Tác động ẩn giấu của các trang trại quang năng quy mô lớn: Cư dân và động vật hoang dã bị ảnh hưởng, tầng nước ngầm bị đe dọa
Các vùng sa mạc của California đang biến thành một biển các tấm pin quang năng, trong bối cảnh tiểu bang này tìm cách đạt được các mục tiêu năng lượng tái tạo đầy tham vọng. Nhưng một nhóm ngày càng nhiều cư dân và các nhà bảo vệ môi trường đang nói rằng hành động này sẽ khiến tiểu bang phải trả giá đắt bằng động vật hoang dã, sức khỏe của cư dân gần đó, những vùng đất bản địa, và thậm chí là cả giá trị tài sản.
Với 776 trang trại quang năng sản xuất khoảng 17% lượng điện cho California, Tiểu bang Vàng (Golden State) đang tràn ngập những tấm pin màu xanh và bạc sáng chói nằm rải rác trên hàng trăm ngàn mẫu Anh.
Theo các chuyên gia, hàng triệu tấm pin đã được lắp đặt ở phía đông Los Angeles trên Sa mạc Mojave trong năm năm qua, và trong quá trình đó đã làm thay đổi diện mạo cảnh quan, đồng thời kéo theo một loạt các thách thức mới cho cư dân xung quanh.
Ông Dustin Mulvaney, một giáo sư nghiên cứu môi trường tại Đại học Tiểu bang San Jose cho biết ông lo ngại về tác động của các trang trại quang năng này đối với đất công, bao gồm cả thiệt hại đối với hệ sinh thái, đất đai và nhu cầu nước cao.
“Có lo ngại về nguy cơ cạn kiệt nước ngầm,” ông Mulvaney nói với The Epoch Times.
Một đạo luật của California đã được thông qua hồi năm 2014 nhằm quy định việc sử dụng nước ngầm và được thiết kế để bảo vệ nguồn cung cấp nước, nhưng luật này lại không áp dụng cho các vùng đất công.
Đất công được quản lý bởi Cục Quản lý Đất đai, một cơ quan liên bang giám sát 245 triệu mẫu đất — 15 triệu mẫu trong số đó nằm ở California.
Cơ quan này đã ưu tiên 870,000 mẫu Anh trên toàn quốc để phát triển quang năng, với hơn 200,000 mẫu Anh ở California đã trở thành nơi đặt các tấm pin quang năng, theo trang web của cơ quan này.
Nhưng những lo ngại về tác động đối với động vật hoang dã khiến một số nhóm vận động kêu gọi tạm dừng các hoạt động mở rộng như vậy cho đến khi có các hướng dẫn để áp dụng, vì động vật đang bị mất môi trường sống và thay đổi mô hình di cư do số lượng những trang trại quang năng như vậy đang gia tăng.
Theo các chuyên gia, người dân đã quan sát thấy những chú chim đã và đang nhầm các tấm pin quang năng màu xanh sáng bóng với nước, và sai lầm này là tai hại, vì nhiệt độ cực cao từ vật liệu phản chiếu này có thể thiêu rụi chúng ngay lập tức.
Theo các nhà môi trường học, rùa sa mạc đang bị sát hại và bị di dời, cừu sừng lớn và hươu nai bị hạn chế tiếp cận một số khu vực do hàng rào dây thép gai dài 6 foot (khoảng 1.8 mét) bao quanh các trang trại quang năng, dẫn đến mất đi môi trường ăn cỏ và hạn chế một số sinh vật di chuyển trên đường mòn để tiếp cận các nguồn nước.
Và các hành lang được thiết kế để cho phép động vật hoang dã di chuyển đang mời gọi các loài săn mồi — vì những loài ăn thịt ranh mãnh này đang học cách chờ đợi con mồi xuất hiện từ những dải cỏ hẹp — vào các cộng đồng, với sự gia tăng tần suất phát hiện chó sói và sư tử núi kể từ khi hàng rào được lắp đặt, theo cư dân.
Các vấn đề về sức khỏe khiến một số cư dân phải rời đi
Cư dân của Lake Tamarisk Desert Resort nằm giữa Phoenix và Los Angeles ở Desert Center, California, cho biết việc xây dựng các trang trại quang năng như vậy đang gây phiền nhiễu đáng kể, với một số người báo cáo về các vấn đề sức khỏe do lượng bụi tăng lên trong khu vực.
Cô Patti Cockcroft cho biết cô đã phải tìm kiếm chăm sóc y tế kể từ khi bắt đầu bị ho nặng vào tháng Ba sau khi dành hai tháng trong ngôi nhà ở vùng sa mạc của mình — vốn bị ảnh hưởng bởi gió lớn và bụi từ một cánh đồng quang năng gần đó.
Các xét nghiệm hiện đang được tiến hành để xác định xem cô có bị sốt thung lũng (Coccidioidomycosis) — một căn bệnh nghiêm trọng liên quan đến các biến chứng nặng đối với sức khỏe và có khả năng gây tử vong — hay không. Đồng thời, các bác sĩ cũng nói với cô rằng hoàn cảnh sống khắc nghiệt có thể là nguyên nhân gây ra cơn hen suyễn nặng.
“Không còn thú vị lắm khi nghĩ đến việc quay trở lại sa mạc,” cô Cockcroft cho biết trong một thư điện tử gửi tới The Epoch Times.
Các chuyên gia đồng tình rằng các vấn đề liên quan đến việc loại bỏ đất trong quá trình xây dựng và việc con người tiếp xúc quá nhiều với bụi như một hậu quả kéo theo là đáng báo động.
