Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra phán quyết bác bỏ chính phủ địa phương về việc thu giữ nhà
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã đảo ngược các phán quyết của tòa án mà trong đó chính phủ địa phương đã tịch thu hai ngôi nhà do nợ thuế chưa thanh toán và giữ số tiền bán vượt xa số thuế nợ.
Các nhà phê bình gọi hành vi này là “đánh cắp vốn chủ sở hữu nhà.”
Vụ việc xảy ra sau khi Tổ chức Pháp lý Thái Bình Dương (PLF), đại diện cho các chủ sở hữu nhà trong cả hai trường hợp, công bố một báo cáo vào cuối năm ngoái (2022) cho biết 12 tiểu bang và District of Columbia cho phép chính phủ địa phương và các nhà đầu tư tư nhân tịch thu nhiều hơn đáng kể những gì mà chủ nhà chậm thanh toán thuế địa ốc đã mắc nợ. PLF là một công ty luật quốc gia bất vụ lợi vì lợi ích công cộng quan tâm đến việc chống lại can thiệp quá mức của chính phủ.
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã ban hành các lệnh chưa ký hôm 05/06 để đảo ngược hoàn toàn hai phán quyết của Tòa án Tối cao Nebraska.
Tòa án cao nhất của quốc gia đã không giải thích lý do tại sao họ đã ban hành các lệnh này. Không có thẩm phán nào có ý kiến bất đồng.
Các phán quyết của Tòa án Tối cao Nebraska đã bị bác bỏ và các vụ kiện được gửi trở lại cho tòa án đó “để xem xét thêm trước” phán quyết đồng thuận của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trong vụ Tyler kiện Quận Hennepin hôm 25/05.
Trong phán quyết đó, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã phán quyết rằng một quận ở Minnesota đã có hành vi sai trái đối với một cụ bà 94 tuổi khi buộc bán căn hộ chung cư của bà vì khoản nợ thuế chưa thanh toán và giữ số tiền bán nhà vượt xa số tiền thuế mà bà đã nợ.
Bà Geraldine Tyler đã sở hữu một căn hộ chung cư khiêm tốn một phòng ngủ ở Quận Hennepin, nhưng sau khi bị sách nhiễu và đe dọa gần nhà, bà đã chuyển đến một căn hộ mới ở một khu phố an toàn hơn. Tiền thuê căn hộ mới của bà đã làm cạn kiệt nguồn lực của bà và bà đã rơi vào tình trạng nợ đọng các hóa đơn thuế địa ốc của căn hộ của mình, tích lũy thành khoảng 2,300 USD tiền thuế còn nợ, cùng với 12,700 USD tiền phạt, tiền lãi, và chi phí.
Quận Hennepin đã tịch thu căn hộ của bà Tyler, trị giá 93,000 USD, và bán lại căn hộ này với giá chỉ 40,000 USD. Thay vì giữ lại 15,000 USD mà bà nợ quận này, quận đã giữ lại toàn bộ 40,000 USD, tương đương với 25,000 USD lợi nhuận bất ngờ.
Bà Tyler đã kiện, lập luận rằng chính phủ đã vi phạm Điều khoản Thu hồi của Tu chính án thứ Năm khi tịch thu tài sản vượt quá khoản nợ. Vụ kiện của bà đã bị các tòa án bác bỏ, trong đó có Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực 8, nơi cho rằng việc tịch thu tài sản hợp pháp đã xóa bỏ quyền lợi đối với tài sản của chủ sở hữu.
Nhưng Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ tuyên bố, quận đã đi quá xa trong việc giữ số tiền thu nhập bất minh này.
Nguyên tắc rằng chính phủ là không được phép lấy của người đóng thuế nhiều hơn số tiền họ nợ dựa trên luật của Anh và ít nhất đã có từ thời Magna Carta năm 1215. Và các tiền lệ của Tối cao Pháp viện từ lâu đã công nhận rằng người đóng thuế có quyền được hưởng phần vốn vượt quá số nợ, tòa án đã tuyên bố vào thời điểm đó.
Chánh án John Roberts viết cho tòa án: “Điều khoản Trưng thu ‘được thiết kế để ngăn chặn Chính phủ buộc một số người phải một mình gánh vác những gánh nặng công cộng mà, xét một cách công bằng và công minh, nên do toàn thể công chúng phải gánh chịu.’”
“Một người đóng thuế mất căn nhà trị giá 40,000 USD của mình cho Tiểu bang để trả khoản nợ thuế 15,000 USD đã đóng góp cho tài chính công nhiều hơn rất nhiều so với những gì bà ấy đã nợ.”
Hôm 05/06, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã đồng thời chấp thuận các kiến nghị xem xét lại của các nguyên đơn Kevin cùng Terry Fair và Sandra Nieveen trong khi bỏ qua giai đoạn tranh luận bằng miệng khi mà lẽ ra bản chất của vụ án sẽ được xem xét.
