Bài học giáo huấn từ truyền thuyết giếng rượu thời Minh
Trong Hồi thứ nhất của tiểu thuyết “Hồng Lâu Mộng”, nhân vật Chân Sĩ Ẩn nghèo túng chống gậy đi trên đường giải sầu, bỗng nhiên nhìn thấy một vị Đạo nhân bị thọt chân đi về phía mình. Vị đạo sĩ thọt chân vừa đi vừa hát rằng:
“Thế nhân đô hiểu Thần Tiên hảo, duy hữu công danh vong bất liễu;
Cổ kim tương tương tại hà phương, nhất đôi hoang trủng thảo một liễu.
Thế nhân đô hiểu Thần Tiên hảo, chích hữu kim ngân vong bất liễu;
Chung triêu chích hận tụ vô đa, cập đáo đa thì nhãn bế liễu.
Thế nhân đô hiểu Thần Tiên hảo, chích hữu kiều thê vong bất liễu;
Quân sinh nhật nhật thuyết ân tình, quân tử hựu tùy nhân khứ liễu.
Thế nhân đô hiểu Thần Tiên hảo, chích hữu nhi tôn vong bất liễu;
Si tâm phụ mẫu cổ lai đa, hiếu thuận tử tôn thùy kiến liễu.”
(Trích Hồi thứ nhất, “Hồng Lâu Mộng”)
Tạm dịch thơ:
Người đời đều cho Thần Tiên hay, mà chuyện công danh lại vẫn say!
Xưa nay tướng soái nơi nào đây, một dãy mồ hoang cỏ mọc đầy!
Người đời đều cho Thần Tiên hay, những hám vàng bạc lòng không khuây!
Suốt ngày những mong chứa cho đầy, đến lúc đầy rồi nhắm mắt ngay!
Người đời đều cho Thần Tiên hay, nhưng thích vợ đẹp lòng không khuây!
Lúc sống ái ân kể suốt ngày, lúc chết liền bỏ theo người ngay!
Người đời đều cho Thần Tiên hay, muốn đông con cháu lòng không khuây!
Xưa nay cha mẹ thực khờ thay, con hiền cháu thảo ai thấy đây?
(Bản dịch của nhóm dịch giả Vũ Bội Hoàng)
Đây chính là bài “Hảo Liễu Ca” nổi tiếng, ngôn ngữ cổ từ thẳng thắn, nghe rất đơn giản. Ca từ hát rằng, những vị quan tướng một lòng cầu công danh, cuối cùng mộ mọc đầy cỏ hoang; người đời một đời vất vả bôn ba, kết quả là vì tiền mà mất mạng, cái gì cũng không thể mang theo; đàn ông yêu say đắm người vợ trẻ xinh đẹp, nhưng người vừa mới chết, vợ trẻ liền tái giá theo người; cha mẹ cả đời vì con vì cháu mà khổ tâm lo lắng, nhưng có mấy người có thể hiếu dưỡng cha mẹ đến cuối đời.
Xét cho cùng, “Hảo Liễu Ca” chính là một câu bạch thoại, nói rằng: Con người sống ở trên đời, tham niệm quá nhiều, so đo tính toán quá nhiều; nhưng một khi đại nạn đến, thì những thứ vốn vất vả một đời truy cầu được, lại không thể mang theo.
Chân Sĩ Ẩn rất có túc duyên tuệ căn, nghe qua bài hát “Hảo Liễu Ca” của Đạo sĩ thọt chân, trong lòng bỗng nhiên tỉnh ngộ, lập tức cùng theo Đạo sĩ thọt chân nhẹ nhàng rời đi, vận mệnh vì thế mà chuyển hướng, sinh mệnh xoay chuyển mà đạt được thăng hoa.
“Nhân chi sơ, tính bản thiện”, rất nhiều người có bản tính hiền lành lương thiện, luôn có một tình cảm đặc biệt hướng về thế giới Thần Tiên. Chỉ vì mê ở chốn hồng trần, biết rằng làm Thần Tiên tốt hơn so với người thường, nhưng lại không thể buông bỏ được tham niệm và những ràng buộc trong lòng, cuối cùng khó mà siêu thoát. Họ dù cho thực sự có gặp được người tu Đạo, nhưng bị tham niệm thao túng, cũng sẽ đánh mất đi phúc phận và thiện lương vốn có.
