế — đó không phải là một hành vi phạm tội; đó là một vi phạm dân sự,” ông nói.
Ông Deerson nhận định, nếu một chính phủ cố gắng tịch thu một ngôi nhà như một hình thức phạt do vi phạm thuế, “thì điều đó ắt hẳn trông giống như một khoản tiền phạt quá mức, vốn bị cấm trong Tu chính án thứ Tám của Hiến Pháp.”
Rơi vào khó khăn tài chính
Theo ông Deerson, thông thường việc nộp thuế trễ không xuất phát từ ý định phạm tội.
Ông nói: “Thường thì việc này chỉ đơn giản là do không đủ khả năng chi trả hoặc không hiểu thủ tục.”
Lấy trường hợp của ông Kevin Fair làm ví dụ, ông đã nghỉ việc tại một tiệm sửa khóa để chăm sóc cho người vợ đang mắc bệnh đa xơ cứng của mình.
Ông nói với The Epoch Times: “Tôi không muốn để bà ấy một mình, và tôi cũng không đủ tài chính để thuê người đến coi sóc bà ấy, vì vậy tôi nghỉ việc để ở nhà chăm bà ấy, và chúng tôi dùng số tiền ít ỏi dành dụm được để trả các hóa đơn y tế.”
Vào năm 2014, ông đã bỏ lỡ hóa đơn thuế nhà đất trị giá 588 USD cho ngôi nhà nhỏ của họ ở Scottsbluff, Nebraska. Quyền nắm giữ tài sản vì nợ thuế đã được một nhà đầu tư tư nhân tên Continental Resources mua lại. Sau đó công ty này bắt đầu thanh toán các hóa đơn thuế của ông và chồng thêm 14% tiền lãi lên các khoản tiền đó.
Đến năm 2018, khoản nợ này dồn tích lại lên hơn 5,000 USD. Theo PLF, ông Fair được thông báo rằng ông hoặc phải trả số tiền này trong vài tháng hoặc công ty đó sẽ sở hữu ngôi nhà trị giá khoảng 60,000 USD của ông.
Điều đó không khả thi đối với ông Fair, khi mà vợ của ông đã qua đời và hàng tháng ông phải sống nhờ vào khoản tiền 900 USD từ quỹ An sinh Xã hội.
Mỗi tháng ông đều phải trả lên tới 600 USD cho các loại hóa đơn, và ông chỉ còn lại rất ít tiền để sinh sống.
“Ngay trong tháng này, tôi không có đồng nào trong người hết. Thế thôi. Tôi phá sản rồi,” ông Fair nói.
“Tôi ăn rất nhiều thịt hộp và những thức ăn đại loại như vậy vì đó là thứ duy nhất mà tôi có thể mua được. Và nếu họ đuổi tôi ra khỏi ngôi nhà này … thì tôi sẽ lang thang trên đường phố,” ông nói.
PLF đã có thể thương lượng để ông Fair, hiện đã 66 tuổi, có thể ở lại ngôi nhà này trong lúc vụ kiện lên Tối cao Pháp viện đang chờ giải quyết.
Ông Fair cho biết ông sẵn sàng chuyển đi nếu ông có thể giữ được số tiền mặt dư ra sau khi ngôi nhà này được bán đi. Ngoài ra, ông hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận với công ty hiện đang sở hữu ngôi nhà của ông — ví dụ như trả cho họ tiền thuê nhà chẳng hạn.
“Dường như họ khó có khả năng đồng ý việc này,” ông nói.
Khó thách thức
Ở một số khu vực pháp lý, luật tịch thu nhà đất do nợ thuế hầu như không bị thách thức.
Ông Deerson nói: “Những người từng không đóng thuế nhà đất của họ, vì những lý do mà quý vị có thể hình dung ra, thường là một số người ít có khả năng chống lại sự lạm dụng của chính phủ.”
“Ý tôi là, người ta không cố tình phớt lờ việc nộp thuế nhà đất của họ. Không phải là họ sung sướng gì khi bỏ qua luật pháp. Mà họ thường là những người cao niên, nghèo khó, ốm yếu, hoặc đang phải chăm nom thân nhân bị bệnh. Và vì những lý do tương tự mà họ đang khó có thể đóng kịp thuế nhà đất của mình, họ cũng sẽ khó có thể để tìm được những người đại diện phù hợp để hiểu các quyền của họ là gì và họ có thể làm gì để ứng đối.”
Ở Massachusetts, PLF đã đại diện cho một số thân chủ trong các tình huống tương tự như của ông Fair, với một công ty tư nhân mua nợ của họ và sau đó tịch thu nhà của họ. Theo luật sư Josh Polk của PLF, trong tất cả các trường hợp như vậy, công ty đã đồng ý dàn xếp vụ việc trước khi tòa án có cơ hội xem xét tính hợp hiến của luật này.
“Tại đây chúng ta đang nói về một cách làm ăn mang lại lợi nhuận béo bở. Các nhà đầu tư có thể mua một quyền nắm giữ tài sản vì nợ thuế với giá vài ngàn dollar và sau đó tiếp tục bán tài sản đó đi với giá hàng trăm ngàn dollar, để thu về một khoản lợi nhuận kếch xù bằng phí tổn của người đóng thuế,” ông nói với The Epoch Times.