Một số luật sư gọi quy trình này là GVR, viết tắt của việc chấp thuận một bản kiến nghị (grant), bác bỏ phán quyết của tòa án cấp dưới (vacate), và gửi trả hồ sơ để tiếp tục quy trình (remand).
Các nhà phê bình nói rằng quá trình này là một phần của cái gọi là quy trình “shadow docket” mà họ cho là thiếu minh bạch. (“Shadow docket” là bản án ẩn, theo đó quá trình ra phán quyết của Tối cao Pháp viện về một kiến nghị cứu trợ khẩn cấp khỏi lệnh của một tòa án cấp dưới — vốn chưa ra phán quyết cuối cùng — được đưa ra mà không có sự lắng nghe tranh luận bằng miệng giữa các bên, và lý do đằng sau phán quyết của Pháp viện được giữ kín, không như các vụ án bình thường).
Theo đơn kiện của vụ Fair kiện Continental Resources (hồ sơ tòa án số 22-160), căn nhà trị giá 60,000 USD của vợ chồng ông bà Kevin và Terry Fair đã bị quận Scotts Bluff, Nebraska, và Continental Resources lấy đi vì khoản nợ thuế 5,200 USD.
Theo quy chế tịch thu tài sản thế chấp của tiểu bang, quận đã hủy bỏ quyền lợi của cặp vợ chồng này đối với ngôi nhà bằng cách chuyển toàn bộ quyền sở hữu nhà cho Continental mà không tổ chức đấu giá và không cho cặp vợ chồng này bất kỳ cơ hội nào để thu hồi lại vốn chủ sở hữu.
Đơn kháng cáo của gia đình nhà Fair lên Tòa án Tối cao Nebraska đã bị bác bỏ hồi tháng 03/2022.
Trong một vụ án khác, Nieveen kiện Tax 106 (hồ sơ tòa án số 22-237), “căn nhà trị giá 62,000 USD của bà Sandra Nieveen đã bị lấy đi vì bà không trả được khoản nợ 3,800 USD, một hình phạt tịch thu tài sản trị giá gấp mười sáu lần số tiền nợ.”
Tài sản này bị quận Lancaster, Nebraska, và một doanh nghiệp có tên là Tax 106 trưng thu.
Theo đơn kiến nghị của bà Nieveen, “Người hưởng vốn chủ sở hữu nhà của bà Nieveen sau khi trả khoản nợ thuế và các chi phí liên quan, đã không phải là tiểu bang, mà là một nhà đầu tư tư nhân đã thu được 1,631% lợi nhuận bất ngờ chỉ riêng cho tài sản này, vi phạm điều khoản sử dụng công cộng của Tu chính án thứ Năm cũng như yêu cầu về bồi thường công bằng.”
Đơn kháng cáo của bà Nieveen lên Tòa án Tối cao Nebraska đã bị bác bỏ hồi tháng 05/2022.
Luật sư Christina Martin của PLF, người đã tranh luận về vụ kiện của bà Tyler trước Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, đã ca ngợi các phán quyết mới.
“Tối cao Pháp viện đã phán quyết ở vụ Tyler rằng khi chính phủ lấy vốn chủ sở hữu nhà của một người để trả nợ thuế địa ốc, thì họ vi phạm Điều khoản Trưng thu của Hiến Pháp. Theo tinh thần của phán quyết đó, rõ ràng là quá trình bán để thu thuế của Nebraska là vi hiến.”
“Giờ đây, hai vụ kiện từng được luật Nebraska ủng hộ, Fair kiện Continental Resources và Nieveen kiện Tax 106 sẽ được xem xét lại dưới tinh thần của vụ Tyler. Nhưng có 20 tiểu bang khác cho phép đánh cắp vốn chủ sở hữu nhà ở dưới một loại hình thức nào đó.”
Bà Martin nói trong một tuyên bố cung cấp cho The Epoch Times: “Những tiểu bang này nên được thông báo: thay đổi luật của các vị hoặc đối mặt với thiệt hại hàng triệu USD tại tòa.”
The Epoch Times đã liên lạc để nhận được tham vấn từ các chính phủ tiểu bang và các công ty đầu tư liên quan đến hai vụ việc này.
Tính đến thời điểm phát hành bản tin này, vẫn chưa có hồi âm nào từ ông Eric Hamilton của Văn phòng Tổng Chưởng lý Nebraska cũng như từ các biện lý quận ở quận Scotts Bluff và quận Lancaster, Nebraska.
The Epoch Times đã đề nghị luật sư Casandra Langstaff của Continental Resources ở Koley Jessen ở Omaha đưa ra bình luận nhưng không nhận được phản hồi tại thời điểm phát hành bản tin.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times