Vào thời nhà Minh, ở huyện Đồng Lư, tỉnh Chiết Giang, có truyền thuyết về một giếng rượu. Theo “Quái Viên” ghi chép, tương truyền có một vị Đạo sĩ vân du tứ phương đi đến vùng này, thường dừng lại ở một quán rượu và uống rất nhiều rượu, mỗi lần uống xong thì đi, hiếm khi nói lời cảm ơn đối với chủ quán. Thế nhưng chủ quán cũng không hỏi tiền rượu của ông. Mỗi lần vị Đạo sĩ này đến, chủ quán rượu đều dùng Lễ để tiếp đón, rất tôn kính. Cứ như vậy chuyện diễn ra trong thời gian rất lâu.
Một hôm, vị Đạo sĩ từ biệt với chủ quán rượu, lấy ra hai viên thuốc từ trong chiếc hộp ở trong túi da cá mang bên người ra, viên thuốc sắc màu vàng mà lại rất cứng, to như mắt rồng. Đạo sĩ cho hai viên thuốc vào trong giếng nước, rồi nói với chủ quán rượu rằng: “Mấy lần làm phiền Quân gia thiết đãi rượu ngon, ân cần khoản đãi, mà ta không thể hồi báo. Hôm nay ta lấy những viên thuốc này bỏ vào trong giếng, mỗi ngày nó có thể cung cấp cho ông rượu ngon để thiết đãi khách nhân, như vậy cũng không cần cực khổ chưng cất rượu nữa.” Dứt lời, vị Đạo sĩ liền rời đi.
Ngày hôm sau, nước trong giếng phun lên cao, lấy ra nếm thử thì đúng là vị rượu ngon ngọt tinh khiết. Hương rượu thuần khiết thơm nức mũi, làm say lòng người. Vì thế nó được gọi là “Rượu Thần Tiên”.
Chủ quán rượu không cần vất vả chưng nấu gạo ủ rượu nữa, cũng có thể ngồi thu lời lớn. Dựa vào viên thuốc mà Đạo sĩ ban tặng, chủ quán rượu đã tích lũy được số của cải khổng lồ. Kinh doanh quán rượu được 30 năm, từ đó trở thành đại phú.
Còn vị Đạo sĩ kia, sau khi ném viên thuốc xuống giếng thì mai danh ẩn tích. Mãi đến 30 năm sau, vào một ngày nọ, Đạo sĩ một lần nữa đi đến huyện Đồng Lư để thăm người chủ quán rượu xưa.
Đạo sĩ ung dung hỏi chủ quán rượu: “Quân gia từ sau khi có được giếng rượu, đã kiếm được bao nhiêu tiền?”
Chủ quán rượu nói: “Rượu thì đúng là rượu ngon, thế nhưng còn thiếu bã rượu cho heo ăn, đây cũng là một việc đáng tiếc vậy.”
Đạo sĩ thở dài một tiếng, nói rằng: “Sự bất bình của lòng người, đã đến mức này rồi sao?” Nói rồi vươn cánh tay ra hướng vào trong giếng, vớt viên thuốc mà ngày trước ném xuống giếng lên. Điều kỳ lạ chính là, viên thuốc dẫu đã ngâm trong nước nhiều năm, thế nhưng không chỉ không bị hòa tan, mà ngay cả màu sắc cũng không khác gì so với 30 năm trước, không một chút biến đổi. Sau khi Đạo sĩ thu lại viên thuốc, mùi rượu trong giếng cũng không còn, mùi vị của nước giếng lại trở về như trước đây.
Chủ quán rượu vì lỡ lời, cảm thấy vô cùng hổ thẹn và hối hận. Từ đó, chuyện làm ăn của quán rượu cũng trở nên tiêu điều. Đến thời nhà Minh, khi Tiền Hi Ngôn ghi chép lại việc này, tàn tích của giếng rượu ấy vẫn còn. Những người già ở trong vùng đó vẫn lưu truyền rộng rãi về chuyện này, kể mãi không dứt.
Lại nói tiếp, vị chủ quán rượu trong câu chuyện vốn bản tính thiện lương, dùng Lễ đối đãi tôn kính với vị Đạo sĩ, và vị Đạo sĩ cũng là dùng thiện để báo đáp với người. Nhưng, một chút tham niệm vốn có kia sẽ là một tỳ vết trong bản tính của con người, bình thường khó phát hiện nhưng đã dần dần lan rộng ăn sâu, cuối cùng trở thành vết thương ngăn trở sự thăng hoa của vận mệnh. Có lẽ, đây chính là bài học giáo huấn lưu lại cho con người thế nhân của truyền thuyết về giếng rượu này.
Đỗ Nhược thực hiện
Lý Mai biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