“Vấn đề thực sự về sức khỏe cộng đồng là sốt thung lũng,” ông Mulvaney thuộc trường Đại học Tiểu bang San Jose, nói với The Epoch Times.
Năm 2018, các Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh đã tiến hành các cuộc điều tra, và phát hiện ra rằng tỷ lệ mắc bệnh sốt thung lũng gia tăng ở các nhân viên xây dựng trang trại quang năng do làm việc trong điều kiện bụi bặm, nơi họ hít phải các bào tử nấm trong đất bị bay vào không khí.
Sau khi nhận được những báo cáo về các thương tích tại nơi làm việc liên quan đến sốt thung lũng, các nhà điều tra đã phát hiện ra rằng công nhân trang trại quang năng ở California có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 4.4 đến 210.6 lần so với những người khác làm việc và sống trong cùng các quận.
Theo các chuyên gia, điều kiện bụi bặm cũng có thể dẫn đến tình trạng mắc bệnh bụi phổi silic, vốn là mối lo ngại đặc biệt đối với những người thợ sản xuất pin quang năng cũng như công nhân và cư dân gần đó trong quá trình lắp đặt.
Các vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến cộng đồng
Một vụ đụng xe hàng loạt đã xảy ra gần Los Angeles hồi năm 2013. Nguyên nhân một phần là do một dự án phát triển quang năng. Trong vụ việc này, sáu người đã bị thương khi một đám mây bụi khổng lồ buộc Xa lộ Antelope Valley phải đóng cửa.
Theo bà Teresa Pierce, một cư dân khác của Hồ Tamarisk, những nỗ lực nhằm giảm thiểu bụi của các công ty quang năng đang gây ra nhiều vấn đề phức tạp cho một số cộng đồng địa phương.
Theo bà Pierce, những công ty như vậy lái xe chở nước chạy bằng dầu diesel, tạo ra ô nhiễm tiếng ồn và bụi trong khi hút cạn các tầng nước ngầm không được bổ sung thường xuyên theo tự nhiên.
“Xe chở nước của họ sẽ chạy vòng quanh trạm xăng của chúng tôi,” bà Pierce nói với The Epoch Times. “Nơi đó đã biến thành một cái bát đầy bụi với tiếng ồn xây dựng không ngớt.”
Theo người dân, những nỗ lực trước đó để liên lạc với quận, Cục Quản lý Đất đai, và đại diện của các công ty quang năng đã vấp phải sự phản đối.
“Họ nói rằng họ đang cố gắng làm việc với cộng đồng, nhưng không, không phải như vậy,” bà Pierce nói với The Epoch Times. “Họ mang theo bản đồ giả khi đến trình bày cho chúng tôi.”
Trong khi yêu cầu một lệnh cấm các trang trại quang năng trong tương lai trong phạm vi năm dặm của Hồ Tamarisk, những người ủng hộ ở địa phương nói với các nhà lập pháp rằng cộng đồng của họ đang bị biến thành một “hòn đảo trong một biển quang năng chết.”
Theo người dân, giá trị bất động sản trong các cộng đồng gần những nơi đặt trang trại quang năng đã bị ảnh hưởng, với những lô đất từng đáng ao ước giờ trở nên khó bán.
Các cộng đồng khác nói rằng các trang trại quang năng quá gần để tạo sự thoải mái.
Số trại quang năng ở xung quanh Hồ Tamarisk đã dần tăng lên, khiến một cộng đồng dân cư khoảng 500 người cảm thấy ngột ngạt, với một số cư dân thuật lại rằng các tấm pin được dự định lắp đặt cách những ngôi nhà mà họ đã sống trong nhiều thập niên khoảng 750 feet (khoảng 228 mét).
Người dân đã liên hệ với mọi bên chịu trách nhiệm, từ các đại diện địa phương mãi cho đến Tổng thống Joe Biden, với phản hồi duy nhất đến từ Thượng nghị sĩ Alex Padilla (Dân Chủ-California), người đã đồng ý gặp mặt để thảo luận, theo các tài liệu được cung cấp cho The Epoch Times.
Một vấn đề phức tạp khác là việc phá hoại các nguồn tài nguyên văn hóa trên các vùng đất của bộ lạc.
Sa mạc Mojave và các khu vực khác nơi quá trình lắp đặt diễn ra đều nằm trên các lãnh thổ bản địa có giá trị lịch sử. Việc mất đi các văn vật, khu chôn cất của tổ tiên, và cảnh quan văn hóa đang ảnh hưởng đến các cộng đồng bộ lạc có nguồn lực hạn chế để chống lại diễn biến mới này, theo hàng loạt các vụ kiện trong 12 năm qua nhằm ngăn chặn việc phát triển dự án quang năng trên các vùng đất bộ lạc.
“Dự án này tọa lạc… trong một khu vực giàu tài nguyên văn hóa đã được sử dụng từ thời xa xưa, không thể nhớ nổi là khi nào nữa,” bà Amanda Barrera, Nữ ủy viên Hội đồng Bộ lạc Da đỏ Sông Colorado, cho biết trong một tuyên bố được đưa ra khi bộ lạc này kiện quận Riverside hồi năm 2014 để ngăn chặn kế hoạch phát triển. “Những nguồn tài nguyên này vẫn còn nguyên vẹn trong hàng ngàn năm, nhưng hiện bị đe dọa bởi áp lực đang ngày càng tăng lên để phát triển … các cơ sở quang năng quy mô tiện ích.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times