“Và vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi họ mong muốn dàn xếp hơn là đưa vấn đề này lên Tòa án Tối cao Massachusetts.”
Theo ông Polk, một vài năm trước, tòa án cấp cao nhất của tiểu bang “dường như báo hiệu rằng họ muốn xét xử vấn đề này nhưng chưa có cơ hội.”
Ông nói: “Và vì vậy chúng tôi rất nóng lòng muốn cho tòa án này cơ hội như thế.”
Trường hợp của ông Alan DiPietro có thể mang đến cơ hội như vậy.
Năm 2014, ông DiPietro đã mua năm lô đất với tổng diện tích 34 mẫu Anh (13.76 hecta).
Ông nói với The Epoch Times: “Tôi từng muốn mang những con lạc đà không bướu của mình đến đây.”
Ông DiPietro đã nuôi những con vật có gốc gác Nam Mỹ này từ năm 2008 để lấy bộ lông mịn của chúng, và khu đất này đã mang lại cho ông hy vọng rằng rốt cuộc ông sẽ phát triển công việc kinh doanh này đến mức nào đó sinh lời.
Thế nhưng thay vào đó, thị trấn Bolton, Massachusetts, đã mang đến cho ông một loạt các thủ tục và quy định rườm rà, trong đó có một vụ kiện về việc ông được cho là đã làm ảnh hưởng đến một vùng đất ngập nước trên khu đất của mình.
Không lâu sau, ông bị chậm nộp thuế.
Các khoản thanh toán bị bỏ lỡ bắt đầu với 6,116 USD hồi năm 2017 đã tăng lên khoảng 60,000 USD chỉ sau bốn năm.
Ông đã cố bán một trong những lô đất này để trả nợ, nhưng thị trấn Bolton không cấp cho ông các giấy phép cần thiết để bán lô đất đó. Thị trấn này lý luận rằng ông không thể có được giấy phép vì ông chậm nộp thuế.
“Tôi nói, ‘Chà, tôi đang cố bán cái này để trả thuế. Nếu quý vị đưa cho tôi các loại giấy phép, thì tôi sẽ bán tài sản, một lô đất, và tôi sẽ trả thuế,” ông nói. “Và ơ kìa, họ không thích ý tưởng đó.”
Ông DiPietro đã thử những cách khác: chặt một số gỗ trên mảnh đất và bán — chính phủ đã ngăn cấm điều này; rồi trồng cây gai dầu trên mảnh đất ấy — chính phủ cũng lại cấm tiếp, ông cho hay.
“Họ chỉ sử dụng việc ngăn cấm như một đòn bẩy chống lại tôi,” ông nói. “Họ biết rằng họ không cần phải đối phó với tôi.”
Cuối cùng, chính phủ địa phương đã tịch thu lô đất trên và tiến hành trục xuất ông DiPietro.
“Chúng tôi đã tranh đấu với chính phủ địa phương tại tòa án tiểu bang,” ông chia sẻ.
Vụ việc đã bị đình chỉ, chờ phán quyết từ vụ kiện lên Tối cao Pháp viện của PLF.
‘Bán đi để lấy tiền làm việc khác’
Nếu vụ kiện này diễn ra theo ý ông, thì ông DiPietro vẫn sẽ mất mảnh đất. Tuy nhiên, vì mảnh đất này có giá trị khoảng 370,000 USD theo ước tính của PLF, nên ít nhất ông sẽ có tiền để bắt đầu lại.
“Tôi không có nhiều sự lựa chọn vào thời điểm này. Tôi thà có còn hơn không,” ông nói. “Rõ ràng là tôi muốn ở lại đây và tiếp tục những gì tôi đang làm, nhưng với kiểu hành xử của thị trấn này, thì quý vị biết đấy, tôi có thể sẽ rất vui khi chỉ cần bán đi để lấy tiền làm việc khác.”
Ông DiPietro cũng sẽ chuyển đi xa.
“Có lẽ tôi sẽ chuyển về miền nam. Tôi nghĩ tôi đã chịu đủ với Massachusetts rồi,” ông nói.
Ông DiPietro cho rằng bầu không khí ở tiểu bang này đã trở nên quá ngột ngạt.
“Tôi đã sống ở đây cả đời, và thật không may, những người xung quanh đây … họ có một số ý tưởng điên rồ về những gì họ có thể và không thể bảo hàng xóm của họ làm. Thực tế này không thực sự còn là một hoàn cảnh sống-và-cho-phép-sống nữa. Mà có một số người nghĩ rằng họ có thể ra lệnh cho mọi thứ trong cuộc sống của quý vị,” ông nói. “Tôi nhận được 34 mẫu Anh. Tôi đang canh tác trên mảnh đất này. Tôi không làm hại ai cả. Tôi không cần họ đặt điều này nọ để đến và phá quấy tôi. Tôi thực sự không còn muốn sống theo cách đó nữa.”
Giống như nhiều người khác, ông DiPietro không biết rằng ở tiểu bang Massachusetts, chính phủ có quyền bán các tài sản bị tịch thu.
“Đó chính là hành vi đi ăn cắp một cách hợp pháp. Ý tôi là, thật tệ khi quý vị phải trả thuế nhà đất cho những thứ quý vị đã sở hữu, nhưng sau đó họ sẽ lấy đi mọi thứ? Tôi thực sự kinh ngạc,” ông bày tỏ.